Làm thế nào để các thương hiệu thời trang vẫn tồn tại trong cuộc “đối thoại” sôi động với khách hàng?
Ngày đăng: 08/11/24
Trong bối cảnh ảm đạm hiện tại của ngành kinh tế, thách thức của các thương hiệu thời trang không chỉ là tìm cách tồn tại trên thị trường mà còn phải giữ được sức nóng trong mọi cuộc bàn tán của khách hàng.
Năm 2024 đem lại không ít khó khăn cho thế giới thời trang. Đó là một năm buồn khi ngành công nghiệp nghìn tỷ này chứng kiến không ít cửa hàng đóng cửa, các thương hiệu ngừng hoạt động, báo cáo thua lỗ từ nhà mốt đình đám, cùng hàng loạt màn từ giã của những giám đốc sáng tạo. Pierpaolo Piccioli đột ngột rời khỏi ngôi đền sáng tạo của Valentino; Hedi Slimane cũng vừa “vứt áo ra đi” với chốn thân thương Celine; còn Chanel vẫn chưa tìm được “vị vua” ưng ý sau màn từ biệt của Virginie Viard.
Trong khi đó, doanh thu quý 3 của Kering gây thất vọng khi doanh số của Gucci giảm 26%. Báo cáo lợi nhuận của Kering phản ánh một giai đoạn đầy thách thức cho ngành xa xỉ toàn cầu khi doanh thu của tập đoàn giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 3,8 tỷ euro (khoảng 4,1 tỷ USD). Không chỉ có Gucci, Burberry cũng phải đối mặt với tình hình doanh thu không mấy khả quan trong thời gian gần đây; mặc dù đã bổ nhiệm một giám đốc sáng tạo và giám đốc điều hành mới, khiến nhà mốt này dễ rơi vào tình thế bị “thâu tóm”. Cảnh quan thời trang Việt cũng ảm đạm không kém.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đáng buồn đó, làng mốt cũng chứng kiến nhiều sự phát triển ngoạn mục của nhiều thương hiệu. Trong bức tranh tẻ nhạt của Kering, Bottega Veneta nổi lên như một điểm sáng khi doanh thu của thương hiệu tăng 4% nhờ vào mức tăng trưởng hai con số tại Bắc Mỹ và châu Âu; trái ngược hoàn toàn với những khó khăn mà các thương hiệu khác trong tập đoàn đang gặp phải. Hermès đã duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong quý 3, ghi nhận doanh thu tăng 10% theo tỷ giá hối đoái hiện tại, đưa doanh thu quý lên 3,7 tỷ euro (3,9 tỷ USD). Doanh thu hợp nhất của tập đoàn trong 9 tháng đầu năm đạt 11,2 tỷ euro (12 tỷ USD), tăng 11%, làm nổi bật khả năng của Hermès trong quá trình đối mặt và ứng phó với biến động thị trường.
Quay lại ngành thời trang Việt Nam, năm 2024 chứng kiến nhiều tin vui từ các thương hiệu. Sau nhiều màn thành công ở thị trường quốc tế, FANCì Club chào đón tín đồ thời trang Việt tại cửa hàng vật lý đầu tiên ở “quê nhà”. LSoul vẫn tiếp tục khẳng định sức hút của mình, không chỉ thành công ở thị trường Việt mà còn là “cái tên” thân quen trong tủ quần áo của nhiều thần tượng nổi tiếng. Bức tranh thời trang Việt năm 2024 vẫn còn nhộn nhịp nhờ sức hút từ các show diễn, từ độc lập đến được tổ chức bởi các đơn vị báo chí, chẳng hạn như SR Celebrating Local Pride 8 vào ngày 10.11 sắp tới. Không chỉ sân chơi trong nước, nhiều nhà thiết kế Việt đã mang “màu cờ” đất nước ra thế giới: NTK Đỗ Mạnh Cường đã trình làng bộ sưu tập SIXDO Xuân Hè 2025 tại tuần lễ thời trang Shanghai; trong khi đó, NTK Trần Hùng và NTK Diệp Yến sẽ cùng nhau trình làng những thiết kế mới nhất London Fashion Week Xuân Hè 2025; và tài năng trẻ Phan Đăng Hoàng tiếp tục khiến làng mốt Việt tự hào với show diễn thành công tại tuần lễ thời trang Milan Xuân Hè 2025.
Những màn thành công đó tạo nên một động lực phát triển cho nhiều thương hiệu khác, để có thể cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện tại. Vậy làm thế nào để các thương hiệu giữ được sức hút của mình trên thị trường và luôn tồn tại trong cuộc “đối thoại” sôi động với khách hàng?
“Đánh tâm lý” khách hàng bằng những câu chuyện cảm hứng gắn liền với giá trị truyền thống
Một trong những cách để các thương hiệu có thể tồn tại “bất biến” trên dòng chảy xu hướng luôn biến động liên tục là làm thế nào để lại được nhiều giá trị sáng tạo đặc sắc, thay vì cứ đâm đầu vào cuồng quay sản xuất “mì ăn liền”. Điều này đồng nghĩa với việc đầu tư vào chất lượng trang phục phải phát triển song song với cách kể chuyện bằng hình ảnh hiện đại, nghĩ ra được nhiều chiến lược quảng bá “bắt thóp” được insight của người trẻ, cũng như tập trung khai thác những nguồn cảm hứng mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt là rút gọn khoảng cách với kho di sản truyền thống.
Được xem là một trong những “viên ngọc quý” của thời trang Việt, nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng luôn biết cách “gây chú ý”, mặc dù chặng đường phát triển thương hiệu không mấy suôn sẻ từ “mắc kẹt” trong giai đoạn phong tỏa vì đại dịch đến giai đoạn đối mặt với cảnh quan kinh tế khó khăn. Các thiết kế của Phan Đăng Hoàng không chỉ đẹp về mặt thẩm mỹ, hay sở hữu kỹ thuật chế tác đạt tiêu chuẩn chuyên môn mà còn mang đậm ý nghĩa văn hóa và phản ánh hành trình nghệ thuật. Phía sau những thiết kế tinh xảo của Phan Đăng Hoàng là nguồn cảm hứng gắn liền sâu sắc với các giá trị truyền thống Việt Nam, từ văn hóa đến nghệ thuật, hoặc vẻ đẹp thiên nhiên. Các bộ sưu tập “Sculpture”, “Sonder” và “Ceramics” đều là lòng tôn kính của nhà thiết kế dành cho hình tượng người phụ nữ Việt; trong khi đó, ở bộ sưu tập “A Dose Of Joy” các giá trị tinh thần Việt được xây dựng một cách rõ nét trên nền tảng bình dị, âm hưởng tươi vui của các trò chơi dân gian, Tết Thiếu Nhi, ngày lễ Trung Thu với miền quê, cánh đồng, con mương dưới cơn mưa bóng mây chợt rào chợt tạnh…
Bản thân là một Gen Z chính hiệu, Phan Đăng Hoàng còn biết cách thu hút người trẻ bằng câu chuyện giữa quá khứ và tương lai. Những bộ trang phục truyền thống hay những bức họa của các họa sĩ Việt nổi tiếng được nhà thiết kế khéo léo cách tân thành các kiểu dáng thời thượng, sở hữu tính ứng dụng cao. Là một nhà thiết kế đại diện cho thế hệ mới, Phan Đăng Hoàng không bỏ quên quá khứ; thay vào đó là bảo tồn, phát huy và khuyến khích người trẻ cùng nhau tôn vinh di sản truyền thống thông qua ngôn ngữ thời trang đương đại.
Phát triển bền vững cùng lời cam kết với môi trường
“Thời trang nhanh”, tuy dễ tiếp cận đến số đông khách hàng, nhưng về khía cạnh lâu dài, thương hiệu sẽ khó tồn tại trong ngành công nghiệp sáng tạo luôn thay đổi. Bởi lẽ, cốt hồn của ngành thời trang sản xuất như “mì ăn liền” phụ thuộc chủ yếu vào xu hướng. Một khi xu hướng mới thay thế, thương hiệu bắt buộc vào thay đổi toàn bộ định hướng hoạt động để đáp ứng thị hiếu nhất thời của người tiêu dùng. Nếu không chạy kịp theo tốc độ chuyển đổi giữa xu hướng cũ và mới, thương hiệu của bạn cũng dễ bị “thổi bay” trên thị trường. Sản xuất ồ ạt với giá thành siêu rẻ, thời trang nhanh gây tổn hại nặng nề với môi trường. Nhận thức được thực trạng đáng báo động, ngành công nghiệp sáng tạo tập trung đẩy mạnh sứ mệnh bảo vệ “mẹ thiên nhiên” bằng nhiều biện pháp bền vững.
Thời trang bền vững là một hành trình dài, không có đích cụ thể, đòi hỏi sự đầu tư và theo đuổi kiên định. Đã có nhiều nhà thiết kế, thương hiệu quốc tế đánh dấu thành công trong chặng đường gian khó này như Stella McCartney, những nhà mốt xa xỉ như Chanel và Gucci cũng đảm bảo cam kết với sứ mệnh đề cao tính bền vững. Trong suốt 18 năm hình thành và phát triển, WHITE ANT là một trong số ít thương hiệu thời trang Việt tiên phong theo xu hướng bền vững, luôn đề cao và đảm bảo sứ mệnh cải thiện chất lượng sản phẩm song song với bảo vệ môi trường. White Ant đã xác định cho mình tầm nhìn hướng đến trở thành một công ty bền vững trong mọi khía cạnh, từ sản phẩm, tuổi đời cho tới cách làm việc, luôn đặt yếu tố hòa hợp với thiên nhiên lên hàng đầu. Đối với thương hiệu, xây dựng sức ảnh hưởng bằng chất lượng sản phẩm, mới chính là công cụ quảng bá hiệu quả lâu dài cho nhãn hàng, cũng như thể hiện sự sáng tạo, lối sống “xanh” và bản sắc văn hóa Việt.
Bên cạnh việc sử dụng những chất liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường và tạo dựng một môi trường làm việc nhân văn, WHITE ANT vẫn đảm bảo đường nét thiết kế được đầu tư chất xám tỉ mỉ – đem đến những gợi ý thời trang vừa thời thượng về mặt thẩm mỹ vừa bền vững với môi trường sống. Vì thế, từ khi thành lập vào năm 2006 cho đến nay, không có gì dễ hiểu khi WHITE ANT vẫn là thương hiệu nổi bật tại thị trường, là cái tên quen thuộc trong mọi tủ quần áo của người phụ nữ Việt.
Sức mạnh của liên minh
Trong lĩnh vực đề cao sáng tạo, rất khó để những cái tôi chịu “ngồi” lại cùng nhau phát triển ý tưởng trong một màn hợp tác. Vì thế những cú bắt tay giữa các thương hiệu thời trang luôn là một trong những cách để thu hút sự chú ý của cả làng mốt một cách dễ nhất. Tùy vào từng kỷ nguyên, chúng ta chứng kiến những xu hướng liên minh khác nhau. Có rất nhiều cách để màn hợp tác giữa các thương hiệu thu hút khuấy động làng mốt, dẫn đầu mọi cuộc bàn luận trên mạng xã hội: tạo nên những sản phẩm hưởng ứng xu hướng mới, để lại nhiều thông điệp nhân văn và mục đích có ý nghĩa với cộng đồng từ sản phẩm, hoặc đơn giản chỉ là “bắt tay” với một thương hiệu đối lập, không cùng lĩnh vực. SKIMS và Swarovski, Crocs và Simone Rocha, Jacquemus và Nike, là những cuộc gặp gỡ khó-có-thể-giao-thoa nhưng đã để lại nhiều thành công vượt sức tưởng tượng. Bên cạnh những cú bắt tay giữa hai thương hiệu đối lập, cũng có nhiều thương hiệu đến với nhau, “hút” nhau vì cùng chung một sứ mệnh.
Là một thương hiệu thời trang công sở ra đời từ năm 2010, trải qua hơn 1 thập kỷ phát triển, K&K Fashion luôn giữ được phong độ của mình, vẫn là thương hiệu được nhiều phụ nữ, đặc biệt là các quý cô văn phòng trên toàn quốc ưa chuộng. Bởi lẽ, thương hiệu vốn nổi tiếng bởi những thiết kế mang tính ứng dụng cao, nhưng vẫn thiết kế tỉ mỉ và dẫn đầu xu hướng đương đại. Để lan tỏa và thúc đẩy tôn chỉ sáng tạo đó, thương hiện sẵn sàng tìm những “người bạn tâm giao” cùng nhau phát triển.
Sàn diễn tôn vinh giá trị Việt – SR Celebrating Local Pride chứng kiến nhiều cuộc hợp tác được chủ trương bởi K&K Fashion. Đến với SR Celebrating Local Pride Spring/Summer 2023, K&K Fashion đã hợp tác cùng NTK Nguyễn Minh Công để từ DNA thời trang của cả hai kết hợp tạo nên một màu sắc thời trang ấn tượng và riêng biệt. Ở mùa tiếp theo, K&K Fashion mang đến cuộc gặp gỡ bất ngờ với NTK Phi Phạm. Một K&K Fashion luôn thanh lịch và một Phi Phạm tỉ mỉ, tinh tế đã mang đến bộ sưu tập “The New Feminist” – được đánh giá là làn gió mới cho phong cách thời trang công sở đặc trưng của K&K, khéo léo tái hiện lại hình ảnh những quý cô thập niên 40 – 50s thanh lịch, thời thượng, song, không kém phần cá tính và mạnh mẽ.
Nâng cấp trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng vật lý
Trong thời đại mua sắm trực tuyến được phát triển mạnh mẽ vượt bậc, các thương hiệu vẫn không quên đầu tư, nâng cấp trải nghiệm tại các cửa hàng vật lý. Bởi lẽ, đó là cơ hội để khách hàng tương tác trực tiếp với sản phẩm, câu chuyện của thương hiệu. Giờ đây các cửa hàng mua sắm không chỉ đơn thuần được đầu tư nội thất sang trọng, mà còn khai thác được mối liên giao giữa thời trang, nghệ thuật, văn hóa cũng như âm nhạc – đẩy mạnh một trải nghiệm liên ngành độc đáo.
Mối quan hệ đối tác mới nhất giữa Balenciaga và nghệ sĩ Andrew J. Greene là minh chứng cho xu hướng kết hợp này. Dự án “the Art in Store” sẽ trở thành tâm điểm tại cửa hàng Montenapoleone của Balenciaga ở Milan. Được đặt phía sau mặt tiền cửa hàng Balenciaga, những tác phẩm từ dự án “Timeless Symbols” của Greene mời gọi người xem chiêm nghiệm về ý nghĩa của chúng trong nền văn hóa tiêu dùng. Tất cả tạo ra góc nhìn mới mẻ cho những ai bước vào thế giới siêu thực và hài hước của Balenciaga.
Ở thị trường Việt Nam cũng có nhiều cuộc mở rộng liên giao như vậy. Ngoài đầu tư vào bối cảnh không gian mua sắm, nhiều thương hiệu còn phát triển nhiều ý tưởng sáng tạo khác để thu hút khách hàng. Ví dụ, trong sự kiện khai trương cửa hàng mới, Cara Club đã “bắt thóp” insight của thời đại với chính sách ưu đãi đặc biệt: tặng Labubu phiên bản đặc biệt cho các đơn hàng có giá trị nhất định. Trước đó, thương hiệu OnOn Made cũng “level up” trải nghiệm mua sắm với màn collab độc đáo giữa nhiều thương hiệu khác biệt: Cheese Coffee, thương hiệu trang sức Gypsylala, và thương hiệu hoa Love, Rosie – tạo nên một địa điểm check-in được giới trẻ yêu thích.
Thực hiện Dory