Trò chơi nhập vai hành động: Vùng đất mới chưa được khai phá của ngành xa xỉ
Ngày đăng: 15/07/21
LARPing (Live Action Role Playing), viết tắt của một trò chơi nhập vai hành động trực tiếp, hay Jubensha (“Kịch bản của kẻ sát nhân” trong tiếng Trung), hiện đã chính thức trở thành một trào lưu mới trong giới trẻ Trung Quốc. Không một ai biết được trò chơi bắt đầu từ đâu bỗng nhiên trở thành xu hướng chỉ sau một đêm.
Nội dung trò chơi rất đơn giản: trò chơi thường diễn ra trong những studio; người chơi giả định các nhân vật sau đó tương tác với nhau để điều tra một vụ án. Tất cả hoạt động đều dựa trên một kịch bản được viết chặt chẽ, tạo câu chuyện thú vị cho mỗi nhân vật và người chơi có cơ hội diện những trang phục và hoàn toàn nhập vai vào chúng
Thời trang, vốn đã dựa trên niềm đam mê, khao khát và sự mê hoặc, vì thế có thể xem thời trang có rất nhiều điểm giao thoa với những thứ mập mờ, mờ ám. Niềm yêu thích của công chúng đối với các chương trình, sách và podcast về tội phạm cũng đã tăng cao. Trong đó, bộ phim House of Gucci có sự tham gia của Lady Gaga dựa trên vụ giết người có thật về Maurizio Gucci dự kiến ra mắt vào tháng 10 năm nay. Vậy thì giờ đây, giới trẻ Trung Quốc chỉ đang thực hiện bước tiếp theo – giả định các vụ án ấy ở ngoài đời.
Cơn sốt dần dần được thịnh hành tại Trung Quốc sau khi chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng Who’s the Murderer – Ai là kẻ sát nhân? được công chiếu. Những ngôi sao, người nổi tiếng sẽ đảm nhận đóng vai trong trò chơi này. Qua nhiều mùa, chương trình dần trở thành một hit lớn. Theo Viện nghiên cứu Meituan, giá trị thị trường của lĩnh vực này là hơn 1,5 tỷ USD vào năm 2019, cao gấp đôi so với năm 2018.
Với nhu cầu ngày càng tăng về trải nghiệm được nhập vai từ Thế hệ Z, thị trường tăng trưởng của trò chơi nhập vai hành động và nguồn trò chơi như King’s Avatar hay Love O2O đang bùng nổ. Đặc biệt nó ngày càng tăng mạng khi các thương hiệu tạo sự kết nối trên nền tảng kỹ thuật số với người tiêu dùng của mình.
Khái niệm “Kịch bản vụ án giết người bí ẩn” là một cách phát triển của trò chơi nhập vai hành động. Trò chơi có thể được chơi ở mọi cấp độ, diễn ra ở khắp mọi nơi từ việc ngồi xung quanh cái bàn nhỏ cho đến địa điểm nghỉ dưỡng cuối tuần. Các studio nơi có thể chơi các trò chơi hành động này đã xuất hiện ở tất cả các thành phố lớn ở Trung Quốc và những người sáng lập của họ vẫn còn rất trẻ – một số ở độ tuổi 20.
Vì vậy, ngành xa xỉ có thể học được gì từ bước nhảy vọt của Trung Quốc trong xu hướng Trò chơi nhập vai hành động?
Tính cộng đồng và sự hòa nhập tạo nền tảng cho trải nghiệm sang trọng
Kể từ khi COVID-19 xảy ra, xu hướng này càng tăng nhanh: phương tiện truyền thông địa phương báo cáo rằng vào tháng 11/ 2020, tổng số studio LARPing (Trò chơi nhập vai hành động) tại Trung Quốc là 30.000, tăng trưởng 150% so với năm 2019. Đối với các thương hiệu cao cấp luôn khao khát tạo sự tiếp cận trong cộng đồng thì LARPing mang đến một cơ hội mới.
Gu Xiaolei, Giám đốc Đổi mới tại Fabernovel, cho biết Trò chơi nhập vai hành động đang thu hút đông đảo người hâm mộ vì nó mang đến cho các thế hệ trẻ (thậm chí cả những người thuộc thế hệ Millennials cũng thích nó) một hoạt động nhóm offline mới, điều mà Trung Quốc thường thiếu. “Theo quan sát của tôi, có rất nhiều yếu tố xã hội đối với các hoạt động theo xu hướng này.” cô cho biết.
Gu Xiaolei giải thích: “Những đứa trẻ con một sống ở thành phố có thể làm điều này với bạn bè hoặc những người mà chúng không biết, vì vậy, với cách nhập vai này, nó mô phỏng một sự kết nối xã hội”. Hơn nữa, trò chơi cũng rất phong phú, ở chỗ bạn có thể có một danh tính, một tính cách mới giống như khi bạn chơi trò chơi trực tuyến và ý tưởng này là tạo ra một danh tính phù hợp hoàn hảo với sở thích của giới trẻ.
“Bạn có thể sống một cuộc sống giả lập trong hai giờ. Một cuộc sống hoàn toàn khác biệt, một thứ gì đó không phải là bạn. Chọn một nhân vật và tạo ra một cá tính, đó là xu hướng điển hình của Gen Z,” cô bổ sung.
Những cách mà ngành xa xỉ có thể thực hiện
Thật vậy, có rất nhiều con đường khả thi để gia nhập thế giới trò chơi nhập vai hành động này. Siyuan Meng, tác giả của nhiều bài viết về Trò chơi nhập vai hành động của ấn phẩm trực tuyến RADII, nhận định rằng có nhiều cơ hội để các thương hiệu thử nghiệm trước khi chính thức gia nhập vào lĩnh vực này. “Chúng ta có thể thấy trò chơi này diễn ra thông qua các studio LARP tinh vi đặt tại các khách sạn cao cấp với thiết kế bối cảnh, hiệu ứng âm thanh, hình ảnh xuất sắc và cả trang phục sang trọng,” cô gợi ý.
Hơn nữa, Siyuan Meng khuyên các thương hiệu nên khai thác thị trường trang phục và phụ kiện hoặc thậm chí thiết lập một không gian riêng của thương hiệu tại các studio diễn ra trò chơi nhập vai hành động (đặc biệt là những studio cung cấp dịch vụ lưu trú qua đêm). “Họ có thể hợp tác với các studio cao cấp cho các sự kiện hoặc thiết kế quà tặng theo chủ đề nhập vai. Tôi nghĩ các thương hiệu xa xỉ như Dior, Tiffany, Louis Vuitton, Bvlgari và Swarovski đều có thể quan tâm, vì họ tập trung vào khách hàng Thế hệ Z.”
Ngoài ra, các doanh nghiệp muốn khám phá lĩnh vực này cần phải chú ý đến sự liên kết của xu hướng này với phong trào Hán Phục đang phát triển khi một số studio cung cấp bối cảnh lịch sử. Báo cáo của iiMedia Consulting vào tháng 1 năm nay cho thấy cả số lượng người hâm mộ trang phục truyền thống Hán Phục ở Trung Quốc đều đang tăng lên nhanh chóng. Dự đoán rằng số lượng người hâm mộ sẽ đạt 6,894 triệu người vào năm 2021 và doanh thu trên thị trường sẽ đạt 1,6 tỷ USD.
Siyuan Meng đồng ý rằng đây sẽ là một xu hướng cho ngành xa xỉ khi “cơn sốt Hán Phục đang diễn ra và phong trào sử dụng sản phẩm made-in-China (sản xuất tại Trung Quốc) đang được quan tâm.” Tuy vậy, điều này đi kèm với “mối nguy hiểm cho các thương hiệu không có kiến thức sâu về Hán Phục” và văn hoá địa phương. Do đó, các sự kiện của thương hiệu, sự kiện lộng lẫy vào những ngày cuối tuần có thể mang đến những cơ hội trải nghiệm sang trọng, đồng thời tốt hơn hết nên tránh những kịch bản bắt nguồn từ các sự kiện lịch sử.
Những nỗ lực của ngành xa xỉ ở thời điểm hiện tại
Như Gu Xiaolei đã chỉ ra sự lặp lại của xu hướng, chẳng hạn như trò truy tìm kho báu và trốn thoát khỏi phòng đã diễn ra, điều này cho thấy sức hấp dẫn của cơn sốt. “Các khái niệm tương tự rất hấp dẫn – đặt ra các tính cách để diễn giải sản phẩm của bạn nhưng đồng thời còn thể hiện trên văn bản. Thương hiệu nước hoa Penhaligon’s của Anh có cốt truyện với bộ sưu tập có tên là Portraits với các mỗi kí hiệu đầu động vật khác nhau biểu tượng cho một nhân vật.”
Khai thác sự thành công từ chương trình Who’s the Murderer (Ai là kẻ sát nhân?), Hermès đã tổ chức một triển lãm nhập vai “Wanderland” ở Thượng Hải. Hermès đã biến Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Thượng Hải thành một cuộc truy tìm kho báu công phu. Các chuyến xe buýt đưa khách hàng từ cửa hàng thời trang hàng đầu của Hermès đến bảo tàng, sau đó đến những căn phòng ẩn chứa manh mối cho một bộ phim nhập vai gợi lên cảm giác hoá thân vào một nhân vật – một thám tử từ thế kỷ 19.
Sự phát triển của các ứng dụng tập trung vào Trò chơi nhập vai hành động như BaiBianDaZhenTan (百变 大 侦探) và Woshimi (我 是 谜) đồng nghĩa rằng xu hướng này cũng có thể dễ dàng chuyển sang trực tuyến. Các thương hiệu cao cấp có thể tận dụng lợi thế này. Vừa qua, Salvatore Ferragamo đã ra mắt một trò chơi trực tuyến có tên là Enigma, trò chơi này tiết lộ Bộ sưu tập mùa xuân năm 2021 của thương hiệu trong khi người chơi có thể khám phá nước Ý với tư cách là một thám tử. Trò chơi thu hút người chơi bằng cách yêu cầu họ giải bốn câu đố khi họ khám phá một số địa điểm (và các sản phẩm đặc trưng) ở Milan.
Cuối cùng, như Gu Xiaolei đã đề cập, trào lưu kịch bản truy tìm kẻ sát nhân chủ yếu dựa vào văn bản – cách viết kịch bản và cách kể chuyện. Valentino gần đây đã thay đổi các chiến lược tiếp thị truyền thống và tung ra quảng cáo chỉ có văn bản đầu tiên trong ngành thời trang. Điều này đòi hỏi sự tập trung vào việc các thương hiệu phải có câu chuyện thuyết phục mạnh mẽ để giữ chân khách hàng. Như Siyuan Meng gợi ý, thương hiệu có thể hỗ trợ các tác giả của Trò chơi nhập vai hành động như một sự đầu tư vào lĩnh vực này.
Với sự nổi lên của phong trào tin dùng hàng nội địa “Guochao”, một số thương hiệu quốc tế đang mất dần sự tỏa sáng vì họ không thể chỉ dựa vào những người nổi tiếng và KOL để truyền tải câu chuyện của họ nữa. Các sự kiện nhập vai với cách kể chuyện thông minh và phức tạp ghi dấu ấn cho mọi người có thể giúp các thương hiệu cao cấp trau chuốt câu chuyện thời trang của họ và có khả năng thu hút Gen Z nhập vai trong quá trình này.
Chuyển ngữ: Như Quỳnh
Theo Jing Daily