[Local Pride] Marky Atelier: Giấc mơ thời trang tại nước Úc

Ngày đăng: 11/06/19

Marky Atelier, một thương hiệu trẻ ra mắt được 2 năm tại Úc, được gầy dựng bởi NTK Marky Dong. Ít người biết, đằng sau một thương hiệu là nhiều lần loay hoay giải những bài toán khó về kinh tế, đối mặt với những thử thách khắc nghiệt để tìm được khách hàng trong một thị trường rộng lớn với cậu sinh viên tốt nghiệp ngành Bachelor of Branded Fashion Design của trường Billy Blue College of Design.

NTK Marky Dong

Marky Atelier, được biết đến là một thương hiệu thời trang cao cấp, dành riêng cho khách hàng trung lưu theo mỹ cảm và gu cảm thẩm mỹ riêng, đề cao cái tôi của những người phụ nữ sành điệu. NTK Marky Dong, người thành lập thương hiệu chia sẻ: “Trước khi trở thành Marky Atelier, bản thân Marky đã phải thay đổi tên thương hiệu rất nhiều lần. Đó là khoảng thời gian bế tắc nhất sau khi tốt nghiệp vì những sản phẩm làm ra không tìm được đúng đối tượng khách  hàng”. Tuy nhiên, cậu sinh viên của ngành thời trang không bỏ cuộc, điều này cũng thể hiện rõ nét qua logo hình con rắn của thương hiệu và những ý nghĩa hàm chứa trong nó.

Chọn lựa giấc mơ hay thực tế?

Vốn là một tín đồ theo đuổi phong cách Maximal, Marky đã bộc lộ cái tôi đầy khác biệt ngay từ lúc học ở trường. Nếu các bạn cùng trang lứa chọn sự đơn giản, tinh tế hoặc phóng khoáng để theo đuổi thì Marky lại đi theo hướng ngược lại: đầy màu sắc và những chi tiết phức tạp. Bên cạnh đó, vẻ đẹp cổ điển cũng là triết lý mà Marky theo đuổi, đó là lý do vì sao trong thiết kế của Marky luôn có những chiếc đầm tay cape, tay phồng hay phom dáng bút chì được thêu đính thủ công đầy tinh tế.

Trước khi thống nhất tên gọi thành Marky Atelier, thương hiệu có tên là Reflection, ngụ ý là giải tỏa cái tôi cá nhân. Phong cách thương hiệu theo đuổi lúc bấy giờ là unisex và đối tượng khách hàng lúc đó là những bạn trẻ theo đuổi phong cách nổi loạn. Sau khoảng 3 năm, tình hình kinh doanh không phát triển thêm do đối tượng khách hàng theo đuổi phong cách này không nhiều. Đặc biệt là sự sụp đổ của Saxony, tượng đài phong cách Unisex lớn nhất tại Australia. Marky hoàn toàn chán nản và đóng cửa Reflection.

Trong thời gian đó Marky theo đuổi công việc kinh doanh cà phê và làm stylist cho các công ty người mẫu. Mọi việc tưởng sẽ chấm dứt, cho đến một ngày ý tưởng của BST La Vie En Rose ra đời. Bất ngờ hơn, BST được mua toàn bộ bởi một luật sư nổi tiếng tại Úc, Luật sư Đan Phượng Nguyễn. BST đã giúp vực dậy ý chí của Marky Dong, và giúp anh kết nối với rất nhiều khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu. Từ đó Marky Atelier dần phát triển theo hướng riêng của mình…

Marky Atelier – Phát triển thêu thủ công Việt Nam

Marky Atelier lúc mới thành lập chuyên thiết kế riêng cho từng khách hàng từ trang phục đi làm cho đến đi tiệc, và đa phần là những bộ trang phục dự tiệc được thực hiện cầu kỳ để giúp khách hàng trở nên nổi bật trong sự kiện. Sau thành công quá lớn của BST Birds of Paradise, Marky Atelier mang đến cho khách hàng thêm dòng sản phẩm thời trang ứng dụng hàng ngày.

Bảo tồn di sản nghệ thuật thêu thủ công của Việt Nam và dung hoà được nhu cầu của khách hàng tại úc là hướng đi của thương hiệu. Đặc biệt là tại đất nước đa sắc tộc như Úc thì những chi tiết thêu thủ công rất được khách hàng yêu thích.  

“Birds of Paradise” là BST thành công nhất của Marky Atelier, sử dụng thủ pháp thêu thủ công trên nền vải silk, taffeta silk, silk jersey. Chất liệu mềm mại, thoáng mát với những hình thêu đính được ưa chuộng vì phù hợp với thời tiết mùa hè nước Úc. Tháng 5 vừa qua, BST được trình diễn trong lễ hội thời trang thường niên tại Tây Úc Western Sydney Fashion Festival. Marky Atelier cũng tiên phong trong việc bán thiết kế từ trước show diễn. Các thiết kế được đặt và may đo theo phom dáng của khách hàng.

Làm sao để một thương hiệu non trẻ của người Việt có thể tồn tại và phát triển tại thị trường nước Úc, Marky Dong chia sẻ, dựa trên kinh nghiệm của bản thân anh: “Tùy theo thị trường mình muốn kinh doanh mà kinh nghiệm và bài học sẽ hoàn toàn khác nhau hoàn toàn. Ở một đất nước mà các chương trình như Next top model hoặc Project Runway đều không bao giờ lọt vào top rating của đài, mà là du lịch và cuộc sống, thì kinh doanh thời trang càng khó khăn hơn bao giờ hết. Điều quan trọng đầu tiên nếu một thương hiệu muốn tồn tại thị trường Úc nếu như chưa có hậu thuẫn kinh tế thì hãy bắt đầu bằng việc kết nối với các local boutique tại các khu vực có nhiều khách như Cabramatta, Newtown, Chinatown, Chatwood. Khách châu Á rất chịu chi trong vấn đề làm đẹp”.

Thực hiện: S-R 

Ảnh: Ann Doan 

 


Để hỗ trợ quảng bá cho tất cả NTK và thương hiệu Việt, đồng thời lan tỏa và nâng cao niềm tin yêu và ủng hộ thời trang Việt, chiến dịch Local Pride/ Giá trị Việt được ra đời từ Style-Republik.com – Chuyên trang giám tuyển thời trang uy tín tại Việt Nam. Tham gia chiến dịch Local Pride – Giá Trị Việt, vui lòng gửi thông tin về email info@2021.dmavietnam.com.