Những NTK hàng đầu chia sẻ cách giúp thương hiệu vượt qua năm 2025 biến động
Ngày đăng: 24/04/25
Giữa làn sóng thuế quan gia tăng và những chuyển mình không ngừng của các tuần lễ thời trang, các nhà thiết kế như Kim Shui và Iris van Herpen đã hé lộ bí quyết để xây dựng thương hiệu thời trang vừa bền vững vừa mang dấu ấn riêng.
Năm nay vừa bắt đầu đã cho thấy những cơn địa chấn mới trong ngành công nghiệp thời trang. Từ mức thuế khắt khe của Mỹ đang làm chao đảo ngành sản xuất may mặc, việc Hội đồng thời trang Anh (BFC) hủy bỏ Tuần lễ thời trang London tháng Sáu, cho đến “vòng xoay” bất tận của các giám đốc sáng tạo – thời trang thế giới đang bước vào một thời kỳ chuyển mình không khoan nhượng.
Giữa bối cảnh đó, những giá trị như cộng đồng, thiết kế cá nhân hoá và tính minh bạch đang dần vươn lên thành ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, các video TikTok từ xưởng sản xuất Trung Quốc đang đẩy các thương hiệu xa xỉ vào tâm điểm chỉ trích, mở ra cơ hội hiếm có cho những cái tên mới trên bản đồ thời trang.
Kết hợp những kiến thức và các cuộc phỏng vấn mới nhất của trang Jing Daily, các nhà thiết kế đã tiết lộ những chia sẻ/lời khuyên quý giá để vận hành một thương hiệu thời trang thành công trong năm 2025.

Xây dựng một mô hình kinh doanh mang dấu ấn riêng
Iris van Herpen – Nhà thiết kế đến từ Hà Lan
“Điều quan trọng là phải tạo nên bản sắc riêng với tư cách là một người sáng tạo, nhưng đồng thời cũng cần xây dựng những nguyên tắc kinh doanh của riêng bạn. Những người làm sáng tạo thường sợ hãi nên dễ tìm đến người khác để xin lời khuyên về kinh doanh — nhưng bạn hoàn toàn có thể sáng tạo với mô hình kinh doanh của mình, và điều đó có thể mang lại rất nhiều lợi thế”.


Kim Shui, nhà thiết kế thời trang nữ tại New York
“Khởi nghiệp và phát triển với nguồn lực hạn chế là một thách thức lớn. Việc cân bằng giữa sáng tạo nghệ thuật và tính ứng dụng trong đời sống đòi hỏi rất nhiều thử nghiệm và sai sót. Việc liên tục nghe những câu trả lời ‘không’ khiến tôi nản lòng, và nhiều người nói với tôi rằng ước mơ của tôi là không thực tế.. Vượt qua sự hoài nghi có nghĩa là phải giữ vững tập trung và tiếp tục tiến về phía trước, bất chấp những nghi ngờ xung quanh. Chúng tôi tối ưu hóa kế hoạch sản xuất và giảm thiểu chất thải bằng cách làm việc theo mô hình đặt hàng trước (pre-order), đảm bảo chúng tôi chỉ sản xuất những gì cần thiết. Chúng tôi đã hợp tác với một xưởng may do gia đình quản lý ngay từ đầu, theo dõi họ phát triển và tuyển dụng thêm nhân viên”.


Hiểu nhu cầu thương mại và khoảng trống thị trường
Susan Fang, nhà thiết kế người Trung Quốc
“Thương mại không có nghĩa là một chiếc áo thun; mà là việc tìm ra khoảng trống trên thị trường và nhu cầu xã hội. Chúng tôi đã rất bất ngờ khi chiếc túi ‘bubble bag’ trông như một món trang sức và chỉ đựng vừa chiếc điện thoại lại trở nên cực kỳ phổ biến. Nhưng nó được ra mắt đúng vào thời điểm Trung Quốc bắt đầu số hóa thanh toán. Mọi người không còn cần ví để trả tiền nữa, họ chỉ cần mang theo điện thoại. Thế nên, đó là một thời điểm hoàn hảo”.


Samuel Ross, người sáng lập SR_A
“Điều đó phụ thuộc vào mong muốn của nhà thiết kế. Bạn muốn xây dựng một thương hiệu xa xỉ hiện đại có lợi nhuận hay một thương hiệu có sự cộng hưởng văn hóa sâu sắc? Câu trả lời của tôi sẽ khác nhau đối với từng mục tiêu đó. Điều thay đổi cuộc đời tôi là tập trung vào việc xây dựng một thương hiệu có thể tiếp cận được nhiều người. Nếu mục tiêu của bạn là tiếp cận và thu hút được nhiều người, thì điều quan trọng là phải thu hút họ đến với bạn hơn là đẩy họ ra xa”.

Kết nối văn hoá và tính chân thực
Wang Chen Tsai-Hsia, giám đốc sáng tạo tại Shiatzy Chen
“Tự tin văn hoá là nền tảng quan trọng nhất. Các nhà thiết kế nên đào sâu vào cội nguồn văn hoá của mình và tìm cách kết nối những yếu tố đó với thẩm mỹ đương đại. Giữ đúng bản sắc, chú ý chặt chẽ đến tay nghề thủ công và chi tiết, và hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng là tất cả những điều cần thiết để xây dựng một thương hiệu có sức sống lâu dài trong ngành thời trang luôn thay đổi”.


Xây dựng cộng đồng và tinh thần hợp tác
Skepta, nghệ sĩ âm nhạc và người sáng lập của Mains
“Lời khuyên của tôi dành cho những người làm sáng tạo? Rất dễ để ở một mình và tự mình nghĩ ra ý tưởng. Nhưng hãy nói chuyện với mọi người, vì đâu đó ngoài kia, có người đang cần đến sự giúp đỡ của bạn và bạn cũng có thể cần đến họ”.

Cân bằng giữa sáng tạo và trách nhiệm kinh doanh
Astrid Andersen, người sáng lập của Stel
“Tôi ước mình đã được trải nghiệm rõ ràng hơn sự khác biệt giữa việc là một nhà thiết kế thời trang và việc sở hữu một thương hiệu thời trang của riêng mình. Khi bạn ra mắt một thương hiệu mang tên chính mình, như tôi đã làm, ngay sau khi tốt nghiệp, đó là một đặc ân lớn khi được ngành hỗ trợ thông qua các nền tảng tài năng và chương trình cố vấn. Nhưng trên thực tế, bạn trở thành một CEO từ ngày đầu tiên — trong khi bạn được đào tạo là một nhà thiết kế. Bạn phải yêu thích yếu tố khởi nghiệp cũng nhiều như bạn yêu thời trang. Khi bạn được chọn vào các chương trình ươm mầm tài năng, đó là vì bạn đã thể hiện xuất sắc về ngôn ngữ thiết kế và sự sáng tạo. Nhưng ngay lập tức, bạn sẽ phải đảm nhiệm những vai trò như tài chính, hậu cần, sản xuất, nhân sự,… những lĩnh vực mà bạn hoàn toàn chưa có thế mạnh — và bạn sẽ học bằng cách dấn thân. Đó là một hành trình học tập gian nan, nhưng tôi cũng không bao giờ mong muốn con đường của mình khác đi”.

Chuyển ngữ theo Jing Daily
Thực hiện Elio