LVMH, Tod’s được gì từ việc trùng tu các di sản như Nhà thờ Đức Bà hay Đấu trường La Mã?
Ngày đăng: 18/03/20
Khoản tài trợ từ những ông lớn như LVMH đang mang lại nhiều ích lợi cộng đồng. Thông qua các dự án, lòng tôn trọng đối với các di sản và cộng đồng địa phương dần được hồi phục; sau hàng loạt lời chỉ trích rằng các thương hiệu chỉ quan tâm đến doanh thu và những mục đích riêng tư.
Nhiều thương hiệu thời trang đang giúp trùng tu các di sản khắp thế giới trong gần 2 thập kỉ qua: Versace và Prada chung tay tu bổ trung tâm thương mại xa hoa Galleria Vittorio Emanuele II tại Milan vào đầu năm 2008. Nối bước là dự án tu bổ cây cầu Rialto tại Venice của nhãn hiệu giày Diesel vào 7 năm sau. Fendi với khoản tài trợ 2 triệu Euro (2,241 triệu USD) trùng tu đài phun nước phong cách Baroque Trevi ở Rome năm 2013; nguồn quỹ của Bulgari giúp khôi phục công trình Bậc tam cấp Tây Ban Nha 2 năm sau đó. Và mới đây nhất là kế hoạch 5 năm của tập đoàn Tod’s tu bổ đại đấu trường La Mã Colosseum, bước đầu hoàn thành vào 4 năm trước.
LVMH cũng lên kế hoạch bảo dưỡng Château de Versailles và các khu vực lân cận. Dior, sau show diễn Xuân-Hè 20 với sân khấu là một khu vườn trong nhà, tuyên bố hợp tác 5 năm với Bảo tàng Louvre. Dự án sẽ khôi phục vườn Tuileries, một địa danh ở Paris được tạo ra vào năm 1564, nơi vừa trình diễn bộ sưu tập Thu-Đông của Dior. Vào năm 2017, Prada đã giúp một tay giúp phục hồi Rong Zhai, một biệt thự đầu thế kỷ 20 ở Thượng Hải.
Chanel nổi bật với dự án 25 triệu Euro cho việc phục hồi Grand Palais, địa điểm trình diễn lịch sử của hãng, dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Và cũng không thể không kể đến những đóng góp của các ông lớn LVMH và Kering, cho khoản tiền trị giá 1 tỷ euro được quyên góp cho việc phục hồi nhà thờ Đức Bà Paris, bị hư hại nặng nề do hỏa hoạn vào tháng 4 năm 2019.
Những đóng góp của các nhãn hiệu thời trang là hoàn toàn tự nguyện. Các chi tiết rất khác nhau đối với từng dự án, nhưng chính phủ Ý luôn chào đón các nhà tài trợ tư nhân để cứu di tích của đất nước này khi vào năm 2010, nợ công đã đạt mức đáng kinh ngạc 120% GDP quốc gia.
Những khoản tài trợ khổng lồ này là cách hợp tác mà đôi bên đều có lợi. Vì hầu hết các nhãn hiệu đều có các cửa hàng hoặc đã từng tổ chức sự kiện tại các địa danh này. Tùy thuộc vào năm mà dự án đó khởi động, thương hiệu sẽ được giảm một mức thuế hấp dẫn 60-65%, cho các khoản tiền từ thiện ở Pháp hoặc đóng góp cho văn hóa Ý. Một sự tính toán thông minh về mặt truyền thông, đó cũng là động cơ mà Diesel tài trợ cho cầu Rialto và Fendi đối với đài phun nước Trevi. Nếu giá trị truyền thông đi kèm đối với việc phục hồi một di tích văn hóa là chưa đủ, thì việc tổ chức các bữa tiệc xa hoa, đầy người nổi tiếng hoặc ra mắt vài buổi trình diễn sẽ được lên kế hoạch khi dự án hoàn thành.
Điều đó không có nghĩa là các thương hiệu không thực sự quan tâm đến những nơi mà họ gọi là nhà.
“Các công ty tư nhân đóng vai trò chính trong việc bảo tồn văn hóa, vì văn hóa là một phần di sản mà chúng tôi muốn truyền lại cho các thế hệ tương lai” Lucia Boscaini, giám tuyển thương hiệu và di sản của Bulgari cho biết, cô là người thành lập và phát triển dự án khôi phục “Bậc tam cấp Tây Ban Nha”. “Các công ty được hưởng lợi từ phong cảnh độc đáo do thành phố mang đến với kho báu nghệ thuật và kiến trúc mà mỗi năm thu hút hàng triệu khách du lịch đóng góp vào lợi nhuận của công ty. Sự bảo trợ là cách để chúng tôi đáp đền cho thành phố độc đáo này.”
“Các công ty được hưởng lợi từ phong cảnh độc đáo do thành phố mang đến với kho báu nghệ thuật và kiến trúc mà mỗi năm thu hút hàng triệu khách du lịch đóng góp vào lợi nhuận của công ty. Sự bảo trợ là cách để chúng tôi đáp đền cho thành phố độc đáo này.”
Còn với Chủ tịch Tập đoàn Tod’s, Diego Della Valle, nói về việc bảo tồn di sản là đại biểu cho tương lai và là “niềm tự hào của người Ý”. “Đất nước này cần những thanh niên tin rằng họ có thể làm việc ở Ý, tìm việc ở nhà, nói cách khác là một cuộc sống bình yên, không nghĩ đến việc phải rời khỏi đất nước” anh nói vào mùa hè năm 2016, khi dự án phục hồi của Đấu trường bắt đầu. “Chúng ta có thể hỗ trợ các khu vực xung quanh hoạt động kinh doanh theo những cách khác nhau. Và khi các doanh nghiệp trở nên lớn mạnh, chúng tôi có thể đủ khả năng tham gia vào các dự án quy mô như thế này.”
Về khía cạnh nhân đạo, theo Jane da Mosto, đồng sáng lập của We Are Here Venice – một tổ chức phi lợi nhuận giải quyết các vấn đề gây khó chịu cho thành phố Ý, đánh giá đây sẽ là bước tiến quan trọng đối với quá trình trùng tu.
“Chỉ có một Venice, chỉ có một công trình cầu Rialto. Các công nghệ cần có để phục vụ cho quá trình tu bổ, những tính toán, kỹ thuật thủ công cũng được huy động cho một dự án đặc biệt như thế này. Nó cho thấy tầm quan trọng của con người tác động đến thành phố.” Cô nói. Jane da Mosto cho biết thêm rằng người dân không bận tâm chuyện quảng cáo trắng trợn. Nhưng các thương hiệu có thể làm tốt hơn nếu quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng, gồm cả những buổi tiệc sau dự án cho người dân thành phố chứ không riêng các vị khách VIP.
“Chúng tôi cảm thấy như những người bảo vệ sự sáng tạo, khôi phục những di sản quý giá” Brunello Cucinelli
“Nếu các thương hiệu thực hiện những đợt phục hồi như thế này, họ nên tôn trọng cộng đồng địa phương hơn là mãi nghĩ đến những lợi ích cá nhân” Jane da Mosto nói.
Một thương hiệu luôn đặt người dân trong tâm trí khi thực hiện các dự án phục hồi là Brunello Cucinelli, đã nổi lên sau một trận động đất năm 2016 ở Norcia, cách trụ sở thương hiệu ở thị trấn Solomeo hai giờ lái xe. Công việc phục hồi trên các địa danh lịch sử như Tu viện St Benedictine và Nhà hát Norcia – đôi khi được gọi là Nhà hát Thành phố hoặc Teatro Civico – cả hai đều có từ những năm 1800, và Torre Civica thế kỷ 14, tất cả dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm nay.
“Trong nhiều năm, thương hiệu Brunello Cucinelli đã yêu thích thị trấn nhỏ này, nơi được coi là ‘thành phố của tâm hồn’, và chúng tôi muốn giúp trả lại thành phố và các tượng đài của nó cho cư dân của Norcia càng sớm càng tốt,” ông nói. “Đây là một ý tưởng xuất phát từ những nhân viên đáng kính của chúng tôi và tôi thấy nó rất thú vị. Chúng tôi muốn cảm thấy như những người bảo vệ sự sáng tạo cùng nhau, hỗ trợ mọi người nâng cao mức sống, làm việc với họ để khôi phục các di tích quý giá.”
Hoạt động từ thiện của anh không dừng lại ở đó. Trong 27 năm qua, Cucinelli đã bơm hàng triệu đô la vào Solomeo để tân trang lại lâu đài của thế kỷ 14 nằm trong thị trấn – nơi hiện đang là một trường học – và Nhà thờ St Bartholomew, có từ thế kỷ 12, cũng như xây dựng một nhà máy rượu và một nhà hát – tất cả là dành cho một thị trấn chỉ có hơn 430 người gọi là nhà.
Cucinelli cho biết, “Ngày nay, vùng ngoại ô là một vấn đề trên toàn thế giới, nhưng cũng vì lý do này mà chúng có thể trở thành nơi đặc biệt và mang đến cảm giác dễ chịu.”
“Tại Solomeo, chúng tôi đã khôi phục mối quan hệ mật thiết giữa vùng trung tâm và vùng ngoại ô, thứ vốn không còn tồn tại ở nhiều nơi. Chúng tôi tập trung vào việc khôi phục cẩn thận từng chi tiết nhỏ, và điều này được thực hiện liên tục với tình cảm để tưởng nhớ đến cha ông của chúng tôi.”
Dù mục đích của những dự án là gì, bất kể là gắn tên thương hiệu/cá nhân vào một phần lịch sử, hay đứng trên bình diện đạo đức nào đó. Thì những khoản đầu tư to lớn này vẫn được xem là một cử chỉ rất đáng hoan ngênh, không chỉ từ người dân địa phương mà là cả thế giới.
Các thương hiệu giờ đây có thể trở nên ít khoe mẽ hơn sau những lời chỉ trích: tháng 3 năm ngoái, Ferragamo đã ký kết với việc phục hồi Đài phun nước Fountain of Neptune ở Florence. Năm ngoái, Fendi đã đầu tư vào việc khôi phục bốn đài phun nước ít được biết đến của Rome – Acqua Paola, Mosè, Peschiera và Acqua Vergine – đã mở cửa trở lại vào tháng 11.
Trong khi đó, Bulgari đã quyên góp 985 000 euro để tân trang quảng trường Largo di Torre Argentina của Rome, một địa điểm khảo cổ có phần khó tiếp cận đối với công chúng và ít hấp dẫn trên Instagram hơn nhiều so với Bậc thang Tây Ban Nha – cho thấy họ thực sự quan tâm đến giá trị di sản văn hóa.
Biên dịch: Hiếu Lê
Theo Scmp
Ảnh: Internet