Maria Grazia Chiuri MMXX: Tinh thần Ý in đậm dấu ấn trong cốt lõi của Dior
Ngày đăng: 08/10/20
Giám đốc sáng tạo của một trong những nhà mốt danh tiếng nhất của Pháp đã dẫn chúng ta dạo quanh ngôi nhà ở nước Ý của bà ấy và lắng nghe bà chia sẻ về Ý – quê hương của bà và Pháp – nơi bà đang nắm giữ vị trí Giám đốc Sáng tạo của Dior.
Từ sân thượng của căn hộ áp mái ngụ ở vị trí trung tâm của thành phố Rome, nhìn ra hướng tây nam là một cảnh tượng thể hiện sức mạnh của thời gian trong việc biến những điều hoang sơ trở nên hùng vĩ tráng lệ. Phía bên tay trái là Nhà hát Marcellus; khánh thành bởi Hoàng đế Augustus vào năm 12 trước Công nguyên. Ở bên tay phải là mái vòm của Giáo đường Do Thái, kiêu hãnh dưới ánh mặt trời ngay tại một trong những khu nhà ở Do Thái lâu đời nhất trên thế giới. Và đằng xa kia là những rêu phong cổ kính của hòn đảo Tiberina tại vị ngay giữa dòng sông Tiber, đã có tuổi đời lịch sử từ tận thời tiền La Mã cho đến ngày nay.
Đứng trên đỉnh tòa nhà nhỏ và trang nhã đã đứng vững tại đây từ thế kỷ 15, ta ngộ ra rằng: thành phố này đã ở đây từ rất lâu rồi. Một vẻ đẹp lộng lẫy vượt thời gian và bất biến, nhưng vẫn sống – và sống cùng – đến nỗi tất cả đều cảm thấy bằng cách nào đó, không thể ngờ được… “Bình thường” – Chiuri buột miệng với một cái nhún vai rất Ý. Đó là một buổi sáng nắng nóng của tháng Bảy, và bữa sáng là bánh mì cornetti tươi, những miếng dưa chín và những quả dâu rừng. Chuông ở quảng trường Piazza di Campitelli gần đó vang lên. Tiếng ồn ào của đường phố Via di Teatro Marcello vọng lên. Bà ấy cười và nói “Ở Rome, chúng tôi nhìn xung quanh và chứng kiến những dấu tích lịch sử này, nhìn mọi thứ chúng tôi có, và cảm thấy tất cả đều rất… bình thường.”
Trở thành giám đốc sáng tạo của Dior từ năm 2016, Chiuri ngày nay là một công dân của Paris, và là một người phụ nữ được trọng vọng. Là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm lãnh đạo nhà mốt nổi tiếng của Pháp, được trao tặng Bắc Đẩu Bội Tinh (Légion d’Honneur) vào năm 2019 bởi bộ trưởng bình đẳng giới của Pháp ghi nhận công lao của Chiuri trong việc đặt nữ quyền lên hàng đầu trong thiết kế của Dior. Nhưng cô ấy vẫn là người Ý tận sâu trong tim mình: trong gốc gác, trong tâm tính, và trong gần suốt 30 năm làm việc tại 2 nhà mốt danh tiếng bậc nhất nước Ý. Sau khi tốt nghiệp trường Istituto Europeo di Design của thành phố vào những năm 80, bà đã làm việc tại bộ phận thiết kế phụ kiện dưới mái nhà Fendi, và trong vô số những đóng góp nổi bật tại đây, bà đã có công lớn trong việc cho ra mắt chiếc túi Baguette – nhỏ nhắn, xinh đẹp và được mệnh danh là chiếc túi “It bag” đầu tiên – trước khi cùng cộng sự lâu năm Pierpaolo Piccioli đi đầu quân cho Valentino, nơi bà đã làm việc trong 17 năm. Chính Valentino Garavani đã chiêu mộ bộ đôi này. Bà đã dành tám năm làm việc với tư cách là đồng giám đốc sáng tạo với Piccioli, cho đến khi bà được mời vào làm việc ở Dior.
Việc sinh ra và lớn lên bao quanh những di sản nghệ thuật và kiến trúc có tuổi đời hơn 20 thế kỷ đã ảnh hưởng rất nhiều đến thế giới quan và sự nghiệp của bà. Rome là một thành phố được bao phủ bởi từng lớp, từng lớp lịch sử.
Cùng như thành phố Rome của Ý, ngôi nhà của Chiuri cũng mang trong mình lớp lớp câu chuyện, cả mới lẫn cũ. Ngôi nhà tràn ngập những màu sắc từ những tác phẩm hội họa, nội thất được bao phủ bởi nhung và lụa màu cam và vàng chanh. Sàn nhà có màu hạt óc chó tự nhiên, không bóng bẩy quý tộc nhưng rất có gu. Rải rác khắp nhà là các chậu cây xanh tươi, bên dưới sàn là những tấm thảm nhiều màu sặc sỡ. Giá sách áp tường ngay lối đi vào đầy ắp sách và đồ lưu niệm.
Trong căn bếp rộng, nắng vàng đổ xuống ghế, xuống bàn cẩm thạch Carrara. Chiuri bước đi quanh nhà, chân không giày, khuôn mặt không trang điểm: “Có một điều là khi ở Rome, tôi có một cuộc sống vô cùng đơn giản.” Nghệ thuật luôn là trọng tâm cuộc sống của bà ở cả Pháp lẫn Ý nhưng đặc biệt ở đây, nó như sống cùng bà ở mọi khoảnh khắc và với bà, Galleria Nazionale d’Arte Moderna có một vị trí rất quan trọng trong trái tim của bà.
Ở Pháp, với cương vị là người tiếp quản và chăm sóc một thương hiệu được coi là báu vật quốc gia khiến bà có nhiều cái nhìn khác hơn về nghệ thuật ở Ý: “Ở Pháp, người ta cực kỳ coi trọng văn hóa, một cách vô cùng trang trọng. Và thời trang cũng như thế, cũng trang trọng với người Pháp như bảo tàng vậy. Còn ở Ý, chúng tôi đôi khi quên mất điều đó, như thể chúng là một phần trong cuộc sống của chúng tôi, như thể chưa có gì đổi thay vì nó đã ở đây cả 2000 năm rồi và chúng tôi luôn nghĩ chúng sẽ ở đó mãi cho đến nhiều thế hệ sau nữa mà chẳng phải làm gì để giữ gìn nó cả. Người Ý không phải lúc nào cũng bảo vệ, cũng khư khư tôn sùng như cách của người Pháp làm đối với di sản của họ.”
“Với tôi, người Ý đã đánh mất cơ hội của mình. Ở Pháp, hay Nhật, nghệ thuật thủ công là nghệ thuật đẳng cấp. Còn ở Ý, làm việc bằng tay từ lâu đã bị coi là một nghề không cao quý.” Điều đó thật đáng tiếc bởi Ý có một nguồn chất liệu nghệ thuật vô cùng trù phú. Và cũng không hề bất ngờ khi bộ sưu tập Resort 2021 được bà trình diễn ở Lecce (một thành phố ở Puglia) chứ không phải Paris, dưới ánh đèn lung linh huyền ảo như lễ hội truyền thống của Puglia và những màn biểu diễn của vũ công và nhạc sĩ và chính bộ sưu tập mang tinh thần của năm 90s là kết của sự hợp tác của Chiuri và các nghệ nhân địa phương.
“Những người phụ nữ đó không có kinh nghiệm gì về thời trang, về văn hóa thời trang. Tôi thực sự phải giải thích cho họ thời trang nghĩa là gì: là làm gì, làm cho ai. Nhưng tôi cũng không ngần ngại cho họ biết rằng tôi vô cùng vui mừng khi được làm việc cùng họ. Điều quan trọng là trong bộ sưu tập này, tôi và cộng đồng này có một cuộc đối thoại. Trong thời trang, người ta luôn ra rả về sự hòa nhập nhưng hòa nhập thực sự chỉ là khi chúng ta có những cuộc đối thoại như thế này.”
Tinh thần Ý của Chiuri đã ảnh hưởng như thế nào đến Dior? Ở Ý, tinh thần doanh nghiệp rất quan trọng, bà đã học được nhiều điều từ Fendi và Valentino. Chiuri đã đem những giá trị đó về Dior. Bà mất một tuần để tìm hiểu và gặp mặt tất cả các phòng ban. Một số nhân viên đã rất bất ngờ vì họ chưa từng gặp mặt giám đốc sáng tạo trước đây. Cách tiếp cận của bà hoàn toàn khác với những giám đốc sáng tạo người Pháp tiền nhiệm.
Sự thuyết phục và tận tâm trong công việc của Chiuri đã tạo động lực rất lớn cho tất cả nhân viên tại Dior. Bà tin rằng cách làm việc của bà qua thời gian sẽ động viên và khuyến khích mọi người “vui đùa nhiều hơn, tử tế với nhau hơn”. Bà nói chuyện với tất cả mọi người, trả lời email cho người khác bằng một cuộc điện thoại. Bà đã đem sự thoải mái vào môi trường có phần trang trọng này. Những nhà mốt của Pháp rất đặc biệt nhưng Chiuri hiểu rằng, đằng sau ánh hào quang và hoa lệ đó cũng chỉ là một doanh nghiệp, bình thường, như bà vẫn thường hay nói.
Lược dịch: M.
Theo bài viết Maria Grazia Chiuri MMXX: the Roman vision at the heart of Dior đăng trên Financial Times