Met Gala 2025: Các nhà sáng tạo da màu nói gì về Black Dandyism?

Ngày đăng: 03/05/25

Trước thềm Met Gala 2025, người ta đã nói nhiều về chủ đề, khách mời, dresscode. Nhưng với những nhà sáng tạo da màu trong thời trang, họ nghĩ gì về “Black Dandyism”?

Vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Năm, Met Gala 2025 chính thức trở lại với chủ đề “Superfine: Tailoring Black Style” – một tuyên ngôn thời trang mang sắc thái chính trị, tôn vinh nghệ thuật cắt may trong văn hóa da đen và di sản thẩm mỹ mà những người đàn ông da màu đã bền bỉ kiến tạo, gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ.

Chủ đề năm nay cũng là trọng tâm của triển lãm Xuân 2025 tại Viện Trang phục Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. “Superfine: Tailoring Black Style” đưa thời trang da màu trở lại vị trí trung tâm, không chỉ như một phong cách, mà như một lực đẩy văn hóa. Từ dresscode “Tailored for You” đến từng thiết kế trên thảm đỏ, Met Gala năm nay khẳng định tầm ảnh hưởng sâu rộng của các quý ông da đen trong lịch sử và hiện tại của ngành thời trang.

Bên trong bảo tàng, hình tượng Black Dandy hiện lên như một biểu tượng thẩm mỹ táo bạo: thanh lịch, ngạo nghễ, thấm đẫm tự hào. Còn nơi thảm đỏ, di sản ấy không nằm trên giảng giải mà chuyển hóa thành từng đường cắt may, từng bước catwalk, từng lựa chọn cá nhân thấm đẫm câu chuyện chung.

Năm nay cũng là lần đầu tiên Viện Trang phục dồn toàn bộ sự chú tâm để tôn vinh các nhà thiết kế Mỹ gốc Phi, đặc biệt khi menswear lần hiếm hoi được đẩy lên tuyến đầu kể từ năm 2003. Tuy nhiên, nơi khiến giới mộ điệu ngóng trông nhất vẫn là thảm đỏ, nơi thời trang không còn là trang phục, mà là diễn ngôn.

Bởi lẽ, Black Dandyism chưa từng chỉ là thời trang. Đó là phản kháng bằng cái đẹp, là khẳng định quyền được rực rỡ, quyền được hiện diện, và quyền được lắng nghe. Những “dandy” chân chính không bị đóng khung trong tủ kính bảo tàng, họ đang sống, sáng tạo, và từng ngày định nghĩa lại vẻ đẹp của tự do và phẩm giá.

“Black Dandyism là màn trình diễn thời trang khéo léo, nơi những quy chuẩn cũ được tháo gỡ và tái lắp ráp bằng ý thức, thêm một chút châm biếm. Đây là hành động lấy lại những giá trị từng loại trừ người da đen và tái định nghĩa nó. Đây không chỉ là phong cách, mà là ngôn ngữ để hiểu bản sắc da đen trong thời trang” – Rian Phin, học giả thời trang (Fashion Theorist).

Biểu tượng thời trang André Leon Talley.

Giám đốc thời trang Dazed Imruh Asha

“Là duyên dáng. Là thanh lịch. Là niềm tự hào. Là sự tỉ mỉ đến từng chi tiết”.

Nhà thiết kế Priya Ahluwalia

“Black Dandyism là sự song hành giữa thiết kế và cá tính, giữa truyền thống và tái tạo. Nó phản chiếu chính hành trình sống của tôi: lớn lên giữa ba nền văn hóa: Nigeria, Ấn Độ và Anh. Với tôi, Dandyism là niềm vui nhưng cũng là sự phản kháng, là cách hiện diện trong thế giới với vẻ đẹp có chủ đích, mang theo những lớp lang bản sắc và ký ức. Mỗi thiết kế tại Ahluwalia là lời kể về cộng đồng người di cư, về hành trình trở thành chính mình”.

Tổng biên tập Dazed Ib Kamara

“Đây là niềm tin tuyệt đối vào phong cách cá nhân. Tự tin khi biết rằng ta không cần phải cố gắng trở thành ai khác, và tiếng nói và góc nhìn của mỗi người luôn xứng đáng và đặc biệt”.

Nhà thiết kế Feben

“Là cách bạn bước đi giữa thế giới với góc nhìn riêng. Phong cách chính là ngôn ngữ, là quyền tự do biểu đạt mà không cần lời nói”.

Nhà thiết kế Kenneth Ize

“Black Dandyism là hiện thân của sự tinh túy da đen. Nó sang trọng, lộng lẫy, và phản ánh vẻ đẹp đa dạng của văn hóa chúng tôi, đặc biệt là sự tinh xảo trong từng đường may”.

Nghệ sĩ và nhà thiết kế Samuel Ross 

“Là sức mạnh – một lựa chọn để thể hiện phiên bản tốt nhất của mình, dù trong hòa bình hay giữa chiến cuộc”.

Nhà thiết kế Theophilio – Edvin Thompson

“Black Dandyism là sân khấu để tôi mổ xẻ những đối lập: nam tính và mềm mại, cấu trúc và cảm xúc, truyền thống và nổi loạn. Đó là cách tôi ăn mặc để tưởng nhớ tổ tiên và cho tương lai. Tại Theophilio, thời trang là chính trị, là thơ ca, là cách tôn vinh gốc rễ và viết lại định nghĩa về sự thanh lịch da đen trên bản đồ toàn cầu”.

Nhà thiết kế Francesca Lake

“Dandyism là một khái niệm phá vỡ mọi khuôn mẫu xã hội, vượt xa khỏi việc mặc gì. Nó là sự kiêu hãnh, là cái tôi mạnh mẽ, là sự nổi loạn có chủ đích: tất cả đều ăn sâu vào văn hóa Jamaica và thương hiệu của tôi. Dù dandyism ở mỗi nơi mang hình hài khác nhau: kiểu tóc, trang phục, trang sức, nhưng có một thứ bất biến: thái độ. Đó là thái độ không xin lỗi, đầy tự tin, và là vốn văn hóa dùng để tạo ra cơ hội cho những tiếng nói bị gạt bên lề”.

Nhiếp ảnh gia Alex Dobé

“Với tôi, Black Dandyism là cách thay đổi ánh nhìn thiên kiến về người da đen. là giành lại phẩm giá và quyền lực thông qua trang phục. Không cần hào nhoáng như Sapology, chỉ cần đậm chất da đen, thanh lịch và không thỏa hiệp”.

Nhà thiết kế Labrum – Foday Dumbuya

“Black Dandyism là tuyên ngôn bản sắc, một vẻ đẹp riêng biệt vừa vinh danh di sản, vừa mở đường cho biểu đạt cá nhân. Mỗi thiết kế tôi tạo ra đều mang trong nó câu chuyện: về lịch sử, về lòng tự hào, và về bản ngã. Cắt may, với tôi, không chỉ là kỹ thuật, mà là một hình thức kể chuyện. Mỗi đường chỉ, từng chất vải, từng phom dáng đều chất chứa ký ức. Và chính Dandyism là điều thôi thúc tôi vượt qua ranh giới, thách thức định kiến và viết lại định nghĩa về sự nam tính: không chỉ qua đường cắt chuẩn xác mà qua chính những câu chuyện nằm bên dưới lớp vải ấy”.

Chuyển ngữ: Lenna

Theo Dazed