Mối “duyên tình” của nghệ sĩ và nhà thiết kế, của âm nhạc và thời trang trên các show diễn hoành tráng

Ngày đăng: 10/08/23

Từ Maddona đến Beyoncé, rồi đến Taylor Swift, theo thời gian, các chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới dần trở thành minh chứng rõ nét cho mối tương quan giữa âm nhạc và thời trang, đặc biệt là với thế giới haute couture.

Giữa thời trang và âm nhạc luôn tồn tại một quan hệ sâu sắc đến đặc biệt. Trong mối quan hệ tương quan này, tồn tại sự ảnh hưởng qua lại. Tỉ dụ, không ít lần thời trang âm nhạc mang đến nhiều cảm hứng sáng tạo mới mẻ cho các nhà thiết kế. Hay thời trang cũng trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong các MV ca nhạc. Và cũng có nhiều nhà thiết kế, thương hiệu đình đám trở thành “nhà tài trợ” chính cho những lần xuất hiện trên thảm đỏ hay biểu diễn trên sân khấu. Cùng các hình tượng và cá tính đặc trưng của ngôi sao hợp tác, các nhà thiết kế đã tạo ra những thiết kế “độc nhất vô nhị” trong làng mốt. Giờ đây, không chỉ có những chiếc váy trên thảm đỏ tạo nên tiếng vang, mà “tủ quần áo” đồng hành cùng các nghệ sĩ trong chuyến lưu diễn thế giới còn trở thành chủ đề được thế giới thời trang quan tâm nhất hiện nay. Thậm chí, giờ đây khi tham dự bất kỳ buổi concert nào, khán giả không chỉ được thưởng thức những tiết mục chất lượng mà còn mãn nhãn với “show diễn haute couture” thu nhỏ. Trước khi, Beyoncé khuấy động thế giới với những diện mạo được đầu tư tỉ mỉ trong Renaissance World Tour hay Taylor Swift đem đến những phút giây đẹp đến “vỡ òa” giữa thời trang và âm nhạc trong Eras Tour; mối lương duyên giữa nghệ sĩ và nhà thiết kế trên sân khấu biểu diễn đã được hình thành từ nhiều năm trước. 

Beyoncé trong Renaissance World Tour

Vào đầu đến giữa thế kỷ 20, khi nhạc jazz, nhạc swing, và nhạc blues bắt đầu thịnh hành, các ca sĩ như Billie Holiday, Ella Fitzgerald, Frank Sinatra, Ruth Brown và Nat King Cole, đã khẳng định được hình ảnh thời trang của mình bằng vẻ đẹp thanh lịch vượt thời gian (gần giống như tinh thần của quiet luxury đang “làm mưa làm gió” hiện nay). Không giống như những bộ trang phục kỳ công như chúng ta tưởng tượng, trang phục biểu diễn của họ không quá lộng lẫy. Thời đại này được xem là hình ảnh thu nhỏ của sự quyến rũ đại diện cho Old Hollywood. Đây cũng là lý do vì sao những diện mạo trên sân khấu biểu diễn của nghệ sĩ lúc bấy giờ luôn đặc trưng với một vẻ đẹp quý phái, bóng bẩy và không có nhiều sự bứt phá. 

Bối cảnh bắt đầu được “xoay chuyển” vào cuối thế kỷ 20. Các ngôi sao như David Bowie, Diana Ross, Elton John, Michael Jackson và Elvis Presley, chính là những gương mặt “dẫn đầu” trong cuộc cách mạng này – những người đã tạo ra tiền đề cho các “show diễn thời trang” xuất hiện trong các chuyến lưu diễn âm nhạc giống ngày nay. Những show diễn của họ không chỉ là được dàn dựng công phu, sân khấu hoành tráng, được tổ chức ở những địa điểm lớn,… mà họ còn mở ra một kỷ nguyên mới cho concert fashion – một thời đại hoàn toàn khác với những bộ trang phục sân khấu nhẹ nhàng, thanh lịch trước đây mà thế giới từng thấy. Từ những bộ cánh táo bạo, đôi khi lập dị của Bowie hay John, cho đến những diện mạo sáng ngời của Ross, Presley, Cher hay Jackson, thì thời trang couture liên tục khuếch tán tiếng vang của mình trong một “vùng đất mới”. 

Để có thể trở thành người chịu trách nhiệm cho toàn bộ hình ảnh xuất hiện trước công chúng của nghệ sĩ, nhà thiết kế phải vừa có tay nghề giỏi mà còn phải biết cách dùng ngôn ngữ thời trang để diễn giải cá tính của nghệ sĩ hợp tác sao cho chân thật nhất. Và mối quan hệ giữa thời trang couture và các chuyến lưu diễn concert đã mang đến cho làng mốt hàng loạt “thiên tài” sáng tạo. Từ Kasai Yamamoto, Bill Whitten, Bill Belew, Michael Bush cho đến Dennis Tompkins, tất cả là những cái tên đứng sau trang phục biểu diễn của hàng loạt nghệ sĩ đình đám. Họ đã biến các chuyến lưu diễn hòa nhạc trở nên phong cách và thời trang hơn. 

Cher trong Love Hurts Tour
Cher trong Living Proof: The Farewell Tour

Một nhà thiết kế trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực này là nhà thiết kế trang phục nổi tiếng Bob Mackie. Nhà thiết kế đã từng làm việc với những ngôi sao hàng đầu như Ross, Cher, John và Whitney Houston. Mặc dù khách hàng của ông đều là các nghệ sĩ nổi tiếng trong âm nhạc và giải trí, nhưng Bob Mackie luôn được công nhận như một trong những nhà thiết kế tài năng như bất kỳ “cận thần” nào khác trong thế giới thời trang chính thống. Theo đà phát triển, concert fashion tiếp tục phát triển, mạnh mẽ theo từng ngày. 

Bob Mackie và Cher

Trong những năm 80 và 90, Madonna trở thành người “châm ngòi” cho cuộc chơi của haute couture và các buổi concert trở nên bùng nổ hơn. Nữ nghệ sĩ huyền thoại và nhà thiết kế huyền thoại Jean Paul Gaultie đã cùng nhau tạo ra những bộ trang phục biểu diễn mang tính biểu tượng vĩ đại trong lịch sự thời trang, từ dạo đó cho đến tận ngày nay. Chiếc corset với phần ngực hình nón trong Blonde Ambition Tour của cô ấy là một trong số đó. 

Concert fashion ở những năm 2000 xoay quanh với những thiết kế lấp lánh, ánh kim, từ áo crop top hở eo, quần váy cạp trễ, mini skirt,… Destiny’s Child, Britney Spears, Spice Girls và Gwen Stefani,… những bộ trang phục biểu diễn của họ đã góp phần khiến bối cảnh concert fashion lúc bấy giờ trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên ở thập niên 00, các nghệ sĩ bắt đầu “từ bỏ” những thiết kế mang tính biểu diễn cao, và bắt đầu ưa chuộng những thiết kế dù lộng lẫy và được thiết kế riêng nhưng phải đủ bình thường để diện ngoài sân khấu. Mặc dù vậy, chúng ta cũng có một vài ngoại lệ, điển hình là “Mother Monster” – Lady Gaga. Trong suốt những năm 2010, từ MV ca nhạc, thảm đỏ sự kiện cho đến sân khấu biểu diễn, diện mạo của cô sẽ không bao giờ bị lãng quên trong thế giới thời trang và âm nhạc và cũng độ táo bạo của chúng cũng chẳng bao giờ bị “soán ngôi”. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ quên được chiếc váy bong bóng do Hussein Chalayan thiết kế mà Lady Gaga mặc trong chuyến lưu diễn “The Fame Ball” năm 2009; chiếc váy tóc người do Charlie le Mindu thiết kế; bộ nội y trong suốt của Rachael Barrett trong màn trình diễn Lollapalooza năm 2010 của cô.

Gwen Stefani, Destiny’s Child và Britney Spears trong những chuyến lưu diễn vào những năm 2000s

Lady Gaga trong chuyến lưu diễn ArtRave: The Artpop Ball năm 2014
Lady Gaga trong chuyến lưu diễn ArtRave: The Artpop Ball năm 2014
The Chromatica Ball concert năm 2022 của Lady Gaga

Tương tự như Lady Gaga, trong suốt chuyến lưu diễn vòng quay thế giới “Renaissance”, Beyoncé liên tục làm làng mốt “xáo trộn” với những khoảnh khắc thời trang thăng hoa. Thay vì chọn một hoặc hai nhà thiết kế đồng hành suốt tour diễn, nữ ca sĩ đình đám “hẹn hò” với hàng loạt thương hiệu từ các nhà mốt đình đám đến các nhà thiết kế mới nổi, như Balmain, Ferragamo, Feben, Mugler, Miu Miu, Marc Jacobs, Louis Vuitton, Ivy Park, Gucci, Tiffany & Co., Alexander McQueen,… và còn nhiều hơn thế nữa. Các nhà mốt tài năng đã biến những ca khúc trong album “Renaissance” trở thành những nhân vật cực kỳ thời trang trong đời thực. Những thiết kế được chế tác riêng đó không chỉ xoay quanh một “trò chơi” quyền lực trong thế giới thời trang, mà còn truyền đến khán giả một tinh thần mặc đẹp thú vị, khuyến khích Beyhive tạo nên những bộ cánh lộng lẫy cho riêng họ khi đến xem thần tượng biểu diễn. Không chỉ tạo ra một show diễn thời trang couture có “1-0-2” trên sân khấu, Beyoncé và các nhà thiết kế cộng tác đã góp phần đem đến một “sân chơi” thời trang thú vị cho những người tham dự tour diễn. Ngoài Renaissance World Tour của Beyoncé, chuyến lưu diễn “Eras” của Taylor Swift cũng mang đến những màn trình diễn thời trang độc đáo từ loạt nhà mốt cao cấp – chẳng hạn như Versace, Roberto Cavalli, Alberta Ferretti, Oscar de la Renta và Elie Saab. 

Taylor Swift trong Eras World Tour
Những bộ cánh ấn tượng của người hâm mộ khi tham dự Renaissance World Tour

Việc các nhà thiết kế “đua nhau” thiết kế riêng trang phục cho các ngôi sao tầm cỡ trong tour diễn của họ là cách để khẳng định lại vị thế của haute couture, cũng như tạo ra một tầm nhìn mới cho tương lai của thế giới thời xa hoa này. Nếu trên sàn diễn truyền thống, những thiết kế haute couture ngày nay thường được xem là “xa vời” với thực tế, nhưng trên sân khấu các bộ cánh được chế tác tỉ mỉ này sẽ mang đến một cảm giác rất khác. Bởi lẽ, nhờ tài năng của nghệ sĩ và những màn trình diễn ấn tượng, “tủ quần áo” sang trọng trong concert trở nên gần gũi hơn. Không chỉ rút gọn khoảng cách giữa khán giả và thế giới haute couture độc quyền, những sân khấu biểu diễn tích hợp âm nhạc và thời trang này còn lan tỏa tình yêu thời trang với nhiều người trẻ hơn. Như lời bài hát trong bài “Pure/Honey” của Queen Bee – “Phải tốn một tỷ đồng để trông đẹp như thế này,” đúng thế, những bộ váy có “giá trên trời” đó đã và đang tạo ra một thời kỳ rực rỡ hơn cho concert fashion. 

Beyoncé và chiếc váy đổi màu đến từ thương hiệu Anrealage

Thực hiện Dory

Theo L’Officiel USA