Mối quan hệ giữa thời trang và metaverse có những gì đáng chú ý?

Ngày đăng: 14/04/22

Ngành thời trang đang rất chú trọng việc xúc tiến những kế hoạch phát triển trong không gian kỹ thuật số được xem là nền tảng sơ khởi của Metaverse. Mối quan hệ giữa thời trang và Metaverse đã tăng tốc và vượt xa hơn sự kỳ vọng và dự tính của nhiều chuyên gia trong ngành.

Metaverse, NFT, blockchain, Web 3.0 là những từ khóa được quan tâm bậc nhất trong ngành gaming và công nghệ, rồi dần lan tỏa qua mọi lĩnh vực, đặc biệt những ngành có liên đới trực tiếp. Tất cả đều đang dành nhiều sự quan tâm đến việc điều chỉnh mô hình kinh doanh để thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Nếu như NFT, blockchain đang trở nên dần phổ biến trong cuộc sống thường nhật, Web 3.0 được xem là sẽ dần thay thế mô hình Web 2.0 trong năm nay, thì Metaverse sẽ có một hành trình dài hơi để phát triển hơn – khi được dự tính cần ít nhất từ 5 – 10 năm để có đủ cơ sở hạ tầng cho việc cấu thành hoàn thiện.

Ngành thời trang đã có những bước tiến nhanh chóng trong việc bắt nhịp với sự phát triển của công nghệ blockchain để sẵn sàng thích ứng với một xã hội được bao phủ bởi những tiện ích kỹ thuật số hiện đại trong tương lai. Chính trong giai đoạn sơ khởi này của metaverse, mối quan hệ giữa thời trang và metaverse vì thế rất đáng để ghi nhận và cần được nắm bắt kịp thời.

Mối quan hệ giữa thời trang và metaverse đã có những gì đáng chú ý?
Các tuần lễ thời trang Metaverse đã bắt đầu được tổ chức từ năm ngoái.

Metaverse là gì?

Metaverse là một không gian kỹ thuật số, nơi mỗi người có thể hiện diện tới mọi người mà không có rào cản về địa lý. Khác với mạng xã hội, hay công nghệ thực tế ảo – vốn là thứ công nghệ hiện hành ngày nay, Metaverse là một chiều không gian gắn kết và liên thông mạch lạc (giống như mạng internet), nhưng đem đến một trải nghiệm nhập vai hoàn hảo cho những người tham gia. Xã hội loài người có thể xem Metaverse là một mạng internet hiện thân – nơi họ “tồn tại” ở bên trong nó, thay vì chỉ nhìn vào như hiện nay.

Công nghệ blockchain là gì?

Công nghệ blockchain được xem là một thành tựu mới của ngành công nghệ, khi nó đem tới những giải pháp thực tiễn cho những hạn chế rõ nhận thấy của internet hiện nay: từ việc đảm bảo an toàn dữ liệu của người sử dụng, tính minh bạch và công khai trong các hoạt động giao dịch trực tuyến, tính chủ quyền của dữ liệu, tính xác thực, tính cộng đồng và tính phân quyền.

Blockchain là một loại cơ sở dữ liệu đặc biệt, nơi dữ liệu chỉ có thể được thêm vào chứ không thể nào có thể bị thay đổi hay xóa bỏ. Các dữ liệu được thêm vào định kỳ vào một block (hay còn gọi là khối). Các block nối tiếp với dữ liệu mới được cập nhật liên tục để tạo ra thành một chuỗi khối – blockchain. Thông tin được chứa đựng trong mỗi chuỗi khối được lưu trữ trên mỗi ledger (sổ). Ledger sẽ được chia sẻ trên toàn bộ hệ thống, với toàn bộ thông tin có thể truy xuất được dễ dàng.

Dữ liệu trên blockchain là tuyệt đối an toàn, và khó lòng có thể bị tấn công hay can thiệp, bởi mỗi thông tin trước khi được lưu trữ trên một khối sẽ cần đến sự kiểm duyệt kỹ lưỡng bởi những người tham gia – hay còn được gọi là các nodes (nút). Đây là lý do khiến cho công nghệ blockchain là nền tảng cho những thành tựu mới của công nghệ là crypto và NFT.

Hiểu ngắn gọn, blockchain là danh sách các bản ghi dữ liệu hoạt động như một sổ cái kỹ thuật số phi tập trung. Dữ liệu được tổ chức thành các khối, được sắp xếp theo thứ tự thời gian và được bảo mật bằng mật mã.

NFT là gì?

NFT là viết tắt của Non-fungible tokens (mã không thể thay thế). NFT dựa trên công nghệ của blockchain. Mỗi một NFT là một chuỗi thông tin độc nhất được lưu trữ trên blockchain đó. NFT không thể bị sao chép, chỉnh sửa hay tái lập, mà chỉ có thể chuyển đổi quyền sở hữu từ người này sang người khác, với thông tin được lưu trữ rõ ràng trên blockchain.

Các NFT đã giải quyết được vấn đề đã tồn tại từ lâu trong thế giới kỹ thuật số là tạo ra quyền sở hữukhả năng tập hợp kỹ thuật số phi tập trung (decentralized digital collectability) trong một thế giới “copy-paste”. Một NFT có thể là một tài sản kỹ thuật số trong một trò chơi, một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số, trang phục kỹ thuật số hoặc thậm chí là một tài sản giá trị như bất động sản. Có những NFT được liên kết với chủ thể vật lý trong thế giới thực.

Loại NFT phổ biến nhất hiện nay là PFP (Profile Picture) dành cho các kênh mạng xã hội. Tiếp đó là NFT là các tài sản kỹ thuật trong các tựa GameFi phổ biến.

Blockchain, cryptoNFT chính là những thành phần quan trọng để cấu thành nên metaverse. Một không gian kỹ thuật số như Metaverse sẽ cần đến tiền tệ, nền tảng công nghệ hạ tầng, và vật phẩm được định rõ quyền sở hữu trong không gian số của một cá nhân.

 

NFT và Metaverse du nhập vào ngành thời trang

Metaverse giờ đây trở thành lãnh địa mới mà ngành thời trang đang muốn du nhập vào. Sự thức thời và nhanh chóng của toàn ngành là có lý do, khi thị trường Metaverse được ước tính sẽ đạt mức $800 tỷ chỉ trong vòng 4 năm. Trong khi đó, những nỗ lực để thương mại hóa NFT của nhiều ông lớn xa xỉ cũng rất đáng chú ý, với những con số ấn tượng về doanh thu.

Vào tháng Mười năm ngoái Dolce & Gabbana đã đấu giá thành công bộ sưu tập gồm 9 mẫu thiết kế thời trang kỹ thuật số lẫn phiên bản thực tế của chúng, thu về một con số ấn tượng hơn $ 6 triệu đô. Đây là một con số kỷ lục của ngành thời trang khi tung ra một NFT – vốn dĩ thường được các thương hiệu xem như một phép thử cho một nguồn doanh thu mới. Với thành công ban đầu đạt được, Dolce & Gabbana giờ đây đã xúc tiến những kế hoạch dài hạn để phát triển nhiều hơn các bộ sưu tập NFT trong tương lai. Vào cuối năm 2020, Gucci cũng tuyên bố về việc hợp tác cùng Genies – một studio sẽ giúp thương hiệu sản xuất ra được những NFT chất lượng trong tương lai.

The Impossible Tiara NFT thuộc BST Collezione Genesi của Dolce & Gabbana.

Tháng Năm 2021, Gucci đã tạo ra một NFT mang tên “Aria”. Aria là một sản phẩm NTFs bao gồm 3 đoạn video được thiết lập theo tính năng vòng lặp và chạy đồng thời và được bán đấu giá trên sàn đấu giá Christie’s danh tiếng, thu về $20000 đô. Không nằm ngoài thời cuộc, vào tháng Tám, thương hiệu Burberry cũng đã đưa bộ sưu tập NFTs phiên bản giới hạn vào trò chơi trực tuyến có đông tệp người chơi là Blankos Block Party của Mythical Games. Các sản phẩm được bán với tổng giá trị khoảng $ 375,000.

Nói đến khía cạnh thời trang du nhập vào Metaverse thì thị trường này cũng sôi động không kém. Roblox – tựa game được xem là một mô hình metaverse sơ khởi hiện nay, đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều thương hiệu thời trang lớn. Gucci, Nike, Ralph Laurent, Vans, Forever 21 là những cái tên có kế hoạch hợp tác lâu dài với Roblox để xúc tiến nhận diện thương hiệu từ sớm trong không gian kỹ thuật số.

Gucci đã gây chú ý vào tháng Năm năm ngoái, khi một chiếc túi Gucci được bán trong Roblox với giá $4.115 đô, nhiều hơn phiên bản được bán lẻ ở bên ngoài, với giá $3.400 đô. Có thể dễ dàng hiểu được lý do tại sao thương hiệu cao cấp đang hướng đến thị trường Metaverse đầy tiềm năng, dù nó mới chỉ đang ở giai đoạn sơ khởi như trường hợp của Roblox. Theo dữ liệu do Roblox cung cấp, trải nghiệm trong hai tuần của Gucci khi hợp tác cùng tựa game này đã thu hút được khoảng 20 triệu lượt quan tâm, và hàng trăm nghìn người dùng Roblox đã mua được nhiều mặt hàng.

Mối quan hệ giữa thời trang và metaverse đã có những gì đáng chú ý?
Triển lãm của Gucci mang tên “Archetypes Gucci Garden” trong Roblox được tổ chức vào tháng Năm 2021.

Một điều đáng chú ý là hầu hết các nền tảng sơ khởi của Metaverse đều thuộc lĩnh vực trò chơi điện tử. Đồ họa sắc nét, đề cao tính giải trí, kết nối chính là những đặc tính vốn dĩ của ngành công nghiệp trị giá $138 tỷ đô này (dựa theo số liệu 2021). Cho đến khi Meta, Google hay Apple có thể tạo ra được một Metaverse được vận hành bởi riêng họ, hướng tới một dạng mạng xã hội mới đề cao tính trải nghiệm chân thực, đa nhiệm, thì ngành game vẫn chính là cái nôi của Metaverse.

Trên toàn cầu, có tận 2,7 tỷ người hiện là game thủ, theo ước tính của Accenture – một công ty dịch vụ công nghệ và chiến lược. Nhiều người hài lòng khi chi tiêu mua sắm các mặt hàng kỹ thuật số trong trò chơi. Đó là lý do mà nhiều thương hiệu thời trang hợp tác với các tựa game đình đám – và xem nó là một nguồn doanh thu bổ sung.

Louis Vuitton là công ty tiên phong trong việc thiết lập mối quan hệ với trò chơi và ngành công nghiệp game, với nhiều lần hợp tác cùng hãng game nổi tiếng Riot Games và sản phẩm của hãng là League of Legends. Rõ ràng là các thương hiệu cao cấp đang muốn tạo ra sự khác biệt, lẫn thể nghiệm một cách thức tiếp thị sáng tạo, thu hút giới trẻ (phần lớn là GEN-Z) thông qua các trò chơi điện tử đình đám.

Mối quan hệ giữa thời trang và metaverse đã có những gì đáng chú ý?
Thương hiệu Ralph Laurent ra mắt BST NFT đầu tiên trong Roblox vào tháng Mười Hai năm ngoái.

Những màn hợp tác giữa thời trang và game, thường sẽ chỉ xuất hiện trong quãng thời gian ngắn ngủi, nhằm tăng tính khan hiếm của vật phẩm (thường là thời trang có thể mặc được cho nhân vật trong game) và lôi kéo sự chú ý của giới trẻ một cách hiệu quả nhất. Nếu không sở hữu ngay vật phẩm giới hạn của các thương hiệu cao cấp, thì chắc chắn người chơi sẽ không bao giờ có cơ hội được sở hữu nó nữa. FOMO (Fear of Missing Out) là một chiến lược bán hàng không chỉ hiệu quả trong thế giới thực, và vẫn rất hiệu quả cả trong thế giới kỹ thuật số.

Với việc Metaverse, blockchain và NFT ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của người trẻ, lẫn một lượng khách hàng – vốn dĩ quan tâm đến công nghệ, trò chơi điện tử hơn thời trang, và họ có tiềm lực chi tiêu vô cùng lớn, thì dễ có thể thấy rằng các mối nhân duyên giữa ngành công nghiệp game và thời trang sẽ ngày càng càng thịnh hành và gia tăng về số lượng lẫn chất lượng trong thời gian tới.

Thực hiện: Fellini Rose


“Metaverse”- “NFT” được xem là từ khoá của ngành thời trang và bán lẻ trong năm 2022. Khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian hơn để sử dụng internet, thì vũ trụ metaverse trở thành “bệ phóng hoàn hảo” cho “hàng hóa ảo”. Các nhà lãnh đạo trong ngành thời trang cần khám phá ra những cách tương tác mới với nhóm khách hàng trẻ ngày nay, bằng cách thử nghiệm với “NFT” (Non-fungible Token), thời trang ảo trong các tự game đình đám. Các thương hiệu sẽ thông qua nền tảng metaverse thu hút người tiêu dùng trẻ tuổi và tìm ra những con đường mới đến cách sáng tạo, cách xây dựng cộng đồng hay mô hình thương mại mới.

Với sự chuyển động liên tục vốn có của mình, ngành thời trang khi có sự xuất hiện của Metaverse còn biến đổi nhanh chóng hơn nữa từ cách làm truyền thông – marketing, tổ chức mô hình thương mại và sáng tạo. Đây là lúc để những ai hoạt động lĩnh vực thời trang nắm bắt được những kiến thức cốt lõi và hiểu rõ xu hướng mà sẽ ảnh hưởng lâu dài lên cục diện của ngành này. Vậy chúng ta sẽ tìm hiểu những gì trong buổi tọa đảm SR Fashion Business Talk Ep. 15?

  • Metaverse và NFT là gì và bao gồm những gì?
  • Metaverse và NFT trong địa hạt Fashion cụ thể hoạt động ra sao?
  • Sự xuất hiện này của Metaverse và NFT mang lại những thay đổi như thế nào cho ngành công nghiệp thời trang, từ mặt sáng tạo đến kinh doanh? 
THÔNG TIN SỰ KIỆN:
  • Thời gian: 9:30 AM Chủ Nhật, 24.04.2022
  • Địa điểm: Auditorium 2.1.004, RMIT University Saigon South Campus, 702 Nguyễn Văn Linh, TP Hồ Chí Minh. 
*Sự kiện không thu phí nên số lượng chỗ ngồi giới hạn, vui lòng đăng ký sớm sẽ được giữ chỗ