Giới mộ điệu đã xem hết 5 bộ phim tài liệu thời trang này chưa?

Ngày đăng: 12/04/25

5 bộ phim tài liệu thời trang sau không xa xỉ hóa nhân vật hay bối cảnh, mà lựa chọn lối kể chân thực, phản ánh những chuyển động sau ánh khi đèn runway đã tắt.

Không còn gói gọn trên sàn diễn hay trang bìa hào nhoáng, thời trang bước vào ống kính điện ảnh bằng góc nhìn trực diện – đôi khi trần trụi và đầy ám ảnh. Đó là thế giới của phim tài liệu thời trang: nơi những câu chuyện cá nhân, áp lực hậu trường và mâu thuẫn nội tâm được phơi bày, vượt xa vẻ ngoài lấp lánh của ngành công nghiệp.

Khác với các fashion film mang tính trình diễn và quảng bá, phim tài liệu thời trang vén màn hậu trường để kể về những điều không thể hiện qua váy vóc hay ánh đèn sàn diễn. Nếu bạn đang tìm kiếm một khoảng lặng cho cuối tuần, cùng Style-Republik khám phá 5 bộ phim tài liệu đặc sắc, nơi thời trang không chỉ được nhìn thấy, mà còn được cảm.

Becoming Karl Lagerfeld

Becoming Karl Lagerfeld đưa khán giả quay lại thập niên 70 – thời điểm Karl là nhà thiết kế ít tên tuổi, đang xoay sở để khẳng định mình giữa kinh đô thời trang Paris. Qua ánh đèn mờ hộp đêm, bên dưới lớp kính râm, bộ phim cho thấy sức nặng tham vọng của người đàn ông trẻ tuổi. Người sau này sẽ trở thành vĩ nhân ngành thời trang, với xuất phát điểm từ Chloé đến đỉnh cao Chanel. Daniel Brühl thể hiện xuất sắc khí chất ngạo nghễ và mâu thuẫn của Karl Lagerfeld – một người đàn ông luôn giấu mình sau lớp trang phục cắt may hoàn hảo. Không thần tượng hóa Karl, bộ phim bóc tách từng lớp cá tính để hé lộ những tổn thương, hoài nghi và cả đố kỵ đã nhào nặn nên con người ông.

Becoming Karl Lagerfeld cũng không tránh né những va chạm gai góc trong cuộc đời ông hoàng thời trang. Đằng sau vẻ ngoài cô độc của mình, Karl rối ren với mối quan hệ tay ba giữa ông, Jacques de Bascher và Yves Saint Laurent trong vòng xoay khắc nghiệt của ngành công nghiệp xa hoa này.

Becoming Karl Lagerfeld
(Ảnh: IMDb)
phim tài liệu thời trang becoming karl lagerfeld
(Ảnh: IMDb)
Karl Lagerfel
Daniel Brühl trong vai Karl Lagerfeld, Théodore Pellerin trong vai Jacques de Bascher.

Manolo: The Boy Who Made Shoes for Lizards

Manolo: The Boy Who Made Shoes for Lizards là chân dung sống động về Manolo Blahnik – người đàn ông với những chiếc giày cao gót biểu tượng Michael Roberts – đạo diễn kiêm bạn thân của Manolo đã dẫn dắt khán giả qua hành trình bắt đầu từ tuổi thơ trên quần đảo Canary, nơi Manolo từng làm giày cho thằn lằn bằng vỏ sô-cô-la Cadbury. Từ trò chơi ngẫu hứng thuở nhỏ, ông bước vào thế giới thủ công tinh xảo của Ý, trở thành người thợ đóng giày kiêm nhà thiết kế, miệt mài tạo ra những đôi cao gót mang dấu ấn không thể trộn lẫn. Bên cạnh đó, bộ phim phơi bày mối quan hệ mật thiết giữa Manolo và nghệ thuật cổ điển, từ những bức tranh Goya đến tiểu thuyết The Leopard. 

phim tài liệu thời trang Manolo Blahnik
Manolo Blahnik

Phim ghi điểm bởi giọng kể dí dỏm, đúng với tinh thần của nhân vật chính. Qua lời chia sẻ từ Anna Wintour, Rihanna hay Naomi Campbell, nhân vật Manolo hiện lên như một nghệ sĩ tận tụy, tìm niềm vui từ công việc hơn là ánh đèn danh vọng.

phim tài liệu thời trang
Thầy “phù thủy” của những đôi giày cao gót

Valentino: The Last Emperor (2008)

Valentino: The Last Emperor ghi lại những thước phim hậu trường hiếm hoi về hai năm cuối trong sự nghiệp của Valentino Garavani. Đạo diễn Matt Tyrnauer đã theo sát từng chuyển động của nhà thiết kế tại các buổi thử đồ, lễ kỷ niệm, các show diễn và cả những khoảnh khắc riêng tư giữa Valentino và người cộng sự lâu năm Giancarlo Giammetti. Mối quan hệ giữa hai người là “xương sống” của bộ phim, được thể hiện qua từng cái chau mày, từng câu thoại châm biếm.

phim tài liệu thời trang 1

Valentino Garavani.
Valentino Garavani

Giữa thế giới thượng lưu phủ sắc trắng của những biệt thự cổ, ánh vàng từ chuyên cơ riêng và ánh flash từ sàn diễn, Valentino không xuất hiện như một nhân vật xa rời thực tế, mà là một người làm thời trang luôn chăm chút từng chi tiết và đặt trọn niềm tin về cái đẹp mà ông theo đuổi. Không lời chia tay bi lụy hay plot twist kịch tính, Valentino: The Last Emperor khép lại bằng với hình ảnh Valentino ngồi lặng giữa khán phòng lộng lẫy sau show diễn cuối cùng. 

The September Issue 

The September Issue theo chân Anna Wintour và đội ngũ Vogue Mỹ trong suốt quá trình thực hiện số báo tháng 9 năm 2007 – ấn phẩm quan trọng nhất của năm và được xem như “Kinh Thánh Thời trang” định hình cả mùa mốt. Đạo diễn R.J.Cutler ghi lại không khí căng thẳng và áp lực trong từng quyết định biên tập, từ việc chọn ảnh bìa đến định hình xu hướng thời trang cho cả mùa. Bộ phim không chỉ là hành trình sản xuất một ấn phẩm, mà còn là cái nhìn sâu sắc về quyền lực và tầm ảnh hưởng của người phụ nữ trong ngành công nghiệp thời trang.​

Bộ phim thuyết phục người xem với những góc phim tỉ mỉ và chỉn chu, hé lộ vai trò định hình văn hóa của một tạp chí, nơi từng tấm ảnh và dòng chữ đều góp phần tạo nên xu hướng thời trang của một thời đại.

anna wintour

september issue

Mademoiselle C 

Mademoiselle C mở ra chương mới trong sự nghiệp của Carine Roitfeld – cựu Tổng Biên tập Vogue Paris trong hành trình xây dựng tạp chí riêng CR Fashion Book sau khi rời Vogue năm 2011. Những phân cảnh đan xen tại studio, buổi casting, hậu trường chụp hình cho đến bữa cơm gia đình được lồng ghép tự nhiên, cho thấy một Carine không chỉ được khắc họa như một biểu tượng thời trang, mà còn là hình mẫu của người phụ nữ hiện đại với sự quyết đoán trong công việc nhưng gần gũi trong đời sống thường nhật.

Không kịch tính hóa, đúng với tinh thần của thể loại tài liệu, Mademoiselle C ghi lại chân thực quá trình sáng tạo của Carine, từ việc lên ý tưởng đến thực hiện các bộ ảnh thời trang độc đáo. Bộ phim là cái nhìn hiếm hoi vào thế giới nội tâm của một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn trong ngành thời trang, nơi sự đam mê và sáng tạo không ngừng nghỉ là nguồn động lực chính.

mademoiselle c

Thực hiện: Amelia