Một Pierre Bergé chân phương trong bài phỏng vấn cuối cùng: “Yves Saint Laurent là một nghệ sĩ vĩ đại”

Ngày đăng: 11/05/20

Pierre Bergé là một trong những danh tài cuối cùng còn lại trong vương quốc thời trang xa xỉ. Người doanh nhân đã có công đưa Yves Saint Laurent trở thành ngôi sao thời trang. Chân dung về ông được phản ánh rõ nét qua cuộc phỏng vấn cuối cùng của ông ở tuổi 88, với Vogue Hommes được thực hiện bởi Olivier Lalanne.

Ảnh: Hedi Slimane

Cuộc hẹn được diễn ra tại văn phòng của Pierre Bergé, ở tầng một của tòa nhà Yves Saint Laurent, nhìn ra Đại lộ Marceau, quận 16 ở Paris. 

Cái bắt tay của ông chắc nịch, ánh mắt sắc bén. Người đàn ông thông thái này luôn sẵn sàng đón nhận thử thách mới. Là một con người tài hoa trong nhiều lĩnh vực, từ văn hóa và truyền thông (ông đồng sở hữu tờ nhật báo Le Monde của Pháp) cho đến chính trị (với tư cách là người bảo vệ đền thờ của François Mitterrand, còn bây giờ ông ủng hộ tổng thống xã hội chủ nghĩa François Hollande), ông còn là một nhà hoạt động xã hội không mệt mỏi trong cuộc chiến chống lại AIDS. Nổi tiếng với ngòi bút sắc bén và tài ăn nói thuyết phục, Bergé, một tỷ phú sống với những triết lý của riêng mình, yêu văn học và là một người bạn thân thiết của Cocteau, Giono và Duras, là hiện thân của trí tuệ và sức mạnh tài chính, là vị chính khách cao tuổi có tiếng nói quan trọng. 

Với ông, sự ám ảnh có nghĩa là gì? 

Tôi tin rằng đó chính là sự ám ảnh và những kẻ bị ám ảnh. Thực tế là, quá trình sáng tạo được thúc đẩy bởi sự ám ảnh. Nghệ sĩ là những kẻ bị ám ảnh và không ngừng xoay quanh nỗi ám ảnh của họ, và không ngừng cố gắng đào sâu vào nó. Nỗi ám ảnh là một phẩm chất tuyệt vời trong mắt tôi. Như một đầu máy xe lửa. 

Khi tên của ông được nhắc đến, người ta thường nghĩ đến hai từ “quyền lực”. Ông có thấy mình là một người đàn ông quyền lực không? 

Đó là một câu hỏi khó trả lời. Tôi luôn thấy hai mặt của quyền lực. Tôi có phải là người đàn ông quyền lực? Theo một nghĩa nào đó, phải. Nhưng quyền lực chưa bao giờ là tất cả. Mà nếu là thế thật, thì tôi đã không phải là một người có địa vị dày dặn kinh nghiệm mà chỉ là một người đàn ông có quyền thế thôi. Nếu mà vậy thì thật dễ dàng làm sao. Sự thật là, tôi muốn được là người tạo ra quyền lực hơn là người cầm quyền. Điều đó sẽ khiến tôi hài lòng hơn. Khi tôi nói với bạn điều này, tôi rõ ràng nhận thức được quyền lực tôi nắm giữ trong tay, tôi không thể chối bỏ nó. Trong lĩnh vực kinh doanh hoặc văn hóa, và nói chung cũng vậy, sự khiêm tốn giả tạo không phải là phẩm chất của tôi – nếu vậy sẽ rất là lố bịch. Nhưng mà tôi cũng không bao giờ đắm chìm trong quyền lực. Không bao giờ. Bạn không tin à, giống như Henry Kissinger, nghĩ rằng sức mạnh là đỉnh cao của hạnh phúc? Chắc chắn là không rồi. Không giống như Kissinger, cũng không giống Strauss-Kahn, có nhiều thứ khiến ta hạnh phúc hơn nhiều so với sức mạnh, tin tôi đi. Nếu những người đó không biết điều này, tôi có thể nói cho họ biết. Dù sao thì tôi cũng không thích Kissinger. Và thứ quyền lực mà ông ta đang nói đến thật là buồn tẻ. Cứ thể hiện rằng mình quyền lực và lạm dụng quyền lực đó là một điều đáng khinh. Quyền lực duy nhất có giá trị là loại quyền lực cho phép bạn hoàn thành công việc, và cho phép bạn đẩy lùi các giới hạn. 

pierre-berge-vogue-hommes-phong-van
Ảnh: Hedi Slimane

Với vai trò là một cộng sự thân thiết của François Mitterrand, ông có bao giờ cảm thấy sức cám dỗ của vị trí tiền tuyến trong chính trị chưa? 

Không, bởi vì trước hết, tôi không thể tưởng tượng được mình ở vị trí tranh cử. Cũng chẳng phải tôi thích được bổ nhiệm để được bầu, chỉ là tôi không đam mê chính trị đến vậy. Có một lần, người ta đến tìm tôi và mong muốn tôi làm thị trưởng của Saint-Rémy-de-Provence. Ý tưởng này cũng khiến tôi hứng thú, và tôi thậm chí đã đăng ký trở thành một ứng cử viên. Rồi  một vài tháng sau, tôi tự hỏi bản thân rằng “Mình đang làm gì ở đây vậy? Người ta sẽ làm phiền mình cả ngày lẫn đêm, thậm chí cuối tuần.” Thế là tôi rút. Tôi nghĩ đến những người hợp với vị trí Bộ trưởng Bộ Văn hóa hơn. Đó là Jack Lang, và tôi không hề nghi ngờ điều đó. Ông ấy là một Bộ trưởng Bộ Văn hóa tuyệt vời. Chả có lý do gì để thay thế ông ấy cả. 

Chúng ta đang trong cuộc tranh cử tổng thống tại Pháp. Ông sẽ thể hiện sự ủng hộ dành cho François Hollande như thế nào? 

Tôi thuộc phe cánh tả, nhưng là một người ủng hộ cánh tả thực dụng. Không có nghĩa là tôi đã từ bỏ tất cả những hy vọng không tưởng. Trái lại, tôi nghĩ rằng chúng ta đang đau khổ vì chúng ta thiếu vắng những điều không tưởng, về lý tưởng và niềm tin. Đó là những gì chúng ta phải chịu, dù là cánh tả hay cánh hữu cũng vậy thôi. Nhưng mà tôi lại không quan tâm đến chính trị cánh hữu cho lắm và François Hollande là một người bạn. Tôi ủng hộ Ségolène Royal trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua vì cô ấy cũng là một người bạn. Tôi đã biết cả hai trong một thời gian dài. Với tư cách là một người bạn, rõ ràng tôi sẽ sát cánh cùng với François Hollande. Tôi không biết nó sẽ ra sao. Chắc chắn không phải là một hội đồng ủng hộ: vì nó không cần thiết. Thay vào đó, tôi sẽ giới thiệu François với nhóm người mà anh ấy không biết rõ, những người mà anh ấy không thân thiết – những nghệ sĩ và nhà văn. 

Ảnh: Hedi Slimane

Khi ông mua cổ phần của Le Monde năm 2010 cùng với Matthieu Pigasse và Xavier Niel, Erik Orsenna đã gửi cho ông một lời nhắn rằng, “Pierre, cuộc sống của ông thật logic!” Điều đó có truyền cảm hứng gì cho ông không? 

Tôi không biết tôi có nên tin ông ấy không. Có lẽ ông ấy hào phóng khen ngợi vì ông ấy thích tôi. Thôi thì hãy cứ cho rằng tôi đang cố gắng tìm kiếm một chỉ dẫn cho cuộc sống của tôi. Tôi cố gắng sống đúng với chàng trai thời niên thiếu của tôi khi mà thế giới đã đổi thay. Chính tại bến cảng tại La Rochelle, mọi thứ đã được quyết định – từ mọi góc độ. Mặc dù không quá lưu luyến quá khứ, nền tảng tinh thần của tôi được xây dựng từ đó . Giống như bao người khác, tôi cố gắng giữ niềm tin với cuộc sống và những điều tôi đang làm, với những trải nghiệm đầu tiên về chính trị, văn học và âm nhạc. Và với tất cả những điều có ý nghĩa trong cuộc sống của tôi. Lúc 15 hay 16 tuổi, tôi khá là cực đoan. Nếu tôi có thể quay lại quá khứ, tôi muốn thiếu niên ấy nhận ra tôi và bắt tay tôi. Có lẽ cậu ấy sẽ từ chối. Có lẽ cậu ấy nghĩ rằng tôi đã bỏ sót quá nhiều thứ trên đường đời. Có lẽ. Tôi cũng không biết nữa. 

Ông đã luôn hoạt động rất tích cực trên nhiều lĩnh vực: thời trang và kinh doanh, hiển nhiên rồi, nhưng còn có cả văn hóa, chính trị và báo chí, đầu tiên là với “Globe” và “Têtu”, và bây giờ là với “Le Monde”. Chưa kể đến chiến dịch về Aids của ông. Tôi có cảm giác rằng kể từ khi ngôi nhà thời trang của ông đóng cửa và Yves Saint Laurent qua đời, bộ máy cũng bị trì trệ. Phải chăng ông đang tìm kiếm chân lý, lớn lao và lớn lao hơn nữa. 

Tôi chưa bao giờ tự giác nhắc nhở bản thân mình, như cô nói đấy, rằng tôi sẽ đi tìm kiếm một chân lý sống lớn lao hơn, nhưng có thể cô nói đúng: đó là những gì tôi đang làm. Và tôi cần phải làm vậy. Không hề dễ dàng khi đồng hành cùng Yves Saint Laurent, một người nắm trong tay hoàn toàn mọi thứ. Và dù sao đi nữa, tôi không bao giờ muốn là tâm điểm của ánh đèn sân khấu, hay giành lấy dù chỉ một chút hào quang của ông ấy. Đó thực sự là một quy tắc tôi tự đặt ra sau bao thời gian chiêm nghiệm. Tôi đã làm tất cả mọi thứ để giấu mình trong tấm màn và đưa ông ấy ra ánh đèn sân khấu. Nhưng tôi nhận ra mình giỏi trong các lĩnh vực khác. Đó là khi tôi phụ trách nhà hát Athénée, hoặc là chủ tịch của Nhà hát Opera Paris, hoặc trong chính trị chẳng hạn. Điều đó hẳn phải là một điều tất yếu, nhưng nó chưa bao giờ là một âm mưu tính toán vô tình.

Ảnh: © PAGES Francois

Ông nghĩ gì về thời trang ngày nay? 

Chả có gì nhiều! Tôi muốn nhắc lại là, dù là tôi không phải là người thích hoài niệm, nhưng tôi đã ở trong một thời kỳ nơi mà mọi thứ đều phụ thuộc vào sự sáng tạo. Dù cho là một thành công hay thất bại, thì thời trang cũng là tiếng nói của sự sáng tạo đó. Còn bây giờ, mọi thứ đều được thúc đẩy bởi quảng cáo còn ngoài ra chả có gì khác. Chưa kể đến việc các nhà báo thời trang đã bị mua chuộc hết rồi. Ở thời của tôi, người ta không viết báo để bán quảng cáo. Vào tháng 9 năm 1963, Edmonde Charles-Roux đã cho Yves Saint Laurent lên trang bìa và một bài báo dài sáu trang trên tạp chí Vogue của Pháp, mà lúc ấy ông ấy chỉ vừa ra mắt nhà mốt của riêng mình. Chúng tôi lúc đó không có lấy một xu dính túi và dĩ nhiên chả có đủ khả năng để chi trả cho quảng cáo. Cô có nghĩ rằng bây giờ, người ta sẽ cho một nhà thiết kế trẻ tài năng tên là Yves Saint Laurent lên trang bìa với cùng một điều kiện? Dĩ nhiên là không. Công việc kinh doanh hiện đang nằm trong tay các nhà tài chính và ở đó, hoàn toàn không có chỗ cho sự rủi ro, hay sự mạo hiểm. Tất cả mọi thứ phải được bảo đảm trước. Tôi phải thừa nhận rằng tôi không còn hiểu chuyện kinh doanh ngày nay nữa.

Vào tháng 9 năm 1963, Edmonde Charles-Roux đã cho Yves Saint Laurent lên trang bìa và một bài báo dài sáu trang trên tạp chí Vogue của Pháp, mà lúc ấy ông ấy chỉ vừa ra mắt nhà mốt của riêng mình. Chúng tôi lúc đó không có lấy một xu dính túi và dĩ nhiên chả có đủ khả năng để chi trả cho quảng cáo.

Ông có nghĩ rằng trước sau gì haute couture (thời trang cao cấp) cũng sẽ quay trở lại?

Không thể nào, haute couture đã chết rồi. Tuyệt chủng như loài chim cu vậy. Và dù cho có bất kỳ ai nghĩ rằng họ có thể thổi vào đống tro tàn để hồi sinh nó lại thì tôi nghĩ là họ đang rất sai lầm rồi. Không phải vì vẫn còn một vài ngôi nhà haute couture đang tồn tại dựa trên tiếng vang cũ khăng khăng rằng nó tồn tại thì nó thực sự tồn tại.

Ông có cho rằng ngày Yves Saint Laurent đóng cửa ngôi nhà thời trang của ông ấy thì cũng là ngày haute couture sụp đổ?

Saint Laurent đặt dấu chấm hết cho nó nhưng sự thật là nó đã chết trong nhiều năm trước rồi. Người ta phải biết rằng haute couture được tạo ra cho một phong cách đặc thù. Và phong cách đó không còn tồn tại nữa. Và đó là một sự giải phóng tích cực. Trên thực tế, Saint Laurent chịu trách nhiệm lớn cho việc này. Anh không thể mặc quần jean và áo thun đen, những thiết kế mà Saint Laurent tự hào mà vẫn nói rằng haute couture tồn tại. Anh sẽ mặc những bộ đồ đó đi đâu? Thật vô nghĩa. Nếu người ta tin rằng chỉ cần một vài liều từ thiện đây đó, giống như một viên thuốc, uống xong là thấy ngay mùa hè, thì tôi không tin vào cái mùa hè đó. Haute Couture không còn có ý nghĩa gì nữa. Và chằng phải vì có vài cô gái Nga đi mua váy ở một vài nhà làm thời trang haute couture  ở Paris hay những thứ tương tự sẽ khiến lịch sử sống lại. Và tôi vẫn đang chờ đợi một người có thể chứng minh điều ngược lại.

Ảnh: © Bertrand Rindoff Petroff

Saint Laurent có phải là một nghệ sĩ không?

Câu trả lời người ta sẽ thường nghe từ tôi đó là thời trang không phải là một hình thức nghệ thuật và đặc biệt ở chỗ nó là một điều phù phiếm. Nó có xu hướng chết trẻ. Điều đó có nghĩa là, chúng ta cần một nghệ sĩ để sáng tạo ra thời trang, chắc chắn vậy. Nhưng mà nghệ sĩ thì rất hiếm. Balenciaga là một nghệ sĩ có thể sánh ngang với họa sĩ Braque. Christian Dior và Gabrielle Chanel là những nghệ sĩ. Và Yves Saint Laurent là một nghệ sĩ vĩ đại. Yves có cảm thụ màu sắc tuyệt vời nhất trong số họ, bao gồm cả những nghệ sĩ thực thụ – nói không ngoa có thể sánh bằng Matisse. Đôi mắt tinh tường và khả năng nắm bắt ngay lập tức của ông ấy về một thứ gì đó để chuyển hóa nó thật là phi thường. Nhưng tài năng lớn nhất của Saint Laurent, là sự nhạy bén của ông về những tư tưởng của thời đại. Trong khi Balenciaga, Dior, Madame Grès và Schiaparelli là những nhà thám hiểm tài ba, họ bị bó buộc trong thế giới haute couture của đẳng cấp xã hội, không bao giờ vượt ra giới hạn thẩm mỹ của họ. Hai người duy nhất dám bước ra ngoài khuôn khổ đó để bước vào một thị trường rộng mở hơn, trước tiên đó là Chanel, và sau đó là Yves Saint Laurent. Thời trang Chanel, thời trang Saint Laurent khiến tôi vô cùng hứng thú. Thời trang đại diện cho thời đại và thay đổi cùng thời đại. Không phải thời trang tháp ngà, thời trang phát xít áp đặt từ trên cao. Khi tôi còn trẻ, tôi có nghe về hai nhà làm mốt cao cấp trong năm 2000 là Courrèges và Cardin. Năm 2000 đến rồi đi, và nếu có ai thấy có người nào trên thế giới mặc trang phục của Courrèges hoặc Cardin, hãy nhắn tôi ngay! Tôi sẽ thích được nhìn thấy điều đó. Một dòng thời trang đáng được tán thưởng. Thời trang không phải là một phòng thí nghiệm, nó không thể phác họa về tương lai. Mà ngược lại – nó là một sự kết nối vô cùng mong manh và phù phiếm giữa quá khứ và hiện tại, chả có gì hơn thế. Và còn điều này nữa: câu thần chú của Saint Laurent, rằng quần áo được làm là để mặc. Không phải để được trưng trong viện bảo tàng hay để thỏa mãn trí tưởng tượng thầm kín nào đó. Thật không may, rất nhiều nhà thiết kế bỏ quên điều này. 

Thời trang không phải là một phòng thí nghiệm, nó không thể phác họa về tương lai. Mà ngược lại – nó là một sự kết nối vô cùng mong manh và phù phiếm giữa quá khứ và hiện tại, chả có gì hơn thế.

Gần đây có một quyển tiểu sử tri ân đến ông với tựa đề “Cha đẻ của các ngôi sao”. Ông thấy biệt danh này có hợp với ông không?

Cô biết đấy, người ta nói những gì người ta thích. Tôi có một sự yêu mến đặc biệt dành cho các nhà thiết kế. Và tôi thích hỗ trợ họ. Nhưng mà thế này, chả phải tôi đang giả vờ khiêm tốn đâu, tôi thực sự không hề tạo ra họ. Hãy lấy Yves Saint Laurent làm ví dụ. Tôi đã gặp ông ấy vào cái ngày ông ấy trình diễn bộ sưu tập đầu tiên của mình cho Dior. Thành công ập đến với ông ấy như sét đánh. Thành thực mà nói: những gì xảy ra về sau là nhờ chính vào thành công ấy. Thành lập một ngôi nhà thời trang haute couture vào năm 1962 khi anh là một người vô danh sẽ khó khăn hơn nếu anh không phải là Saint Laurent, người đã có thành công rực rỡ. Ông ấy đã trở thành một phần trong thế giới thời trang. Tôi không nói rằng ông ấy là người giỏi nhất, nhưng ông ấy có vị thế của mình. Vị trí của tôi với Saint Laurent, tôi biết chứ. Tôi biết rằng, không có tôi, ông ấy đã không thể tạo ra ngôi nhà này thời trang mà chúng tôi đang ở. Bởi vì ông ấy không thể, không biết làm thế nào, hoặc thậm chí không muốn. Ông ấy đã làm một điều gì đó khác. Tôi không phải là người đem lại tài năng cho Saint Laurent. 

Ảnh: © Francis Apesteguy

Có phải sống trong quá khứ, trong hoài niệm là một cách để nguôi ngoai nỗi đau? 

Hãy nói về điều này một chút nếu cô muốn nghe. Tôi biết tình trạng của Yves là không thể cứu chữa từ lâu trước khi ông ấy qua đời. Nhưng bản thân ông ấy lại không biết. Không hề. Mà cũng không có lý do gì để nói cho ông ấy biết vì sự thật là căn bệnh này không thể cứu chữa được và ông ấy cũng không chấp nhận trị liệu hay bất kỳ sự tra tấn khốn khổ lên cuộc sống mà bệnh nhân ung thư nào cũng phải gánh chịu. Và mọi chuyện diễn ra đúng như bác sĩ dự đoán. Sự sống của ông ấy biến mất. Tôi không biết cô đã bao giờ phải đối mặt với điều này chưa, nhưng tin tôi đi, cái chết trong những hoàn cảnh như thế này là một sự giải thoát. Dù cho nỗi đau mất họ, hay sự thiếu vắng của họ trong đời rất lớn, sẽ thật thiếu trung thực khi không thừa nhận điều đó. Trải qua hàng tháng trời với một người đang quằn quại trong đau đớn là một điều không thể chịu nổi. Rồi sau đó, mọi thứ cứ ám ảnh cô. Và chả có gì có thể xua đuổi nó đi, chả có điều gì có thể. 

Ông có thường nghĩ về ông ấy không? 

Rất thường xuyên. Tôi luôn cố gắng chiến đấu với sự thật là ông ấy đã không còn nữa, nhưng ký ức về ông ấy ở khắp mọi nơi. Có thể nói rằng tôi chẳng việc gì phải cố gắng để không nghĩ về ông ấy. Tôi làm việc ở đây, trong Tòa nhà mang tên ông ấy, vì vậy thật khó để mà không nghĩ về ông ấy. Đôi khi đó chỉ là một cảm xúc thoáng qua, nhưng đôi khi nó lại nặng nề ùa về. 

Điểm yếu lớn nhất của ông là gì?

Giao tiếp với bạn bè hay người khác là một điều không dễ dàng nhưng mà tôi thích nói chuyện với mọi người. Tôi thích con người. Không giống như Saint Laurent, ông ấy không được hòa đồng cho lắm. Yêu quý người khác không phải là để vụ lợi. Mà đó là yêu quý họ vì chính con người của họ. Xin lưu ý là tôi không có nói rằng ông ấy không yêu tôi, tôi chỉ nói rằng ông ấy không thích tiếp xúc với người khác mà thôi.

Ảnh © Bertrand Rindoff Petroff

Ông là một người yêu văn học. Có phải đọc sách là một trạng thái của sự cô đơn?

Phải, nhưng đó là lựa chọn của tôi. Và đó là đam mê của tôi. Tôi là một kẻ ham đọc sách, và tôi mua sách. Tôi nghĩ rằng, tận trong sâu thẳm, sách là thứ duy nhất tôi thực sự yêu thích. 

Điều phi lí nhất về ông là gì?

Không thích tiền. Không một chút nào. Có phải nghe thật dễ dàng khi mà tôi đang có rất nhiều tiền? Khi không có tiền, tôi cũng đã nói vậy rồi. Tiền làm con người ta thối nát và nó khiến người ta làm mọi thứ để có tiền. Họ giết chóc vì tiền, phản bội vì tiền. Không có gì suy đồi hơn tiền. Đó là lý do vì sao điều phi lí nhất về tôi là tôi làm ra tiền nhưng không hề thích tiền, tiền cứ thế sinh ra, chỉ vậy thôi.

Ảnh © Limpkin/ANL/REX/Shutterstock

Mỗi khi có ai nhắc đến tên của Yves Saint Laurent, tên của ông cũng sẽ được nhắc tới cứ như tiếng vang vậy. Hai người giống như một con đại bàng hai đầu, ngồi trên đỉnh của ngôi nhà này. 

Thành thật mà nói, tôi tôn trọng quá trình sáng tạo đến nỗi không dám nhận mình có công lao gì ở đây cả. Chính Yves đã nghĩ ra con đại bàng hai đầu trong bữa trưa mừng sinh nhật ở Marrakech. Ông ấy nói thành công này là một thứ thuộc về “hai chúng ta”. Ông ấy vị kỷ đến mức mà tôi đã không bao giờ nghĩ ông ấy có thể nhận ra điều đó. Thật sự rất cảm động.

Có phải tình yêu đã là động lực cho những tham vọng của ông?

Chắc chắn là vậy. Nếu tôi không yêu Saint Laurent, thì tôi đã không bao giờ bước chân vào thế giới thời trang cao cấp. Tôi còn chả biết nó là cái gì. Nó chả có gì thú vị với tôi cả. Đối với tôi, thời trang rất vô nghĩa, nó chỉ là một thú tiêu khiển của những phụ nữ giàu có. Tôi chả hiểu cái gì về nó cả. Tôi thực sự đã rất ngu muội. Bởi vì tôi là bạn của Christian Dior mà tôi lại chưa từng đi xem bộ sưu tập nào của Christian Dior trước đó cả. Vì vậy, cả một đế chế Saint Laurent và vinh quang của nó không chỉ tồn tại trên sàn catwalk mà nó còn tồn tại trong đời thực. Đó là cội nguồn của mọi chuyện. Tôi đã sống với Yves trong 50 năm – chính xác là gần 50 năm. Không thể nào bỏ qua điều đó được. Chuyện của chúng tôi rất đặc biệt. 

Nếu tôi không yêu Saint Laurent, thì tôi đã không bao giờ bước chân vào thế giới thời trang cao cấp.

Vào những lúc Saint Laurent chìm đắm trong sự tuyệt vọng, khi ông ấy sống với bản ngã xấu xa của mình và “cô lập mình khỏi thực tế, khỏi thế giới bên ngoài”, trích nguyên văn lời ông từng nói, ông đã bao giờ có suy nghĩ muốn buông bỏ mọi thứ chưa?

Chưa bao giờ. Trước hết là bởi vì tôi sẽ không bao giờ có thể rời xa ông ấy. Tôi đã thử, nhưng tôi không thể. Thực tế, khi tôi quyết định không sống chung dưới một mái nhà với ông ấy nữa, tôi cũng chẳng thể đi đâu xa – chỉ đến được khách sạn Lutetia. Nói cách khác, nó chỉ ở cuối đường Rue de Babylone. Đôi khi có những điều tôi thấy khiến tôi bị sốc, nhưng chưa bao giờ đến mức khiến tôi muốn từ bỏ mọi thứ. Và tôi vẫn còn mang trách nhiệm tại ngôi nhà couture, với khoảng 200 người làm việc ở đó. Tôi biết rằng nếu tôi từ bỏ, mọi thứ sẽ bị rối tung như một chiếc áo bị rút len. Tôi biết rằng khi mọi thứ khó khăn, Yves sẽ dễ dàng từ bỏ. Nhưng vì tôi đã ở đó, ông ấy đã không làm thế. 

Ảnh © Sipa Press/REX/Shutterstock

Đôi khi ông nói rằng Saint Laurent đau khổ vì không thể tận hưởng những năm tháng tuổi trẻ và ông ấy đã nhiều lần bày tỏ khát khao từ bỏ tất cả mọi thứ. 

Đó quả là một sự lãng mạn thuần túy. Thật ra, ông ấy đã đánh mất tuổi trẻ vì phải nối nghiệp Christian Dior từ rất sớm, nhưng thời đó còn có rất nhiều công việc phức tạp và thấp kém hơn nhiều. Câu cửa miệng của tôi bây giờ thường là, từ buổi trình diễn thời trang đầu tiên đó, ông ấy đã có hai cuộc gặp gỡ thay đổi cuộc đời mình: với sự nổi tiếng và với Pierre Bergé. Tôi không biết bên nào khó kiểm soát hơn bên nào. Từ con số không, ông ấy tiến thẳng vào một thế giới phức tạp. Ý tôi không phải là tôi không phức tạp, nhưng mà ông ấy chưa từng có một cuộc sống, chưa từng có một tình yêu. Rồi đột nhiên, ông ấy bị mắc kẹt. Bị cuốn theo một người mà ông ấy sẽ sống cùng trong suốt 50 năm tiếp theo, rồi bị cuốn theo công việc điên rồ nơi mà mọi thứ không ngừng bị chất vấn – chả có nơi nào mà người ta phải làm vậy cả. Rồi thì ông ấy sẽ tìm ra cách riêng của mình để vượt qua nó. Và ông ấy đã tìm thấy nó: ma túy và rượu bia. Tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên. 

Cái gọi là  “Cuộc đấu giá thế kỷ” mà ông tổ chức sau khi ông ấy qua đời, đó có phải là cuộc sự đấu giá cho tự do?

Tất nhiên đó là một cuộc đấu giá cho tự do, nhưng đó cũng là một sự kiện phù phiếm. Tại sao lại phù phiếm? Bởi vì thật tuyệt vời khi có thể tuyên bố rằng mình đã đúng về một điều gì đó, có phải không? Và tôi biết chắc về điều đó khi tôi bán đi tất cả những bức tranh đó. Nếu có một điều mà tôi rất tự hào, thì chính là điều này. Ít nhiều biết rõ giá trị của một bức tranh hay của một vật thể nào đó. Saint Laurent cũng biết, rõ ràng là thế. Trong khía cạnh này, tôi có thể nói rằng tôi đã có một sức ảnh hưởng lớn đến ông ấy. 

Ông đã nghĩ gì khi chứng kiến tất cả những điều diễn ra ở buổi đấu giá – một bức tranh của cả một cuộc đời? 

Tôi không thấy nhẹ nhõm mà cũng không thấy đau lòng. Sẽ là dối trá nếu tôi nói ngược lại. Phải, đó là cả một bức tranh cuộc đời, thì sao chứ? Tôi vẫn có thể thay đổi cuộc đời của tôi.

Ảnh: © Penske Media/REX/Shutterstock

Nếu ông có thể bắt đầu lại từ đầu, có điều gì ông muốn thay đổi không?

Không gì cả. Thực sự đấy, cô nghĩ sao? Tôi đến Paris khi tôi mới 18 tuổi và Jacques Prévert thực sự đã rơi đè lên người tôi khi bị ngã ra khỏi cửa sổ trên đại lộ Champs Élysées. Điều đó thật khó tin phải không? Ngày đầu tiên bạn đến Paris, một nhà thơ đáp xuống ngay trên người bạn? Tôi đã gặp Garry Davis và tôi trở thành một công dân toàn cầu. Tôi đã xuất bản một tờ báo mà nhân sự chỉ có hai người vì chúng tôi chả có xu nào trong túi, tôi thường lui tới thăm hỏi những con người mà tôi vô cùng yêu mến bởi vì những người mà tôi thường lui tới như André Breton, Camus và Sartre, thích tờ báo đó. Sau đó, tôi gặp Bernard Buffet và có một mối tình tuyệt vời với ông ấy. Tôi lúc đó mới 19 tuổi. Tôi đã hẹn hò Jean Giono và ở bên cạnh ông ấy trong nhiều năm. Sau đó tôi gặp Saint Laurent, và phần còn lại thì đã đi vào lịch sử. Thật điên rồ nếu tôi muốn thay đổi bất kỳ điều gì! 

Ông có đức tin không? 

Tôi không tin vào bất cứ điều gì, tôi là một người theo thuyết bất khả tri. Tôi không có vấn đề gì với những người theo đạo, hay thậm chí với những người hành đạo. Xin lỗi cô nhưng mà tôi không thích bị tôn giáo chi phối. Tôi thích được tự do.

Ông có sợ chết không? 

Không hề. Chết là một điều bình yên. Tôi sẽ ổn thôi, tôi chắc chắn thế. Tro cốt của tôi sẽ được chôn cùng với Yves ở Morocco. Chúng ta không nên quá coi trọng đến những ràng buộc thể xác – đó là lý do tại sao chúng ta có linh hồn. Nó khiến mọi thứ trở nên đơn giản hơn. Điều duy nhất khiến tôi phiền não khi nghĩ về cái chết đó là tôi không biết chuyện gì sắp sửa xảy ra. Đối với tôi, hiện tại đáng quý hơn quá khứ, và tương lai sẽ còn hơn cả hiện tại. Và tôi muốn được chứng kiến chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. 

Chết là một điều bình yên. Tôi sẽ ổn thôi, tôi chắc chắn thế. Tro cốt của tôi sẽ được chôn cùng với Yves ở Morocco.

Ông có còn muốn thử sức ở một thách thức nào nữa không? 

Ở tuổi của tôi à? Vậy thì là tiếp tục sống càng lâu càng tốt.

 

Theo Vogue Hommes

Bài phỏng vấn của Par Olivier Lalanne

Chuyển ngữ: Mỹ Đỗ (từ bản dịch của Nicole Rayment)