Ai yêu thổ cẩm? Tìm về nghề dệt truyền thống của dân tộc Tày ở Cao Bằng

Ngày đăng: 20/06/21

Thổ cẩm là sản phẩm dệt thủ công với những hoa văn đẹp sặc sỡ mang đậm bản sắc dân tộc từ lâu đã không thể thiếu trong đời sống của người Tày ở Cao Bằng, là nghề gia truyền từ đời này sang đời khác. Tại xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng, làng Luống Nọi là nơi duy nhất trong huyện giữ trọn nguyên bản về kỹ thuật lẫn công cụ dệt thổ cẩm, với khoảng 30 khung cửi của các gia đình truyền thống lành nghề, là nơi ra đời của nhiều thổ cẩm đẹp nhất và lạ mắt nhất từng có.

Nghệ nhân Nông Thị Thược và những người phụ nữ Luống Nọi Cao Bằng đang góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa của người Tày. Ảnh: Thu Hằng

Kỹ thuật dệt thổ cẩm của người Tày ở xã Phù Ngọc bao gồm các công đoạn như quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt vải. Nghề dệt thổ cẩm này đòi hỏi sự kiên trì, đôi bàn tay khéo léo cũng như sự sáng tạo của các nghệ nhân. Các mẫu hoa văn trên thổ cẩm của người Tày là sự kết hợp hài hòa giữa đường nét tinh xảo, màu sắc bắt mắt và hoa văn độc đáo. Các màu sắc sáng, tối, nóng, lạnh được xử lý rất khéo léo trên nền chủ đạo là màu trắng đục, tạo nên một bản sắc riêng của văn hoá truyền thống Tày khó nhầm lẫn với cách trang trí hoa văn của các dân tộc khác.

Trong sâu thẳm trái tim, những người nghệ nhân vẫn luôn giữ tinh hoa, nét truyền thống của người dân tộc Tày để thể hiện sự biết ơn ông bà tổ tiên đã sáng tạo và truyền lại cho nghề dệt thổ cẩm mang đậm bản sắc dân tộc.

Thổ cẩm của đồng bào Tày có hơn 20 loại hoa văn khác nhau, chú trọng ở kỹ thuật phối màu như hoa lê, hoa mận, hoa đào, hoa mai… và một số loại muông thú trong rừng. Từ những tấm thổ cẩm, người phụ nữ Tày may thành mặt chăn, mặt địu, khăn trải bàn và đặc biệt là những bộ trang phục dân tộc đặc sắc. Dụng cụ, máy móc để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm đẹp mắt đó được làm hoàn toàn bằng tre, gỗ tự nhiên vô cùng thô sơ do chính người dân tạo ra. Tất cả các hoa văn đều đã được ghi nhớ, khắc sâu trong đầu của các nghệ nhân và không tuân theo bất kỳ khuôn mẫu nào.

Tấm vải thổ cẩm trên khung cửi.

Người Tày ở Cao Bằng dệt thổ cẩm không phải dệt từ mặt phải và là tạo hoa văn trên mặt trái. Khi họ giăng những que tre trên khung cửi, họ đã định hình sẵn sẽ đưa sợi vải vào và con thoi đưa qua đưa lại tạo nên những sản phẩm có hoa văn lạ mắt. Mỗi lần chỉ tạo được một hoa văn, muốn tạo hoa văn khác sẽ phải thực hiện lại từ đầu. Ngày nay do xu hướng phát triển theo yêu cầu của khách hàng, các nghệ nhân đã cải tiến hơn trong khâu sản xuất nhằm mục đích đa dạng hóa sản phẩm. Các sản phẩm thổ cẩm của nghệ nhân nổi tiếng, tiêu biểu như nghệ nhân Nông Thị Thược với bốn thế hệ gia đình theo nghề dệt, còn được đưa vào các tỉnh phía Nam, ghi dấu ấn như một thương hiệu tiêu biểu của thổ cẩm truyền thống Cao Bằng.

Hoa văn độc đáo trên sản phẩm thổ cẩm. Ảnh: Thu Hằng

Dù vậy, thực tế nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày Cao Bằng đang đối diện với nguy cơ bị mai một. Nghệ nhân Nông Thị Thược tâm sự: “Chúng tôi đang mong chờ UNESCO công nhận nghề dệt thổ cẩm ở Lũng Nọi là di sản văn hóa. Đó là cơ hội có thể giúp gia tăng quảng bá thổ cẩm Cao Bằng, cũng là giúp người dân có thêm động lực giữ gìn di sản của dân tộc.”

Thổ cẩm là sản phẩm dệt thủ công với những hoa văn đẹp sặc sỡ mang đậm bản sắc dân tộc từ lâu đã là biểu tượng văn hóa của người Tày ở Cao Bằng.

Bất chấp những khó khăn, những người phụ nữ ở làng nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi đang ngày đêm miệt mài dệt nên những tấm thổ cẩm truyền thống, góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cũng như thể hiện lòng biết ơn ông bà tổ tiên đã sáng tạo và truyền lại cho nghề dệt thổ cẩm mang đậm bản sắc dân tộc từ trong sâu thẳm trái tim.

Thực hiện: Bảo Long
Tham khảo: nhandan.vn, bdatrip.com, vovworld.vn

Bài viết được mang đến bởi đội ngũ FACE – The Fashion Design Academy


Thành lập từ tháng 10.2011, FACE – không gian chia sẻ, nghiên cứu và giảng dạy những kiến thức và tư duy mới của thời trang toàn cầu đến Việt Nam thông qua các khóa học dài hạn, ngắn hạn và workshop. Hiện tại, FACE – The Fashion Design Academy đang tuyển sinh các khóa học thiết kế thời trang dài hạn và ngắn hạn. Thông tin chi tiết vui lòng truy cập website www.facefashiondesignacademy.com.