Ngược dòng lịch sử cùng chiếc Tuxedo huyền thoại
Ngày đăng: 08/02/22
Nhìn ngắm lại lịch sử những bộ cánh đen tinh tế từ thế kỷ 20, nhiều trang phục sang trọng đã xuất hiện. Nhưng khi nói đến sự thanh lịch và tinh tế – không gì có thể sánh được với Tuxedo – được xem là đỉnh cao của trang phục dự tiệc cổ điển.
Hãy nghĩ về nhân vật James Bond: thật khó để tưởng tượng sự thiếu vắng của bộ suit ba mảnh đặc trưng trong “Điệp viên 007”. Hay Cary Grant trong “To Catch a Thief”, Leonardo DiCaprio trong “The Great Gatsby”, Humphrey Bogart ở “Casablanca” và Fred Astaire trong từng khung hình mà ông xuất hiện – tuxedo đều là biểu tượng sự thanh lịch, nam tính và vị trí trong xã hội. Và khi nó được khoác lên vai phái đẹp, phong cách ấy lại càng trở nên một biểu tượng mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Trên thực tế, lịch sử của tuxedo có vài điều sẽ khiến bạn không khỏi ngạc nhiên. Bộ tuxedo đầu tiên được thiết kế bởi Henry Poole cho Hoàng tử xứ Wales (Vua Edward VII sau này), vốn không phải là trang phục sang trọng mà chỉ dành cho những bữa tối bình thường. Ở thời điểm ấy, vào giữa những năm 1860, trang phục cho các buổi tối trang trọng sẽ gồm cà vạt trắng, vest trắng và áo đuôi tôm.
Đi ngược với truyền thống, trang phục của Poole là chiếc áo khoác không đuôi đầu tiên. Đồng thời, ông cũng đã may một chiếc áo khoác lụa màu xanh lam với quần cùng màu cho Hoàng tử. Bộ trang phục hoàn toàn không được gọi với cái tên “tuxedo”, mà thay vào đó là “smoking jacket”. Cho đến năm 1885, sau khi Poole qua đời, và James Brown Potter ,một người Mỹ đã nhìn thấy Hoàng tử xứ Wales khoác trên người thiết kế này trong chuyến thăm Anh Quốc. Bộ tuxedo đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ và khiến ông quyết định mang bộ trang phục này về nhà. Ông trùm cà phê vốn nổi tiếng với cuộc hôn nhân cùng nữ diễn viên Cora Urquhart Brown-Potter đã mặc nó đến Tuxedo Club Autumn Bal vào năm 1886, và đặt cho thiết kế này một cái tên chính thức. Trong thời gian đó, một vài người đã bỏ đi phần đuôi của chiếc áo khoác thông thường và mặc chúng đến những sự kiện trang trọng. Khi ta thấy những người đàn ông trong khu vực Dress Circle của Metropolitan Opera mặc trên mình bộ tuxedo, một nhận định đã trở nên rõ nét: bộ tuxedo giản dị một thời giờ đây đã dành cho các sự kiện sang trọng.
Bộ tuxedo đã có môt quãng thời gian lặng lẽ cho đến những năm 1930, khi nó không chỉ nổi lên mà còn được mặc lần đầu tiên bởi một người phụ nữ. Enter Marlene Dietrich, ngôi sao điện ảnh người Đức đã khoác lên mình bộ tuxedo trong bộ phim Morocco của Josef von Sternberg. Vào năm 1930, hành động này đã gây nên nhiều tranh cãi. Và Dietrich đã vượt lên những quan niệm về giới và khoác lên mình trang phục vốn chỉ dành cho phái mạnh, tạo nên sự giao thoa giữa phong cách thời trang của cả nam và nữ trong những năm 1940 và 1950. Cô táo bạo và vô cùng xinh đẹp một cách kiêu kỳ vào thời điểm trước cả khi các quan điểm về giới tính được nhìn nhận cởi mở.
36 năm sau khi Dietrich xuất hiện trong bộ tuxedo, Yves Saint Laurent thay đổi cục diện thời trang thế giới bằng việc giới thiệu Le Smoking, tuxedo dành riêng cho nữ giới, trong bộ sưu tập Pop Art Thu/Đông năm 1966. Bộ trang phục vẫn gây tranh cãi hai năm sau đó, khi Nan Kempner mặc đến nhà hàng Le Côte Basque tại New York và bị từ chối phục vụ. Để đáp lại, người mà Saint Laurent gọi là “la plus chic du monde” đã cởi bỏ chiếc quần và thản nhiên bước vào nhà hàng với phần còn lại của bộ suit. Những người phụ nữ đầu tiên chấp nhận tuxedo và Le Smoking của YSL đã lật đổ những định kiến mà không cần bất cứ lời giải thích nào.
Đến thập niên 1970, khi Bianca Jagger khoác lên mình “smoking jacket” trong đám cưới của cô và Mick Jagger, dư luận đã bắt đầu thay đổi. Loulou de La Falaise, Lauren Bacall và Catherine Deneuve mặc trang phục lấy cảm hứng từ Niki de Saint Phalle. Năm 1975, Helmut Newton đã chụp hình một người mẫu trên đường phố Paris với chiếc Le Smoking bên cạnh là một cô người mẫu khác đứng khỏa thân. Đây cũng chính là tuyên ngôn vô cùng mạnh mẽ: Tính nữ có thể vượt ra khỏi vẻ ngoài mềm mỏng và phụ nữ có thể đảm đương những việc của phái mạnh mà không cần bất kỳ sự cho phép nào.
Trong những năm kể từ khi Yves Saint Laurent chiếm lĩnh làng thời trang với “cơn bão” này, từ Liza Minnelli đến Charlotte Rampling, Kate Moss và Hillary Clinton đều mặc Le Smoking. Dù ngày nay đã không còn phổ biến như trước, nhưng Le Smoking vẫn là một biểu tượng thời trang với cảm giác quyền lực thấm nhuần trong lịch sử.
Chuyển ngữ: Ngân Đàm
Theo: crfashionbook