Người mẫu ngoại cỡ một lần nữa bị “tước” hào quang trên sàn diễn Thu Đông 2025
Ngày đăng: 31/03/25
New York, London, Milan đến Paris, mùa mốt Thu Đông 2025 “đi qua” bốn kinh đô thời trang thế giới, để lại loạt khoảnh khắc ấn tượng cùng những xu hướng mới. Sân chơi sáng tạo này tiếp tục mang đến nhiều tài năng mới, từ nhà thiết kế, người “kế vị” chức GĐST mới, cho đến người mẫu. Tuy nhiên, ánh hào quang sáng chói đó không dành cho người mẫu ngoại cỡ.
Cuộc cách mạng ngoại hình của người mẫu không còn là một chủ đề “nóng” của ngành công nghiệp thời trang. Thậm chí trong kỷ nguyên cởi mở và đề cao sự bứt phá, người mẫu sở hữu ngoại hình không theo tiêu chuẩn của ngành không cần phải đấu tranh đòi lại công bằng. Tuy nhiên, tưởng chừng đã lấy lại sự công nhận xứng đáng, nhưng người mẫu ngoại cỡ vẫn “vắng bóng” trên sàn diễn. Theo báo cáo của Vogue Business, tần suất xuất hiện người mẫu ngoại cỡ trong lịch trình mùa mốt Thu Đông 2025 rất thấp. Hóa ra, họ vẫn không ổn, ánh hào quang và cơ hội của họ rất “yếu ớt”.
Duran Lantink Thu/ Đông 2025 tạo meme bằng khoảnh khắc người mẫu nam gầy gò mang trên mình bộ ngực giả đung đưa; Miu Miu thả xuống sàn diễn chiếc áo ngực hình nón; Givenchy, Ludovic de Saint Sernin và Isabel Marant trình làng những phần eo con kiến được thắt chặt; trong khi, Marine Serre, Bally, Comme des Garçons và McQueen lại say mê phần hông được phóng đại quá khổ.
Mùa mốt Thu/ Đông 2025 là cuộc đối thoại của các nhà mốt về đường cong cơ thể; nhưng nghịch lý thay, nó chỉ tồn tại trên bản sketch, được hiện thực hóa trên vải vóc, thay vì trên người thật. Liệu sự tôn vinh đường cong sẽ chẳng còn sức nặng, nếu sàn diễn không còn chỗ cho người mẫu ngoại cỡ?


Giữa bối cảnh thời đại bị chi phối bởi hiện tượng thuốc giảm cân “Ozempic”, báo cáo Vogue Business ghi nhận sự suy giảm đáng kể của người mẫu cỡ trung bình (mid-size) và ngoại cỡ (plus-side) trên khắp New York, London, Milan và Paris trong mùa mốt Thu Đông 2025.
Trong số 8.703 kiểu dáng trong 198 buổi trình diễn, 97,7% người mẫu thuộc nhóm thân hình “đạt chuẩn”, 2% là size trung bình và 0,3% còn lại là size ngoại cỡ. Tỷ lệ về sự xuất hiện của nhóm người mẫu plus-size đã giảm 0,8% so với mùa mốt trước, trong khi tỷ lệ của nhóm người mẫu thuộc size trung bình giảm từ 4,3%.
Trong chuyên mục “Curves Are In, Curvy Girls Are Out”, tạp chí Polyester phân tích sự chênh lệch giữa việc tôn vinh đường cong trong thiết kế và sự thiếu vắng người mẫu ngoại cỡ trên sàn diễn. Thay vì để cơ thể thực sự phô diễn vẻ đẹp quyến rũ, các thương hiệu thời trang chọn cách hình dung, phác thảo và tạo dựng đường cong qua lớp vải. Vartanian nhận xét: “Có lẽ vì những đường cong đó dễ kiểm soát và điều chỉnh hơn.”
Trở lại với show diễn ra mắt BST Thu Đông 2025 của Duran Lantink, bên cạnh sự phấn khích, cộng đồng mạng cũng dấy lên tranh cãi. Nhiều ý kiến chỉ trích: “Tại sao ngực giả của phụ nữ thường bị tạo hình hài hước, lố bịch hoặc quá gợi cảm, trong khi của nam giới lại trông bình thường?” Một số khán giả bày tỏ: “Thật xấu hổ! Tôi cảm giác như đồng nghiệp đang cười sau lưng mình vì bộ ngực đung đưa này. Người mẫu nam có thể tháo bỏ lớp silicon đó sau buổi diễn, nhưng ngoài đời, những ai sở hữu cơ thể như vậy sẽ ra sao? Họ có phải gánh chịu sự xấu hổ và tự ti mãi mãi?”.

Theo thông cáo báo chí của show diễn, các bộ phận cơ thể giả được lấy cảm hứng từ những mô hình nhân vật trong game hoặc truyện tranh. Lantink chia sẻ: “Tôi thích ý tưởng về cơ thể phụ nữ nhưng dưới đường nét của các mô hình nhân vật hoạt hình. Tôi nghĩ mọi người phải thấy mình quyền lực với bản sắc của chính mình và không cảm thấy bị hạn chế bởi bất cứ điều gì”. Tuy nhiên, cách diễn giải của thương hiệu lại dễ khiến người xem hiểu lầm; vì thế, sự tôn vinh dành cho vẻ đẹp độc bản và đa dạng đã không còn nguyên giá trị.
Dan Hastings-Narayanin, phó biên tập viên tại The Future Laboratory, nhận định: “Những thiết kế mô phỏng cơ thể trên sàn diễn không thực sự phản ánh vẻ đẹp đa dạng. Chúng nhấn mạnh rằng một cơ thể béo chỉ là một yếu tố trình diễn – một thứ để mặc, thử nghiệm, nhưng không bao giờ thực sự hiện diện”. Dù tái hiện đường nét cơ thể, chúng lại gợi lên cảm giác mơ hồ về sự chấp nhận, dần biến thành sự né tránh và từ chối đầy tiêu cực. Ở một góc độ khác, việc đặc tả cơ thể qua vải vóc không phải là tôn vinh sự đa dạng, mà là một hình thức kiểm soát, quyết định đường cong nào được chấp nhận, đường cong nào không.
Người mẫu ngoại cỡ “mất hút” trên bốn kinh đô thời trang
Trong 198 buổi trình diễn, chỉ 12 thương hiệu sử dụng người mẫu ngoại cỡ – gồm năm ở New York, năm ở London và hai ở Paris. Sự đa dạng trong dàn mẫu mid-size cũng hạn chế, khi chỉ hai hoặc ba gương mặt quen thuộc lặp lại ở nhiều show diễn.
Không có người mẫu ngoại cỡ nào xuất hiện trong lịch trình Tuần lễ thời trang Milan Thu Đông 2025. Theo thống kê dữ liệu của Vogue, chỉ 0,9% trang phục thuộc cỡ trung bình (mùa trước là 1,7%, trong khi 0,3% phần trăm là ngoại cỡ). Trong đó, thương hiệu đứng đầu danh sách về sự đa dạng cơ thể tại Milan chín là Marco Rambaldi, với 11,1% trang phục thuộc cỡ trung bình.
Tại Paris, tỷ lệ trang phục trình diễn trên người mẫu mid-size giảm từ 2% mùa trước xuống còn 1%, trong khi tần suất xuất hiện của người mẫu ngoại cỡ chỉ còn 0,1%, giảm mạnh từ 0,7%. Xuly.Bët dẫn đầu về sự đại diện với 17,6% trang phục thuộc cỡ trung bình, tiếp theo là Ottolinger. Sarah Burton tiếp tục mời người mẫu mid-size trong show ra mắt tại Givenchy, và Hermès là thương hiệu duy nhất có người mẫu ngoại cỡ trên sàn diễn.
Tại New York, tỷ lệ người mẫu mid-size và plus-size giảm từ 6% mùa trước xuống còn 4% trong mùa Thu/Đông 2025. Bạch Mai và Willy Chavarria – hai thương hiệu từng nằm trong top 10 về sự hiện diện của người mẫu ngoại cỡ đều vắng mặt trong lịch trình lần này. Thay vào đó, Jane Wade và Collina Strada dẫn đầu, với khoảng ¼ dàn mẫu thuộc nhóm plus-size và mid-size.
Dù tiếp tục dẫn đầu về sự đa dạng cơ thể, London chứng kiến tỷ lệ người mẫu mid-size và plus-size giảm gần một nửa, từ 13% mùa trước xuống còn 7% mùa này. Một phần nguyên nhân là sự vắng mặt của Karoline Vitto – thương hiệu từng đứng đầu bảng xếp hạng mùa trước – khi chuyển sang trưng bày thay vì tổ chức show diễn. Trong mùa này, Sinéad O’Dwyer, Chopova Lowena và Di Petsa là những thương hiệu dẫn đầu về sự đại diện.
Hy vọng chỉ mới ló dạng rồi lại bị dập tắt ngay tức khắc, có lẽ cuộc cách mạng của những người mẫu ngoại cỡ sẽ chẳng bao giờ có kết quả nhất định. Một mình họ sẽ không thể chống lại các tiêu chuẩn cái đẹp truyền thống, cũng như những nỗi ám ảnh mới, chẳng hạn như trào lưu biến Ozempic thành thuốc giảm cân cấp tốc. Tiếng nói của họ yếu ớt, và cần lắm sự đồng lòng vận động từ cả hệ thống. Quá trình thay đổi nhận thức đó sẽ còn kéo dài. Trong kỷ nguyên chứng kiến sự chuyển giao giữa các triều đại sáng tạo, mong rằng tiếng nói của người mẫu ngoại cỡ sẽ được đề cao và vang vọng hơn hiện tại.
Thực hiện Dory
Theo Vogue
Ảnh: Vogue