Người mẫu ngoại cỡ vẫn chưa có nhiều cơ hội để tỏa sáng trên sàn diễn như đã từng được hứa hẹn

Ngày đăng: 18/11/23

Dù vẫn có cơ hội sải bước trên các sàn diễn lớn, nhưng tại tuần lễ thời trang Xuân Hè 2024 vừa qua tỉ lệ người mẫu ngoại cỡ vẫn không đạt được như mong muốn. Họ vẫn bị “bỏ quên” sau ánh hào quang rực rỡ trên sàn diễn. 

Trong kỷ nguyên thời trang hiện tại, sự đa dạng về ngoại hình không còn là một câu chuyện mới. Sự góp mặt của các người mẫu ngoại cỡ trên sàn diễn lớn cũng không còn là một vấn đề mới được “mổ xẻ” và quan tâm hết mực. Tại hàng loạt các sàn diễn mùa mốt Xuân Hè 2024 trong bốn tuần lễ thời trang đình đám, tuy những người mẫu có ngoại hình không đúng với tiêu chuẩn “bất thành văn” của làng mốt vẫn có thể tỏa sáng trên sân khấu, nhưng theo báo cáo vừa qua của Vogue Business về tính toàn diện thì tỉ lệ người mẫu ngoại cỡ có phần thấp hơn so với mùa trước. Trong báo cáo, Vogue Business đã cho thấy trên các show diễn của các thương hiệu thời trang sang trọng đình đám, người mẫu có ngoại hình ngoại cỡ không xuất hiện nhiều bằng các sàn runway của các thương hiệu trẻ, mới nổi.  

Vogue Business đã cho thấy trên các show diễn của các thương hiệu thời trang sang trọng đình đám, người mẫu có ngoại hình ngoại cỡ không xuất hiện nhiều bằng các sàn runway của các thương hiệu trẻ, mới nổi.  

Xét cả bốn fashion week, từ New York cho đến Paris, Karoline Vitto và Chopova Lowena là hai thương hiệu dẫn đầu, xếp hạng nhất khi đạt 100% về sự đa dạng về kích thước trên sàn diễn, nghĩa là tất cả các mẫu của họ đều có kích thước trung bình (mid-size) hoặc plus-size. Trong show diễn của Vitto vừa qua, có 13 người mẫu ngoại cỡ và 17 người mẫu có ngoại hình cỡ trung bình sải bước trên sàn runway. Đây chính là thương hiệu có số lượng người mẫu plus-size nhiều nhất trong mùa mốt Xuân Hè vừa qua. Trong khi đó, show diễn Chopova Lowena Spring 2024 thiên về người mẫu có ngoại hình cỡ trung bình nhiều hơn, với sự góp mặt của 40 người mẫu mid-size và hai mẫu có ngoại hình cỡ lớn. Bach Mai – một thương hiệu từ New York Fashion Week là gương mặt đứng thứ hai, và các nhà thiết kế Palmer Harding, Di Petsa và Patrick McDowell tại London Fashion Week lần lượt xếp thứ ba, thứ tư và thứ năm trong bảng xếp hạng. 

Chopova Lowena

Xuyên suốt 230 show diễn và showcase ở New York, London, Milan và Paris, báo cáo của Vogue Business đã thống kê rằng người mẫu có ngoại hình ngoại cỡ đạt tỉ lệ 0,9% và 3,9% là tỉ lệ của người mẫu thuộc mid-size, trong khi đó 95.2% còn lại thuộc về người mẫu có ngoại hình đạt chuẩn. So với mùa mốt Thu Đông 2023 (3,8% là mid-size và 0,6% là plus-size), người mẫu ngoại cỡ đã không còn tỏa sáng như đã từng hứa hẹn. Paloma Elsesser – một trong những người mẫu mid-size “đắt khách” trong suốt bốn tuần lễ thời trang vừa qua chia sẻ với Vogue rằng sự vắng mặt của bản thân trong một vài fashion show, cô hy vọng sự vắng mặt của mình sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho những người mẫu có ngoại hình plus-size khác. Khi điều đó không xảy ra, cô cảm thấy bản thân phải có trách nhiệm quay lại để cống hiến và tiếp tục tạo ra nhiều động lực ý nghĩa trong làng mốt. Cô nói thêm: “Tôi đã hy vọng chúng ta sẽ thấy thêm được nhiều sự tiến bộ liên tục trong làng mốt, nhưng thị hiếu về người mẫu có ngoại hình gầy guộc tiếp tục ngày càng gia tăng”. 

So với mùa mốt Thu Đông 2023 (3,8% là mid-size và 0,6% là plus-size), người mẫu ngoại cỡ đã không còn tỏa sáng như đã từng hứa hẹn.

Người mẫu plus-size đình đám Paloma Elsesser

Elsesser là một trong sáu người mẫu thuộc ngoại hình mid-size đã sải bước trên sàn diễn của Balenciaga mùa này, trong đó còn có sự xuất hiện của ngôi sao nhạc pop Yseult với ngoại hình ngoại cỡ. Đây là lần đầu tiên Balenciaga chào đón sự đa dạng về ngoại hình của các người mẫu. Việc một người mẫu có ngoại hình ngoại cỡ lần đầu tỏa sáng trên sàn diễn Balenciaga đã giúp thương hiệu này đạt được vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng về tính đa dạng của Tuần lễ thời trang Paris, với 1,1% người mẫu plus-size và 6,9% người mẫu mid-size. Nguồn cảm hứng mang đậm chất bản sắc cá nhân của Balenciaga Spring 2024 đã giúp Demna dễ dàng hơn trong việc casting người mẫu cũng như lựa chọn hình mẫu đa dạng hơn. Vị giám đốc sáng tạo trẻ đã mời bạn bè, gia đình và các biểu tượng của ngành thời trang bao gồm mẹ anh – nhà phê bình thời trang Cathy Horyn và cả nghệ sĩ trình diễn Amanda Lepore làm người mẫu cho show diễn của mình. 

Nhà mốt cao cấp lừng danh ở Pháp – Mugler cũng lần đầu tiên lọt vào top 10 danh sách các thương hiệu có tỉ lệ người mẫu ngoại cỡ cao ở Paris, với xếp hạng đứng thứ tư khi đạt 7,7% người mẫu mid-size. Dưới sự dẫn dắt của Harris Reed, Nina Ricci đã nhảy từ vị trí thứ ba ở mùa mốt trước lên vị trí đầu tiên trong mùa giải này, thay thế Ester Manas – thương hiệu không xuất hiện trong mùa giải này. Trong khi đó, Alexander McQueen đã tụt dần từ vị trí thứ năm ở mùa mốt trước (với 5,5% ngoại hình mid-size và 1,8% vẻ ngoài plus-size) xuống vị trí thứ sáu trong mùa mốt Xuân Hè 2024 (với 4,4% ngoại hình mid-size và 2,2% vẻ ngoài plus-size).

Một trong những người mẫu oversize đầu tiên của Mugler vào thập niên 90

Với lần đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng của Balenciaga, Ferragamo hay Mugler, dù đều là những tia hy vọng đầy hứa hẹn trong thế giới luxury fashion; tuy nhiên, đây có phải là một sự thay đổi vĩnh viễn trong quá trình casting của các nhà mốt lớn hay chỉ đơn giản là một khoảnh khắc chỉ để tạo tiếng vang một cách ngẫu hứng? 

Ca sĩ Yseult sải bước trên sàn diễn của Alexander McQueen
Mugler x H&M

Người mẫu ngoại cỡ James Corbin cho biết anh đã không được mời tham gia bất kỳ show diễn nào ở London trong mùa mốt Xuân Hè vừa qua. Show diễn duy nhất mà anh ấy được book ở Paris là của Christian Cowan. “Tại mỗi tuần lễ thời trang, chúng tôi (người mẫu plus-size) đều khát khao được thể hiện tiếng nói cá nhân trên những sàn diễn lớn; chúng tôi đều muốn sự khác biệt cho làng mốt”. Corbin nói thêm: “Đối với một thương hiệu có trụ sở tại New York, làm được điều này ở Paris là một điều gì đó mới mẻ cũng như đặt ra một tiêu chuẩn mới trong ngành thời trang. Tôi đã hy vọng sẽ tổ chức các buổi catwalk ở London, nhưng điều đó đã không xảy ra. Bởi lẽ, những người mẫu nam ngoại cỡ không đủ hấp dẫn cho các show diễn thời trang”. Cơ hội dành cho các người mẫu nữ tỏa sáng trên các show diễn cao cấp đã không phải là chuyện dễ dàng, đối với nam giới cơ hội này ngày càng hiếm hoi. 

James Corbin

Tại Milan, tỉ lệ người mẫu ngoại cỡ ở mùa Xuân Hè 2024 tăng rõ so với mùa mốt trước. Trong khi đó, tỉ lệ người mẫu mid-size chiếm 2,2% (so với 1,7% ở mùa trước) và tỉ lệ của người mẫu cỡ đạt 1% (so với 0,2% ở mùa trước). Trong bức trang tổng quan, đã có hai thương hiệu lừng danh “cất” lên tiếng nói của mình. Moschino lọt vào top 10, với 9,1% ngoại hình cỡ trung bình hoặc cỡ lớn, trong khi Dolce & Gabbana tăng từ vị trí thứ chín ở mùa trước lên vị trí thứ sáu trong mùa mốt Xuân Hè với tỉ lệ 8,9%. Một cái tên khác lọt vào top 10 mùa này là Ferragamo với 4,7% người mẫu có ngoại hình thuộc mid-size hoặc plus-size.

Paloma Elsesser trên sàn diễn của Ferragamo

Nhà thiết kế có trụ sở tại London và tốt nghiệp trường Fashion East – Karoline Vitto đã giúp nâng cao tỉ lệ người mẫu plus-size của Milan. Cô đã chọn thành phố này cho show diễn cá nhân đầu tiên của mình, được tài trợ bởi Dolce & Gabbana. Vitto đứng đầu bảng xếp hạng Milan với sự đa dạng về kích thước lên 100% và đứng đầu trên toàn cầu cùng với Chopova Lowena. Vitto đã chia sẻ với tạp chí Vogue Business rằng ngày nay có rất ít công ty quản lý đưa người mẫu oversized ra diễn ở các thành phố châu Âu. 

Người mẫu ngoại cỡ Ashley Graham trên sàn diễn Vitto SS24

Bất chấp sự vắng mặt của Vitto, London vẫn là thành phố có quy mô lớn nhất trong mùa Xuân Hè này,  khi tỉ lệ người mẫu ngoại cỡ tăng nhẹ so với mùa mốt Thu Đông 2023. London hiện là thành phố đầu tiên trong bốn kinh đô thời trang lớn có tổng mức độ sự đa dạng, với tỉ lệ quy mô đạt trên 10%. Chopova Lowena, thương hiệu đứng đầu ở Vương quốc Anh với 95,2% diện mạo thuộc mid-size và 4,8% vẻ ngoài thuộc plus-size. Palmer Harding là thương hiệu đứng vị trí thứ hai, đây là lần đầu tiên thương hiệu lọt vào top 10. Di Petsa vẫn ở vị trí thứ ba, Patrick McDowell nhảy từ vị trí thứ bảy lên vị trí thứ tư, và Bora Aksu vẫn ở vị trí thứ năm.

Sinéad O’Dwyer, một trong những nhà thiết kế luôn tôn vinh sự đa dạng về kích thước, từng được xếp hạng thứ hai trong mùa mốt Thu Đông 2023, đã bị loại khỏi danh sách của mùa mốt Xuân Hè 2024 vì show diễn của cô không được tạp chí Vogue Runway đưa tin. Ở bộ sưu tập Xuân Hè 2024, nhà thiết kế đã thử nghiệm một định dạng mới cho show diễn của mình. Tổ chức show diễn tại trường cũ của cô, Royal College of Art, cô đã cho làng mốt thấy một quy trình hoàn chỉnh để tạo ra những thiết kế dành cho các ngoại hình ngoại cỡ. “Khi còn trên ghế nhà trường, các sinh viên thời trang như chúng tôi đều sở hữu một hình mẫu cụ thể để thiết kế, chẳng hạn như các ma-nơ-canh có kích thước riêng. Tất nhiên, chúng tôi đều có thể tự mình tạo ra các ma-nơ-canh của riêng mình, nhưng với quá trình đó tốn rất nhiều thời gian, chưa kể đến áp lực từ các đồ án thiết kế”. Nữ nhà thiết kế chia sẻ: “Thật kỳ lạ vì thời trang – một bộ môn nghệ thuật sáng tạo xoay quanh cơ thể, nhưng cuối cùng lại ‘quay đầu’ và ‘từ chối’ những ý tưởng ban đầu về cơ thể mơ ước trong tư duy sáng tạo của các nhà thiết kế, đối với tôi đó là sự diệu kì từ cơ thể ngoại cỡ.”

Enam Asiama, một người mẫu ngoại cỡ và là người ủng hộ sự đa dạng ngoại hình trong thế giới thời trang, chia sẻ: “Điều quan trọng là phải có những nhà thiết kế, như Sineád O’Dwyer, những người hiểu khán giả và không thực sự quan tâm đến thời trang chính thống nghĩ gì. Họ đang đặt ra các những chuẩn mực mới và tôi không nghĩ chúng ta cần phải ủng hộ họ. Nhiều nhà thiết kế không sẵn sàng đứng lên và chống lại những quy tắc cứng ngắc, có thể vì sợ rằng họ có thể không nổi tiếng nếu mời những người mẫu oversize lên sàn diễn.”

Sineád O’Dwyer SS24

Tiếng nói của những nhà thiết kế nữ 

Các nhà thiết kế nữ trẻ như Elena Velez, Collina Strada, Di Petsa, Yuhan Wang, Chopova Lowena và Karoline Vitto tiếp tục là những gương mặt luôn tích cực trong cuộc ủng hộ sự đa dạng về ngoại hình trong suốt mùa mốt Xuân Hè 2024 vừa qua. Đối với những người sáng lập như Di Petsa, hay Dimitra Petsa, công cuộc ủng hộ sự bình đẳng về các ngoại hình trong thế giới thời trang phải có cái nhìn và tư duy của phụ nữ. Tuy nhiên, điều đáng buồn là ngày nay vị trí giám đốc sáng tạo ở các nhà mốt đình đám dần mất chỗ cho những người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ da màu. Từ Gucci, Moschino cho đến Alexander McQueen, các triều đại sáng tạo đều vừa được giao cho các nam nhà thiết kế dẫn dắt. 

Di Pesta

Từ trước đến nay, hình mẫu phụ nữ đề được đàn ông thiết kế theo những tỉ lệ hoàn hảo đến mức phi thực tế. Đối với Petsa, việc hiểu những người phụ nữ mặc quần áo của cô ấy nằm ở việc thiết kế những phom dáng thực tiễn đúng với người thật, chứ không phải ma-nơ-canh để trang trí. Cô nói: “Đối với nhiều phụ nữ, cơ thể chúng tôi thay đổi theo từng tháng, vì vậy điều quan trọng là phải áp dụng điều đó trong khi thiết kế để tạo ra những bộ quần áo vừa vặn theo sự thay đổi của họ, thay vì các phom dáng có số đo nhất định”. Cô ấy thực hiện điều này thông qua các loại vải co giãn và những thiết kế có thể điều chỉnh được như áo corset. Chopova Lowena, một trong những thương hiệu có nhiều sản phẩm có kích cỡ đa dạng trong mùa mốt Xuân Hè 2024 vừa qua, cũng giới thiệu những chiếc váy corset có thể dễ dàng điều chỉnh theo từng số đo thích hợp. Kim Shui, thương hiệu ở New York, cũng tạo ra nhiều thiết kế linh hoạt cho cơ thể của phụ nữ. Nhà thiết kế chia sẻ:  “Tôi đã đưa rất nhiều kích cỡ có thể điều chỉnh vào trong quá trình sản xuất để thương hiệu có thể trở nên linh hoạt hơn,” 

Vai trò của hội đồng thời trang trong việc thúc đẩy sự đa dạng ngoại hình

Đối với một số nhà thiết kế, tại sao việc ủng hộ tính đa dạng ngoại hình trên sàn diễn là một lựa chọn bắt buộc, thay vì là nghĩa vụ; những người mẫu oversize lại là những lựa chọn ngoại lệ hay đảm nhận trách nhiệm phát ngôn vì một điều gì đó cho thương hiệu? Tuần lễ thời trang Copenhagen (CPHFW), cũng đóng vai trò là hội đồng thời trang của thành phố, đã áp dụng cách tiếp cận về sự đa dạng ngoại hình một cách bao quát hơn. Năm 2007, tổ chức này đưa ra Hiến chương đạo đức thời trang (Danish Fashion Ethical Charter), nội dung bao gồm việc thúc đẩy và nỗ lực hướng tới sự đa dạng hơn trong ngành thời trang về tuổi tác, sắc tộc, giới tính, chủng tộc, tôn giáo, khuynh hướng giới tính,… Hiến chương cũng khuyên các nhà thiết kế nên “nhận thức và chịu trách nhiệm về tác động của ngành thời trang đối với lý tưởng về hình thể, đặc biệt là đối với giới trẻ”.

3 nàng mẫu plus-size đình đám nhất hiện nay

CPHFW cũng tìm cách thúc đẩy vẻ đẹp khỏe mạnh và hình thể lý tưởng hơn trong ngành nói chung. Giám đốc điều hành CPHFW, Cecilie Thorsmark cho biết: “Đó là điều mà các thương hiệu của chúng tôi đã nhận thức được — và tích cực hợp tác — trong nhiều năm nay và chúng tôi chắc chắn đã thấy sự cải thiện đáng chú ý trong những năm qua”. “Tất nhiên người ta luôn có thể làm tốt hơn, nhưng chúng ta đã đi được một chặng đường dài trong thập kỷ qua. Ngày nay, như một phần của Tiêu chuẩn tối thiểu của Tuần lễ thời trang Copenhagen, bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm nay, bạn phải là bên ký kết Hiến chương thời trang có đạo đức của Đan Mạch và tuân thủ các quy tắc cũng như giá trị của nó. Chúng tôi thực hiện kiểm tra hậu trường để theo dõi điều này và chúng tôi cũng tư vấn cho các thương hiệu mà chúng tôi thấy có thể cần thêm động lực.”

Fenty x Savage Vol 3

Hiến chương đã hoạt động vô cùng hiệu quả: tại CPHFW, trong số 503 looks xuyên suốt 18 show diễn, kiểu dáng plus-size đạt 1,4%; trong đó, 15,3% thuộc kiểu dáng mid-size. Khi được hỏi về sự đa dạng kích thước, Hiệp hội CFDA từ chối bình luận về báo cáo này, thay vào đó là chia sẻ sâu sắc về việc bảo vệ sức khỏe của người mẫu và đưa ra lời khuyên cho các thương hiệu để xác định các dấu hiệu rối loạn ăn uống. Fédération de la Haute Couture et de la Mode, Liên đoàn Haute Couture của Pháp cũng từ chối bình luận về vấn đề này.

Trong khi đó, giám đốc điều hành Caroline Rush cho biết Hội đồng Thời trang Anh (BFC) cũng đang lấy cảm hứng từ những gì mà Copenhagen Fashion Week đã và đang làm. “Những nỗ lực của CPHFW nhằm thúc đẩy tính toàn diện là một kế hoạch chi tiết và vô cùng tuyệt vời để chúng tôi xem xét. Mặc dù hiện tại chúng tôi không có những điều lệ cụ thể về kích thước dành cho các nhà thiết kế của London Fashion Week, nhưng BFC sẽ giúp các thương hiệu trong khuôn khổ có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt,” cô nói “Sự đa dạng và toàn diện là trọng tâm trong sứ mệnh của chúng tôi tại BFC và chúng tôi thường xuyên thúc đẩy sự thay đổi tích cực, bao gồm cả việc thúc đẩy sự đa dạng về hình dáng trên phạm vi toàn cầu.”

Dù không phải là câu chuyện mới, nhưng có lẽ để những người mẫu có ngoại hình ngoại cỡ có thể đạt đến đỉnh cao danh vọng, tự tin tỏa sáng trên những show diễn thời trang danh giá thì đó còn là một chặng đường khá dài. 

Việc có một bộ quy tắc và quy định để các thương hiệu tuân thủ có thể tạo ra sự thay đổi, nhưng liệu nó có bền vững hay không? Câu hỏi được nàng mẫu Asiama đặt ra, “Việc ép buộc điều gì đó xảy ra có thể mang lại sự thay đổi nhanh chóng nhưng có thể không hiệu quả lâu dài. Điều chúng tôi muốn là tác động lâu dài,” bởi lẽ trước đây, phong trào tích cực về cơ thể đã không tạo được tác động lâu dài trong ngành. “Nếu chúng ta chỉ để một nhóm người xuất hiện trong những không gian này để đạt được mục tiêu ngắn hạn của ngành công nghiệp thời trang về sự đa dạng kích cỡ, mà không có bất kỳ sự quan tâm thực sự nào đối với những người đó, thì thực chất đó chỉ như việc đạt điểm cao vì học vẹt.” Dù không phải là câu chuyện mới, nhưng có lẽ để những người mẫu có ngoại hình ngoại cỡ có thể đạt đến đỉnh cao danh vọng, tự tin tỏa sáng trên những show diễn thời trang danh giá thì đó còn là một chặng đường khá dài. 

Người mẫu Enam Asiama

Thực hiện Dory

Theo Vogue British, Vogue Business