Nhận diện bản sắc Việt Nam trong thời trang?
Ngày đăng: 08/03/23
Xã hội hiện đại, với sự phát triển của công nghệ, trang phục được mặc theo xu hướng xóa nhòa đi ranh giới giữa các dân tộc, quốc gia. Tại Việt Nam, có những tranh luận cho rằng không thể nhận diện bản sắc trong văn hóa mặc của người Việt, hay một số bộ phận người Việt đang mất dần đi phong cách mặc. Trong các tuần lễ thời trang thế giới, có rất nhiều nhà thiết kế trên thế giới lấy cảm hứng từ áo dài Việt Nam, trang phục Việt Nam, tuy vậy khi nhìn vào những thiết kế này trang phục bị nhầm với trang phục của các dân tộc khác trong khu vực châu Á, Việt Nam được nhắc đến là nguồn cảm hứng nhưng trong đó lại thấy thấp thoáng xuất hiện hình ảnh trang phục các nước lân cận.
Nếu quan sát trào lưu mặc áo dài cách tân trong khoảng năm năm gần đây, rất nhiều tranh cãi xung quanh việc áo dài mặc với quần (quần bằng chất liệu xuyên thấu, bó sát, ống rộng, với váy) hay áo dài cách điệu tà quá ngắn, cổ vạt chéo (như áo Kimono của Nhật Bản). Có lẽ do chúng ta lo lắng cách mặc như vậy khác với phong cách của người Việt hoặc quần áo được mặc như thế không phải là trang phục truyền thống của người Việt. Vậy câu hỏi đâu là phong cách của người Việt? Phong cách thời trang gợi nhớ đến hình ảnh dân tộc Việt là gì?
Bài viết lấy đối trượng trang phục truyền thống của phụ nữ Việt đồng bằng Bắc Bộ, vì đây là nhóm đối tượng nằm trong nhóm dân tộc có có tỷ lệ và mật độ dân số đông nhất Việt Nam (chiếm 85%), có nguồn gốc từ cộng đồng Việt Mường (Việt cổ) thời văn hoá Đông Sơn từ 3.000 năm trước, là dân tộc đã trải qua các quá trình phát triển của đất nước, đồng thời các hình thái về trang phục có thể đại diện cho Việt Nam, có ảnh hưởng đến nhu cầu, sự phát triển của ngành thời trang Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
NHẬN DIỆN TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM
Trang phục là một trong những biểu hiện của văn hóa, văn hóa truyền thống người Việt được hình thành từ những nền tảng văn hóa bản địa và tiếp thu với những nền văn hóa bên ngoài để tạo nên bản sắc riêng biệt
Yếu tố nội sinh trong trang phục truyền thống người Việt Nam
Nghệ thuật tạo trang phục phản ánh sự thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội, đề cao mục đích ứng dụng của trang phục, tùy theo môi trường, địa lý, khí hậu, văn hóa bản địa mà mỗi quốc gia, vùng miền mà có cách thức ăn mặc khác nhau, mang tính khu biệt, đặc thù của vùng miền.
- Yếu tố nhân chủng học: Người Việt xưa có đặc điểm: dáng người thấp, chân ngắn, lưng dài, vai nhỏ, hơi xuôi cho nên trang phục có kiểu dáng, màu sắc phù hợp với dáng người nhỏ bé với người Việt, người phụ nữ đẹp là người phụ nữ có ngực nở eo thon và hông tròn sẽ được vinh hoa phú quý, sang trọng. Có thể thấy trang phục của phụ nữ Việt bên cạnh việc tạo nên một vẻ đẹp cân đối cho khuôn người nhỏ, thấp còn thể hiện sự nữ tính qua những khoảng hở, đường xẻ trên trang phục truyền thống.
- Yếu tố địa lý, môi trường: Từ thời xa xưa, ông cha ta đã chọn những nguyên liệu thực vật sẵn có trong thiên nhiên như sợi tơ chuối, sợi đay, gai, nuôi tằm ươm tơ và sợi bông, hầu như không dùng các loại nguyên liệu từ lông, da súc vật. Những nguyên liệu này vừa có sẵn vừa làm vải nhẹ, mỏng thoáng mát phù hợp với thời tiết nóng ẩm.
Yếu tố ngoại sinh trong trang phục truyền thống người Việt Nam
Yếu tố ngoại sinh trong văn hóa người Việt là sự ảnh hưởng, tiếp nhận trong quá trình giao lưu văn hóa với khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và phương Tây. Trong trang phục, việc tiếp nhận các yếu tố bên ngoài cho thấy được sự linh hoạt, uyển chuyển của người Việt, bằng nhiều cách trang phục được tiếp biến cho phù hợp với con người tại mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau.
- Ảnh hưởng của khu vực Đông Nam Á: Giai đoạn đầu trong quá trình hình thành bộ trang phục truyền thống người Việt đã tiếp nhận luồng văn hoá của các dân tộc khu vực Đông Nam Á là văn hoá coi trọng vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ, mà như đã nghiên cứu bên trên trang phục khoe sự gợi cảm, các đường cong quyến rũ thể hiện sự khác biệt giới tính của người Việt. Đây là điểm mấu chốt làm nên sự khác biệt trong quá trình giao lưu văn hoá của người Việt dù trang phục đã có nhiều biến đổi về kiểu dáng, nhưng vẫn tôn nên nét đẹo hình thể của người phụ nữ.
- Ảnh hưởng tư tưởng Hoa Di: Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, trang phục của người Việt ảnh hưởng bởi quan niệm Hoa di, Hoa di là ý chỉ bất cứ vương quốc nào được lập trên nguyên tắc kinh điển của Trung Quốc, tác giả khẳng định: Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản đều không còn khái niệm vay mượn hay bắt chước, đối với những quốc gia này văn minh Trung Hoa đã là sản phẩm chung và có quyền vay mượn để tạo nên những giá trị không thua kém Trung Quốc.
Bắt nguồn từ nhà nước cổ đại của Việt Nam cho đến ngày nay, Việt Nam đã nhiều lần bị Trung Quốc xâm lược và thống trị. Trong suốt gần 10 thế kỉ bị Trung Quốc đô hộ, văn hóa Trung Quốc đã dần dần du nhập vào Việt Nam. Văn hóa phục trang cũng không nằm ngoài điều này. Sự Trung Quốc hóa về phục trang là một hiện trạng chung tại Đông Nam Á, văn hóa Việt Nam đã pha trộn và chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, đặc biệt có thể thấy được những ảnh hưởng to lớn từ Trung Quốc đối với phần quần của áo dài. Những chứng cứ về sự ảnh hưởng của Trung Quốc đến văn hóa phục trang người Việt.
- Ảnh hưởng của phương tây: Đến đầu thế kỉ XX, áo dài tân thời xuất hiện vào những năm 1930 ở Hà Nội và Sài Gòn, mặc dù áo tứ thân, ngũ thân vẫn phổ biến ở nông thôn nhưng ở các thành thị thì với sự tiếp xúc của văn hóa Pháp các nhà thiết áo dài đã có một số thay đổi rõ nét cộng với kĩ thuật cắt may âu phục đã giúp định hình chiếc áo dài hiện đại. Và cũng như nhiều cuộc cách tân trang phục, áo dài vào thời điểm khi chưa định hình rõ nét đã mang đến nhiều những ý kiến khác nhau nhưng không thể phủ nhận chiếc áo dài hiệu đại đã là trang phục nối tiếp qua nhiều thế hệ trong 100 năm gần đây, với người Việt thì đây cũng chính là trang phục truyền thống của hiện tại.
Đặc trưng phong cách trang phục truyền thống Việt thể hiện qua văn hoá mặc:
Cơ sở hình thành trang phục người Việt cho thấy yếu tố nội sinh và ngoại sinh tác động đến trang phục truyền thống của người Việt. Qua các thời đại yếm, váy, khố là những trang phục phổ biến khi kết hợp cùng với các trang phục, trang phục truyền thống của người Việt là: áo giao lĩnh, tứ thân, năm thân và áo dài.
Nghiên cứu phong cách trang phục truyền thống người Việt là nghiên cứu để thể hiện sự khác biệt, khác biệt trước hết là với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng một số nước lân cận sau đó là các nước phương Tây. Về cơ bản, nữ phục truyền thống người Việt với ảnh hưởng của phương Đông đã có rất nhiều khác biệt, về mặt kiểu dáng không thể phủ nhận nữ phục truyền thống người Việt có sự tương đồng, nguồn gốc từ Trung Quốc tuy nhiên với điều kiện, quan niệm về thẩm mỹ (khi có sự giao thoa với văn hóa Chăm Pa – Ấn Độ) đã tạo nên những dấu ấn vô cùng khác biệt trên trang phục thông qua văn hóa mặc trang phục.
- Mặc đơn giản
Dù chịu nhiều ảnh hưởng từ kiểu dáng của Trung Quốc nhưng trang phục truyền thống người Việt nói chung cho thấy sự khác biệt với Trung Quốc và các nước ảnh hưởng tư tưởng Hoa di, sự khác biệt nhất là cách mặc, cách mặc trang phục của người Việt là cách mặc của một dân tộc có nền kinh tế gắn liền với nông nghiệp, là một dân tộc luôn có ý chí khát vọng chủ quyền, tự do, gặp nhiều khó khăn, nghèo nàn trong cuộc sống vật chất, do hoàn cảnh lịch sử, vì thế mà trang phục rất đơn giản. Sự đơn giản này thể hiện ở cả về màu sắc, các hoa văn họa tiết, trang trí và cả về độ lớn của hình khối trang phục.
Nếu so sánh trang phục truyền thống người Việt với Hanbok của Hàn Quốc ta có thể nhận thấy Hanbok toát lên vẻ hoành tráng về màu sắc và hình khối so với áo tứ thân với màu sắc đơn giản, các màu rực rỡ chỉ là điểm nhấn rất nhỏ trong trong phục gọn gàng với cơ thể trên nền màu trầm tối. Màu sắc trong trang phục truyền thống của Hàn Quốc thường dùng các màu nổi: màu đỏ rực, màu hồng cánh sen, màu vàng chanh, màu xanh lá thẫm, vàng nghệ, màu xanh dương sẫm, khối tam giác trong trang phục được tạo nên do quần, váy rất dài và rộng, kiểu dáng dài rộng có chủ ý che dấu sự bộc lộ hình thể của cơ thể theo quan niệm phương Đông.
Trang phục kimono của Nhật Bản là một loại trang phục rất cầu kì trong cách mặc, trang phục thể hiện đặc trưng nghi thức và lễ giáo của người Nhật. Mặc kimono cũng cần phải học những nguyên tắc trước sau, trái phải, phụ kiện đi kèm… Việc mặc một bộ kimono chính thống thường kéo dài từ 1- 2 giờ đồng hồ với việc mặc ba lượt áo Kimono, thắt bảy lần và đeo hai dải dây lưng Obi, cài trâm, bới tóc. Bên cạnh đó, các hoa văn họa tiết trên trang phục Kimono là vô cùng đa dạng với các bố cục: hàng lối, tự do đan xen trên cùng một loại trang phục.
Điều này cho thấy sự khác biệt với các trang phục truyền thống của Việt Nam với đặc tính đơn giản, tiện lợi trong các công việc phục vụ cuộc sống hằng ngày. Sự giản dị về kiểu dáng thì hình thức mặc trong trang phục người Việt cũng được đơn giản, họ mặc cùng một loại trang phục với các kiểu trùm qua đầu, hoặc khoác, hoặc buộc trong các dịp khác nhau. Lấy ví dụ quần chân què, cạp lá tọa là loại trang phục thể hiện sự đơn giản tiện dụng trong cách mặc, chiếc quần được may đũng dài thuận tiện cho việc làm đồng “ nước cao đến đâu vén quần lên đến đấy, khi đi chơi mặc quần này với áo dài lại thả cạp xuống, hay người thành thị mặc áo tứ thân ở nhà buộc lên khi làm việc, có khách thì thả xuống cho lịch sự” [12, tr. 43]. Trang phục hằng ngày được mặc là váy, khố cùng với áo yếm, khi ra đường họ khoác thêm chiếc áo cánh, khi đến các lễ hội cũng chính các trang phục đó lại được mặc thêm tấm áo dài tứ thân, giao lĩnh hoặc ngũ thân làm thành tổng thể bộ trang phục truyền thống.
- Mặc kín đáo
Sự kín đáo thể hiện trong trang phục là một đặc tính không chỉ ở dân tộc Việt mà còn là đặc tính tiêu biểu của các nước ảnh hưởng tư tưởng Hoa di. Người Việt có quan niệm ăn mặc kín đáo, sợ trần truồng, có lẽ quan niệm này bắt nguồn từ tôn giáo: thân thể vốn không lành mạnh, đặc biệt với phụ nữ, cho nên không được phô bày trong các mối quan hệ bình thường, nhất là với đàn bà, thuộc âm, nguyên lý của bóng tối, phải được che kín do vậy người Việt xưa nay thường có tính kín đáo.
Sự kín đáo khác biệt của người Việt thể hiện trang phục truyền thống với phần che ngực của chiếc yếm che ngực và cổ ở tất cả các thời kì, qua nghiên cứu ta ít thấy người Việt để lộ phần ngực. Tuy nhiên trong sự kín đáo này, điểm khác biệt của người Việt thể hiện trong quan niệm về nét đẹp hình thể có thể là ảnh hưởng từ quan niệm từ nguồn gốc người Việt là người thuộc gốc Đông Nam Á cổ xưa cộng với giai đoạn giao lưu văn hóa với Chăm Pa – Ấn Độ. Trang phục truyền thống người Việt kín đáo nhưng nhưng thể hiện những đường cong trên cơ thể người phụ nữ bằng chất liệu mềm, nhẹ hay những kiểu dáng xẻ tà hở lườn. Sự kín đáo này về tư tưởng có phần khác với các dân tộc Hàn Quốc và Nhật Bản khi dùng trang phục để xóa bỏ, che đậy đi các đặc trưng về giới tính.
- Mặc nhiều lớp
Với các đặc trưng về khí hậu thuộc khu vực gió mùa, mặc dù khí hậu không giống nhau giữa các vùng, tuy nhiên nếu so với mùa đông kéo dài của Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc của vùng khí hậu ôn đới thì mùa đông ở nước ta cũng không quá lạnh. Trang phục của người Việt được mặc với nhiều lớp đầu tiên là để chống chọi với thiên nhiên, trong mô tả về trang phục qua các thời kì ta cũng nhận thấy người Việt mặc áo nhiều lớp để chống lại cái lạnh bên cạnh các trang phục may bằng vải dày hoặc những chiếc áo tơi bằng lá cây.
Trang phục nhiều lớp cũng có thể bắt nguồn từ sự nghèo khó trong cái ăn, cái mặc của người Việt từ thời xa xưa mà trong tác phẩm “những người nghèo khổ có bao nhiêu quần áo thì đều mặc hết lên người, thường thì họ sẽ khoác tới bốn đến sáu bộ quần áo”, Jerome Richard miêu tả người Việt Đàng ngoài năm 1778. “Những người phụ nữ nói chung ăn mặc khá khiêm nhã. Họ mặc những chiếc váy dài và một hoặc nhiều áo cùng kiểu như nam giới nhưng chúng ngắn hơn”. Trong Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính có đề cập đến việc ăn mặc “ta ăn mặc một cách lụng thụng, lướt thướt, tuy trong mình thư thái dễ chịu thực ra là không tiện cho việc làm ăn”, theo Trần Quang Đức “đàn ông thay vì mặc quần thì dùng một mảnh vải quấn lại, phía trên mặc năm sáu mảnh áo dài và rộng”. Hay nhiều lớp còn thể hiện ở từ ngữ mô tả trang phục “mớ ba mớ bảy” là cách mặc kép hai áo của người Việt.
Điều này cho thấy, lúc đầu việc mặc nhiều lớp, kín đáo là do các quan niệm và điều kiện khác nhau, sau đó được thay đổi, biến chuyển thành nét đẹp, đặc điểm của phong cách mặc của trang phục truyền thống người Việt.
Điều này cho thấy, lúc đầu việc mặc nhiều lớp, kín đáo là do các quan niệm và điều kiện khác nhau, sau đó được thay đổi, biến chuyển thành nét đẹp, đặc điểm của phong cách mặc của trang phục truyền thống người Việt.
Đặc trưng phong cách trang phục truyền thống Việt thể hiện qua các yếu tố tạo hình
Với phong cách mặc trang phục theo tư tưởng đơn giản về hình thức, kiểu dáng kín đáo và cho cảm giác nhiều tầng lớp trang phục truyền thống người Việt đã có những đặc trưng về phương pháp tạo hình thể hiện qua các cấu trúc, tỷ lệ quần áo trong một tổng thể với đặc trưng về màu sắc và chất liệu. Việc tìm hiểu các yếu tố này này giúp việc nhận định phong cách được rõ ràng hơn.
Hình khối
Trang phục truyền thống của các quốc gia trên thế giới, bên cạnh hình khối đảm bảo sự thuận tiện khi vận động (phù hợp với môi trường sống, điều kiện kiếm sống của người xưa) thì hình khối còn biểu hiện quan điểm về thẩm mỹ, các giá trị của tộc người. Có thể thấy ở trang phục người Việt, hình khối xuyên suốt từ lúc sơ khai cho đến tận bây giờ là hình chữ nhật, khác với rất nhiều các quốc gia trên thế giới hình khối biến đổi rõ rệt qua các giai đoạn của lịch sử. Hình chữ nhật với phần thắt nhẹ ở khoảng eo trong trang phục truyền thống người Việt cũng có lúc thay đổi, tuy nhiên nhìn chung là khá ổn định: từ áo tứ thân, áo ngũ thân, áo dài những năm đầu thế kỷ 20 và cho đến tận ngày nay. Như vậy, hình bao ngoài của trang phục truyền thống người Việt về tổng thể luôn là hình chữ nhật mặc dù trang phục đã có những thay đổi về kiểu dáng.
Người Việt đã sáng tạo, cải biến các trang phục của mình trong khuôn khổ hình chữ nhật trong vô thức, không có bất cứ chủ đích hay quy định nào.Về việc đặt để các trang phục của mình trong khuôn khổ như vậy. Trang phục người Việt không quá rộng so với cơ thể người, đồng thời do sử dụng chất liệu mỏng, nhẹ cũng tạo sự mềm rũ cho nên hình bao bên ngoài của trang phục gọn gàng với thân hình.
Trong so sánh ta có thể thấy rõ sự khác nhau của các hình bao bên ngoài của các trang phục truyền thống vào giai đoạn cuối thế kỉ XIX. Với kimono của người Nhật, hình bao bên ngoài là hình tổ kén, hình bầu dục do kết cấu tay khá rộng trong khi phần chân thì ôm lại để tạo kiểu cho dáng đi. Trang phục hanbok của Hàn Quốc thì khá thoải mái ở phần chân với váy, quần thật rộng tạo phom hình thang với phần đáy khá rộng. Áo dài của phụ nữ Trung Quốc cùng thời điểm khá giống với áo dài ngũ thân của người Việt, nhưng xét về góc độ hình khối thì trang phục này gồm hai khối ghép lại, với phần tay rộng tạo cảm giác gồm 1 khối hình thang ghép với khối hình chữ nhật. Trang phục truyền thống của các nước ở cùng thời điểm cho thấy hình khối được tạo rõ ràng, một số mẫu quá khổ so với cơ thể người, do đặc điểm về khu vực khí hậu ôn đới nên chất liệu sử dụng cho trang phục cũng khác nhau, các chất liệu tơ tằm như tafta, gấm hay vải được dệt từ sợi bông và sợi đay cũng là những chất liệu khá dày, đơ cho nên tạo hình trang phục khá dứt khoát .
Có thể thấy sự khác nhau rất lớn giữa hình khối trang phục người Việt với hình khối trang phục của các nước xung quanh. Hình chữ nhật theo cơ thể của người mặc thể hiện sự khiêm tốn trong cách biểu hiện trang phục của người Việt trên nền chất liệu mềm, nhẹ và gần như không có sự thay đổi nhiều trong suốt quá trình hình thành trang phục của người Việt. Đây cũng là một đặc trưng tiêu biểu trong phong cách tạo hình trang phục truyền thống của người Việt.
Tỷ lệ
Hình khối và tỷ lệ là hai yếu tố không thể tách rời nhau trong trang phục, tỷ lệ trang phục là sự tương quan giữa các khối tạo nên trang phục, độ ngắn dài của các bộ phận trên trang phục. “Trên góc độ thẩm mỹ trong trang phục truyền thống có áo dài tứ thân áo dài ngũ thân hay áo dài là sản phẩm vô cùng phù hợp với vóc dáng người Việt Nam [12, tr. 78]”. Người Việt với vóc dáng thấp, lưng dài so với chân thì với phần tà xẻ cao, tà áo buông dài, hay thắt trước eo (áo tứ thân) giúp ăn gian chiều cao về mặt thị giác, có cảm giác như phần chân dài ra và tạo cảm giác thanh thoát. Sau các nghiên cứu về trang phục truyền thống của người Việt thì có lẽ đặc điểm chung của các yếu tố tỷ lệ xuất hiện trong trang phục đều thể hiện mục đích cải thiện chiều cao.
Kết quả nghiên cứu của tác giả Cung Dương Hằng cho thấy: Khi mặc bộ nữ phục truyền thống áo tứ thân kiểu dáng của bộ trang phục không ôm, với phần trang trí thắt lưng ngang eo, bộ trang phục này trong khuôn của tỷ lệ vàng, người mặc có thể điều chỉnh tỉ lệ thắt vạt ở eo hoặc thấp hơn cho phù hợp với hình thể người mặc (Hình 2.6) [9, tr. 139]. Trường hợp này cũng đúng với áo giao lĩnh là loại áo dài không thắt vạt, cổ chéo, thắt lưng được mặc với quần và váy của người Việt. Với chiếc áo dài ngũ thân đầu thế kỉ XX, là chiếc áo rộng, suông trong khuôn khổ hình chữ nhật, có phần tà cách mặt đất khoảng 20cm mặc cùng với quần tạo nét thuôn dài cho cơ thể.
Các tỉ lệ này khá khác biệt với kimono theo quan điểm không muốn nhận diện rõ sự khác biệt về hình thể của nam và nữ, phần ngắt trang phục bằng các dải obi, loại trang phục này với bản khá lớn và màu khác khác biệt của các dải thắt đã phân chia tỷ lệ trang phục theo ba phần: phần trên, phần obi và phần tà áo phía dưới[37, tr. 79]. Và điều này cũng tương tự khi so sánh với hanbok của Hàn Quốc với phần ngắt trên dưới của trang phục tại điểm dưới chân ngực tạo kiểu dáng dài rộng có chủ ý che dấu sự bộc lộ hình thể của cơ thể khó cảm nhận được đường nét cơ thể do đó tạo ra ấn tượng nghiêm trang và lễ nghi cho bộ hanbok [35, tr. 186]. Về tỷ lệ giữa các trang phục trong áo dài của Trung Quốc cuối thế kỉ XIX khá giống với áo dài của Việt Nam đều là tạo kiểu dáng thuôn dài cho cơ thể, tuy nhiên bên cạnh loại trang phục này Trung Quốc còn có loại trang phục có tà ngắn qua gối mặc với quần ống hẹp tạo tương phản rõ nét giữa các khối trong trang phục.
Hình khối và tỷ lệ là hai yếu tố không thể tách rời, trang phục người Việt cho thấy sự thống nhất về hình khối qua các giai đoạn phát triển của trang phục, tỷ lệ các trang phục mặc bên trên, trang phục mặc bên dưới đều thể hiện sự đơn giản, tiện lợi đồng thời cũng cho thấy ý thức cải thiện nét đẹp hình thể của dân tộc thông qua sự điều chỉnh các điểm ngắt trong trang phục hoặc tỷ lệ dài ngắn của áo và váy, quần.
Kết cấu kiểu dáng trang phục truyền thống
Trang phục Việt với cấu trúc trang phục lỏng, dáng thẳng không ôm sát cơ thể như thời trang phương Tây, kết cấu khá đơn giản, đồ mặc trên, đồ mặc dưới do quan niệm mặc đơn giản cho nên trang phục không đặt nặng tính hình thức vì thế mà kết cấu cũng đơn giản, dễ mặc. Người Việt mặc trang phục bằng cách khoác vào, không thấy có trang phục mặc bằng hình thức chui đầu. Sự đơn giản này rõ là điểm khác biệt vô cùng lớn nếu so sánh với trang phục của các nước lân cận, khi mặc không còn là việc che thân, chống chọi với thiên nhiên, trang phục với nhiều kết cấu mặc phức tạp, lớp trong, lớp ngoài theo quy định, theo cách mặc để thể hiện tính tôn ty trật tự.
Nhìn lại quá khứ, dù ở thời điểm nào, phục trang phụ nữ Việt với hai tà xẻ từ eo xuống giúp người mặc linh hoạt trong di chuyển và lao động, lại tạo nên dáng vẻ uyển chuyển, mềm mại, tha thướt cho trang phục, đây cũng chính là một trong những yếu tố nhận diện nữ phục người Việt. Phần tà áo cho thấy sự ảnh hưởng một phần giai đoạn bị đô hộ của người Trung Quốc, giao lưu tiếp biến với văn hóa Chăm, nhưng với phần xẻ, điểm giao giữa hai tà (eo cao) đã thể hiện sự cải biến cho phù hợp với tỷ lệ, kiểu dáng cơ thể người, và không trùng lắp hoặc thấy ở bất cứ các trang phục truyền thống nào của các nước lân cận và trong khu vực. Áo may dài qua gối, mặc với quần và váy dài làm tăng cảm giác về chiều cao cho người phụ nữ vốn có dáng người thấp bé. Váy hoặc quần với chiều dài chấm đất, độ rộng không quá độ rộng của vai để vẫn giữ được phom dáng tổng thể là hình chữ nhật cho trang phục.
Về kết cấu trang phục, ta thấy áo của người Việt thường hay được mặc chung với váy, hoặc quần dài chấm đất hoặc đến điểm mắt cá chân đi cùng với áo cánh khoác bên ngoài. Trong kết cấu yếm, áo cánh, áo dài (tứ thân, giao lĩnh, ngũ thân) váy, quần, dây thắt lưng thể hiện sự thoải mái, nhiều lớp về phong cách mặc, lớp trong lộ ra khỏi lớp ngoài, áo tứ thân, áo giao lĩnh lộ phần trong của áo yếm hay áo dài ngũ thân không cài khuy phần cổ để lộ áo cánh, áo yếm bên trong, cùng với trang phục theo dạng hình chữ nhật tạo nên cấu trúc lỏng lẻo, thoải mái, không quá gò bó. Sự thoải mái lúc đầu có thể rất tự nhiên do quan niệm đơn giản của người Việt, nhưng lâu dần họ ý thức và xây dựng thành nét đẹp trong lối ăn mặc, trong phong cách tạo hình trang phục.
Màu sắc
Màu sắc trong trang phục truyền thống người Việt thay đổi theo vùng miền, tuy vậy vẫn có những đặc điểm chung xuyên suốt qua các thời kì đó là trang phục được may trên nền các màu tối là biểu tượng của đất, là đặc trưng của một dân tộc lấy nông nghiệp làm gốc. Trang phục hầu như không có các hoa văn hoạ tiết làm điểm nhấn mà dùng chính những màu sắc rực rỡ thể hiện qua các dải thắt lưng, các lớp lang màu sắc rực rỡ của quần áo lót bên trong là biểu tượng của ánh sáng, sự tươi mới, hồi sinh cũng bắt nguồn từ văn hoá gốc nông nghiệp.
Trong tương quan so sánh, trang phục người Việt có màu trầm và đơn giản nhất so với các màu rực rỡ thể hiện trong hanbok của Hàn, hay màu sắc theo giới tính, theo mùa, theo độ tuổi của người Nhật Bản.
Chất liệu
Người Việt thích chất liệu trang phục mượt mà, ánh bóng từ tơ tằm, bên cạnh đó các loại vải thô mộc nhưng nhẹ cũng góp phần tạo nên sự riêng biệt trong trang phục. Trong các tài liệu nghiên cứu về chất liệu may mặc cũng như trang phục truyền thống chưa thấy có những nghiên cứu chuyên biệt về hoa văn, hoạ tiết nào đặc trưng thường xuất hiện trong trang phục truyền thống người Việt. Đặc biệt là đối với trang phục thường dân, người phụ nữ hay mặc trang phục với vải trơn, đây cũng là một điểm khác biệt của trang phục truyền thống với các nước lân cận, tất cả các nhấn nhá mang tính trang trí được thể hiện chủ yếu bằng màu sắc Trong trang phục truyền thống, chất liệu bên cạnh việc tạo hình trang phục, chất liệu là yếu tố để nói lên điều kiện sống, điều kiện kinh tế của một dân tộc, với đặc điểm chất liệu thiên về các loại vải có đặc tính mỏng, nhẹ người Việt đã tạo nên bộ trang phục truyền thống tà dài, nhiều lớp để phù hợp với điều kiện tự nhiên, quan điểm thẩm mĩ về tạo hình trang phục.
TIẾP BIẾN PHONG CÁCH TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG QUA PHONG CÁCH DÂN TỘC TRONG THỜI TRANG
Bản sắc luôn được nhắc đến khi hội nhập văn hóa, chú trọng việc gìn giữ những giá trị truyền thống tránh bị “hòa tan” trước làn sóng hội nhập của thời trang, hơn lúc nào hết tại thời điểm này nhiều nhà thiết kế trong nước, người tiêu dùng ý thức được giá trị của truyền thống, về trang phục truyền thống. Ở thế kỉ XXI, trang phục truyền thống người Việt có huynh hướng biến đổi, theo nhiều nghiên cứu, người Việt không có khuynh hướng mặc lại nguyên trạng các trang phục truyền thống, người Việt đã mặc trang phục truyền thống linh hoạt với các trang phục hiện đại hoặc cải biên đưa thêm các yếu tố hiện đại vào trang phục truyền thống. Khuynh hướng thiết kế trang phục truyền thống cũng vì thế mà thay đổi, một số nhà thiết kế chú trọng vào việc cải biên một vài yếu tố trên trang phục để điều chỉnh trang phục truyền thống gần gũi với cuộc sống hiện tại. Bên cạnh đó không ít các nhà thiết kế đã mạnh dạn thoát khỏi khuôn khổ của một bộ trang phục, lấy trang phục truyền thống làm cảm hứng, biến đổi và mất dần các yếu tố truyền thống để tạo ra những thiết kế hoàn toàn mới, và đồng thời xuất hiện những yếu tố văn hóa mới có thể là thách thức trong việc bảo tồn giá trị của trang phục truyền thống, nhưng lại là thời điểm khẳng định giá trị của phong cách trang phục truyền thống
Bản chất của thời trang là mới mẻ, đầy sáng tạo, có quy luật và chịu sự ảnh hưởng theo trào lưu chung của xã hội. Nhìn lại lịch sử chúng ta dễ dàng nhận thấy, sự giao thoa văn hóa luôn xảy ra trong mọi thời đại. Cảm hứng thiết kế từ trang phục truyền thống của bất cứ quốc gia, đất nước nào đã không còn xa lạ, xu hướng này không những xuất hiện trong những năm đầu thế kỷ XX, lặp lại vào các giai đoạn những năm 70, cho tới ngày nay dần định hình thành phong cách dân tộc trong nghệ thuật và thời trang. Phong cách dân tộc với đặc điểm gợi lại hình ảnh của một dân tộc, quốc gia nào đó thông qua các biểu tượng, chất liệu, hoa văn họa tiết đặc trưng, kiểu dáng trang phục đặc trưng. Phong cách dân tộc là giải pháp có tính toàn cầu cho thời trang trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống. Trong phong cách này, các giá trị truyền thống không còn được giữ nguyên theo đúng quan điểm về văn hóa mặc của dân tộc đó, phong cách mang tính trang trí, hình thức, phù hợp với nhiều mục đích mà chỉ đơn giản là nhắc nhớ về một kí ức nào đó của mọi người về một dân tộc.
Phong cách dân tộc là sự kết hợp giữa yếu tố dân tộc với thời trang, là giữ lại những gì phù hợp và cất bỏ những thứ không cần thiết tại thời điểm kết hợp. Phong cách dân tộc không nhất thiết là phải gợi lại hình ảnh trang phục đặc trưng của dân tộc mà đôi khi chỉ là chất liệu, là màu sắc, là hoa văn họa tiết, thậm chí chỉ là phụ trang. Trong các nghiên cứu cứu liên quan đến phong cách dân tộc trong bối cảnh thời trang hiện đại, có thể thấy rõ phong cách dân tộc trên thế giới được xây dựng theo ba nhóm như sau:
- Mặc nguyên bản trang phục truyền thống kết hợp với các trang phục, phụ kiện khác.
- Cải tiến trang phục truyền thống bằng cách thêm, thay đổi các yếu tố đặc trưng
- Sử dụng các đặc trưng của nữ phục truyền thống để thiết kế một trang phục mới.
Trong thế giới của thời trang, trang phục truyền thống người Việt là nền tảng, cảm hứng để sáng tạo những sản phẩm mới, phong cách là công thức quy chiếu để nhận diện trang phục truyền thống người Việt. Giá trị thực sự của phong cách không nằm ở việc giữ lại nguyên bản trang phục truyền thống, mà khi nguyên bản không còn ta vẫn nhận diện được các đặc trưng của trang phục. Qua nghiên cứu các nhà thiết kế, các bộ sưu tập thời trang trong và ngoài nước cùng với những tìm hiểu về xu hướng mặc trang phục truyền thống của người Việt ta nhận thấy phong cách của trang phục truyền thống người Việt đã có những ảnh hưởng nhất định trong việc định hình, nhận diện đặc trưng trang phục người Việt Nam.
Với các nhà thiết kế người Việt Nam do có điều kiện tiếp thu các tinh hoa, văn hóa của dân tộc nên việc những thiết kế mang đậm dấu ấn của trang phục truyền thống hoặc có thể vận dụng nhuần nhuyễn các cảm hứng của truyền thống vào những thiết kế là một điều dễ hiểu. Với các nhà thiết kế người nước ngoài, có thể chiếc áo dài và cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã mang lại ấn tượng mạnh mẽ về đất nước và con người Việt Nam, cùng với thẩm mỹ cá nhân cộng với ấn tượng về trang phục người Việt, các nhà thiết kế nước ngoài đã tạo nên những thiết kế khá mới lạ, qua những thiết kế cũng cho thấy sự ấn tượng với các phụ kiện nón truyền thống.
Giá trị thực sự của phong cách không nằm ở việc giữ lại nguyên bản trang phục truyền thống, mà khi nguyên bản không còn ta vẫn nhận diện được các đặc trưng của trang phục.
MỘT VIỆT NAM KHÔNG CHỈ CÓ ÁO DÀI
Thế kỉ 21 là thế kỉ của công nghệ thông tin, công nghệ chi phối hầu như toàn bộ mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Con người dễ dàng chia sẻ cùng nhau một nhà hàng có món ăn thời thượng, một kiểu quần áo, một phong cách sống… nhờ sự tiến bộ của công nghệ. Nhà thiết kế thời trang thông qua quần áo là người thông dịch văn hoá, đưa văn hoá đi khắp thế giới thông qua trang phục. Các nhà thiết kế thế hệ G, Alpha được khuyến khích tự quyết định đi theo cảm xúc, mong muốn, kì vọng của bản thân. Liệu truyền thống có trở thành sức mạnh để họ tìm ra giá trị riêng cho bản thân mình, là con đường để quay lại khi chưa định được hướng hay truyền thống là rào cản để tiếp nhận, thay đổi trong thế giới thời trang nhiều cạnh tranh, cạnh tranh với các nhà thiết kế, với trí tuệ nhân tạo.
Các nhà thiết kế thế hệ G, Alpha được khuyến khích tự quyết định đi theo cảm xúc, mong muốn, kì vọng của bản thân. Liệu truyền thống có trở thành sức mạnh để họ tìm ra giá trị riêng cho bản thân mình, là con đường để quay lại khi chưa định được hướng hay truyền thống là rào cản để tiếp nhận, thay đổi trong thế giới thời trang nhiều cạnh tranh, cạnh tranh với các nhà thiết kế, với trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam là gì? Phong cách Việt Nam biểu hiện như thế nào trong trang phục? Văn hoá Việt Nam được biết đến như thế nào trong cuộc giao lưu và hoà vào dòng chảy toàn cầu hoá ở thời đại số? ở mỗi thế hệ thiết kế có nhất thiết cùng một góc nhìn về truyền thống? Áo dài Việt Nam ở đầu thế kỉ XX với sự cách tân mạnh mẽ về tinh thần, công thức cách may thông qua 2 cuộc chiến tranh được bạn bè nhận biết là biểu tượng trang phục của Việt Nam. Thế hệ thiết kế đầu tiên của thời trang Việt Nam là nhóm các nhà NTK Minh Hạnh, NTK Sĩ Hoàng đã đưa chiếc áo dài truyền thống của giai đoạn chiến tranh trở nên đẹp, hiện đại theo xu hướng màu sắc, chất liệu của thời trang quốc tế. Cho đến nay thêm nhiều thế hệ nhà thiết kế vẫn tiếp tục yêu mến, lấy cảm hứng từ chiếc áo dài truyền thống nhưng tỏ rõ sự khác biệt về tinh thần, cảm xúc.
Các nhà thiết kế trẻ thể hiện sự quan sát, cảm nhận bối cảnh, cảm xúc hiện tại theo một cảm nhận rất riêng, mang tính thời đại. Họ nhận ra mọi vẻ đẹp xung quanh mình, nhìn truyền thống, bản sắc văn hoá bằng các cảm nhận và trải nghiệm cá nhân. Họ là người tạo ra truyền thống của tương lai, giữ lại những điều họ cho là tốt đẹp và phù hợp một cách tự chủ.Việc thể hiện những giá trị truyền thống với các nhà thiết kế trẻ ngày càng đa dạng trong bối cảnh công nghệ phát triển, sự thể này cần được tôn trọng vì nó mang tính thời đại. Truyền thống thể hiện trong thời trang không chỉ dừng lại ở trang phục, mà còn là câu chuyện của hình ảnh, của kí ức… của những góc nhìn riêng biệt. Thời trang giúp các nhà thiết kế kể được câu chuyện của thiên nhiên, văn hoá, con người, xã hội của Việt Nam góp phần giữ lại những đặc trưng của Việt Nam, của truyền thống dưới góc nhìn mới mẻ. Đưa truyền thống vào hành trình tiếp biến để thay đổi và phù hợp, có thể tạo ra một truyền thống mới cho mai sau.
Để làm một tác phẩm đẹp AI đã có thể giúp chúng thực hiện trong chưa tới 1 phút, nhưng để biết mình muốn gì và lập trình cho AI thực hiện chúng ta có phải vẫn đang rất cần quan sát, cảm nhận, quyết định thể hiện quan sát/cảm nhận như thế nào và từ đó sáng tạo.
Sáng tạo thời trang không chỉ để bảo vệ cơ thể con người, bên cạnh đó mục đích rất lớn trong sáng tạo là định vị giá trị bản thân của con người trong bối cảnh họ đang sống. Ngày nay chúng ta sống ở nhiều “thế giới” vì thế mà trang phục cùng theo chúng ta từ thực qua ảo. Thời trang theo phương pháp truyền thống không còn thoả mãn nhu cầu của con người, ở mỗi “thế giới” con người vẫn có nhu cầu thể hệ bản thân mình, truyền thống sẽ được mang theo để kiến tạo những thế giới trong tương lai.
View this post on Instagram
Trang phục áo dài của nhà thiết kế Trần Quỳnh Nhi – founder thương hiệu 143Dress trên instagram
LỜI KẾT
Bản sắc dân tộc không chỉ dừng lại việc bảo tồn cho riêng một dân tộc hay một đất nước mà phải đóng góp để làm phong phú hơn bức tranh toàn cầu về đa dạng bản sắc văn hoá các dân tộc trên thế giới và coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cá nhân, dân tộc, quốc gia trên thế giới. Chấp nhận các biểu hiện mới của trang phục truyền thống trong thế giới của thời trang trong bối cảnh hiện đại là tạo ra sự phong phú cho di sản văn hóa dân tộc trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, giúp di sản văn hóa các dân tộc thâm nhập sâu vào tiềm thức của mỗi con người, từ đó lan tỏa.
Với tấm lòng tha thiết giữ lại những điều khác biệt làm nên bản sắc Việt Nam, tình yêu với trang phục, văn hoá truyền thống và sự khuyến khích sự đổi mới sáng tạo, chúng ta – các thế hệ đã có những đối thoại, tranh cãi về các giá trị truyền thống, về đúng – sai, được – không được với mong muốn kéo dài sự thay đổi để đủ thời gian cho thế hệ tương lai biết được quá khứ đáng trân trọng như thế nào, để một tương lai không thể dự đoán có được sự đồng hành của những giá trị từ đó tạo nên sự khác biệt của bản thân.
Tác giả: Nguyễn Vũ Cẩm Ly
Giảng viên Lịch Sử Thời Trang,
Phương Pháp Sáng Tạo Thời Trang chuyên ngành Thiết Kế Thời Trang
Tài liệu tham khảo
- Trần Quang Đức (2013 ), Ngàn năm áo mũ, Nxb Thế Giới, Hà Nội.
- Cung Dương Hằng (2011), Mỹ thuật nữ phục truyền thống Việt Nam, Nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Hiên (2016), Văn Minh Việt Nam, Nxb Nhã Nam, Tp Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thị Kim Hương (2011), Màu sắc, hình khối, chất liệu trong thiết kế thời trang, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, ĐH Mỹ Thuật Công Nghiệp, Hà Nội. - Nguyễn Thị Kim Hương (2014), Văn hoá mặc truyền thống trong xu hướng phát triển thời trang hiện đại Việt Nam, luận án tiến sĩ Văn Hóa Học, học viện Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.
- Vũ Chí Công (2006), Màu sắc trang phục truyền thống đồng bằng Bắc Bộ trong xu thế thời trang hiện đại, Luận văn Thạc sỹ Mỹ thuật công nghiệp, Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp, Hà Nội.
- Cristophoro Bori (2014), Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb Tổng Hợp, Tp Hồ Chí Minh
- Andrew Graham (1965), Vài khía cạnh về người Việt Nam in st. Martin‟s press, st. Martin‟s press, London.
Alan Kennedy (1990), Japanese Costume and Textile Arts, Nxb Thames & Hudson world of art, London.
Lars Svendsen (2006), Fashion – A Philosophy, Nxb Reaktion Books, UK.
*Ảnh bìa: Gia Studios
*Bài viết được thực hiện bởi Thạc sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Ly cho Chuyên trang Style-Republik. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn cô Cẩm Ly đã thực hiện bài viết này. Bản quyền thuộc về tác giả bài viết. Vui lòng không đăng tải lại ở các trang khác.
Nếu muốn chia sẻ bài viết với mục đích phi thương mại vui lòng liên hệ Style-Republik. Thông tin đóng góp hay cộng tác viết bài vui lòng liên hệ qua email info@style-republik.com.