Nhật báo China Daily gọi Áo dài, nón lá Việt Nam phong cách Trung Quốc, cộng đồng yêu thời trang kêu gọi trả lại tên cho di sản Việt

Ngày đăng: 21/11/19

Chiếc áo dài, trang phục truyền thống, đồng thời cũng là một di sản văn hóa bao đời nay của người Việt Nam. Mới đây, trên nhật báo Trung Quốc China Daily, những thiết kế của một thương hiệu bản xứ có tên gọi Ne-Tiger đã ra mắt BST với các thiết kế giống hệt áo dài Việt Nam được gọi là Chinese style (phong cách Trung Hoa).

Chiếc áo dài Việt Nam bị gọi tên là Phong cách Trung Hoa

Từ thông tin của nhà báo Lê Thiếu Nhơn và cộng đồng mạng chia sẻ, theo đó,  những thiết kế này nằm trong bộ sưu tập (BST) của thương hiệu Ne-Tiger từng được giới thiệu trong khuôn khổ Tuần lễ Thời trang Trung Quốc Xuân – Hè 2019 diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 10/2018.

 

Ngoài áo dài, một số vật dụng khác như: nón lá, mấn… mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống Việt Nam cũng được sử dụng trong BST này. Hiện, những hình ảnh trong BST này cùng dòng chú thích “phong cách Trung Quốc” trên Chinadaily đang khiến nhiều người Việt phẫn nộ.

Theo nhà báo Lê Thiếu Nhơn, chiếc áo dài Việt Nam xuất hiện từ năm 1934, do họa sĩ Nguyễn Cát Tường thiết kế. Thế nhưng, nếu chúng ta không cẩn thận, thì Trung Quốc vẫn thừa khả năng (cả về tài lực, nhân lực, vật lực lẫn… quyền lực) để tạo dựng những chứng cứ lịch sử khác, mà tước đoạt bản quyền chiếc áo dài của Việt Nam.

“Chiếc áo dài Việt Nam xuất hiện từ năm 1934, do họa sĩ Nguyễn Cát Tường thiết kế. Thế nhưng, nếu chúng ta không cẩn thận, thì Trung Quốc vẫn thừa khả năng (cả về tài lực, nhân lực, vật lực lẫn… quyền lực) để tạo dựng những chứng cứ lịch sử khác, mà tước đoạt bản quyền chiếc áo dài của Việt Nam.” – Nhà báo Lê Thiếu Nhơn

Ngoài ra, một số thiết kế nằm trong BST trên của Ne-Tiger còn có hai tà, mặc chung với quần dài, khác hẳn với sườn xám của Trung Quốc. Nón lá, mấn cũng được sử dụng giống hệt các phụ kiện đi kèm khi mặc áo dài truyền thống của người Việt

Baidu, Alibaba cũng gọi Áo dài Việt Nam là “sườn xám cách tân”

Ngoài ra, Alibaba và Baidu, một trang web bán hàng trực tuyến hàng đầu Trung Quốc và cổng thông tin điện tử lớn nhất Trung Quốc cũng đăng bài viết và gọi tên những chiếc áo dài Việt Nam là sườn xám cách tân. Thậm chí, những trang này còn đăng cả trang phục áo cổ lọ, khăn mỏ quạ và nón lạ Việt Nam là áo dài cách tân.

Cộng đồng mạng xã hội hiện đang lên án hành vi này và kêu gọi mọi người cần tỉnh táo và lan truyền thông tin để kêu gọi trả lại tên chiếc áo dài Việt Nam mà Trung Quốc đang tự nhận. Nhiều người lo ngại rằng, văn hoá và thời trang chiếc  áo dài truyền thống sẽ bị người Trung Quốc lấy và cho rằng là tài sản văn hóa của họ, đây là hành vi “chiếm đoạt văn hóa” cần bị lên án!

Thực hiện: Thư Quân