Nhiếp ảnh gia Mạnh Bi khởi nguồn cảm hứng để truyền lửa cho thế hệ kế cận

Ngày đăng: 22/05/24

Nhiếp ảnh gia (NAG) Mạnh Bi là cái tên thành danh trong ngành nhiếp ảnh thời trang Việt. Gần 15 năm trong nghề, cá nhân nhiếp ảnh gia tự nhận định rằng mình đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, thay đổi, đấu tranh để tìm ra dấu ấn riêng ở thị trường nhiếp ảnh sôi động.

Sau nhiều năm trong nghề, khi đối thoại cùng phóng viên của Style-Republik, Mạnh Bi nhận thấy bản thân đang dần có những định hướng để phát triển ở những cương vị khác nhau, đồng thời mong muốn góp công giúp ngành nhiếp ảnh thời trang khởi sắc hơn nữa ở tương lai gần.

Nhiếp ảnh gia Mạnh Bi

Đánh đổi tâm hồn nghệ sĩ để học tư duy kinh doanh

Mạnh Bi nói rằng anh là người rất thích tìm tòi, dấn thân vào cái mới. Bao nhiêu năm trong nghề, chưa bao giờ nhiệt huyết để phát triển, học hỏi, tự thử thách chính mình bị tàn lụi. Anh tự nhận bản thân là một người đam mê nghệ thuật, thích nâng niu cái cảm quan của một người nghệ sĩ ngay từ giai đoạn đầu trong nghề, trước khi chuyển hướng sang làm kinh doanh để lo toan cho gia đình nhỏ. 

Làm nghệ thuật để thỏa đam mê thôi. Nhưng khi hai đứa nhỏ ra đời, mình buộc mình phải phát triển, phải bước ra khỏi sự an toàn, quen thuộc, để làm kinh tế tốt hơn”, anh cười.

Mạnh Bi ở hiện tại thì thế nào? Anh có thể tự tin nói rằng mình là một người đã cân bằng được tư duy làm nghệ thuật, lẫn có thể nâng cao giá trị thương mại từ chất xám của bản thân.

Làm nghề đã 13 năm, động lực nào khiến anh có thể đi được một chặng đường dài đến vậy?

Mình yêu nhiếp ảnh. Nếu không phải vì tình yêu dành cho loại hình nghệ thuật này thì quả thực rất khó để bám trụ với nghề, 13 năm quả thực không ngắn. Khi nhìn lại, cũng đã có lúc mình chuyển hướng để phát triển bản thân ở một vai trò khác, đó là giai đoạn 2017-2020, lúc này mình làm kinh doanh dịch vụ cưới. Tuy vẫn cầm máy chụp, nhưng ít hơn, và thuần nhiều hơn về tính thương mại. Sau giai đoạn này, mình trở thành một nhiếp ảnh gia có tư duy nghệ thuật mang dấu ấn riêng, đồng thời có kỹ năng để làm tốt ở mảng nhiếp ảnh thương mại. 

Từ một người chú trọng tính nghệ thuật, và chuyển sang làm kinh doanh trong mảng dịch vụ cưới, đâu là thách thức lớn nhất mà anh phải đối diện? 

Mình bắt đầu công việc nhiếp ảnh gia từ năm 2011. 6 năm ròng theo đuổi nhiếp ảnh sáng tạo, mình dưỡng nuôi tư duy làm nghệ thuật mạnh mẽ. Từ lúc chuyển qua làm kinh doanh, đồng nghĩa với việc phải làm việc với số liệu, mình choáng lắm. Mình chỉ quen nhìn màu sắc, bố cục với ánh sáng thôi. Nhiều người nói với mình có tính nghệ sĩ cao quá thì chẳng bao giờ làm được kinh doanh đâu. Quả cũng không sai. Vậy là mình tập thuận theo nhu cầu của khách hàng, của thị trường. Bỏ đi cái tôi to vật của một người nghệ sĩ. 

Lúc chuyển qua làm kinh doanh, mình cũng va vấp rất nhiều, mới có thể tích cóp được những bài học kinh doanh giá trị. Mình học được cách làm việc với con người vững bền hơn, vận hành hiệu quả, năng suất hơn. 

Lúc chuyển qua làm kinh doanh, mình cũng va vấp rất nhiều, mới có thể tích cóp được những bài học kinh doanh giá trị. Mình học được cách làm việc với con người vững bền hơn, vận hành hiệu quả, năng suất hơn. – Nhiếp ảnh gia Mạnh Bi. 

Có lợi thế gì không, khi một người nghệ sĩ chuyển hướng sang làm kinh doanh?

Hiển nhiên là có rồi. Xuất phát điểm là một người theo đuổi nghệ thuật và sau khi làm kinh doanh thì mình nhận ra rằng khách hàng bỏ tiền để mua chất xám, tư duy sáng tạo, nghệ thuật đó của mình. Cái quan trọng là mình có thể khai thác và dung hoà, cân bằng được với tính thương mại hay không thôi. Nếu mình không làm kinh doanh trước đây, thì hẳn sẽ rất khó để phát triển ở mảng nhiếp ảnh thương mại – vốn là công việc chính của mình ở hiện tại. 

Có một kỹ năng khác mà nhờ làm kinh doanh mà mình mới có thể phát triển thêm được, đó là định vị giá trị của bản thân trên thị trường. Thay vì chỉ chăm chăm tập trung vào sản phẩm làm ra như một người làm nghệ thuật, thì việc xây dựng hình ảnh, hiểu rõ thế mạnh và định giá đúng năng lực của bản thân sẽ giúp cho nhiếp ảnh gia kinh doanh bản thân hữu hiệu hơn. 

Định nghĩa của anh về sự thành công ở trong nghề này là như thế nào?

Mình không biết là bản thân ở hiện tại, như vậy có đã gọi là thành công hay chưa, nhưng đối với mình thì định nghĩa về thành công trong ngành này không quan trọng, bằng việc là mình nhận thấy bản thân của tương lai đã phát triển và làm tốt hơn chính mình trong quá khứ. Ở giai đoạn phát triển nào, mình cũng từng thất bại đôi lần. Nhưng quan trọng là mình vượt qua và học hỏi được kinh nghiệm từ đó. Không ngừng phát triển, theo mình, chính là tiền đề của sự thành công ở trong mọi lĩnh vực, chẳng riêng gì nhiếp ảnh.

Vậy theo anh, những tiền tố nào đã giúp anh có được thành quả là trái ngọt của sự phát triển mà anh vừa đề cập?

Phải yêu nghề, cái này là tiên quyết. Cá nhân mình cũng tin rằng khi dấn thân vào công việc đòi hỏi sự sáng tạo này, phải luôn tự tin vào bản thân, phải có một cái nhìn thực tế về nghề. Bên cạnh đó, dựa trên kinh nghiệm của bản thân, thì mình có một sự “ngây ngô” không bao giờ bị lấn át. Đó là tâm thế mình đặt ra để luôn có tư duy mở nhằm tiếp nhận cái mới. Xã hội phát triển, xu thế thay đổi, thị trường cạnh tranh, nhu cầu của khách hàng xoay chuyển, ai cũng phải thích nghi, học hỏi, trau dồi thì mới trụ được với nghề.

Xã hội phát triển, xu thế thay đổi, thị trường cạnh tranh, nhu cầu của khách hàng xoay chuyển, ai cũng phải thích nghi, học hỏi, trau dồi thì mới trụ được với nghề. – Mạnh Bi. 

Theo anh, lý do tại sao có nhiều nhiếp ảnh gia có tuổi nghề cao nhưng mãi vẫn loay hoay không thể phát triển thêm hơn? 

Mỗi người có một mục đích sống, và họ cũng tự vạch ra cho mình một lộ trình phát triển riêng. Đôi khi may mắn và cơ hội là yếu tố ngoại cảnh tác động trực diện vào sự phát triển của một người nhiếp ảnh gia. Tuy vậy, theo mình thì mỗi người phải có một động lực cụ thể để làm tốt hơn mỗi ngày. Động lực để thúc dục tinh thần học hỏi mỗi ngày. Bên cạnh đó, năng lực quan sát là khá cần thiết. Một nhiếp ảnh gia có khả năng quan sát, chắc chắn sẽ có nội lực để phát triển. 

Đối với mình, động lực để mình phát triển chính là vì gia đình nhỏ của mình. Sự ra đời của hai bé Muối với Vừng tạo nên quyết tâm rất lớn khiến mình phải phát triển nhanh và xa hơn trong nghề. 

Khởi nguồn cảm hứng để truyền lửa cho thế hệ kế cận

Mạnh Bi khi mới vào nghề cũng từng là học trò đi tìm kiếm cơ hội phát triển kỹ năng lẫn hồ sơ năng lực. Sau nhiều năm trong nghề, anh giờ đây được tín nhiệm ở những vị trí như diễn giả, giám khảo chuyên môn, hay giảng viên. Bên cạnh mục tiêu là để phát triển thêm tay nghề, có thêm nguồn thu nhập, thì công việc giảng dạy còn giúp anh nhận thấy rõ những giá trị tích cực được tạo ra từ kinh nghiệm được tích lũy của bản thân, nhằm giúp cho thế hệ nhiếp ảnh trẻ kế cận – là những ai biết nắm bắt thời cơ, tìm cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ một người giàu kinh nghiệm như anh.

Sắp tới đây, vị nhiếp ảnh gia thực lực sẽ mở một khóa học ngắn hạn dạy về tư duy nhiếp ảnh thương mại, kết hợp cùng Artclass Academy – một môi trường có chuyên môn giảng dạy tư duy sáng tạo hình ảnh và nhiếp ảnh thời trang chuyên nghiệp. Khoá học của anh sắp tới đây đánh dấu lần chạm ngõ đầu tiên ở vai trò giảng dạy, truyền thụ kinh nghiệm cho các bạn trẻ có định hướng trở thành nhiếp ảnh gia thời trang, quảng cáo chuyên nghiệp giống như anh. Mạnh Bi không giấu nổi sự hào hứng trước trong vai trò mới này.

Theo anh, thứ tự ưu tiên của những yếu tố góp phần tạo nên một bộ ảnh thời trang có thẩm mỹ là gì?

Cá nhân mình nhận định thì ánh sáng là quan trọng nhất. Một người làm nhiếp ảnh gia có thực lực là một người có thể làm chủ được ánh sáng trong nhiếp ảnh. Những yếu tố cộng hưởng khác, có vai trò quan trọng đồng đều là mỹ học, trang phục, người mẫu, hậu kỳ, ý tưởng… đều góp công tạo nên một bộ ảnh thời trang có thẩm mỹ. Vậy nên để trở thành nhiếp ảnh gia có năng lực thì trước tiên là nên đi học, và học làm chủ thiết bị ánh sáng cần được ưu tiên.

Là một nhiếp ảnh gia, anh chọn tính cá nhân hay tập thể khi phát triển sự nghiệp của mình?

Nếu là mình ở giai đoạn theo đuổi nghệ thuật 2011-2016, thì hẳn là mình lựa chọn tính cá nhân nhiều hơn. Nhưng sau giai đoạn phát triển kinh doanh từ 2017-2020, mình trở nên thực tế và học được cách cân bằng hiệu quả giữa hai khái niệm. Giờ đây, mình phát triển dựa trên tính tập thể, vì tính chất công việc thường ở quy mô lớn, đòi hỏi sự đóng góp của rất nhiều người đã có thể làm việc hiệu quả với nhau. Dễ hiểu thì khi mới bắt đầu, đa số sẽ phát triển cá nhân vì chưa có nhiều mối quan hệ, nhưng sau này, khi đã có thể tìm được những cộng sự tốt, thì nên phát triển theo tập thể. Muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi dài thì đi cùng nhau.

Anh nhìn nhận thế nào về giá trị nghệ thuật trong bối cảnh công nghiệp của nhịp sống hiện đại?

Giá trị nghệ thuật và tính độc bản hiển nhiên vẫn sẽ có một giá trị rất lớn dù ở bất kỳ bối cảnh xã hội hay ngành nghề nào. Tuy vậy, một người nghệ sĩ phải đánh đổi rất nhiều thời gian để phát triển bản thân. Sự quy đổi dành cho phần thưởng là hoàn toàn xứng đáng. Cá nhân mình ở hiện tại, là đặt tính sáng tạo và dấu ấn cá nhân vào sản phẩm, để làm tăng giá trị của những sản phẩm mang tính thương mại. Còn nếu mình xây dựng các dự án cá nhân, thuần tính nghệ thuật, thì mình sẽ thỏa sức sáng tạo, làm cái mình muốn, tự do, thỏa đam mê.

Thế còn việc sao chép để học hỏi? Cá nhân anh nghĩ gì về vấn đề này?

Mình nghĩ rằng ngành nhiếp ảnh, sáng tạo ở Việt Nam chỉ mới phát triển không lâu gần đây. Chúng ta vẫn đi sau các nước tân tiến trên thế giới rất nhiều năm. Khoảng cách đó sẽ không thể thu hẹp, nếu chúng ta không biết cách học hỏi. Sao chép cũng là một cách học hỏi hiệu quả. Nhưng sao chép có chọn lọc, và phải có phương pháp. Mỗi người cũng phải hiểu rằng tính độc bản, cá nhân, sáng tạo mới mẻ mới thực sự tạo nên giá trị của một nghệ sĩ.

Cơ duyên nào đã đưa anh với công việc giảng dạy? 

Artclass Academy là đơn vị liên hệ và mời mình về trường để giảng dạy môn nhiếp ảnh thời trang thương mại. Artclass Academy là một môi trường giảng dạy chuyên nghiệp, chú trọng vào việc dưỡng nuôi các tài năng trẻ, kết nối để cùng phát triển. Tầm nhìn của trường là đào tạo ra thế hệ kế cận bản lĩnh, sáng tạo, giàu năng lực để trở thành nguồn lao động kế thừa của ngành thời trang nội địa. Điều này cũng tương đồng với quan điểm của bản thân. Vậy nên mình đã nhận lời. 

Điều gì mà anh nghĩ là thử thách lớn nhất khi bắt đầu giảng dạy?

Đó là phát triển giáo trình giảng dạy. Dù có nhiều năm trong nghề, kinh nghiệm hoàn toàn chắt lọc từ việc thực nghiệm, nhưng để biên soạn giáo trình và chắt lọc được những đầu mục phù hợp cho một chương trình đào tạo chuyên nghiệp là rất mới mẻ đối với bản thân mình. May mắn là Artclass Academy đã có một hệ thống phát triển giáo trình bài bản, cũng như có kinh nghiệm vận hành giáo dục chuyên nghiệp. Điều này giúp cho mình đỡ áp lực hơn hẳn.

Điều gì khiến anh quyết định thử sức ở lĩnh vực giáo dục?

Mình nghĩ giáo dục là thiết yếu. Bản thân mình muốn thử sức trong lĩnh vực này bởi mình tin rằng những kiến thức, kinh nghiệm thực tế mà mình có thể truyền dạy là vô cùng hữu ích. Mình có rất nhiều đam mê dành cho nghề, qua đó có thể truyền lửa cho các bạn, giúp cho các bạn phát triển tốt hơn, góp công khiến cho thị trường nhiếp ảnh thời trang thương mại ngày một phát triển hơn.

Học viên có thể mong đợi điều gì từ giảng viên, mentor Mạnh Bi?

Nhiệt tình, gần gũi nhưng cũng có sự tôn nghiêm, kính trọng mà mình đòi hỏi từ học viên. Nhờ đó, mình sẽ có được một môi trường truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm hiệu quả hơn. Học viên có thể mong đợi vào một giáo trình được đúc kết từ việc thực nghiệm trong nghề của mình. 

Bên cạnh lĩnh vực giáo dục, anh còn có dự định kinh doanh nào khác trong tương lai không, và kỹ năng nhiếp ảnh sẽ đóng góp thế nào trong những định hướng đấy? 

Mùi hương và nông sản là hai lĩnh vực kinh doanh mà cá nhân mình rất muốn thử sức trong tương lai. Kỹ năng nhiếp ảnh và khả năng tạo ra hình ảnh mang tính thương mại sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển việc kinh doanh của mình trong tương lai.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh. Chúc anh thành công, và đạt được những mục tiêu đề ra cho những vai trò mới của bản thân!

———-————

Về nhiếp ảnh gia Mạnh Bi: sinh năm 91, tên thật là Nguyễn Đức Mạnh, là nhiếp ảnh gia thời trang nổi bật tại Việt Nam. Vào nghề từ 2011, với kinh nghiệm đa dạng, năng lực được bảo chứng bởi các tạp chí lớn trong nước như ELLE, Đẹp, Men’s Folio, L’Officiel Vietnam, Harper’s Bazaar… Anh còn là nhiếp ảnh gia cộng tác cùng rất nhiều nghệ sĩ Việt, cũng như nằm trong ekip của sản xuất hình ảnh cho các dự án phim chất lượng. Mới đây, anh trở thành một trong 3 diễn giả chính của sự kiện SR Career Talk được diễn ra tại trường Đại học Hoa Sen.

Shot with NOMO CAM Minilux.