Những ai còn đang giữ nghề truyền thống Việt Nam?

Ngày đăng: 01/12/20

Mỗi năm, các nghề truyền thống của Việt Nam lại đối diện với nhiều khó khăn hơn, thế hệ nghệ nhân lành nghề tuổi tác đã cao, thế hệ tiếp theo không có ý muốn kế thừa và công cuộc mưu sinh vất vả, tình hình COVID-19 càng khiến kinh tế lao đao. 

Thế nhưng, ở đâu đó, ngọn lửa yêu nghề truyền thống kế thừa từ cha ông vẫn âm ỉ trong họ, những người đã và đang giữ nghề ươm tơ, dệt lụa, thêu ren… tại Việt Nam. 

Làng thêu ren tua Văn Lâm

Làng thêu Văn Lâm, nằm bên cạnh khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình). Theo chuyện kể vào đầu thế kỷ 20, có hai anh em họ Đinh ở làng là Đinh Ngọc Hênh và Đinh Ngọc Xoan lên Hà Nội học nghề thêu rua ren của người Pháp về dạy cho dân làng. Từ đó, làng nghề thêu ren tua dần phát triển. 

Thêu ren Văn Lâm. Nguồn ảnh thuonghieuvaphapluat.vn

Theo chia sẻ của nghệ nhân thủ công mỹ nghệ Chu Quý Tháp, 57 tuổi, một trong những nghệ nhân thêu rua ren có tiếng của làng Văn Lâm với phóng viên báo Nhân Dân, ông học thêu từ khi còn nhỏ và kế thừa nghề nghiệp của cha ông. Ông Tháp cho biết “để thêu được phải học bài bản”, từ cách căng vải vào khung sao cho canh chỉnh, cho đến học các kiểu thêu như đâm xô, bó hạt, nối đầu… đến đường thêu cũng chú trọng tính mềm mại, tinh xảo. Từ đó, những người nghệ nhân nơi đây mới có thể tạo ra những bức tranh thêu như sống động, chân thật như tranh vẽ, từ những bức long, phụng chầu nguyệt uyển chuyển, mềm mại đến những bức hổ, rồng, chim công hay phong cảnh làng quê. 

Người nghệ nhân thêu Văn Lâm (Ảnh qua peopleinfo.net)

Sản phẩm thêu của làng Văn Lâm hiện được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới tuy nhiên tỷ lệ tiêu thụ trong nước rất nhỏ. Bên đó làng nghề cũng đối mặt với tình trạng thiếu thợ do thế hệ con cháu rất ít người còn mặn mà với nghề. 

Làng lụa Tân Châu, lãnh Mỹ A

Theo sự biến đổi của thời gian, ngày nay ở vùng Tân Châu (An Giang) một thời nức tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm và làm lãnh Mỹ A, giờ đây chỉ còn duy nhất gia đình ông Tám Lăng là giữ nghề truyền thống. Ông Tám Lăng (tên thật là Nguyễn Văn Long) năm nay đã 90 tuổi. Nghề của ông hiện tại được tiếp quản bởi con gái ông, xưởng dệt của gia đình với chừng 4-5 khung cửi. 

Ảnh Ngọc Minh

Lãnh Mỹ A truyền thống cũng có những đặc điểm riêng, đó là phải làm từ tơ tằm 100%, được dệt bằng phương pháp dệt satin 8 (phương pháp dệt khó nhất trong dệt tơ tằm) và phải nhuộm bằng trái mặc nưa. Để làm ra lãnh Mỹ A với màu sắc đen tuyền, người thợ phải nhuộm vải lụa bằng mủ của trái mặc nưa qua vô số công đoạn rất cầu kỳ. Ngày nay, những cây mặc mưa cũng không còn được trồng nhiều nữa. 

Ảnh: Phan Giang, nguồn ảnh: thanhnien.vn

Năm 2006, lãnh Mỹ A từng được nhà thiết kế Võ Việt Chung áp dụng trong loạt áo dài và trình diễn nhiều nơi như Thượng Hải, Australia, New Zealand… Năm 2016, nhà thiết kế Công Trí cũng sử dụng loại lụa này trong bộ sưu tập các loại váy liền thân dáng suông, váy chữ A, áo vest, áo sweatshirt… Tuy nhiên, ngày nay số lượng lãnh Mỹ A được sản xuất cũng giới hạn do khó khăn về khâu nguyên liệu và quá trình nhuộm màu xử lý vô cùng vất vả. 

Làng tơ Cổ Chất – Nam Định

Ngôi làng nhỏ nằm ven sông Ninh Cơ, thuộc địa phận xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định. Xưa kia làng Cổ Chất sống nhờ vào nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, quay sợi. Thời thuộc Pháp vào khoảng đầu thế kỉ XX, giới tư bản Pháp đã đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở đầu làng. Từ đây, nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh. Trải qua thăng trầm lịch sử, Cổ Chất hiện không còn gìn giữ được nong tằm nương dâu.

Nguồn ảnh: moitruong.net.vn

Kỹ thuật ươm tơ ở làng Cổ Chất vốn đã nổi danh với sự khác biệt so với tơ ở vùng khác. Kỹ thuật ươm tơ thủ công đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn của người thợ. Từ việc lựa chọn và phân loại kén tằm, cho đến việc đảo kén lấy mối tơ, tay thoăn thoắt mắt không rời để kéo tơ đều sợi, tạo nên những nén tơ căng chắc và óng mượt. Tuy nhiên, kỹ thuật ươm tơ truyền thống này đang dần thất truyền, vì ngay cả các nhà nghề hiện giờ cũng khó có thể nối nghiệp bởi lớp trẻ.

Nguồn ảnh: vnexpress.net

Xưởng ươm tơ của gia đình chị Nguyễn Thị Yến làng Cổ Chất còn giữ nghề, tuy nhiên ngày nay việc giữ gìn nghề cũng khó, giá thành nguyên liệu kén ngày càng cao và khan hiếm. Tơ Cổ Chất phần nhiều xuất khẩu ra các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan và cả Trung Quốc.

Thực hiện: Koi (tổng hợp)

Ảnh cover: Nguyễn Quốc Sơn. Nguồn ảnh: vnexpress.net 

Bài viết tham khảo

Sức sống làng thêu Văn Lâm. Tác giả: Mạnh Hào

Giữ hồn lãnh Mỹ A: Giải mã chiếc quần lãnh từng là niềm ao ước của bao thiếu nữ xưa. Tác giả: Thiên Hương

Lãnh Mỹ A ngày một lụi tàn. Tác giả: Phan Thương

Làng tơ Cổ Chất – Nam Định: nổi lửa lò ươm, giữ nghề truyền thống. Tác giả: Xu