Đất Thần Kinh tháng 8 và phẩm vật Hoàng triều của người nghệ nhân 100 tuổi

Ngày đăng: 18/09/22

Ở thế kỷ này, đôi khi điều đáng quý sau từng đường kim mũi chỉ không phải là chất liệu đó đắt tiền bao nhiêu, mà là có cả một triều đại đã xa đang ẩn mình trong đó.

Những ngày cuối tháng 8, Huế bỗng trái gió trở trời. Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Giáp Đông, Mệ Trí Huệ đã hơn 100 tuổi vẫn ngày ngày se chỉ luồn kim, tỉ mẩn may từng chiếc gối tựa đã gắn bó với Mệ hơn ⅔ cuộc đời.

Chiều hôm ấy, Mệ ăn mặc tươm tất, trong nhà bày sẵn những chiếc gối tựa đẹp đẽ, vì nghe đâu có người ở Đài Truyền hình sẽ xuống ghi hình. Thời tiết bỗng trở nên ẩm ương khiến xương cốt người già chẳng mấy dễ chịu. Nhưng Mệ vẫn cười, vẫn vui.

Ấy thế rồi gần 2 giờ đồng hồ trôi qua, “Xin lỗi chị. Bọn em đang dở ghi hình bên này từ sáng đến giờ chưa xong. Chắc bọn em xin hẹn lại lần sau với Mệ ạ.” 

Một lời xin lỗi gắn gọn, một buổi ghi hình cứ thế bị hủy, mà người hẹn chẳng mảy may nghĩ đến có một bà cụ đã hào hứng ra sao, có những chiếc gối chứa đựng biết bao câu chuyện muốn được chia sẻ đến nhường nào.

Mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ

Trong nhà của Mệ, là một miền ký ức đầy những dấu ấn của Triều Nguyễn. Mệ là cháu nội của Hoài Đức Quận vương, tự Nguyễn Phúc Miên Lâm, người con trai thứ 57 của Hoàng đế Minh Mạng. Khi nhỏ, Mệ phụ cha làm nghề thuốc bắc, lớn lên vì là con cháu Hoàng tộc, Mệ vào Nội học may vá, thêu thùa như các Công Tôn Nữ khác. 

Thời gian này, việc may gối trái dựa được phụ trách toàn bộ bởi Bộ Lễ, nên Mệ không có cơ hội được cầm tay chỉ việc, chỉ có cơ hội quan sát và biết chút ít về công việc này. Phải đến sau năm 1954, khi chuyển về cung An Định phục vụ Đức Từ Cung, Mệ mới thật sự gắn bó cuộc đời mình với những chiếc gối xếp. Hiện nay, toàn bộ gối trái dựa tại 9 áng thờ trong Đại Nội Huế đều là một tay Mệ phục dựng.

Gối trái dựa được xếp phía sau các áng thờ tại Thế Miếu (Huế)

Gối trái dựa – Phẩm vật Hoàng triều

Gối trái dựa, hay còn được gọi là gối xếp với 5 chái truyền thống là một vật dụng đã xuất hiện trong đời sống sinh hoạt của người dân nước Việt từ rất lâu. Khi đó, giới quý tộc với thói quen ngồi sập, ngồi bệt, thường sử dụng gối xếp để tựa tay, tựa lưng, tránh bị mỏi và để dáng ngồi được thêm phần quý phái. Gối xếp thường có dạng các lớp gối hình hộp gắn liền nhau, khi dùng thì xếp chồng rồi tựa tay lên (cũng có khi gối tựa có dạng một khối liền, nhưng chủ yếu vẫn là gối dạng gối xếp với nhiều lá). 

Đến thời nhà Nguyễn trị vì, gối xếp không chỉ được may chuẩn chỉnh từng đường kim mũi chỉ, mà còn kèm theo đó là rất nhiều những quy tắc của Hoàng tộc. Vì được sử dụng nhiều ở chốn hoàng cung, dần dần, người ta quen gọi nó với cái tên là gối cung đình. 

Gối trái dựa, hay còn được gọi là gối xếp với 5 chái truyền thống là một vật dụng đã xuất hiện trong đời sống sinh hoạt của người dân nước Việt từ rất lâu. Khi đó, giới quý tộc với thói quen ngồi sập, ngồi bệt, thường sử dụng gối xếp để tựa tay, tựa lưng, tránh bị mỏi và để dáng ngồi được thêm phần quý phái.

Được đảm nhận bởi Bộ Lễ (coi sóc vấn đề văn hóa – lễ nghi và giáo dục), toàn bộ các công đoạn làm ra gối cung đình đều được làm bằng tay và dựa theo những quy định nghiêm ngặt. Từ lựa chọn những thước vải gấm thượng hạng, độn lông cù lần (cu li), cho đến thêu các họa tiết, hoa văn cầu kỳ, từng công đoạn sẽ được thực hiện riêng bởi những người thợ có chuyên môn. 

Đơn cử, gối trái dựa dành cho Hoàng đế phải có đủ 5 lá. Có người tin rằng, số 5 ở đây ý chỉ hình ảnh rồng 5 móng, là biểu tượng cho sự quyền lực tối cao của nhà vua. Nhưng cũng có người bảo, số 5 ý chỉ quy luật của vạn vật: Sinh – Lão – Bệnh – Tử, rồi lại Sinh. Chiếc gối của Hoàng đế cũng là chiếc gối duy nhất được thêu hình rồng. Xét sâu xa hơn, rồng là loài vật có thể sống ở mọi điều kiện môi trường sống, vừa có thể bay trên trời, đi dưới mặt đất, và bơi dưới nước. Vì thế rồng mang trong mình năng lượng của cả đất trời, của sự cân bằng âm dương. Và cũng chỉ duy nhất đồ mà Hoàng đế ngự dụng, mới có màu vàng, và phải là màu vàng chính sắc.

Không có mô tả ảnh.
Hiện vật gối xếp thêu rồng – Hiện đang được lưu giữ tại Điện Hòa Khiêm (Khiêm Lăng)

Ngược lại, gối của Hoàng thái hậu, Hoàng hậu và các quan thì có đủ 4 lá, tùy theo màu ghế sẽ lựa chọn những màu sắc và hoa văn khác nhau, nhưng tuyệt đối không được trùng với gối của Vua. Thông thường, gối của Hoàng thái hậu và Hoàng hậu sẽ được thêu các họa tiết như chim Phượng, chữ Thọ, Hỷ, hoa văn cột thuỷ – tam sơn thuỷ ba, hoa mẫu đơn – ngụ ý tốt lành và tượng trưng cho vị trí mẫu nghi thiên hạ.

Hiện vật gối trái dựa 4 lá ở cung An Định

Thuở ấy, ngoài màu sắc và đường nét trang trí, thì chất liệu và kỹ thuật là yếu tố được chú trọng để thể hiện vẻ đẹp chốn vương quyền. Gấm, đoạn, lụa là những chất liệu chính thống phổ biến nhất bởi vừa toát lên vẻ rực rỡ óng ả, lại vừa dịu dàng thoải mái khi tiếp xúc với da tay. Thông thường, những thước vải này đã được dệt sẵn các hoa văn chìm hoặc nổi, tùy từng lúc mà sẽ thêu thêm các họa tiết khác bằng chỉ vàng, chỉ bạc cho thêm phần sinh động. Để có được những sợi chỉ vàng, chỉ bạc đó cũng đòi hỏi một sự tỉ mẩn đáng kể. Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, sợi chỉ thường trước tiên phải được chuốt qua một lớp sơn ta để có độ dính, sau đó lướt qua bột vàng để các hạt màu bám lại tạo thành một màu vàng lộng lẫy. Để dẫu có qua hàng trăm năm, nét vàng son ấy cũng sẽ không mai một.

Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, sợi chỉ thường trước tiên phải được chuốt qua một lớp sơn ta để có độ dính, sau đó lướt qua bột vàng để các hạt màu bám lại tạo thành một màu vàng lộng lẫy. Để dẫu có qua hàng trăm năm, nét vàng son ấy cũng sẽ không mai một.

Nếp xưa, lối nay

Những năm gần đây, cuộc sống của Mệ dần bình lặng hơn, và xen chút ngọt ngào vui vẻ, hệt như những luống quýt Hương Cần quê Mệ đã thơm ngọt bao đời. Bởi Mệ đã tìm thấy cơ hội khôi phục cái nghề truyền thống đã gắn bó với mình như hơi thở. Không những tránh được cảnh bị “khai tử” cho những chiếc gối, Mệ còn bớt được nỗi lo cơm áo gạo tiền, và hơn hết, là cơ duyên gặp gỡ những người trẻ, những người ham tìm hiểu và dành một sự tôn trọng nhất định cho những văn hóa truyền thống, đang từng ngày giúp Mệ lan tỏa ý nghĩa của những chiếc gối trái dựa ra với thế giới.

Hàng ngày, những chiếc gối Mệ may, tuy không còn bị ràng buộc bởi những quy tắc Hoàng triều, nhưng vẫn được Mệ chăm chút cho từng đường kim mũi chỉ, cho từng đoạn vải, tấm bông,… kỳ công gần cả tuần trời để có được một chiếc gối hoàn thiện. 

Vì chiếc gối có 5 lá, có thể trải dài lại có thể gấp gọn, nên cái tài của người nghệ nhân là phải may làm sao để dù có xếp ở hình hài nào, chiếc gối cũng phải thể hiện ra trọn vẹn những họa tiết may mắn và tốt lành của nó. Thế nên, quan trọng nhất là ở công đoạn đo và cắt khổ vải. 

Hiện tại, gối trái dựa do chính tay Mệ may thường dùng các loại vải chính như gấm thường, gấm Hàn Quốc cao cấp, lụa Nha Xá và vải thổ cẩm dệt. Toàn bộ đều đã được dệt sẵn các hoa văn may mắn như chữ Phúc Thọ, hoa mẫu đơn, chim hạc… với màu sắc sặc sỡ, chủ yếu là xoay quanh 5 sắc màu lục, vàng, xanh, trắng, đỏ. Thỉnh thoảng với những đơn hàng đặc biệt, Mệ mới tự tay thêu họa tiết rồng trên nền hoa văn in chìm, mô phỏng giống một chiếc gối ngày xưa được Vua ngự dụng. 

Mệ dặn, vải phủ ngoài phải được cắt sao cho thẳng thớm để không vỡ các họa tiết được dệt sẵn, không bị tưa các cấu trúc sợi dệt và chuẩn đến từng milimet. Thiếu 1 ly có thể khiến chiếc gối xuất hiện những mảnh chắp vá, còn thừa 1 ly thì phần vải bọc ngoài sẽ có khả năng không ôm trọn được 5 lá gối, dễ bị rối và đùn ở những chỗ gấp khúc. 

Tiếp đến là dùng vải thường may thành những hộc bằng nhau, phải chích từng mũi, đột từng mũi ngay và chắc, cốt làm sao để khi dặm bông vào được vuông góc, tạo ra những rãnh thẳng hàng trên 1 lá chứ không bị xiêu vẹo. Và dù chỉ là may phần ruột, cũng phải may 5 lá như 1, thì khi xếp chồng lên nhau, chiếc gối mới có dáng đứng cứng cáp, không bị xô lệch. 

Mệ chỉ, phần khó nhất là khi may sẵn cạnh ngang của các hộc. Các hộc gối có hai cạnh ngang, một cạnh ngang sẽ được may thêm một miếng vải vào để có chỗ làm điểm tựa khi dặm bông. Điểm mấu chốt là các mũi kim của phần cạnh ngang này phải được may vừa khéo, vì nếu quá chật thì khi độn bông sẽ không thể phồng, còn nếu quá lỏng thì độn bông sẽ không thể vuông góc.

Sau khi có các hộc, Mệ chuyển đến công đoạn độn bông. Mệ kể, ngày xưa gối được độn lông cù lần (lông cây cu li), là một loại thảo dược quý thời đó. Nhưng hiện tại không còn nữa, nên Mệ dùng bông tự nhiên để độn, giúp đảm bảo độ bền, tăng độ đàn hồi và khả năng hút ẩm cho gối. Khi độn bông, ngoài việc phải độn thật chặt, Mệ sẽ dùng một chiếc đũa nhỏ để đảm bảo bông được dặm đều khắp các góc, không chỗ nào bị hở. Có như vậy thì gối mới không bị lõm sau một thời gian dài kê tay liên tục. 

Khi đã hoàn thành ruột gối, Mệ sẽ xếp lại và ướm phần vải phủ ngoài lên. Cái khó là phải canh khoảng cách giữa các ruột gối. Vì phải có một khoảng cách không quá nhỏ cũng không quá lớn, đủ vừa thì gối mới dễ dàng được xếp chồng lên hoặc lật ra. Và phải may thật khéo, thật đều để đường chỉ và vết may không bị lộ rõ ra ngoài.

Thế là ròng rã 7-10 ngày, một chiếc gối hoàn thiện ra đời với cân nặng gần 2.5kg, dài 29cm, rộng 18cm và cao 30cm. 

Và chắc hẳn, những gì mà Mệ gửi gắm theo từng nếp thêu tay đó, là cả một niềm tự hào của một hậu duệ hoàng tộc, của những ký ức vàng son một thời nay quá vãng. Ở thế kỷ này, đôi khi điều đáng quý sau từng đường kim mũi chỉ không phải là chất liệu đó đắt tiền bao nhiêu, mà là có cả một triều đại đã xa đang ẩn mình trong đó. Điều mà dù cho sau này Mệ có đông truyền nhân đến thế nào, thì cái hơi thở hoàng tộc ấy cũng chẳng còn vấn vương được.

Ở cố đô Huế, người ta vẫn hay hào hứng dẫn nhau đi viếng những lăng tẩm u tịch, vẫn rủ nhau đi thưởng thức một nền nhã nhạc chốn cung đình. Nhưng có mấy ai biết đến gối trái dựa – một dấu ấn của một thời kỳ đã từng hưng thịnh trong lịch sử dân tộc. Những chứng nhân của một thời vàng son, liệu có đang bị lãng quên và xem nhẹ trên chính mảnh đất của mình?

Bài viết được thực hiện bởi Diana Nguyễn dành riêng cho Style-Republik

Ảnh: Facebook Gối Tựa Mệ Trí Huệ