Những bức ảnh huyền thoại trong tệp lưu trữ đồ sộ của địa hạt thời trang

Ngày đăng: 28/06/24

Từ New Look mang tính biểu tượng của Dior đến bộ suit Le Smoking huyền thoại của YSL, những bức ảnh tầm ảnh hưởng mạnh mẽ dưới đây đã đóng vai trò then chốt trong việc định hình lại nhận thức của thế giới về thời trang.

Khi bàn về tích sử thời trang, địa đàng hào nhoáng đó không chỉ hấp dẫn bởi những tuyệt tác sáng tạo vô biên, loạt dấu tích được lưu trữ trong những kho di sản đồ sộ, những màn trình diễn để đời của các nhà thiết kế, những màn hợp tác ngoạn mục và các câu chuyện được hé lộ trên tạp chí danh giá; mà còn là cả những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc mang tính biểu tượng. Vì thế, vẻ đẹp mà ai cũng muốn chạm đến của thế giới trang còn được làm nên bởi các đóng góp to lớn của nhiếp ảnh gia, chứ không chỉ có nhà thiết kế, stylist, biên tập viên, người mẫu,… Vào những năm 1920 với các nhiếp ảnh gia thời trang đầu tiên đã chứng tỏ tầm nhìn của bản thân đối với thế giới bao gồm Edward Steichen, Martin Munkacsi, Horst P.Horst và Lee Miller, tiếp theo là các nhiếp ảnh gia thời hậu chiến Richard Avedon, Norman Parkinson, Cecil Beaton, Barry Lategan, Guy Bourdin, Helmut Newton, và nhiều nhiếp ảnh gia đương đại hơn, như Peter Lindbergh, Patrick Demarchelier, Steven Meisel, Mario Testino và Annie Leibovitz. Cá chắc rằng trong số chúng ta, ai cũng đã từng thấy ít nhất, dù chỉ thoáng qua, một số bức ảnh của họ xuất hiện trên các trang tạp chí khét tiếng.

Thời trang là tấm gương phản chiếu rõ ràng nhất những thay đổi trong dòng chảy lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội. Mỗi thời kỳ đại diện cho một chuẩn mực thời trang gắn liền với bối cảnh đa chiều. Vì vậy, hình ảnh là một trong những cách mà thế giới thời trang có thể giao tiếp, tiếp cận đến nhân loại. Dưới đây là những bức ảnh thời trang huyền thoại đã tồn tại trong suốt thế kỷ 20 cho đến ngày nay, mà bất cứ tín đồ nào cũng không nên bỏ qua, dù là một “newbie” hay “dân chuyên” sành sỏi. 

Edward Steichen – Gloria Swanson, 1928

Edward Steichen được coi là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực chụp ảnh thời trang. Là thành viên chủ chốt của phong trào Pictorialist và Photo-Secession vào đầu những năm 1900, nhưng cũng là một người theo Chủ nghĩa Hiện đại. Ông từng là nhiếp ảnh gia trưởng cho Condé Nast từ năm 1923 đến năm 1938, đồng thời làm nhiếp ảnh gia tự do. Ông quảng bá thời trang như một loại hình nghệ thuật thông qua nhiếp ảnh, tạo ra một loạt ảnh tuyệt vời cho những chiếc váy dạ hội của Paul Poiret thiết kế. Và nổi tiếng với tư cách là một nhiếp ảnh gia thương mại trong những năm 1920 và 30 bằng cách thực hiện nhiều bức chân dung thời trang về hàng loạt gương mặt nổi tiếng. Vanity Fair đã đăng tải bức ảnh mà Edward đã thực hiện vào tháng 2 năm 1928 trùng với thời điểm phát hành bộ phim Sadie Thompson, với sự tham gia của Gloria Swanson, gương mặt đã xuất hiện trong bức chân dung này.

Martin Munkacsi – Bức ảnh khỏa thân dưới chiếc dù che nắng, 1932

Martin Munkácsi là một nhiếp ảnh gia người Hungary. Ông bắt đầu sự nghiệp chụp ảnh thể thao, giải trí, chính trị và đời sống đường phố ở Đức và Hungary vào cuối những năm 1920 và 1930. Sau đó, anh chuyển sang chụp ảnh thời trang khi lần đầu chụp cho tạp chí Harper’s Bazaar với bức ảnh một người mẫu đang khỏa thân, được che chắn bởi chiếc dù to trên bờ biển Long Island. Những bức ảnh đó đã cách mạng hóa ngành nhiếp ảnh thời trang với sự thân mật và sức sống khác thường của chúng. Kết quả là Munkacsi được Harper’s Bazaar thuê và chuyển đến New York, nơi anh tạo dựng được tên tuổi bản thân cho đến sau này. 

Horst P.Horst – Mainbocher Corset, 1939

Horst P. Horst là một nhiếp ảnh gia thời trang người Mỹ gốc Đức được biết đến là người tiên phong của thể loại mà ngày nay được gọi là chụp ảnh thời trang cổ điển. Vào những năm 1930, ông chụp ảnh cho tạp chí Vogue của Pháp và Anh. Vào trước Thế chiến thứ hai, Horst P. Horst đã thực hiện một trong những tác phẩm nổi tiếng của mình “Mainbocher Corset” tại Vogue Studios ở Paris vào năm 1939 và di cư sang Hoa Kỳ vào sáng hôm sau. Nhiếp ảnh gia đã tìm được công việc tại American Vogue, nơi ông đã ở lại đến hết cuộc đời. “Mainbocher Corset” là một bức ảnh trắng đen, chụp từ sau lưng của một người phụ nữ đang chỉnh chiếc corset thắt dây của mình. 

Lee Miller – Chân dung tự chụp cho tạp chí Vogue, 1931

Lee Miller cũng là một trong những nhiếp ảnh gia thời trang quan trọng nhất thế kỷ 20 (và là một trong số ít nhiếp ảnh gia nữ được ca ngợi vào thời điểm đó), một người theo chủ nghĩa Siêu thực, nổi tiếng là phóng viên chiến trường của tạp chí Vogue trong Thế chiến thứ hai. Bên cạnh danh xưng là một nhiếp ảnh gia, bà còn là cũng là một người mẫu và đây là một trong những bức chân dung thời trang tự chụp của bà cho tạp chí Vogue vào năm 1931.

Irving Penn – Jean Patchett, 1950

Irving Penn là một trong những nhiếp ảnh gia thời trang và editorial quan trọng nhất mọi thời đại. Ông được biết đến nhiều nhất với tư cách là một nhiếp ảnh gia chụp tĩnh vật và chân dung. Trong hơn 60 năm, hình ảnh của ông đã xuất hiện trên hàng loạt trang bìa của các tạp chí nổi tiếng nhất. Trong đó có tạp chí Vogue nơi ông gắn bó từ năm 1943 đến năm 2009. Irving Penn đã tạo ra 165 trang bìa cho tạp chí này và Harper’s Bazaar. Thật khó để chọn ra chỉ một bức ảnh mang tính biểu tượng của ông ấy. Nhưng bức ảnh này với Jean Patchett mà ông thực hiện cho trang bìa tạp chí Vogue vào tháng 4 năm 1950 thực sự là một tác phẩm đáng nhớ. Đây là trang bìa tạp chí Vogue không màu đầu tiên của ông được xuất bản kể từ tháng 5 năm 1932.

Norman Parkinson – Wenda và dàn đà điểu, 1951

Norman Parkinson là một nhiếp ảnh gia thời trang và chân dung nổi tiếng người Anh của thế kỷ 20. Ông đã làm việc cho nhiều nhà xuất bản cũng như tạp chí. Đặc biệt là Vogue, Harper’s Bazaar, Town & Country và các tạp chí quốc tế khác đã mang lại cho ông sự công nhận trên toàn thế giới. Điều thú vị ở ông ấy so với những người cùng thời là khả năng có thể tạo ra thời hoàng kim của siêu mẫu và khiến những bức ảnh trông bớt “trang trọng, nghiêm túc” hơn, vui vẻ, hài hước, giản dị, sống động và đời thường hơn. Ông thích chụp ảnh ngoài trời, đặc biệt là ở các địa điểm kỳ lạ như Nga, Ấn Độ, Caribe… , vào thời điểm mà hầu hết các buổi chụp ảnh thời trang đều diễn ra tại studio. Bức ảnh Wenda tạo dáng trên lưng của một con đà điểu là một ví dụ điển hình về phong cách chụp ảnh của Parkinson.

Richard Avedon – Dovima với đàn voi, 1955 và Carmen, 1957

Richard Avedon được nhiều người công nhận là nhiếp ảnh gia chân dung hàng đầu của thế kỷ 20 vì nhiều lý do. Dùng ngôn ngữ của nhiếp ảnh, ông đã xóa bỏ khoảng cách giữa thời trang và mỹ thuật, cũng như nghệ thuật và chính trị. Ngoài ra, khi điều hành một studio thương mại, Avedon còn được biết đến với việc xóa mờ ranh giới giữa nghệ thuật mỹ miều và nhiếp ảnh thương mại. Anh ấy đã nghiên cứu rất nhiều thể loại và chủ đề nhiếp ảnh; thậm chí còn chơi đùa với tâm trạng, tư thế, kiểu tóc, quần áo và phụ kiện mà anh tin rằng đều là những yếu tố quan trọng của một bức ảnh.

Năm 1944, Avedon theo học tại New School of Social Research, dưới sự dẫn dắt của giám đốc nghệ thuật ở Harper’s Bazaar, Alexey Brodovitch, và ngay sau đó trở thành nhiếp ảnh gia cho tạp chí nơi ông đã làm việc khoảng 20 năm. Sau đó, ông chuyển đến Vogue vào những năm 60 và gắn bó ở đó gần 25 năm. “Dovima with Elephants” trong đó người mẫu mặc chiếc váy Dior, được sản xuất cho một bài xã luận của Harper’s Bazaar năm 1955, và “Carmen” (1957) là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông, mà bất kỳ ai trong địa hạt thời trang cũng không thể bỏ qua.

Barry Lategan – Chân dung Twiggy, 1966

Barry Lategan là một nhiếp ảnh gia thời trang người Nam Phi, có lẽ ít được biết đến hơn nhưng cũng rất quan trọng. Cũng giống như các nhiếp ảnh gia thời trang nổi tiếng khác, anh làm việc cho Vogue, Harper’s Bazaar và các tạp chí danh giá khác. Và đã lọt vào “mắt xanh” của những nhân vật nổi tiếng bao gồm Công chúa Anne, Margaret Thatcher, Iman và Calvin Klein. Ông nổi tiếng với việc khám phá ra nhan sắc đặc biệt của Twiggy, một trong những người mẫu nổi tiếng nhất thập niên 1960, làm người mẫu cho các nhà thiết kế như Mary Quant và André Courreges. Bức chân dung này có lẽ là bức ảnh nổi tiếng nhất trong bộ sưu tập ảnh chân dung của cô và là bức ảnh mang tính biểu tượng từng được chụp bởi Lategan.

Guy Bourdin – Tạp chí Vogue Paris, 1969 và 1970

Guy Bourdin là một nhiếp ảnh gia thời trang người Pháp nổi tiếng với những bức ảnh thời trang mang tính thử nghiệm và khiêu khích. Tác phẩm của ông đặc biệt với khả năng phối màu đặc biệt. Sự nghiệp của ông kéo dài hơn 40 năm, trong thời gian đó ông làm việc cho các hãng thời trang và tạp chí hàng đầu thế giới. Được tạp chí Vogue Pháp phát hiện vào đầu những năm 1950, ông vẫn làm việc cho tạp chí này cho đến cuối những năm 1980. Những tác phẩm mà Guy Bourdin tự hiện cho tạp chí Vogue Paris đều truyền một nguồn cảm hứng đặc biệt cho nhiều thế hệ nhiếp ảnh gia sau này. 

Helmut Newton – Le Smoking, 1975

Helmut Newton là một nhiếp ảnh gia thời trang người Úc gốc Đức nổi tiếng với những bức ảnh đen trắng đầy khiêu khích và nóng bỏng. Sau Thế chiến thứ 2, ông mở một studio chụp ảnh và chuyển đến châu Âu vào những năm 1950. Tại Paris, nhiếp ảnh gia bắt đầu làm việc cho tạp chí Vogue Pháp. Và sau đó là Playboy, Elle, Harper’s Bazaar và các ấn phẩm khác trong những năm 1950 và 1960. Khi được nhiều người biết đến, ông cùng chiếc ống kính bắt đầu thường xuyên đi du lịch khắp thế giới để thực hiện “nhiệm vụ”. Nếu chúng ta phải chọn ra một tác phẩm bước ngoặt trong sự nghiệp của Helmut Newton thì đó chắc chắn là bức ảnh ghi lại bộ suit Le Smoking mang tính cách mạng của Yves Saint Laurent.

Năm 1966, Yves Saint Laurent cho ra mắt “Le Smoking” – bộ suit đầu tiên dành cho phụ nữ mặc vào buổi tối. Ý tưởng này được YSL lấy cảm hứng từ những chiếc áo vest lụa mà nam giới thường mặc để bảo vệ quần áo khỏi tàn thuốc lá. Phiên bản YSL dành riêng cho nữ có phần eo mềm mại hơn và cổ áo gọn gàng hơn. YSL chia sẻ ông rất ấn tượng với bức ảnh Marlene Dietrich mặc đồ nam. Nhà thiết kế tin rằng để một người phụ nữ ăn mặc giống đàn ông, cô ấy cần thể hiện sự nữ tính tối đa khi đối đầu với bộ trang phục không phải của mình. Ban đầu, những khách hàng cao cấp của YSL không chấp nhận những ý tưởng này vì cho rằng chúng quá đột phá. Nhưng vài tháng sau, khi ông ấy đưa một mẫu thiết kế tương tự vào dòng sản phẩm may sẵn có giá cả phải chăng, chúng ngay lập tức trở thành xu hướng.

Willy Maywald – “The New Look” của Christian Dior (1947)

Sau khi Christian Dior trình làng bộ sưu tập New Look vào năm 1947, đã có rất nhiều luồng dư luận bày tỏ sự phản đối vô cùng mạnh mẽ. Họ thậm chí còn phá hủy váy của Dior và tụ tập để phản đối với những tấm biểu ngữ có nội dung “Thiêu rụi Dior!”. Bộ sưu tập này gây sốc vì vẻ xa hoa, với váy xòe và chi tiết ren, trái ngược với nhu cầu ăn mặc của phụ nữ vào thời đại đó. Phụ nữ lúc bây giờ thường ưa chuộng những bộ trang phục đơn giản, và trông “tiết kiệm”. Một số người cảm thấy khó chịu với những chiếc váy có phần eo thon hơn và váy dài hơn, trong khi họ vốn đã thích thú với sự tự do của những bộ quần áo bảo hộ lao động tiện dụng. Vì lo ngại bộ sưu tập này sẽ tạo ra nhu cầu về vải nhiều hơn nên Bộ Thương mại đã cấm tạp chí Vogue của Anh nhắc đến Dior. Tuy nhiên, “New Look” đã đánh dấu một sự thay đổi trong thời trang, chấm dứt kỷ nguyên quần áo chức năng và mở ra một kỷ nguyên mới của thời trang cao cấp. Bức ảnh đen trắng về chiếc váy “The New Look” của Dior, mà làng mốt “nằm lòng” kể từ ngày đầu “nhập môn” thời trang, được chụp bởi một nhiếp ảnh gia người Đức, Willy Maywald.

Peter Lindbergh – Sự ra đời danh xưng “siêu mẫu”, 1988

Hướng tới nhiếp ảnh thời trang hiện đại hơn, trước tiên chúng ta hãy xem tác phẩm của Peter Lindbergh. Bạn có biết nhiếp ảnh gia người Đức được cho là người đã khởi xướng kỷ nguyên siêu mẫu mới? Quả thực, Peter Lindbergh là người đứng sau ống kính của trang bìa tạp chí Vogue Anh số tháng 1 năm 1990. Sau đó, ông đã chụp cho các siêu mẫu hàng đầu như Christy Turlington, Naomi Campbell, Cindy Crawford, Linda Evangelista và Tatiana Patitz quá cố. Trước khi được công nhận là những siêu mẫu của mọi thời đại, những người đã thống trị làng thời trang từ cuối những năm 80, ngoài năng lực và sự cố gắng, tên tuổi của họ được đưa lên bản đồ thời trang là còn nhờ vào tài “bắn ảnh” của Peter. 

Khi Anna Wintour trở thành tổng biên tập tạp chí Vogue Mỹ năm 1988, bà tìm thấy một bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Đức Peter Lindbergh bị bỏ quên trong ngăn kéo. Trong ảnh, sáu người mẫu mới (Estelle Lefébure, Karen Alexander, Rachel Williams, Linda Evangelista, Tatjana Patitz và Christy Turlington) đang mặc áo sơ mi trắng trên bãi biển Santa Monica. Bức ảnh này bị những người tiền nhiệm của Anna Wintour từ chối lên bìa, vì họ ưa thích phong cách truyền thống và xa hoa hơn.

Tuy nhiên, Anna Wintour đã quyết định đăng bức ảnh này lên tạp chí và nhờ đó, áo sơ mi trắng trở thành món đồ không thể thiếu trong tủ đồ của phái đẹp. Bốn năm sau, nhân kỷ niệm 100 năm tạp chí Vogue, nữ tổng biên tập quyền lực đã tái hiện lại bức ảnh huyền thoại đó, với sự góp mặt của 10 siêu mẫu mặc áo sơ mi trắng buộc giữa eo. Lần này, bà chọn áo sơ mi đến từ thương hiệu Gap, tạo nên phong cách thời trang cao cấp mà ai cũng có thể dễ dàng áp dụng.

Patrick Demarchelier – Công nương Diana, tạp chí Vogue 1990

Patrick Demarchelier là một nhiếp ảnh gia thời trang người Pháp, một con người của nghệ thuật và đã chụp tất cả mọi thứ. Từ việc thực hiện vô số bộ ảnh cho các tạp chí khét tiếng như Vogue và Harper’s Bazaar cho đến chụp chiến dịch cho các thương hiệu xa xỉ bao gồm Dior, Louis Vuitton, Chanel, Yves Saint Laurent,… tạo ra vô số chân dung của các siêu mẫu và người nổi tiếng. Một trong những bức ảnh đáng nhớ mà ít ai biết đến của Patrick có lẽ là bức chân dung chụp Công nương Dianna cho tạp chí Vogue năm 1990.

Steven Meisel – Linda Evangelista, 1990

Steven Meisel là một trong những nhiếp ảnh gia thời trang vĩ đại còn lại và tác phẩm của ông được xuất bản trên nhiều tạp chí thời trang hàng đầu trên toàn cầu. Tài năng của ông được phát hiện bởi Oscar Reyes, người chuyên booking cho Elite Model Management. Oscar Reyes đã rất ấn tượng với những bức ảnh do Steven chụp các người mẫu cho buổi casting của Tạp chí Seventeen. Kể từ giây phút đó, sự nghiệp nhiếp ảnh của Steven cũng bắt đầu thăng hoa như tên lửa. Ông thực hiện các chiến dịch cho Prada, Versace, Valentino, Dolce & Gabbana, Calvin Klein, cùng các thương hiệu khác và cũng được biết đến với việc tạo bìa album cho“Like a Virgin” của Madonna. Linda Evangelista là một trong những người mẫu được Steven chụp nhiều ảnh nhất. Một trong những tác phẩm để đời cho cả Linda lẫn Steven có lẽ là bức siêu mẫu tạo dáng đầy ung dung, trên tay là một điếu thuốc lá cùng một mái tóc xoăn và đôi mắt mèo đen đặc trưng. 

Corinne Day – Thời niên thiếu của Kate Moss

Corinne Day là nhiếp ảnh gia đã chụp ảnh Kate Moss khi còn là một thiếu nữ. Những bức ảnh chân thật đó đã định hình nên thời trang thập niên 90 và đánh dấu sự khởi đầu của phong trào Cool Britannia ở Anh. Phong cách chụp ảnh mờ ảo và hình dáng cơ thể của Moss đã gây tranh cãi xung quanh khái niệm “sự nghiện ngập sang trọng”, một vẻ đẹp gắn liền với ma túy heroin. Moss sau đó thừa nhận rằng làm việc với Corinne Day là một trải nghiệm cực kỳ khó khăn vì cô thường đặt ra những điều kiện như “Nếu bạn không cởi áo, tôi sẽ không chọn bạn làm người mẫu cho tạp chí Elle”. Dù gây tổn thương cho Moss nhưng những bức ảnh tuyệt đẹp này đã giúp cô nổi tiếng và thay đổi sự nghiệp.

Annie Leibovitz – Bìa tạp chí Vogue tháng 5 năm 2023

Nếu chúng ta phải chọn một bức ảnh mang tính biểu tượng gần đây của nữ nhiếp ảnh gia Annie Leibovitz thì đó sẽ là trang bìa tạp chí Vogue US số tháng 5 năm 2023, vinh danh Karl Lagerfeld. Bức ảnh quy tụ sự đóng góp từ 10 nhà thiết kế cùng những tuyệt tác lấy cảm hứng từ nhà thiết kế thời trang quá cố huyền thoại. Pierpaolo Piccioli, John Galliano, Donatella Versace, Chitose Abe, Olivier Rousteing, Thom Browne, Christopher John Rogers, Jun Takahashi, Simone Rocha và các nhà thiết kế Gucci đã tham gia dự án.

Thực hiện Dory

Theo Glam observer và L’OFFICIEL IBIZA