Những “chứng nhân” Punk nổi loạn trong dòng lịch sử thời trang

Ngày đăng: 16/03/25

Nổi loạn, tự do và hòa bình – những khái niệm gắn liền với văn hóa Punk đã hóa thân vào dòng lịch sử thời trang như thế nào?

Dù thách thức chuẩn mực xã hội qua tư tưởng, âm nhạc hay thời trang, Punk luôn đối lập với chủ nghĩa tiêu dùng (consumerist) và sự tuân thủ (conformist cultures). Nửa sau những năm 1970, hai cái tên định hình thẩm mỹ Punk rõ nét nhất là Vivienne Westwood và Malcolm McLaren. McLaren lo âm nhạc, quản lý và quảng bá các ban nhạc như New York Dolls, Sex Pistols, còn Westwood mãi được nhớ đến như người sáng tạo phong cách Punk.

Trong cuốn hồi ký mang tên mình năm 2014, Westwood đã viết: “Không phải thời trang… Đối với tôi, đó là về câu chuyện. Đó là về ý tưởng”. Suốt năm thập kỷ sự nghiệp, bà không ngừng theo đuổi những ý tưởng lớn – vô chính phủ, đối đầu, thách thức xu hướng chính thống một cách táo bạo.

Bằng cách tái hiện họa tiết từ lịch sử, hoàng gia, nhạc rock và tôn giáo, Westwood thổi luồng sinh khí mới vào văn hóa, mang sự nổi loạn và bất ngờ đến thời trang Anh. Văn hóa này, như một chai thủy tinh vỡ tung trước những quy ước, giống nhạc Punk – thô ráp, đôi khi thù địch và bạo lực.

Vivienne Westwood Bridal 2024.

Từ khi Westwood qua đời cuối năm 2022, di sản Punk càng hiện rõ. Phong trào này vẫn mang dấu ấn từ thời hoàng kim những năm 70, với kim băng, đồ họa gây sốc, lông mày cạo nhẵn và hơn thế nữa.

Vivienne Westwood và Malcolm McLaren: “Two Cowboys” T-shirt (1975)

McLaren từng nói về thiết kế của ông và Westwood vào đầu những năm 1970: “Chúng tôi tạo ra những hình ảnh mang tính khiêu khích. Nếu không liên quan đến tình dục, thì sẽ là chính trị…” Lịch sự chưa bao giờ là yếu tố trong những bộ đồ bó sát, áo len dây hay đồ họa táo bạo được bày bán tại cửa hàng King’s Road của họ. Những thiết kế ấy không mang tuyên ngôn đảng phái mà là tuyên bố vô chính phủ, chống lại quyền lực và sự cai trị độc đoán. Bên cạnh giá trị gây sốc, những biểu tượng họ sử dụng còn được khai thác để làm suy yếu chính ý nghĩa của chúng. Và họ không ngần ngại đối đầu trực diện với chính quyền. Chiếc áo phông “Two Cowboys” trở thành tâm điểm khi một khách hàng bị bắt tại Piccadilly vì mặc nó, bị buộc tội theo Đạo luật Vagrancy năm 1824 của Anh vì “phô bày hình ảnh tục tĩu nơi công cộng.”

Cú vấp ngã của Naomi Campbell trong show diễn Vivienne Westwood Thu Đông 1993  

Khi Naomi Campbell té ngã tại Vivienne Westwood, hàng ghế đầu trong ngành há hốc mồm, các nhiếp ảnh gia chụp ảnh giận dữ. Siêu mẫu bị một đôi giày giả da cá sấu 9 inch làm ngã, nhưng cô sẽ không vì thế mà thất bại: “Hãy đứng dậy và đi tiếp” – Naomi tự nhủ.

Thảm họa đã kết thúc như một khoảnh khắc thực sự và tiếp tục định hình sự nghiệp của cả Campbell và Westwood. “Khi bạn ngã thực sự rất đẹp, nó giống như một con linh dương vậy” Westwood nói trong cuộc trò chuyện năm 2019 với Campbell trên tạp chí Vogue Anh. Campbell kể lại rằng cô đã ngạc nhiên như thế nào khi cú ngã đã mang đến những cơ hội mới, bao gồm cả việc các nhà thiết kế hỏi liệu cô có thể thực hiện lại cú “té ngã” lần nữa trên sàn diễn cho họ không (tất nhiên nàng “báo đen” từ chối). Họ ghen tị với “báo chí mà bạn có được” cô nói với Westwood.

Gianni Versace, váy Safety Pin (1994)

“Biểu tượng tiêu biểu nhất của phong trào Punk có thể là ghim cài.” Câu trích dẫn (được cho là của Johnny Rotten – người đứng đầu đầy lôi cuốn của Sex Pistols ) đã đề cập đến tinh thần DIY của thời trang Punk. Quần áo được tháo rời để những vết rách và lỗ trống được ghim lại với nhau một cách rõ ràng. Những món đồ được ghim, tháo gỡ cũng là biểu hiện về sự nghèo đói, buộc nó phải được thừa nhận và đối diện trực tiếp. Chiếc váy Safety Pin nổi tiếng của Gianni Versace chắc hẳn chứa đựng nhiều điều mỉa mai hơn. Elizabeth Hurley đã mặc nó đến buổi ra mắt bộ phim Four Weddings and a Funeral ở London, chiếc váy đã gây chú ý vào năm 1994 với những chiếc ghim váy nạm pha lê vàng uy nghiêm giúp giữ chặt bộ trang phục cao cấp thanh lịch. Gần đây, nàng thơ Anne Hathaway cũng đã diện chiếc đầm bouclé hồng cùng với safety pin nạm ngọc trai của Versace tại Met Gala 2023.

Dior của John Galliano: váy túi rác (2006)

“Cụ ông” John Galliano đã đưa ra những ám chỉ rõ ràng về phong cách Punk trong suốt thời gian làm việc tại Dior, liên tục diễn giải lại và tái hiện bối cảnh hóa những biểu tượng khó có thể xảy ra của phong trào. Chiếc váy túi đựng rác do Kirsten Dunst mặc và được Annie Leibovitz chụp ảnh trên tạp chí Vogue số tháng 9/2006 cũng không phải là ngoại lệ. Là một sản phẩm thời trang cao cấp dựa trên phong cách DIY, nó gợi nhớ đến những chiếc túi rác màu đen mà nhóm người nghèo tại Anh đã mặc sau những biến động xã hội, bạo loạn và bãi công đặc trưng cho “Mùa đông bất mãn” (Winter of Discontent) năm 1978–79.

Xu hướng sử dụng túi đựng rác kể từ đó đã được nhiều nhà thiết kế lặp lại, từ Gareth Pugh đến Moschino và Maison Margiela, trong văn hóa đại chúng, nhà thiết kế của Zoolander-Mugatu nói: “Đó là một thời trang, một lối sống lấy cảm hứng từ những người vô gia cư, những kẻ lang thang, những gái điếm đã khiến thành phố tuyệt vời này trở nên độc đáo”.

Alexander McQueen và chiếc váy God save the Queen (2008)

Ít khẩu hiệu nào gợi đến phong cách Punk hơn “God Save the Queen”. Một ví dụ về cách các biểu tượng quốc gia được sử dụng làm tuyên bố lật đổ, biểu tượng này đã được quảng bá bởi thương hiệu của Westwood cho đĩa đơn cùng tên của Sex Pistols. Được tạo ra nhân dịp Năm Thánh Bạc của Nữ hoàng Elizabeth II, thiết kế của Westwood đã xúc phạm hình ảnh của Nữ hoàng, một số phác họa bà với những chiếc khuyên cực chất, một số có hình chữ thập ngoặc thay vì mắt. Alexander sau đó đã tham khảo và thêm thắt những dải lụa thêu cùng trang sức vào chiếc váy khiến nó trở nên tinh tế và tôn kính hơn. Vào thời điểm chiếc váy này được thiết kế vào năm 2008, Dame Westwood đã thay đổi thái độ của mình đối với chế độ quân chủ Anh và các quy tắc của nó. Năm 1992, bà nhận được OBE từ Nữ hoàng và năm 2006 được phong tước phu nhân. Mặc dù vậy, tinh thần nổi loạn sẽ không bao giờ mất đi hoàn toàn: Sau khi nhận OBE từ Cung điện Buckingham, Westwood đã xoay chiếc váy trước các tay săn ảnh, nói rõ với họ rằng mình không mặc đồ lót.  

Năm bán hàng kỷ lục của Dr Martens (2022)

Thời trang Punk chuyển sang phổ biến vào đầu những năm 2010, kết hợp với thời trang trượt băng bao gồm band hoodie, thắt lưng đinh tán (hình kim tự tháp), tóc nhọn và quần jean bó. Với phong cách indie rock và emo, sự nổi loạn đã được sản sinh một cách triệt để và các yếu tố “chống tiêu dùng” ban đầu của Punk sẽ không “hoạt động” trong một thời gian. Tuy nhiên, dấu hiệu hồi sinh của nó đã xuất hiện vào đầu những năm 2020, khi doanh số bán giày của Dr Martens tăng lên hàng năm. Ban đầu bốt của thương hiệu này được thiết kế dành cho cảnh sát và nhân viên bưu điện, sau đó lại được sử dụng rộng rãi bởi các tín đồ Punk vào những năm 70. Thiết kế đơn giản, tiện dụng với sự thể hiện “đầy tự hào” đối với tầng lớp lao động đã giúp cho nhà mốt bán được nhiều đôi bốt hơn vào năm 2022 so với lịch sử 62 năm trước đó của Dr Martens.

Một chàng trai mặc trang phục kiểu Punk điển hình: áo khoác da, quần jean rách, bốt Dr Martens, 1985.

Doja Cat cạo tóc và cạo lông mày trực tiếp trên Instagram năm 2022

Di sản của Westwood và Punk không chỉ rõ ràng về mặt thời trang mà còn về vẻ đẹp, nơi mà các xu hướng gần đây đang chuyển sang subversive. Các thương hiệu xa xỉ như Isamaya đã xuất hiện, thách thức những tiêu chuẩn sắc đẹp bằng các chiến dịch có hình ảnh ấn tượng, sử dụng phông nền công nghiệp mờ ảo và đeo khuyên trên mặt để bán son môi cao cấp.

Năm 2022, các lượt tìm kiếm trên TikTok liên quan đến việc cạo lông mày đã có gần 100 triệu lượt xem, thậm chí Doja Cat cũng đã cạo lông mày của mình trực tiếp trên Instagram.   

Demna và Balenciaga Gift Shop (2022)

Khi Balenciaga phát hành hai chiến dịch quảng cáo cho kỳ nghỉ lễ 2022 và Xuân Hè 2023, giới truyền thông đã nhanh chóng phản ứng dữ dội. Các nhà phê bình báo chí và mạng xã hội đã lên án việc thương hiệu đặt các món đồ mang tính trói buộc như đinh tán và dây nịt bên cạnh những người mẫu trẻ em cầm ba lô được thiết kế trông giống như gấu bông. Chỉ trong vài ngày, điều mà Internet gọi là “vụ bê bối gấu bông BDSM” đã khiến hãng thời trang này phải rút cả hai chiến dịch và khởi kiện 25 triệu USD (sau đó đã hủy bỏ). “Chúng tôi lên án mạnh mẽ việc lạm dụng trẻ em” Balenciaga phát biểu, trong khi giám đốc nghệ thuật Demna giải thích với Vogue rằng “những chiếc túi hình gấu bông sang trọng đề cập đến văn hóa Punk và DIY”.

Harry Styles của David Hockney (2023)

“Hãy nói về twinset và ngọc trai dành cho nam giới, nó có được ưa chuộng không?” một người phỏng vấn đã hỏi Westwood khi bà ra mắt bộ sưu tập Thu Đông 1988–89 của mình. Bất chấp giọng điệu của người phỏng vấn và tiếng cười chế giễu của khán giả, NTK vẫn giữ thái độ điềm tĩnh và trả lời thẳng thừng: “Bạn có thể thấy giám đốc ngân hàng của mình mặc bộ đồ đó sau 5 năm nữa”. Thật “tiên tri” biết bao! Giờ đây, một trong những ngôi sao điển trai nhất của văn hóa đại chúng – Harry Styles đã biến chiếc vòng cổ ngọc trai thành nét đặc trưng cho diện mạo của mình. Gần đây, cam kết của anh đối với phong cách thời trang này thậm chí còn được “bất tử hóa” vì trong bức chân dung của David Hockney, Harry đeo một chuỗi ngọc trai sáng.  

Marc Jacobs: BST “Heroes” (2023) 

Được trình diễn tại Tuần lễ thời trang New York chỉ vài tháng sau khi Westwood qua đời vào cuối năm 2022, bộ sưu tập Xuân Hè 2023 “Heroes” của Marc Jacobs đã thể hiện rõ ràng toàn bộ lòng tôn kính của ông bằng những bộ tóc giả cắt ngắn, chiếc khóa kéo tiện dụng, giày cao chót vót, áo khoác lộn ngược, áo cài cúc và corsetry được thiết kế riêng. Debbie Harry của Blondie ngồi ở hàng ghế đầu khi “Westwoodisms” của Jacobs bước trên sàn diễn. BST này dành cho “Tất cả các anh hùng của chúng ta trong quá khứ và những anh hùng trẻ tuổi hiện tại.” Bên cạnh sự cống hiến của Jacobs, còn có một câu nói đáng ghi nhớ của Westwood: “Thời trang giúp nâng cao cuộc sống và tôi nghĩ đó là một điều đáng yêu, hào phóng để làm cho người khác”.

Chuyển ngữ theo Highsnobiety

Thực hiện Elio