Những mối thù đằng sau tấm màn hào nhoáng của địa hạt thời trang
Ngày đăng: 30/04/24
Từ những màn cạnh tranh nhỏ nhặt cho đến những vụ kiện lộn xộn, đây là những mối thù thời trang tiêu biểu mà các tín đồ cần lưu tâm.
Như một hậu cung thu nhỏ, đằng sau sự phồn vinh, thịnh vượng của vương triều thời trang đều là một bóng tối ẩn chứa những bí mật ít ai được biết đến, loạt màn tranh đấu lẫn các mối nguy luôn bị giấu kín. Trong nơi luôn xem trọng tôn vinh bản sắc cá nhân, đằng sau sự hào nhoáng, vẻ đẹp hoàn hảo khiến ai cũng khao khát sở hữu của thế giới thời trang, không thể tránh khỏi những màn chạm trán nảy lửa để chiếm lĩnh được những vị trí đáng mong muốn. Để được hưởng lợi cá nhân, những người trong địa hạt bóng nhoáng ấy cũng chẳng chần chừ “giẫm đạp” lên nhau, bày mưu tính kế với nhau.
Trong quyển biên niên sử thời trang, bên cạnh những cột mốc vàng son về các show diễn huyền thoại, các sự kiện tiêu biểu, hay loạt thiết kế mang tính đột phá, nó còn ghi lại các màn đối đầu gay gắt đã định hình nên ngành công nghiệp như một động lực dành cho thế hệ tiếp nối sau này. Từ cuộc đụng độ công khai giữa hai người phụ nữ huyền thoại của thế giới thời trang Coco Chanel và Elsa Schiaparelli cho đến cuộc đối đầu ầm ĩ trên truyền thông giữa Giorgio Armani và Versace, dưới đây là những cuộc xung đột khó quên nhất.
Coco Chanel và Elsa Schiaparelli
Để được công nhận như một trong những nữ nhà thiết kế huyền thoại của thế giới, chặng đường theo đuổi thời trang của Coco Chanel không được trải “thảm hoa hồng”. Bà đã phải trải qua không ít khó khăn, vượt qua những màn đấu đá để vươn lên vị trí cao nhất. Coco Chanel cũng đã phải tham gia vào những cuộc đối đầu giữa loạt nhà thiết kế vĩ đại khác, đối thủ mạnh nhất của cô có lẽ chính là Elsa Schiaparelli. Vào những năm 1930, họ là hai trong số những tên tuổi nổi bật nhất địa hạt thời trang. Các thiết kế của Coco Chanel và Elsa Schiaperelli trong những năm 1930 đối nghịch nhau như lửa và nước. Nếu Coco chọn kiểu dáng thanh nhã và trung tính, trong khi Elsa lại theo đuổi phong trào nghệ thuật siêu thực. Sự khác biệt đã quá rõ rệt, dường như đây cũng có thể là nguyên cơ sâu xa của cuộc đối đầu giữa họ. Chanel từng công khai từa chối thừa nhận tầm ảnh hưởng không thể phủ nhận của Schiaparelli; bà ấy thậm chí còn gọi Elsa là “nghệ sĩ người Ý may quần áo”, cố tình đụng chạm với khởi đầu của Elsa (không được đào tạo may vá bài bản). Ngược lại, Schiaparelli còn gọi Chanel là “thợ làm mũ”, ám chỉ sự khởi đầu khiêm tốn của nhà thiết kế với tư cách là một thợ may vào năm 1910.
Không chỉ lời qua tiếng lại, màn đối đầu giữa họ trở nên gay gắt hơn khi Coco đốt cháy chiếc váy của Elsa. Tại một trong những vũ hội hóa trang cuối cùng ở châu Âu trước khi Thế chiến thứ 2 bùng nổ, Coco không biết vô tình hay cố ý đã làm chiếc váy của Schiaparelli bốc cháy. Sau khi mời Elsa khiêu vũ với mình, nhà thiết kế Pháp đã dẫn đối thủ của mình đến một chiếc đèn chùm thắp nến. May thay Elsa không bị thiệt hại về thể chất, nhưng sự kiện đó đã rạch rõ ranh giới không đội trời chung giữa hai nữ nhà thiết kế.
Coco Chanel và Christian Dior
Mối thù giữa Coco Chanel và Christian Dior, hai biểu tượng thời trang Pháp luôn là một cột mốc vàng son trong lịch sử làng mốt, truyền cảm hứng cho ngành điện ảnh, được khắc họa lại trong nhiều bộ phim, gần đây nhất là series phim “The New Look”. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mối thù giữa hai nhà thiết kế huyền thoại này là sự bất đồng trong tư duy sáng tạo và thiết kế. Coco Chanel nổi tiếng là người phụ nữ cống hiến hết mình cho sự tối giản và thanh lịch, điều này lại hoàn toàn trái ngược với phong cách xa hoa, lộng lẫy của Christian Dior.
Vào tháng 2 năm 1947 tại 30 Avenue Montaigne ở Paris, Christian Dior ra mắt bộ sưu tập đầu tiên của mình, nổi bật với kiểu dáng thắt đáy lưng ong, eo thon, hông độn và lớp váy vải tuyn bồng bềnh, vải taffeta và lụa organza vô cùng sang trọng. Vào thời điểm đó, Carmel Snow, cựu tổng biên tập ấn bản Harper’s Bazaar của Mỹ, nhận xét: “Đó thực sự là một cuộc cách mạng”, đồng thời gọi hình ảnh mang tính cách mạng này là “diện mạo mới”. Dior bùng nổ trong làng thời trang và biến đổi tủ quần áo của người phụ nữ đương đại gần như chỉ sau một đêm, dẫn đến sự bác bỏ tính thực dụng trong may đo phụ nữ của những năm chiến tranh. Coco Chanel lúc bấy giờ, người hơn Dior 22 tuổi đã mạnh mẽ tuyên bố: “Họ đang mặc quần áo của một người đàn ông không am hiểu phụ nữ, chưa từng có phụ nữ và mơ ước trở thành một phụ nữ.” Từ đó, một mối bất hòa kéo dài hai thập kỷ giữa hai trong số những nhà mốt vĩ đại trên toàn cầu bắt đầu.
Với mục tiêu giải phóng phụ nữ bằng cách nhấn mạnh đến chức năng và tính linh hoạt, Chanel đã phá vỡ phong cách thời trang cao cấp điển hình bằng cách nhấn mạnh vào tiện năng của trang phục thể thao và trang phục nam giới, bao gồm cả đồng phục công vụ và quân đội. Váy của cô không có cạp quần, áo khoác vải tuýt trứ danh của cô có từ hai đến bốn túi bên ngoài, và cổ tay áo được bện kèm theo những chiếc cúc kiểu quân đội. Quần áo của cô thực dụng, dễ thích nghi, nam tính và được thiết kế phù hợp với phong cách sống thực tế nhằm thúc đẩy sự tự lập cho phụ nữ. Ở mặt khác, trong hậu Thế chiến thứ hai, Dior đã đáp ứng được niềm khao khát dồn nén về sự sang trọng trong thời trang cao cấp với hàng loạt kiểu dáng quyến rũ tinh xảo gồm những chiếc váy vải tuyn cuồn cuộn, những chiếc váy lụa dài và những chiếc vòng eo nhỏ xíu lấy cảm hứng từ tình yêu thời kỳ Belle Epoque của Dior. Một số phong cách, chẳng hạn như chiếc váy Junon nổi tiếng, gợi nhớ đến lông của một con công, được đính cườm và thêu óng ánh. Những chiếc khác, chẳng hạn như chiếc váy cực kỳ nữ tính của Eugénie, được cấu tạo từ nhiều lớp vải tuyn dài vô tận mô phỏng hiệu ứng nở rộ của một bông hoa. Những thiết kế của Dior không đánh vào sự thoải mái nhất để mặc, một số bộ váy dạ hội của ông nặng tới 60 pound, thay vào đó ông khát khao mang đến sự kỳ ảo cho thế giới thời trang đương đại.
Chanel không ít lần thẳng thắn bày tỏ sự không đồng ý. Cô cáo buộc Dior đã lôi kéo phụ nữ trở lại với những lý tưởng về nữ tính của thế kỷ 19 – đề cao quan niệm rằng phụ nữ chỉ là đối tượng để đàn ông ngưỡng mộ. “Dior không mặc quần áo cho phụ nữ,” cô còn không ngại ví von rằng một người phụ nữ ngồi trong bộ váy Dior trông giống như “một chiếc ghế bành cũ”. Trong khi đó, Dior lịch sự kiềm chế không công khai bày tỏ suy nghĩ của mình về Chanel. Trong hồi ký của mình, ông đã hào phóng viết rằng “tính cách cũng như gu thẩm mỹ của Chanel đặc biệt, uy quyền và thanh lịch”.
Coco Chanel và Cristóbal Balenciaga
Trước khi mối thâm thù xảy ra, Coco Chanel và Cristóbal Balenciaga trước tiên là hai người bạn thân thiết. Cho đến khi Coco chỉ trích các thiết kế của Cristóbal trong một cuộc phỏng vấn với tờ Women’s Wear Daily, cô hoài nghi về Cristóbal trong việc tạo ra quần áo cho phụ nữ nhưng lại không am hiểu gì về cơ thể phụ nữ. Mặc dù cả hai đều là những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng thế giới trong cùng thời đại haute couture nhưng họ có những triết lý thiết kế và thẩm mỹ đối lập nhau. Coco Chanel được biết đến với những thiết kế thanh lịch đơn giản và phần lớn được ghi nhận vì đã phổ biến chiếc váy đen nhỏ, trong khi Balenciaga được biết đến với những sáng tạo điêu khắc mang tính tiên phong và được công nhận rộng rãi vì đã thay đổi cách nhìn của phụ nữ về kiểu dáng. Có lẽ đây chính là lý do khiến Chanel không thích các thiết kế của Balenciaga.
Sau những lời chỉ trích mạnh mẽ như vậy của Chanel, không có gì ngạc nhiên khi ông cảm thấy bị xúc phạm và bị nghiền nát bởi sự phản bội từ một người bạn như bà. Balenciaga là người rất sống nội tâm, ông chưa bao giờ cởi mở với các cuộc phỏng vấn và chỉ trả lời hai cuộc phỏng vấn trong đời sau khi giải nghệ. Vì thế, cũng không có bất kỳ thông tin nào về sự đáp trả của Balenciaga sau những chỉ trích của nhà thiết kế Pháp. Mặc dù Coco Chanel có thể không thích các thiết kế của ông nhưng bà vẫn ngưỡng mộ kỹ năng kỹ thuật và độ chính xác trong việc cắt và xếp vải của ông.
Giorgio Armani và Versace
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 với Tạp chí Sunday Times, Giorgio Armani cáo buộc rằng Gianni Versace quá cố đã từng đưa ra nhận xét sai lầm về phụ nữ, khách hàng của rằng: “Tôi ăn mặc cho gái điếm. Bạn ăn mặc cho các quý cô trong nhà thờ.” Donatella ngay lập tức đáp trả: “Tôi thấy việc ông Armani nhét chữ vào miệng anh trai tôi là vô cùng thô lỗ và vô vị, khi anh trai tôi nói về thời trang, từ duy nhất thốt ra từ miệng ông ấy là quyến rũ”. Donatella cũng nói rằng đây là lần thứ hai nhắc lại điều này và ở lần đầu tiên là ngay sau khi anh qua đời, lúc này Giorgio Armani đã xin lỗi.
Giorgio Armani và Dolce & Gabbana
Cũng giống như Coco Chanel, Giorgio Armani không ngại chỉ trích những đồng nghiệp của mình trong ngành thời trang, và trong số những người đó có cặp nhà thiết kế xa xỉ người Ý là Domenico Dolce và Stefano Gabbana. Mối thù của họ bắt đầu từ năm 2009 khi Armani cáo buộc Dolce & Gabbana “sao chép” một kiểu quần từ bộ sưu tập Armani gần nhất. Sau đó, Dolce & Gabbana đã nói rằng họ không thể đạo nhái đồ của Armani, “chắc chắn chúng tôi vẫn còn nhiều điều phải học hỏi, nhưng chắc chắn không phải từ anh ấy.”
Dolce sinh ra ở Sicilia và đối tác của anh ấy cho biết họ rất tiếc khi biết về cuộc tranh cãi. “Về mặt phong cách, phong cách Armani không phải và chưa bao giờ là nguồn cảm hứng cho chúng tôi và chúng tôi đã không thèm xem các buổi trình diễn thời trang của anh ấy từ nhiều năm trước.” Hai nhà thiết kế, được mệnh danh là Gilbert và George của thời trang, cho biết họ đã kiếm bộn tiền nhờ tạo ra một phong cách của riêng mình “gắn bó chặt chẽ với Sicily và các truyền thống của nó” nhưng vẫn được “công nhận trên toàn cầu”.
Yves Saint Laurent và Tom Ford
Trước khi lừng lẫy cùng thương hiệu mang tên riêng của mình được thành lập vào năm 2005, ít ai biết được Tom Ford cũng từng là giám đốc sáng tạo của Yves Saint Laurent xuyên suốt 5 năm. Khi mua lại YSL, Gucci ấp ủ tham vọng có thể một lần nữa tạo ra một bình minh mới rực rỡ và huy hoàng. Tuy nhiên, điều này khó có thể thực thi bởi lẽ nhà mốt Yves Saint Laurent vẫn là một phần của nhà mốt Pháp. Khi mới làm việc cùng nhau, Ford chịu trách nhiệm thiết kế trang phục may sẵn của YSL và còn bản thân Yves Saint Laurent giữ quyền kiểm soát đối với haute couture, cả hai đã có một mối quan hệ thân thiết từ ban đầu.
Ford từng chia sẻ: “Lúc đầu chúng tôi khá thân thiện với nhau. Anh ấy vui lòng với việc chúng tôi mua lại công ty và cũng đồng thuận với việc tôi chịu trách nhiệm thiết kế. Anh ấy khen ngợi hết lời các thành phẩm của tôi tại Gucci. Chúng tôi đã ăn tối một vài lần. Tôi thậm chí còn giới thiệu với anh ấy bộ sưu tập đầu tiên của tôi.” Mối quan hệ giữa họ dần rạn nứt khi Ford bắt đầu đi chệch khỏi quỹ đạo thiết kế trứ danh của YSL. Trong khi YSL muốn xây dựng hình ảnh phụ nữ Pháp mặc suit kín đáo, quyền lực, ở phía bên kia bầu trời Ford lại mê hoặc phụ nữ bằng loạt bộ trang phụ gợi cảm, khoe da thịt không ngượng ngùng. Thậm chí, Yves Saint Laurent còn từng mỉa mai Ford là “gã nhà nghèo học đòi”.
Nhiều năm sau khi Tom Ford rời YSL để thành lập thương hiệu riêng, ông tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với CNBC rằng thời gian của ông với YSL thực sự không mấy vui vẻ và chẳng dễ chịu: “Tôi nhận được thư từ Yves Saint Laurent… Tôi nhớ một dòng trong đó: ‘trong mười ba phút, bạn đã phá hủy 40 năm làm việc của tôi.’
Yves Saint Laurent và Christian Louboutin
Mối thù giữa YSL và Christian Louboutin không xuất phát từ bất đồng của các nhà thiết kế mà là phạm vi rộng lớn, giữa thương hiệu với nhau. Vào năm 2011, Louboutin đã kiện YSL vì vi phạm bản quyền sau khi nhà mốt thời trang đến từ Pháp tung ra bộ sưu tập giày đơn sắc, trong đó có một chiếc màu đỏ. Christian Louboutin vốn quá nổi tiếng với kiểu giày cao gót có phần đến nhuộm đỏ trứ danh. Tuy nhiên, sau 10 mấy thánh kiện tụng, YSL đã thắng kiện sau khi tòa án ra phán quyết rằng mặc dù đế đỏ là di sản thiết kế không thể phủ nhận của Louboutin, nhưng bản thân nó không thể tranh chấp về màu sắc, đặc biệt hơn là khi toàn bộ đôi giày YSL tung ra thị trường đều có màu đỏ chứ không riêng gì đế giày.
Yves Saint Laurent và Karl Lagerfeld
Sự cạnh tranh của Karl Lagerfeld và Yves Saint Laurent có lẽ là một trong những mối thù lâu đời nhất trong lịch sử thời trang. Mặc dù liên tục tranh cãi với nhau trong nhiều thập kỷ, nhưng bi kịch giữa tình bạn của họ thực sự đã bắt đầu từ năm 1953 khi cả hai cùng tranh cử Giải thưởng Woolmark. Chiến thắng mà YSL giành lấy được đánh dấu sự khởi đầu cho cuộc cạnh tranh khốc liệt của họ. Trong khi Yves Saint Laurent bắt đầu ghi dấu ấn trong làng thời trang Pháp nhanh chóng, thậm chí còn làm việc cùng với Christian Dior khi anh mới 21 tuổi. Thành công đến với Karl Lagerfeld chậm hơn, ông làm việc ở hậu trường, ban đầu làm việc với Fendi và sau đó bắt đầu nhiệm kỳ lâu dài với Chloé.
Không những cạnh tranh trong công việc, sự rạn nứt giữa cả hai còn do cùng phải lòng một vị công tử tên Jacques de Bascher, tình bạn của hai người kết thúc. Vào đầu những năm 70s, Lagerfeld gặp Jacques de Bascher, người nhanh chóng trở thành tình yêu của đời ông, mặc dù Lagerfeld không có tính chiếm hữu đặc biệt. De Bascher có một mối tình ngắn ngủi với Saint Laurent, một câu chuyện không được công chúng biết đến cho đến khi cuốn sách The Beautiful Fall năm 2006 của Alicia Drake phát hành.
Tyra Banks và Naomi Campbell
Naomi Campbell và Tyra Banks là một trong những siêu mẫu mang tính biểu tượng nhất của thập niên 90 và cả hai đều được công nhận là những người tiên phong đã mở đường cho sự đại diện của người mẫu da màu trong thế giới thời trang xa hoa. Tuy nhiên, trong thế giới người mẫu, chuyện ma cũ ăn hiếp ma mới là điều không tránh khỏi, và ngai vàng chỉ có chỗ cho một, mối thù hận giữa hai bắt đầu nảy lửa khi họ thường xuyên bị so sánh với nhau. Theo Banks, Campbell đã không chào đón cô ấy vào ngành, thậm chí còn chỉ điểm trực tiếp rằng “Bạn sẽ không bao giờ là tôi” khi hai người đi ngang qua nhau trong một buổi biểu diễn. Trong một lần khác, Campbell được cho là không hài lòng với sự hiện diện của Banks trong một buổi chụp ảnh, đến mức Banks được yêu cầu phải rời đi.
Nhiều năm sau, Banks chất vấn Campbell về những cáo buộc này trên The Tyra Banks Show năm 2005. Vì vậy, có một khoảng thời gian hiểu lầm của cả hai được giải quyết phần nào, thậm chí còn được chụp ảnh cùng nhau tại một số sự kiện. Tuy nhiên, vào năm 2020, Campbell đã chia sẻ một bài báo do The Things xuất bản với tựa đề “Đây là lý do tại sao người hâm mộ bắt đầu nghĩ Tyra Banks là cô gái xấu tính thực sự, không phải Naomi Campbell.” Thế nên, kể từ đó màn đối đầu cũng bắt đầu được “nhóm lửa”.
Thom Browne và Adidas
Adidas vốn nổi tiếng đến với logo ba sọc trứ danh, xuất hiện dày đặc trong hầu hết các thiết kế kể từ những năm 1950. Tuy nhiên, Thom Browne, một thương hiệu thời trang xa xỉ, cũng nổi tiếng với họa tiết sọc khác nhau, dấu ấn từ Grosgrain. Khi Adidas trực tiếp liên hệ với Thom Browne để giải quyết những lo ngại về những điểm tương đồng, hai thương hiệu đã không tìm được điểm chung. Vì vậy, Adidas đã kiện Thom Browne, cáo buộc rằng Thom Browne đã vi phạm bản quyền, sao chép logo thương hiệu đặc trưng của mình. Cuối cùng, Thom Browne đã thắng kiện vì người bào chữa hợp pháp của họ lập luận rằng “Adidas không sở hữu chi tiết kẻ sọc đó”, theo The Guardian.
Thực hiện Dory
Theo L’Officiel USA