Những “Vintageholic-ers” đã biết được bí quyết phân biệt giữa hàng thật và hàng giả?

Ngày đăng: 15/11/23

Không phải đồ cũ nào cũng được xem là hàng vintage, nếu nàng là một “con nghiện” mua sắm đồ vintage, bạn chắc chắn phải “nằm lòng” những bí quyết phân biệt thật và giả để tránh bị mua lầm. 

“Làn sóng” Y2K đã khiến cuộc “đi săn” đồ vintage trở nên sôi động và nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nếu ngày trước việc đi mua đồ cũ không phải là một thú vui dành cho tất cả mọi người vì các lo ngại về vấn đề vệ sinh cá nhân, thì vào kỷ nguyên thời trang mới khi các xu hướng năm xưa được hồi sinh, công cuộc săn hàng vintage trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, nhờ vào cuộc lăng xe nhiệt tình của các “It” girl đình đám như Bella Hadid, hay chị em nhà Jenner, những thiết kế vốn được xem là “lỗi thời” đã trở nên mới mẻ và thời thượng ngay tức khắc. Chắc hẳn làng mốt chưa quên được khoảnh khắc nàng mẫu Kendall Jenner bước xuống phố với hàng loạt chiếc váy của Jean Paul Gaultier từ những cửa hàng vintage uy tín, hay lúc cô em Kylie Jenner bước lên thảm đỏ với những thiết kế được lấy ra từ kho lưu trữ của các nhà mốt đình đám. Ngoài ra, khi các vấn đề về môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng và trở thành những ưu tiên hàng đầu được ngành công nghiệp thời trang chú ý hết mực, việc mua đồ vintage hay secondhand cũng là một trong những biện pháp hiệu quả. 

Thoạt đầu tưởng chừng là chuyện “dễ như ăn bánh”, nhưng việc mua lại đồ cũ và sưu tầm đồ vintage cũng khiến các tín đồ thời trang “đau đầu” vì chuyện phân biệt hàng thật hay hàng giả chẳng hạn. Không phải bất cứ món đồ nào được bày bán trong cửa hàng đồ cũ cũng được xem là những thiết kế vintage có giá trị cao. Tất nhiên, một đôi mắt không thể đủ tinh vi để kiểm tra được độ thật hay giả của các vintage items, thay vào đó là phải kết hợp với những kiến thức được tích lũy từ nhiều nguồn. Nếu các tín đồ thời trang không muốn “tiền mất tật mang”, đổ tiền vô ích vào những món hàng giả, giá cao ngất ngưỡng được gắn mác “vintage”, sau đây các gạch đầu dòng mà bạn phải ghi nhớ khi bước vào cửa hàng đồ cũ hoặc đang đắn đo lựa chọn trên một cửa hàng online nào đó. 

Kiểm tra các thông tin trên tag

Một trong những bước đầu tiên và dễ nhất trước khi quyết định “xuống tiền” vì một món đồ cũ nào đó là nhìn, kiểm tra chiếc tag của nó. Không chỉ nhãn có tên thương hiệu, trên tag còn đem đến cho khách hàng nhiều thông tin về kích cỡ, nhà thiết kế, địa điểm và thời gian sản xuất. Những manh mối quan trọng đấy cũng có thể giúp bạn kiểm tra được tính xác thực cũng như giá trị thực sự của món đồ cũ. Đối với những chiếc tag có dòng chữ “one size fits all”, thì hãy cẩn thận vì đây là chú thích vốn phổ biến trong những năm 1980 và ngày nay, nhưng không phải ở những thời đại trước đó.

Chú ý đến phông chữ trên tag

Phông chữ hay kiểu chữ dù là một chi tiết nhỏ, không đáng để chú ý nhưng đây còn là thứ giúp các tín đồ thời trang xác thực được nguồn gốc và giá trị của món đồ vintage mà bạn “để mắt”. Trước tiên, bạn nên kiểm tra xem tên thương hiệu có viết đúng chính tả hay không. Chưa kể nhiều thương hiệu quần áo từng thay đổi phông chữ trong những khoảng thời gian nhất định. Ví dụ như những chiếc tag của Celine trong những năm 1960 (khi được dẫn dắt bởi giám đốc sáng tạo Phoebe Philo) đã từng xuất hiện với cái tên Céline. Khi phát hiện được sự thay đổi của phông chữ trên tag, bạn cũng có thể tìm ra được thời gian sản xuất. Ví dụ, vào những năm 1940 và 1950, phông chữ Art Deco rất phổ biến, nhưng vài thập kỷ sau, các nhà sản xuất bắt đầu sử dụng phông chữ tròn và đậm.

“Made in China” – dòng chữ không đáng tin cậy

Thông thường đối với những món đồ vintage chính hãng và có giá trị cao (đặc biệt là của các nhà mốt đình đám), bạn sẽ bắt gặp được sự xuất hiện của “Paris”, “Milan” hoặc “London” – nguồn gốc xuất xứ của thương hiệu, thay vì nơi quần áo được sản xuất ra. Vì vậy, dù món đồ cũ đó đã đạt được những tiêu chí xác thực uy tín, nhưng nếu trên tag có dòng chữ “Made in China”, thì nhất định bạn phải suy nghĩ thật kỹ trước khi mua. 

Kiểm tra chất liệu

Quần áo vintage hàng thật thường được làm từ chất liệu cao cấp như lụa hoặc len và được may tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Hầu như hoặc luôn luôn, các loại chất liệu này đều có thành phần nguyên chất 100%. Ví dụ: nếu là len thì quần áo đó phải được làm từ 100% len và không pha với nhiều tạp chất khác. Vì thế, chúng không chỉ là những món đồ vượt thời gian với kiểu dáng không dễ lỗi thời, mà còn có thể tồn tại bền lâu với sự chất lượng từ chất liệu. Ngoài ra, phái đẹp cũng nên nhớ rằng các chất liệu tổng hợp như polyester không được sử dụng cho đến giữa thế kỷ 20.


Tầm quan trọng của đường may, mũi chỉ

Kỹ thuật và chất lượng của đường may cũng là một trong những chi tiết giúp các tín đồ thời trang có thể quyết định mua món đồ vintage đó một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn. Điều kiện này mang tính xác thực hơn đối với mặt hàng với túi xách. Vì đây là những sản phẩm đề cao tay nghề thủ công, thay vì sản xuất hàng loạt như quần áo, nên những đường khâu của chúng đều không giống nhau (so với các thương hiệu khác) và được đảm bảo được tính tỉ mỉ nhất. Ví dụ, hàng da của Hermès đặc trưng với đường khâu đôi và đường khâu chạy nổi trên toàn bộ mặt da.

Để mắt đến hàng nút kim loại và khóa kéo

Những chi tiết nhỏ như nút hoặc khóa kéo là một trong những điều kiện xác thực đáng tin cậy để biết được tuổi thọ của món đồ đó. Để có một sản phẩm chất lượng vừa bền vừa đảm bảo được sự an toàn cho người tiêu dùng, không chỉ có chất liệu mà các chi tiết nhỏ như đường khâu mũi chỉ, khuy bấm, nút, hay khóa kéo kim loại phải được chăm chút từng chút một. Những chi tiết nhỏ này cũng là các điều kiện để các buyer hoặc chủ tiệm cửa hàng đồ cũ quyết định giá cả bán ra hoặc để người mua biết được tuổi tác của món đồ. Khóa kéo bằng nhựa chỉ được sử dụng vào những năm 1960 (khóa kim loại được sử dụng trước thời kỳ hậu chiến). Những chiếc cúc ngày xưa cũng “nặng tay” và được chế tác kỳ công hơn so với các kiểu mới hiện nay.

Thực hiện Dory

Thực hiện nssgclub