5 thương hiệu thời trang của Pháp mà các “vintageholic-ers” nhất định phải biết đến

Ngày đăng: 26/03/24

Từ nhà mốt xa xỉ cho đến những thương hiệu khá “kín tiếng”, Plein Sud, Marithé + François Girbaud, XULY.Bët, Jean Paul Gaultier và Mugler là những “chiếc tag” được tìm kiếm và sưu tầm nhiều nhất trong địa hạt thời trang vintage. 

Bắt đầu từ màn tái sinh của Y2K, thị trường thời trang vintage được phát triển vô cùng mạnh mẽ. Tại thời đại thời trang mới, ở nhiều quốc gia, nhất là ở Pháp, quần áo cũ cũng như các món đồ vintage được săn lùng như thể các món “cổ vật” quý giá. Với sự gia tăng của các cửa hàng vintage offline lẫn online, thị trường thời trang đồ cũ đang bước vào một động lực mới và phải đối mặt với cả xu hướng thời đại mới. Nếu ở các thế hệ trước, họ mua đồ cũ vì mục đích muốn tiết kiệm, thì người tiêu dùng thời đại mới lại có cách tiếp cận khác với thời trang vintage. Ngoài vấn đề tài chính, người trẻ yêu thích mua quần áo cũ vì muốn môi trường ít bị ô nhiễm hơn. Họ là những người trả lời câu hỏi: “Tại sao phải mua đồ mới khi hàng trăm nghìn quần áo được sản xuất từ hàng chục, trăm năm trước đang tìm kiếm cuộc sống thứ hai?”. Bên cạnh đó, sẽ có một nhóm người mua đồ cũ, đúng hơn là người sưu tầm, bởi vì sự hiếm có của chúng. Đây là nơi chúng ta nói nhiều về “archived items – các món đồ lưu trữ” hơn là quần áo đã qua sử dụng.

Đối với phân khúc này, giá trị của những món đồ được xác định bằng số năm chúng được sản xuất lẫn tên tuổi của thương hiệu, nhà thiết kế. Trong khi những năm 1990 hoặc thời điểm chuyển sang năm 2000 hấp dẫn nhiều người thì những người khác sẽ bị thu hút hơn bởi những tên tuổi nhà thiết kế cụ thể. Đó có thể là những nhà thiết kế huyền thoại từ quá khứ đến tận nay, những thương hiệu vốn nổi tiếng trong quá khứ nhưng bị lãng quên ở thời điểm hiện tại, những người đã dừng sự nghiệp hoặc ngừng sản xuất bộ sưu tập của họ. Các nhà thiết kế Ý, Bỉ hay Nhật Bản được tìm kiếm nhiều hơn hết, trong khi đó các nhà thiết kế người Pháp cũng là tâm điểm chú ý của những “con nghiện” quần áo vintage.

Dưới đây là 5 thương hiệu thời trang của Pháp mà bất kỳ một “vintageholic-ers” nào không thể bỏ qua:

Plein Sud

Trong vài năm nay, các cửa hàng vintage và second-hand ngày càng trưng bày những sản phẩm may mặc mang thương hiệu Plein Sud, đặc trưng với những đường cắt nguyên bản và vẻ đẹp nữ tính đầy quyến rũ. Nhưng ai là người đứng sau cái tên được các tín đồ đam mê thời trang vintagr này là ai? Không ai khác chính là nhà thiết kế Fayçal Amor. Sinh ra ở Tangier, Maroc, Fayçal Amor được nuôi dưỡng bởi người mẹ là người Armenia gốc Nga và cha là người Maroc. Nhà thiết kế làm quen với nghệ thuật từ khi còn nhỏ thông qua hội họa mà mẹ anh đã truyền lại cho ông. Sau khi tạo ra một số bộ sưu tập ở Maroc và làm stylist cùng với Zyga Pianko, Jean-Charles de Castelbajac hoặc Agnès B, Fayçal Amor đã chính thức ra mắt thương hiệu mang tên Plein Sud ở Paris vào năm 1984 và mở cửa hàng đầu tiên vào năm 1988.

Lấy cảm hứng từ di sản được hòa trộn bởi nhiều văn hóa khác nhau, tại nút giao Phương Đông và Phương Tây, Plein Sud hướng đến việc soi sáng hình ảnh người phụ nữ gợi cảm, thanh lịch và hiện đại vượt thời đại. Pha trộn các sắc thái độc đáo, đường cắt táo bạo, vải chất lượng và kỹ thuật may đo khéo léo, Plein Sud và nhóm AMOR đã đạt gặt hái được “quả ngọt” trong những năm 1990 và mở rộng sự nghiệp của mình ra đấu trường quốc tế bằng cách sự ra mắt một số cửa hàng ở New York, Madrid, London và Düsseldorf. Tuy nhiên, vào khoảng những năm 2010, thương hiệu này mất đà và vị thế của Fayçal Amor hay Plein Sud ngày càng bị lãng quên trên bản đồ thời trang. Tuy nhiên, những tuyệt tác mang tính biểu tượng của nhà thiết kế, tiếp tục tạo tiếng vang trên thị trường đồ cũ. Những thiết kế được sản xuất hàng chục năm trước của Plein Sud trở thành những món đồ có giá trị, được nhiều tín đồ “đổ xô” săn lùng và khao khát sở hữu được chúng. 

Marithé + François Girbaud

Với tình yêu dành bất diệt dành cho denim, cặp đôi Marithé Bachellerie và François Girbaud gặp nhau ở Saint-Tropez vào năm 1967. Sau đó, họ sống ở Paris trong một cộng đồng hippie, nơi Marithé làm áo ponchos và François là người bán hàng tại Western House. Đam mê và muốn thoát khỏi những tiêu chuẩn cũ kỹ của quần jean Mỹ thời bấy giờ, cặp đôi bước vào thế giới thời trang vào cuối những năm 1960 khi họ tạo ra thương hiệu đầu tiên bán quần jean giặt thô bằng kỹ thuật stonewash.

Cửa hàng Marithé + François Girbaud đầu tiên được mở tại Paris vào năm 1972. Đạt được thành công rực rỡ và làm nên những cột mốc giá trị trong lịch sử denim kể từ những năm 1980, Marithé và François sau đó đã mở các cửa hàng khác ở Pháp cũng như ở Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ưu tiên sự tự do trong mọi chuyển động, sự thoải mái, và thần thái phóng khoáng, Marithé + François Girbaud kết hợp những đường cắt mang tính thử nghiệm và sự sáng tạo có 1-0-2 trong cách xử lý vật liệu. Mặc dù nổi tiếng trong cộng đồng thời trang, nhưng thương hiệu Pháp đã không thể vượt qua cuộc khủng hoảng năm 2008 và cặp đôi này đã phải đóng cửa cửa hàng vào năm 2013. Tuy nhiên, mặc dù thương hiệu này đã thông báo trở lại đường đua thời trang vào cuối năm 2023 nhưng quần áo được bán ra thị trường vẫn không thể khơi gợi sự hoài niệm và khác xa so với các thiết kế denim mang tính biểu tượng của những năm 1990 và 2000. Dù vậy, sức ảnh hưởng mang tính toàn cầu của Marithé + François Girbaud vẫn tiếp tục được phát tán thông qua các cửa hàng vintage, hay các gian hàng sưu tầm những thiết kế archived. 

XULY.Bët

“Open your eyes wide” – “Mở to mắt ra” là ý nghĩa của XULY.Bët trong tiếng bản ngữ của người Wolof, thương hiệu quần áo do Lamine Kouyaté tạo ra. Sinh ra ở Bamako, nhà sáng tạo gốc Malian và Senegal đã đến Pháp vào năm 1986. XULY.Bët Funkin’ Fashion Factory được thành lập vào đầu những năm 90s và ban đầu là cơ sở dành cho các nghệ sĩ và nhà sáng tạo ở phía bắc Paris. Được coi là một trong những người tiên phong trong kỹ thuật tái chế quần áo, Lamine Kouyaté đã bắt đầu sử dụng vải và quần áo tái chế từ rất sớm trong các sáng tạo của mình.

Trải qua làn sóng thành công nhờ cách tiếp cận sáng tạo đặc sắc này và nền văn hóa chiết trung được lồng ghép khéo léo trong mỗi thiết kế của mình, nhà sáng tạo đã nhận được giải thưởng “Nhà thiết kế của năm” từ The New York Times vào năm 1994. Sau khi quyết định giới thiệu XULY.Bët tại New York Fashion Week xuyên suốt 8 năm, thương hiệu này đã quay trở lại cội nguồn của mình, Paris, vào năm 2018. XULY.Bët, tiếp tục sản xuất và cho ra mắt các bộ sưu tập trên sàn diễn mỗi năm, hiện được coi là một thương hiệu thời trang underground có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến đường đua đương đại. Những mảnh vải lycra màu đen hoặc nhuộm màu rực rỡ, được trang trí nổi bật bằng những đường khâu nổi màu đỏ, nhanh chóng trở thành biểu tượng và được săn đón không ngừng trên thị trường thời trang vintage. Thương hiệu này cũng đánh giá cao hệ thống lưu trữ và cam kết với môi trường, thường xuyên tổ chức các sự kiện bán hàng để mang đến cho khách hàng cơ hội tìm thấy một số tác phẩm sáng tạo thuộc kho lưu trữ, mà khó có thể tìm được trên thị trường hiện tại.

Jean Paul Gaultier

Làm thế nào chúng ta có thể nói về các nhà thiết kế huyền thoại người Pháp, sở hữu kho lưu trữ đồ sộ mà không đề cập đến Jean Paul Gaultier? Là biểu tượng thời trang và biểu tượng của văn hóa Pháp, nhà thiết kế thời trang vĩ đại cũng là nhân vật chính trong làn sóng các nhà sáng tạo trẻ những năm 1980, những người đã cách mạng hóa ngành công nghiệp này. Thành công của Jean Paul Gaultier phần lớn nhờ vào những sáng tạo vô biên của ông cũng như nhờ những buổi trình diễn ngoạn mục, khiêu khích, ngông cuồng, luôn hài hước, đan cài cùng văn hóa đại chúng hào nhoáng. Áo lót hình nón, váy dành cho nam giới, áo trong suốt với hiệu ứng ảo ảnh bằng bản in hình xăm, váy chấm bi hay thậm chí là chi tiết trompe-l’oeil để lộ ảnh khỏa thân giả đều là những tác phẩm tiêu biểu góp phần tạo nên kho di sản vô cùng quý giá của nhà Jean Paul Gaultier.

Mặc dù nhà thiết kế đã quyết định chính thức rút lui khỏi thương hiệu vào năm 2020, Jean Paul Gaultier vẫn là một trong những thương hiệu được thèm muốn nhất trên thị trường thời trang vintage nhờ những tác phẩm vượt thời gian, táo bạo và huyền thoại.

Một trong những lý do khiến chúng ta không thể quên những món đồ mang tính biểu tượng này cũng là do tính cách của người mặc chúng, nhất là người nổi tiếng; từ Madonna mặc áo ngực hình nón đến Kim Kardashian trong chiếc váy chấm bi nổi tiếng trên mạng. Mặc dù nhà thiết kế đã quyết định chính thức rút lui khỏi thương hiệu vào năm 2020, Jean Paul Gaultier vẫn là một trong những thương hiệu được thèm muốn nhất trên thị trường thời trang vintage nhờ những tác phẩm vượt thời gian, táo bạo và huyền thoại.

@ninagabbanavintage More jpg pieces that I will never sell! Should I do a part 3? #jeanpaulgaultier #vintagedesigner #vintagejeanpaulgaultier #fyp #vintagecollection #archivefashion ♬ original sound – Ninagabbanavintage

Mugler

Mugler, là thương hiệu được đặt tên theo tên của người sáng lập – Manfred Thierry Mugler, được coi là một trong những cái tên tạo nên cuộc cách mạng hóa thế giới thời trang, đặc biệt là ở địa phận RTW từ những năm 70 trở đi. Mugler nhanh chóng khẳng định mình là một trong những nhà thiết kế sáng tạo nhất trong thời đại của mình lẫn về sau. Nổi tiếng với những sáng tạo mang tính tiên phong, pha trộn những ảnh hưởng của tương lai và kỳ ảo với những kiểu dáng thanh lịch cũng như sở hữu cấu trúc siêu thực.

Phong cách đặc biệt của nhà thiết kế được đặc trưng bởi vẻ đẹp nữ tính ở khía cạnh táo bạo, kiểu dáng phóng đại thách thức các quy ước, miếng đệm vai ấn tượng tạo thêm cảm giác hùng vĩ và đường viền cổ khoét sâu thu hút sự chú ý và bộc lộ sự gợi cảm quyết đoán nhanh chóng mê hoặc khán giả trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Thierry Mugler đã rời bỏ dòng quần áo RTW của thương hiệu vào năm 2002 để tập trung nhiều hơn vào dòng nước hoa của mình. Các tác phẩm lưu trữ của Mugler rất được săn đón trên thị trường đồ cũ, độ hiếm và uy tín trong tính sáng tạo mang lại cho chúng giá trị đáng kể. Các tuyệt phẩm couture của Mugler trong kho lưu trữ chứa đựng cũng không dễ dàng gì được “khai quật” và tái sinh lại lần nữa. Chính vì thế, mỗi khi những bộ trang phục archived trong kho di sản của Mugler được xuất hiện trên thảm đỏ đều khiến làng mốt đứng ngồi không yên, xuýt xoa vì được chiêm ngưỡng thời kỳ huy hoàng của Mugler ở quá khứ một lần nữa. Sau sự ra đi đầy tiếc nuối của Thierry Mugler vào năm 2022, giá trị của những thiết kế archived ngày càng tăng lên, chứng tỏ di sản lâu dài của thiên tài sáng tạo không dễ thay thế của ông, cũng như tác động lâu dài đến ngành thời trang.

@superstar.ch #mugler #vintage #archivefashion ♬ Misty – Sarah Vaughan

Thực hiện Dory

Theo NSS Magazine