Nơ bướm và vị trí độc tôn trong cuốn từ điển của Christian Dior
Ngày đăng: 16/09/20
Đã từ rất lâu, thương hiệu Christian Dior luôn được biết đến với khả năng thừa hưởng và biến hóa rất nhiều di sản của nền thời trang Pháp – đặc biệt là các phẩm phục triều đình. Trong số đó không thể không kể đến nơ bướm, từ một chi tiết tô điểm trên trang phục hoàng thất, quý tộc xưa cũ, nó đã trở thành một phần trong DNA của nhà mốt nức danh đất Paris đến tận ngày nay.
Nữ công tước xứ Fontanges, Christian Dior và chiếc nơ bướm
Nhiều người trong chúng ta đều biết rằng phong cách thiết kế của Christian Dior phần nhiều mang ảnh hưởng từ thuở bé của ông tại quê hương Granville. Được xem như một trong những nơi cuối cùng còn lưu lại dấu vết của kỷ nguyên Belle Epoque (Thời kỳ tươi đẹp) với những người phụ nữ thanh lịch và kiêu sa.
Đáng chú ý trong những kỷ vật hiếm hoi của nhà Dior chính là tấm ảnh chụp chung của của gia đình, nó đã cho thấy những nét đặc trưng nhất của chủ nghĩa lãng mạn trong thời trang những năm 1900. Christian Dior khi ấy mặc một bộ com-lê với chiếc nơ bướm màu đen nhã nhặn. Ít ai ngờ rằng thứ phụ kiện tưởng chừng như chỉ có chức năng hoàn thiện tổng thể trang phục sau này lại trở thành thiết kế không thể tách rời trong cách mà ông biến lụa là trở thành những tuyệt tác.
Từ nút thắt của vải, những vòng hoa lụa đến những cánh nơ to phồng đã lột tả tình yêu của ông đối với vẻ đẹp chốn cung đình và các bà hoàng của nó. Nổi tiếng thời ấy là Nữ công tước xứ Fontanges, một biểu tượng thời trang đã truyền cảm hứng cho Dior khi bà xuất hiện và diện những bộ đầm dạ hội đính nơ bướm và hoa lộng lẫy. Bên cạnh đó, Dior cũng tìm thấy nguồn cảm hứng dạt dào từ Nữ hoàng Marie Antoinette với những chiếc đầm khổng lồ phủ ruy băng, nơ và chất “điên loạn” đầy mê hoặc của bà.
“Tôi thích những chiếc nơ tô điểm trên đường viền cổ, trang trí trên mũ hay cả thắt lưng. Dù nhỏ, dù to hay khổng lồ, bằng bất kỳ chất liệu nào, tôi đều thích cả!” Christian Dior viết.
Chiếc nơ bướm hội đủ tất cả những gì mà Christian Dior muốn dành cho những người phụ nữ hiện đại sau khi đã trải qua hai cuộc Thế chiến. “Tôi thích những chiếc nơ tô điểm trên đường viền cổ, trang trí trên mũ hay cả thắt lưng. Dù nhỏ, dù to hay khổng lồ, bằng bất kỳ chất liệu nào, tôi đều thích cả!” Christian Dior viết.
Nước hoa Miss Dior và chiếc nơ bướm
Sau khi xuất hiện trên váy áo cao cấp của nhà mốt, chiếc nơ bướm một lần nữa được Dior giới thiệu trong poster quảng cáo đầu tiên cho dòng nước hoa Miss Dior. Hình ảnh minh họa được vẽ bởi họa sĩ René Gruau miêu tả một chú thiên nga đang bơi thư thả và uyển chuyển cùng chiếc nơ bướm màu đen đáng yêu quấn quanh cổ. Về sau này, nó đã trở thành điểm nhấn đắt giá trong thiết kế bình đựng của các dòng nước hoa Dior.
Giữa năm 1948 và năm 1949, cả thế giới hướng mắt về Christian Dior để dõi theo những bộ sưu tập của ông sau cuộc cách mạng New Look, chiếc nơ bướm đã giúp củng cố và đưa thành công ấy đi xa hơn. Những đường nét dứt khoát nhưng mềm mại từ chiếc eo thon và phần váy xòe của New Look càng trở nên quyến rũ với những chiếc nơ bướm được đặt để trên sườn, dưới chân cổ và tay áo rũ xuống một cách trang nhã.
Theo thời gian, chiếc nơ bướm mang trong nó cả sự nữ tính lẫn sự phù phiếm khó tả, là thứ không thể thiếu của một chiếc đầm dạ hội thời ấy, một vẻ đẹp cổ điển và quý giá không bị tác động bởi bất kỳ điều gì. Để sau đó, nó trở thành vẻ đẹp được phụ nữ khắp Paris và cả thế giới ngưỡng mộ và mong ước được diện những chiếc đầm gắn mác Christian Dior – Paris.
Nơ bướm và các thế hệ nhà Dior
Sau khi tiếp quản thương hiệu từ người thầy của mình vào năm 1957, Yves Saint Laurent tiếp tục tôn vinh chiếc nơ bướm với nhiều thiết kế mới. Nhà thiết kế trẻ tuổi đã thổi vào nơ bướm một màu sắc khác lạ với tầm nhìn thậm chí còn lãng mạn hơn rất nhiều.
Nàng thơ trong mắt Saint Laurent là một người phụ nữ thướt tha và đầy lãng mạn được quấn quanh bởi những chiếc đầm đính những chiếc nơ “Noeud Dior”. Rất nhiều chiếc đầm với những đường thêu, xếp nếp, bèo nhún và những bông hoa điểm tô và biến chiếc nơ bướm trở thành điểm nhấn của trang phục.
Đến với Dior, John Galliano cùng phong cách thiết kế đầy hoang dại và chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Baroque của ông đã được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ các di sản thương hiệu. Qua những mùa liên tiếp, sự ngông cuồng và khiêu khích của John Galliano mang đến cho nơ bướm những thái cực cảm xúc mới khi được cắt may bằng những loại vải mới, nhựa hay denim. Trong đó không thể không kể đến bộ sưu tập Haute Couture Xuân-Hè 2009 với những chiếc nơ bướm lộng lẫy với đủ màu sắc, kích cỡ, chất liệu.
Một năm sau, nơ bướm bước vào lãnh địa trang sức khi Victoire de Castellane tạo nên chiếc nhẫn Tralala để tôn vinh tinh thần lãng mạn của Dior. Và không gì hoàn hảo hơn hình tượng chiếc nơ bướm được nạm đầy kim cương và hai viên đá saphia hình quả lê được cắt sắc sảo.
Kế thừa triều đại rực rỡ của John Galliano, Raf Simons và Maria Grazia Chiuri lại mang đến một tầm nhìn có phần tối giản hơn rất nhiều. Năm 2012, Raf Simons đưa chiếc nơ bướm ấy lên nhiều dòng phụ kiện khác nhau, nổi bật trong số đó là chiếc túi Lady Dior với chiếc nơ bướm đáng yêu hay trên những đôi giày trong bộ sưu tập Haute Couture Xuân-Hè 2017.
Trải qua hơn 70 năm đồng hành cùng nhà Dior và vô số tuyệt tác may đo cao cấp, chiếc nơ bướm đã trở thành kết tinh cho tinh thần lãng mạn của thương hiệu. Xuất hiện trên váy áo, phụ kiện như túi xách, giày dép và cả những poster quảng cáo, nơ bướm vẫn sẽ tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng vĩnh cửu và nằm yên trên vị trí độc tôn của nó trong cuốn từ điển của Christian Dior.
Thực hiện: Hiếu Lê
Tham khảo: icon-icon.com