NTK Alexander McQueen thuở mới vào nghề: 2 năm trời ngồi học cắt rập tailor
Ngày đăng: 13/04/18
Alexander Lee McQueen (1969-2010) người đã góp phần thay đổi lịch sử thời trang, làm nên những cuộc cải cách hình thái đồng thời mang tính trình diễn nghệ thuật vào mỗi show diễn thời trang đương thời, ít người biết McQueen đã dành 2 tháng để học độn cổ áo và 2 năm ròng chỉ để cắt rập tailor. Anh chưa hề cầm bất kì mẫu portfolio nào để đi xin việc mà thay vào đó là mẫu rập của mình.
Rời khỏi trường học năm 16 tuổi, Lee học nghề đầu tiên tại Anderson & Sheppard – Savile Row Bespoke Tailors. Nơi đây được thành lập năm 1906 là một trong những nơi có kỹ thuật may tailor được truyền thừa qua nhiều thế hệ với chất lượng hàng đầu, tinh chỉnh ở từng đường cắt tạo nên phom dáng vừa vặn một cách hoàn hảo với cơ thể.
Kỹ thuật may của nơi này đã khiến Lee mê mẩn: “Những gì tôi học được ở năm mười sáu là thay đổi trang phục nam giới, phải như một kiến trúc sư; làm việc với từng đường cắt và tỷ lệ. Không thể nào đặt một người vào tất cả trong một hay điều gì như vậy. Tôi đã cố gắng làm thế, và thất bại, đấy là bài học đáng giá của tôi. Bạn cần phải nắm được luật trước khi phá vỡ nó. Đó là lí do tôi ở đây, để phá luật nhưng vẫn duy trì truyền thống…”
Bạn cần phải nắm được luật trước khi phá vỡ nó. Đó là lí do tôi ở đây, để phá luật nhưng vẫn duy trì truyền thống…
Lee McQueen đã được học với bậc thầy về tailor thời bấy giờ: Cornelius “Con” O’Calllaghan, trong quá trình học anh được trả 100F mỗi tuần, một ngoại lệ khi mà những người học việc thời bấy giờ ở Anh vốn không được trả lương.
Theo chương trình học việc một kèm một tại Anderson & Sheppard, trong hai tháng đầu tiên, McQueen được học cách độn cổ áo, kiểm soát đường may và làm việc thật nhanh với cái đê bằng ngón giữa. “Tôi ngồi hai tháng để học độn cổ áo, và hai năm để học cắt một chiếc jacket” – Lee từng chia sẻ.
“Tôi ngồi hai tháng để học độn cổ áo, và hai năm để học cắt một chiếc jacket” – Alexander McQueen
Từ việc học khâu cổ áo, học viên McQueen chuyển tới quá trình canvas pading, học cách ráp cổ áo, cách khâu tay áo, cách ghép áo khoác, cách đặt lớp lót và túi ở ngực tùy theo hình dáng của cơ thể.
Làm việc với các loại chất liệu có độ nặng khác nhau như velvet, tweed, househair và canvas, McQueen nhận ra rằng mỗi loại chất liệu phải xử lý theo cách riêng. Như canvas sẽ rút lại khi nhúng vào nước, sau đó phơi khô trước khi dùng. Anh dần học được cách cắt một áo khoác đi kèm với váy, rồi đến áo khoác ban ngày và áo khoác về đêm. Anh cũng học được cách đơm khuy thật đẹp và làm những lỗ cài khuy áo thật chuẩn xác.
Và kết quả là anh rèn được đôi mắt tinh tường và tay nghề khéo léo bậc thầy. Một người thợ cắt giỏi có thể nhìn vào hình dáng, hình dung chúng trong tâm trí và cắt ngay trên chất liệu mà không cần đến khâu tạo mẫu rập. Đôi mắt của McQueen có thể nhìn và phát hiện ngay lỗi sai trên trang phục ngay tức thì.
Khi rời khỏi Anderson & Sheppard, McQueen kiếm sống bằng công việc pattern cutter. Năm 1989, anh làm cho chương trình âm nhạc Miss Saigon cùng với nhà thiết kế Andrew Groves, từ đó tìm thấy niềm đam mê đối với Đông phương học. Cũng trong quá trình tạo dựng trang phục cho vở kịch “Những người khốn khổ” chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Victor Hugo, chàng trai trẻ ở độ tuổi 20 cảm thấy hứng thú với với kỹ thuật may của thế kỉ 16, điều đó sau này hiển thị rõ ràng trong các bộ sưu tập đầu tay của anh.
Thực ra, McQueen còn may mắn tìm được một bản sao của quyển sách về kỹ thuật Pattern dành cho Tailor viết bởi Juan de Alcega xuất bản năm 1589 tại một hiệu sách cũ, điều đã đánh thức trong anh tìm tòi phá cách với các loại chất liệu, cũng mang vào tác phẩm xu hướng lưỡng tính cho những chiếc jackets.
Đầu những năm 1990, McQueen đầu quân cho thương hiệu Culture Shock của Koji Tatsuno với vai trò pattern cutter. Koji Tatsuno cho biết McQueen sở dĩ về làm cho ông vì anh muốn học kỹ thuật cắt áo choàng (frock coat) cùng kỹ thuật may đặc biệt mà ông đang sở hữu.
Cho đến khi gia nhập Romeo Gigli và dành được sự chú ý của giới truyền thông với những thiết kế của mình, McQueen chưa hề có bất kì bản CV hay portpolio nào, chính tay nghề của anh đã khiến cho những nhà mốt phải chú ý. Và anh dùng chính mẫu rập mà mình từng cắt để xin học bổng vào ngôi trường thiết kế thời trang danh tiếng Central Saint Martins.
Thực hiện: Hoàng Khôi