NTK Hà Nhật Tiến: “Sau nhiều biến cố trong công việc và cuộc sống, tôi được tôi luyện hơn, già dặn hơn…”
Ngày đăng: 23/05/19
Tôi biết đến Hà Nhật Tiến từ rất lâu, những sản phẩm của anh luôn đề cao chủ nghĩa phi giới tính, nam giới có thể diện váy, có thể mặc đồng bộ một màu hồng rực rỡ. Hay có thể là hình ảnh chú chuột Mickey tươi trẻ và cả những ca từ bình dị trong câu hát, những câu từ phổ biến trên mạng xã hội cũng được anh đưa vào chiếc áo, cái quần của dân underground để tạo nên dấu ấn thời trang đại chúng.
Và vừa qua, Hà Nhật Tiến là một trong những nhà thiết kế đã góp mặt vào chương trình Fashion Voyage 2, được tổ chức tại Vịnh Hạ Long. Đây cũng là lần mà anh giới thiệu đến giới thời trang những sản phẩm không còn độ tinh nghịch, dí dỏm như ở những đợt trước – đấy là mốc tính kể từ ngày chạm tay vào ngành sáng tạo. Thay vào đó là một Hà Nhật Tiến với hơi thở của sự trầm lặng, điềm tĩnh hơn rất nhiều.
Khi nhìn lại hành trình trình của mình, Hà Nhật Tiến đã thay đổi như thế nào trong 10 năm hoạt động trong ngành thời trang?
Nhìn lại bản thân tôi từ những ngày đầu chập chững bước chân vào công việc thiết kế thời trang đến tận ngày hôm nay cũng đã có sự biến chuyển trong suy nghĩ và nhận định. Trong sự thay đổi chung của tất cả các ngành nghề, mọi thứ đều mở rộng về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Mọi người tiếp cận với các xu hướng dễ dàng hơn thông qua mạng xã hội. Đó là dấu hiệu tốt để mọi người có thể cập nhật và xây dựng cho bản thân mình những điều mà cá nhân đó quan tâm. Bên cạnh đó cũng có những chiều hướng tiêu cực bởi khi thay đổi, biến chuyển hay tiếp cận trở nên quá nhanh, quá nhiều thì cũng dần mất đi những giá trị cơ bản vốn có.
Anh có thấy sự nghiệp nghệ thuật của mình là riêng biệt trong ngành thời trang Việt?
Tiến thấy mình đứng ngoài lề mọi ồn ào, hào nhoáng trong làng thời trang. Mọi thứ có dịch chuyển tới đâu, Tiến vẫn đứng đó. Song, đứng đó không có nghĩa là dậm chân tại chỗ, không có nghĩa là không thay đổi. Mà đó là kiên định! Kiên định với những gì mình đã chọn!
Tiến tin vào những gì mình lựa chọn, những gì mình làm, dù hạn chế hay kén số đông, hoặc dù cá tính của bản thân có thể không chiều lòng đại chúng, nhưng được là chính mình không là ai khác thì đáng giá hơn cả. Sự nghiệp với cá nhân Tiến nghĩ đơn giản là một quá trình dài đi từ điểm này tới điểm khác. Quan trọng không phải là bạn cố leo lên được tới đâu, mà là bạn có sức đi bao xa.
Dường như những tư tưởng của anh đều bị chi phối lớn về thẩm mỹ cường điệu, đôi lúc có một vài dấu ấn Harajuku, Punk, đôi khi là Athleisure?
Tôi không phải là người theo đuổi trường phái Harajuku, chắc có lẽ vì hơi “quái” nên bạn đã thấy sản phẩm của tôi có tí phảng phất. Ngôn ngữ thời trang của tôi hạn chế số đông. Tôi thích những gì quá khổ so với lẽ thường. Ngoại cỡ, bất quy tắc, những chất liệu phi thời trang… đều là những nguồn cảm hứng bất tận cho hầu hết các sáng tạo của tôi. Tôi luôn có cảm hứng với cái đẹp đó.
Ngoại cỡ, bất quy tắc, những chất liệu phi thời trang… đều là những nguồn cảm hứng bất tận cho hầu hết các sáng tạo của tôi. – NTK Hà Nhật Tiến
Cách anh giới thiệu bộ sưu tập ở từng giai đoạn hẳn là không cân đo đong đếm về yếu tố lợi nhuận nên Tiến rất phóng túng để đưa linh hồn “điên” của mình trong từng phom dáng?
Nếu bạn chú ý kỹ bạn sẽ thấy tất cả các BST của Tiến ra đời dù ở thời điểm nào cũng quy về mẫu số chung là tinh thần tự do, phóng khoáng, không bó buộc áo – quần theo một quy chuẩn thường nhật. Có lẽ vậy nên chuyện thu hồi vốn sau mỗi sản phẩm là sẽ khó khăn hơn so với những quần áo giản đơn ứng dụng. Như Tiến đã nói, được là chính mình, được sống với những gì mình muốn làm, và mình làm được nó nhiều lúc nó sướng hơn cả bạn có một số tiền khủng. Nhưng hiện tại, Tiến có suy nghĩ hơi khác hơn ngày trước, Tiến đã lớn hơn, trưởng thành hơn, chín chắn hơn nên sự “điên” bây giờ có tính toán để làm sao nuôi được giấc mơ của mình, để mời mọi người cùng mơ giấc mơ của bản thân bằng những bộ quần áo hợp mốt.
Trở lại BST mới lần này với tên gọi Before Sunset, tên gọi này có ý nghĩa gì đối với anh?
Tiến luôn bị ám ảnh bởi buổi chiều tà và ánh hoàng hôn. Thời khắc đó trong một ngày khiển bản thân mình bị lay động. Khi ánh sáng rực rỡ nhất một ngày bắt đầu yếu ớt nhường chỗ cho bóng tối thì không chỉ những gì mắt mình thấy được, mà tim mình cũng bị động lòng bởi mọi thứ xung quanh khi được phủ lên một sắc thái khác. Ánh mặt trời trước khi lặn ví như bản thân Tiến, Tiến được sống hết mình với giấc mơ làm nghề, được tham gia một show diễn, dù lớn hay nhỏ, đều là niềm hạnh phúc vô bờ của một NTK, chỉ cần được làm điều mình thích, làm cho mọi người thấy được công sức của bản thân thì đó là niềm vui sướng tột cùng.
Vì sao anh lại chọn gam màu metallic, và nhựa tráng thủy để trải dài xuyên suốt BST mới của mình tại Fashion Voyage 2, mặc dù khía cạnh đột phá về mặt khai thác chất liệu lẫn xu hướng có vẻ như chưa hội tụ đủ?
Càng lớn lên Tiến càng suy nghĩ mọi thứ đơn giản, không câu nệ cầu kỳ trong mọi thứ. Nhìn mọi thứ cũng giản đơn hơn và ý tưởng cũng dễ dàng mà có. Lý do để metallic trải dài xuyên suốt BST cũng bởi vì sở thích cá nhân. Tiến thích lấp lánh và ánh nắng phản chiếu trên mặt nước trước buổi hoàng hôn gây được hiệu ứng thị giác rõ ràng. Không có một chất liệu nào hợp hơn là metallic cho lần trở lại này. Tiến thấy nó hoàn toàn phù hợp với concept, hợp với không gian kỳ quan của Vịnh Hạ Long, cho nên Before Sunset được dát bạc toàn bộ đã ra đời.
Ngay từ những phút anh giới thiệu teaser sản phẩm với âm thanh nhạc ảo cùng cô người mẫu Hằng Nguyễn với mái tóc tém cá tính đang phiêu linh trên lớp sóng biển, tôi thấy Hà Nhật Tiến vẫn giữ lại thế mạnh trong chi tiết tay phồng thập niên 80 cũng như sự phi giới tính tuy nhiên cũng phảng phất nét mơ màng, dễ vỡ, khác xa với cái “điên dại” của một thuở trước đó. Anh trở nên trầm lắng và phẳng lặng hơn rất nhiều, và có khi tôi lại nhìn thấy hình dáng “flapper girl” những năm 1920 . Điều đó có đúng khi nhìn về tư duy của Tiến thời điểm hiện tại – một DNA được nuôi dưỡng cùng đam mê phát triển từng ngày?
Như Tiến đã chia sẻ, sau nhiều biến cố trong công việc và cuộc sống, tôi được tôi luyện hơn, già dặn hơn, có thể “sến” hơn trong cách suy nghĩ. Tiến không thích ồn ào, thích dòng nhạc Trịnh, mê Bolero, thích chụp ảnh những cảnh yên bình, thích một mình. Nên Tiến muốn làm gì đó sâu sắc hơn, không lê thê, không dài dòng, không khó hiểu, mà làm ra phải tạo được cảm xúc đến người xem.
Tiến có thể trình bày cụ thể chiếc mũ ánh bạc cho chiếc váy kết màn mang hơi thở thập niên 20?
Tôi chỉ có thể trình bày rằng, một bộ váy kết bằng mica tráng gương, một chất liệu đặc biệt không liên quan đến chất liệu của những bộ trước đó thì cần một điểm nhấn đặc biệt để tạo ấn tượng khi khép lại. Thế nên một mái tóc bằng kim loại cũng thể hiện tinh thần BST, lấy cảm hứng từ huyền thoại Tân nhạc – Ngọc Lan, hay ca sĩ Jennifer Lopez ở Met Gala để khách mời thích thú hơn.
Đối với giai đoạn trước, tôi từng nghĩ thời trang là điều gì đó thiêng liêng, phát huy hết sức sáng tạo về nghệ thuật, mà sự sáng tạo có nghĩa là vô biên, chẳng bao giờ có sự trùng lặp. Nhưng với chu trình biến chuyển trong kinh tế toàn cầu, internet lan tỏa mạnh, nghệ thuật chí ít sẽ có phần hạ nhiệt. Song, chiếc cầu nối về nguồn hứng cảm đến từ các bậc tiền bối là một điểu hẳn nhiên bình thường của một người làm thiết kế hiện nay. Tiến nghĩa thế nào khi cho ra đời một sản phẩm mà nhân vật khác đã từng làm trước đó và bị cho rằng đã vi phạm bản quyền sáng tạo?
Đối với cá nhân Tiến, sáng tạo không có gì ghê gớm, không phải là bạn phát minh ra điều gì, mà là biết làm mới cái mà mình nhìn thấy. Từ quan điểm đó, Tiến luôn biết dựa trên cảm hứng đã chọn để làm mới cho những gì mình suy nghĩ trong đầu. Bởi thời trang nói riêng hay nghệ thuật nói chung đều là sự xoay vòng của một chu kỳ. Người làm sáng tạo giỏi hay không là do cách nhìn nhận sự việc, tiếp thu thông tin và biến cái của người khác thành cái của mình, chứ không phải là bê nguyên xi của người khác đặt lên của mình. Trước khi là một nhà thiết kế giỏi, hãy là một nhà thiết kế có tâm.
Chỉ có khi mình thức giấc mình mới thực hiện được những gì mình mơ – NTK Hà Nhật Tiến
Ngành thời trang Việt chưa có sự hình thành “business-to-business”, chỉ có hình thức “business-to-person” là chủ yếu. Hà Nhật Tiến làm thế nào để có thể thu hồi vốn trong kinh doanh thời trang, vì anh bảo không có năng khiếu về kinh doanh, thế giới của anh thuộc về bản ngã đắm chìm trong mơ mộng nhiều hơn. Vậy con đường anh chọn, có đội ngũ cố vấn cho bộ mặt thương mại sản phẩm?
Hiện tại Tiến vẫn đang cần một người tính toán giỏi để trợ giúp tôi giải bài toán kinh tế về kinh doanh thời trang. Thực ra bản ngã thích mơ mộng, nhưng không phải mơ mộng nào cũng thành sự thật. Chỉ có khi mình thức giấc mình mới thực hiện được những gì mình mơ. Để làm BST lần này, bản thân Tiến phải đi chạy vạy khắp nơi để đắp bồi cho những mẫu thiết kế được thành hình. Hy vọng với sự tiết chế trong cách thiết kế thì phân khúc khách hàng yêu thích ngôn ngữ thời trang của Tiến sẽ mở rộng để Tiến có thể trang trải và nuôi dưỡng giấc mơ của mình.
Hà Nhật Tiến hiện tại có bao nhiêu dòng sản phẩm? Riêng BST Before Sunset nằm ở phân khúc nào? Hay đây chỉ là cuộc chơi nghệ thuật vị nghệ thuật? Riêng tôi thấy nhiều bộ vẫn đảm bảo được tính ứng dụng và tính thương mại?
Hiện tại thì Tiến chỉ có phát triển dòng 1M59 với giá bình dân dành cho các bạn trẻ – chủ yếu là các bạn nam với tính ứng dụng đơn giản. Còn “Before Sunset” là một Hà Nhật Tiến với phân khúc dành cho nữ giới có cá tính, và gout thẩm mỹ nhất định.
Thực hiện: Phong
Photo: Team Kiếng Cận