Ông hoàng Valentino: Những chuyện điên rồ
Ngày đăng: 15/02/19
Mặc dù đã từ giã sàn diễn để chính thức về hưu vào năm 2008 và chỉ định Pierpaolo Piccioli thay thế vị trí giám đốc nghệ thuật, thì nhà thiết kế – người đã sáng lập ra thương hiệu Valentino vẫn còn sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới thời trang và nghệ thuật.
Bên cạnh tài năng đã được công nhận và cùng những thành tựu đáng nể, khi nhắc đến nhà thiết kế Valentino Clemente Ludovico Garavani – “master of couture”, người ta còn liên tưởng đến người có một phong cách sống thú vị pha lẫn điên rồ. Các thiên tài thường dị biệt, nhưng dị biệt đến mức nào, chắc hẳn bạn không tưởng tượng nổi!
Một tín đồ của sắc đỏ
“Đối với Valentino, màu đỏ không chỉ là một màu sắc, đó là một tính chất, một biểu tượng, một yếu tố mang tính nòng cốt của thương hiệu, một giá trị” – Valentino từng tuyên bố như thế. Tình yêu của người đàn ông này dành cho màu đỏ bắt đầu sau khi ông đến xem vở opera Carmen ở Barcelona thời còn trai trẻ, khung cảnh toàn sắc đỏ, từ trang phục cho đến hoa cảnh, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến ông.
Valentino yêu thích màu đỏ đến độ trong thời kì cả nước Ý chìm trong hoảng loạn và lo âu từ các vụ khủng bố và bắt cóc liên miên bởi Lữ đoàn Đỏ (Red Brigades), Valentino vẫn ung dung xuất hiện trên đường phố Roma bằng chiếc Mercedes chống đạn, bạn có đoán ra xe màu gì không? Dĩ nhiên, còn có màu gì khác trừ đỏ!
Chó cưng còn quan trọng hơn cả bộ sưu tập
Valentino bắt đầu đi ngủ khi đêm đến (cùng với các chú cho cưng), giường của ông được trang trí bằng vải lanh trắng với những chiếc gối thêu. Ông thay đồ ngủ, sau đó… gọi phone, xem tivi và đọc sách cho đến sáng. Khi buổi sáng bắt đầu, Valentino lặng lẽ chìm vào giấc ngủ.
Valentino nuôi rất nhiều chó pug, ban đầu là một con mang tên Maggie, sau đó từ Maggie lần lượt Milton, Maude, Monty, Margot cho đến Molly ra đời, tất cả tên gọi của chúng đều bắt đầu từ chữ M. Trong bộ phim tài liệu sản xuất năm 2009 mang tên Valentino: The Last Emperor, nhà thiết kế không ngần ngại tuyên bố: “Tôi không quan tâm đến bộ sưu tập, những chú chó của tôi quan trọng hơn”.
Trật tự trên bàn ăn theo đúng cách Valentino
Nếu bạn nghĩ việc ăn tối diễn ra thế nào cũng được, ai ngồi ở đâu cũng được thì có lẽ… bạn không thể ngồi ăn tối cùng ông trùm thời trang nước Ý. Valention có nhiều quy chuẩn rất nghiêm ngặt về vị trí trên bàn ăn tối, ông từng tuyên bố: “Hãy xếp người lớn tuổi nhất – đặc biệt nếu là nữ – ở bên phải, sau đó là đến tầm quan trọng của các vị khách, không bao giờ để vợ chồng ngồi cạnh nhau hay thậm chí ở cùng một bàn”. Tất nhiên bàn ăn một khi có mặt nhà thiết kế tiếng tăm này không thể nào trang trí đơn giản hay qua loa được (hãy nhớ đến phong cách thiết kế của ông ấy): nhất định phải có hoa, socola, các vật trang trí. Khăn trải vàng tuyệt đối không dùng màu trắng, nên là màu hồng nhạt, màu xanh dương hoặc ngọc bích vì Valentino thích thế.
Cũng phải nói thêm, Valentino là một người rất mê đồ cổ Trung Hoa trong đó có gốm sứ từ P.K. Silesia và Meissen, ông có hơn 100 món sưu tầm từ những năm 1930. Thi thoảng chúng được sử dụng trong các buổi tiệc, hoặc chỉ đơn giản là dùng để quý ông Valentino ăn tối trong lúc xem tivi một mình mà thôi.
Valentino cũng có lúc ghét thiết kế của chính mình
Năm 15 tuổi, Valentino đến Paris để học về nghệ thuật “haute couture”. Năm 18 tuổi, ở Học viện Chambre Syndicale de la Couture ông đã từng bước học phác thảo, sau đó để tích lũy và có thêm kinh nghiệm ông đầu quân cho nhà thiết kế Jean Dessès ở Balmain và Christian Dior. Ông làm việc dưới Dessès 5 năm rồi chuyển đến Guy Laroche. Hai năm sau, chàng trai nước Ý tuyên bố mình đã học đủ những gì cần thiết rồi sau đó mạnh dạn tạo dựng thương hiệu mang tên mình.
Cũng phải nói thêm rằng từ bé Valentino đã rất yêu điện ảnh, ông hay cố tình mè nheo để được chị gái dắt theo trong những buổi hẹn hò, và tình yêu điện ảnh đã ảnh hưởng rất lớn đến phong cách thời trang của ông. Bà Jacqueline Kennedy Onassis – phu nhân cố tổng thống Kennedy từng chọn thiết kế của Valentino để diện trong lần tái hôn của mình với ông Aristotle Onassis. Trong thời kì chịu tang tổng thống Kennedy bà hầu như chỉ mặc trang phục của Valentino.
Một điều ít người biết là Valentino thích thời trang những năm 40, 50, 60 nhưng rất ghét các xu hướng những năm 80, thậm chí kể cả thiết kế của chính ông vào giai đoạn đó, vì cho sự cân đối ở vai không phù hợp, rằng “tất cả đều khủng khiếp”.
Từ bốn điều trên ta có thể thấy nhà thiết kế Valentino có rất nhiều điểm dị biệt, nhưng có lẽ điều dị biệt nhất về Valentino lại không ở chính ông. Có một người đàn ông (có lẽ vì hâm mộ?) đã bắt chước Valentino, ông ta thậm chí còn cố tình xuất hiện ở các sàn diễn và đưa ra các lời chỉ trích dành cho các người mẫu. Nhưng dẫu sao nhân vật giả mạo này vẫn không ảnh hưởng gì mấy đến Valentino thật, người vẫn đang hưởng thụ lối sống xa hoa của mình như trước giờ vẫn thế.
Thực hiện: Hoàng Khôi