Ren – từ “bảo chứng” quyền lực đến trấn bảo của thời trang xa xỉ
Ngày đăng: 13/11/23
Bất kỳ chất liệu nào được sử dụng trong thời trang cũng thường có câu chuyện lịch sử của riêng chúng, thế nhưng để đề cập đến như một mã nguồn “quý tộc, xa xỉ và đắt đỏ” trường tồn hàng thế kỷ vẫn không trở thành những điều quá vãng thì hiếm có chất liệu nào sánh ngang tầm được với ren – một sự cao ngạo quyến rũ.
Một lịch sử vàng son
Ren là một loại vải trang trí dạng hở, lần đầu tiên được phát triển ở châu Âu vào khoảng thế kỷ XVI. Nghệ thuật làm ren được coi là một nghề thủ công cổ xưa đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp. Nguồn gốc chính xác của ren đến nay vẫn còn là một cuộc tranh cãi bất phân thắng bại giữa Venice (khi có nhiều minh chứng cho rằng ren liên quan đến thành phố này đầu tiên) và Flanders (vùng lãnh thổ ngày nay thuộc Bỉ). Do đó, nguồn gốc của ren khó có thể nói chính xác nhưng chúng dường như liên quan đến 3 nước Ý, Bỉ và Pháp (vùng Flanders nằm giữa Bỉ và Pháp).
Ren có 2 loại chính là ren kim và ren cuộn. Ren kim là loại ren được làm bằng kim và chỉ đơn trong khi ren cuộn đòi hỏi phải tết bằng nhiều sợi chỉ. Loại ren đẹp nhất cần đến tài năng và kỹ năng của ba chuyên gia riêng biệt: nghệ sĩ tạo ra các mẫu thiết kế trên giấy, người tạo mẫu đã “dịch” các mẫu thiết kế trước đó lên giấy da và người thợ ren làm việc trực tiếp trên mẫu để tạo ra thành phẩm.
Ren luôn là mặt hàng xa xỉ đắt tiền vì quá trình sản xuất rất công phu và tốn thời gian. Vì đặc điểm kết cấu mỏng nhẹ, tính kỳ công cũng như tinh tế cao mà ren nhận được rất nhiều sự ưa chuộng đến từ Hoàng gia và tầng lớp quý tộc. Mặc dù ren có vẻ phù hợp với trang phục phái nữ hơn do vẻ ngoài khá uyển chuyển, điệu đà nhưng ren lại bất ngờ được lòng cả phái nam như một dấu hiệu âm thầm khẳng định quyền lực cũng như sự giàu có lúc bấy giờ. Suốt hàng thập kỷ dài ren dường như đã trở thành nỗi “ám ảnh” bảo chứng cho quyền lực và địa vị của giới thượng lưu. Thay vì dát vàng, bạc, châu báu và một loạt cách thể hiện xa hoa “tầm thường” như trước, các quý ông, quý bà thi nhau mặc những bộ cánh được làm từ ren đắt tiền, công phu thuộc hàng thượng phẩm. Kể cả Vua Louis XIV của Pháp nổi tiếng với sự xa hoa cũng là một trong những người “cuồng nhiệt” với chất liệu này. Trong thời kỳ trị vì của ông, ren, đặc biệt là các loại Alençon và Argentan tinh tế cực kỳ phổ biến. Mũ đội đầu bằng ren cao đã trở thành mốt ở Pháp vào thời điểm đó. Bộ trưởng tài chính của Louis XIV-Jean Baptiste Colbert , đã củng cố ngành công nghiệp ren bằng việc thành lập các trường học và xưởng sản xuất ren trong nước. Cũng từ đó mà ren được coi là chất liệu “thượng đẳng” với một thời kỳ lịch sử vàng son.
Nhu cầu về ren thủ công của châu Âu tiếp tục không suy giảm cho đến cuối thế kỷ 18. Mãi cho đến khi Cách mạng Pháp nổ ra dẫn đến sự sụp đổ của Hoàng gia thì ren mới có sự suy giảm về ưu thế.
Trấn bảo của thời trang xa xỉ
Nhắc đến ren không thể nào không gọi tên Dolce & Gabbana. Ngay từ những ngày đầu thành lập thương hiệu, ren hay nói đúng hơn là ren đen đã trở thành mã nguồn sang trọng đặc trưng của nhà mốt đến từ nước Ý. Chúng ta hay nói về các thương hiệu thời trang xa xỉ và chất liệu gắn liền với tên tuổi như Chanel và niềm tự hào vải tweed, gabardine của Burberry,… và cũng như thế, ren đen luôn đi đôi với D&G như một thứ bảo trợ cho danh tiếng của thương hiệu này đến tận ngày nay.
Đối với D&G, bên cạnh vùng đất Địa Trung Hải quen thuộc “nhuộm bóng” phần lớn những BST với silhouettes đặc trưng “hoa hòe, vàng son sến sẩm” thì Sicily – nơi Domenico Dolce ra đời, gần như đã trở thành “chương tụng niệm” sắt son của 2 nhà thiết kế nổi danh này. Hình ảnh những người phụ nữ Công giáo miền Nam nước Ý tận tụy với nhà thờ và gia đình, luôn gắn liền cùng chiếc khăn trùm đầu đen bí ẩn lãng mạn dường như đã gắn bó, in hằng vào tâm niệm thiết kế, trở thành “modus operandi” chảy truyền trong mã gen nhà mốt. Kết hợp với âm hưởng Gothic, D&G đã đưa vào đại chúng những hình ảnh định nghĩa lại sự cao ngạo và xa hoa bật nhất của chất liệu ren, gắn chặt chúng như một trấn bảo “ngàn đời” của thương hiệu.
Từ sau khoảnh khắc Madonna diện chiếc áo nịt ngực đá quý và một chiếc áo khoác của D&G (được đặt hàng tại phòng trưng bày New York) tại Cannes để ra mắt bộ phim Truth or Dare: In Bed with Madonna của Alek Keshishian thì mối cơ duyên đưa D&G thành một trong những thương hiệu xa xỉ bật nhất chính thức bắt đầu.
Sau nhiều năm tạm rời xa ren để theo đuổi và truyền tải các yếu tố văn hóa Ý sặc sỡ một cách bao quát và đa dạng hơn, những năm gần đây 2 nhà thiết kế danh tiếng lại tìm về, phục nguyên và tiếp tục biên dịch loại mã nguồn đắt đỏ này. Thời kỳ huy hoàng tráng lệ và kinh diễm lại một lần nữa được tái hiện trong không gian có phần “đương đại” hơn.
Ngoài Dolce & Gabbana chễm chệ “ngôi vương” về “mảng miếng” ren, biên niên sử thời trang vẫn đâu đó chứng kiến những màn “nô đùa, dạo chơi” cùng chất liệu này từ các nhà mốt danh giá khác, phô diễn kỹ thuật hay đơn giản “đá sân”, mỗi khoảnh khắc đều góp phần nối kết vun dày lịch sử của ren nói chung.
Dưới đây là một số khoảnh khắc mang tính biểu tượng của ren trong cả thời trang lẫn văn hóa đại chúng:
Trong mùa Xuân-Hè 2021, lại một lần nữa Chanel, Fendi, Stella McCartney chọn ren để đưa vào BST của mình. Cách các thương hiệu “giải đề bài” khác nhau đem đến nhiều góc nhìn đa dạng hơn đến giới mộ điệu dù tổng thể vẫn tinh tế, dịu dàng và gợi cảm.
Một số looks ren ấn tượng trên sàn diễn gần đây
Thực hiện: Gia Uyên