7 quyển sách hay viết về Sài Gòn
Ngày đăng: 31/03/23
Sài Gòn phồn hoa, rực rỡ, tấp nập nhưng vẫn ẩn chứa nét bình dị, mộc mạc, thân thương.
Sài Gòn vẫn thế – ở là thương, đi là nhớ!
Mỗi cuốn sách dưới đây là mỗi khám phá thú vị, rất riêng về một Sài Gòn từ xưa đến nay của nhiều tác giả. Dù viết về khía cạnh nào thì ẩn chứa trong mỗi cuốn sách đều là tình người Sài Gòn hiện lên đầy chân thực. Cùng lật qua từng trang sách để cảm nhận về Sài Gòn theo cách của riêng bạn!
Sài Gòn Vang Bóng – Lý Nhân Phan Thứ Lang
Nếu bạn muốn tìm hiểu về Sài Gòn xưa thì cuốn sách Sài Gòn Vang Bóng của nhà báo Lý Nhân Phan Thứ Lang sẽ mang đến cho bạn nhưng tư liệu quý báu. Bạn sẽ tìm thấy những câu chuyện về chợ Bến Thành xưa và nay; chuyện về Dinh Xã Tây, tức tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện thời; chuyện Phủ đầu rồng tức Dinh Độc Lập được xây dựng như thế nào…
Những tư liệu về các di tích lịch sử, nhân vật nổi tiếng trong Sài Gòn vang bóng đã vốn rất quen, xưa cũ nhưng qua khúc xạ ký ức của tác giả vẫn có những góc lạ. Nhà báo Lý Nhân Phan Thứ Lang đã xử lý những tư liệu một cách thận trọng, có sự đối sánh ở nhiều góc độ, rà soát ở những nhân chứng sống.
Sài Gòn vang bóng không phải là “vang bóng một thời”, mà là sẽ luôn vang bóng, nếu chúng ta biết nhìn nhận, nâng niu, hành động để gìn giữ, xây dựng những vẻ đẹp của mảnh đất này.
Sài Gòn Chuyện Đời Của Phố – Phạm Công Luận
Sài Gòn Chuyện Đời Của Phố cất chứa khá chân thực những hình ảnh, cảm xúc, đồng thời đầy ắp các tư liệu mới lạ. Đây là một tác phẩm khảo cứu công phu, nghiêm túc, với rất nhiều tư liệu quý hiếm. Kinh nghiệm 30 năm viết báo cộng với sự tò mò cố hữu, tác giả đã ghi lại được nhiều câu chuyện thú vị qua những cuộc gặp gỡ và trao đổi với các nhân chứng cụ thể. Đọc giả sẽ tìm thấy câu trả lời mà không ít người sinh sống tại Sài Gòn nhiều năm từng thắc mắc: Người được đặt tên cho Ngã ba Ông Tạ là ai? Họa sĩ ký tên Duy Liêm trên các bìa nhạc tờ được ham mê trước đây đã sống và làm việc như thế nào? Lịch sử một gia tộc đã và đang sống ở Sài Gòn suốt nhiều đời nay? Lăng Cha Cả bắt đầu từ giai thoại nào của lịch sử?…
“Cuốn sách có nhiều hình ảnh xưa chưa công bố. Lật giở từng trang sách, người đọc có thể nhớ về Sài Gòn của một thời, những bìa báo xuân và đĩa nhạc xưa cũ, cội nguồn những tấm ảnh về các diễn viên nổi tiếng nay đã lui vào hậu trường, những sinh hoạt lạ lẫm của “hòn ngọc Viễn Đông” đầu thế kỷ 20, những câu chuyện kiếm sống đầy xúc động trên đường phố Sài Gòn – Gia Định và hồi ức Tết đậm đà thân thương.” – VnExpress
“Luận có nhiều “hàng độc” để viết lắm: những căn nhà cổ, những bức tranh giấy và tranh kiếng Lục Tỉnh Nam Kỳ, những tấm ảnh “minh tinh, tài tử”, những tờ nhạc, tập báo, quyển sách xưa hiếm. Anh “moi móc” từ những vựa ve chai ngoài đường và trên mạng cho đến những sưu tập cá nhân ở Việt Nam và hải ngoại, để đưa ra những tư liệu không chỉ bằng chữ viết, chữ in mà còn là hình ảnh, lời kể, bức tranh, bức tượng, cuộn phim sống động. Tất cả những nhân chứng, vật chứng ấy, thấm đậm – cái nôn nao đi tìm sự thật và vẻ đẹp của ngày xưa và người xưa. Thấm đậm – cái cách anh yêu Sài Gòn không ồn ào mà lại sâu lắng… Và rồi, trên cái vốn thông tin và tư liệu giàu có đấy, để viết được thành sách, Luận có được một sự quan sát tỉ mỉ và tìm kiếm nhẫn nại. Luận có được một thần thái, một cách viết nhẹ nhàng, không cần điệu nghệ, không cần khoa trương mà vẫn cháy bỏng tình yêu đất và người.” – Nhà báo Phúc Tiến
Tập sách như món quà rất duyên dành cho những ai yêu Sài Gòn.
Vọng Sài Gòn – Trác Thúy Miêu
“Người viết cuốn sách có tình yêu nồng nàn đến dữ dội đối với vùng đất Sài Gòn khiến cho bất cứ ai, dù sống ở đây chưa lâu hay có gốc gác nhiều đời ở vùng đất này, vừa cảm thấy gần gũi nhiều điều cuốn sách đề cập đến, vừa cảm thấy tình không đủ nặng, yêu chưa da diết và còn nhiều thờ ơ với nó, khi đọc những trang viết của Trác Thúy Miêu.” – Phạm Công Luận
“Đọc sách để thư giãn, nhưng không phải với cuốn này. Miêu viết là để bạn đọc đấu vật với tiềm thức của chính mình, cào xới đến sây xát cả tàng thức để tìm cho ra những hạt đậu tốt/xấu mà mảnh đất này để lại. Để biết mình đang yêu một thành phố như thế nào..” – (Liêu Hà Trinh – MC, diễn viên)
Tác giả của cuốn sách là Trác Thúy Miêu, một nhà báo, MC nổi tiếng, một người có cá tính vô cùng mạnh mẽ. Vọng Sài Gòn được đánh giá cao trong những cuốn sách viết về Sài Gòn, đem đến một luồng không khí mới lạ cho người đọc.
Cuốn sách tập hợp những bài tản văn về Sài Gòn từ phong cảnh, lối sống, trang phục hay những liên tưởng thú vị… Qua mỗi trang sách, người đọc cảm nhận gần Sài Gòn hơn một chút, hiểu và yêu chốn thị thành này hơn.
Với những người yêu và sáng tạo ngôn từ tiếng Việt, rất nên đọc cuốn sách này để tham khảo, học hỏi cách sử dụng ngôn từ của tác giả, để khám phá thêm sự thú vị và đẹp đẽ của tiếng Việt. Vọng Sài Gòn là cuốn sách rất cần sự tập trung, tĩnh lặng khi đọc để thưởng thức từng trang sách, bởi nếu vội, rất có thể bạn sẽ lướt qua những dòng văn hay ho.
Sài Gòn Bao Giờ Cũng Thế – Nguyễn Thị Hậu
Sài Gòn với bạn là ai? Là người phụ nữ sang trọng trong tấm áo dài tha thướt hay ông công chức lịch lãm bộ đồ Tây? Là bác xích lô niềm nở, chị hàng rong nhẹ nhàng lời mời chào? Là người miền Tây lên hay người vô từ miền Trung miền Bắc? Thậm chí, là “giang hồ” nơi bến cảng chợ búa hay kẻ liều lĩnh cướp giựt trên đường phố? Là nơi thu hút và luôn chấp nhận mọi hoàn cảnh, chia sẻ cơ hội cho mọi người, sau tất cả những phức tạp, bất ổn và cả những nguy cơ, sau cuộc sống gấp gáp ồn ào tựa như “vô cảm” của một đô thành lớn, người Sài Gòn vẫn dung dị bên ly cà phê mỗi sáng, ly bia mỗi chiều, bình thản bên máy tính hay tờ báo ngồn ngộn thông tin, cần thì vẫn lao ra đường làm ăn, khi bị xe của “trật tự đô thị” làm khó thì như chị hàng rong “vui vẻ mà chạy”, và những người mua ổ bánh mì hay ly cà phê vẫn chờ gặp chị để trả tiền và ngày mai họ vẫn ghé mua như thường lệ, để giúp một con người, một gia đình… Sài Gòn có bao nhiêu cuộc đời như vậy.
Sài Gòn là tất cả, một bức tranh đa dạng, sinh động, khó nắm bắt như những lớp sóng của dòng Cửu Long cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về mùa nước lớn, để rồi lớp phù sa màu mỡ từ từ lắng đọng nuôi cánh đồng lúa vàng và vườn cây trái ngọt lành.
Từ mọi vùng miền đến đây làm ăn kiếm sống và không ít người được sung túc, nhưng nếu ai đó trong số những người “lỡ dĩ” ở lại đây mà không đủ nghĩa tình để nhận ra Sài Gòn như một phần đời mình, chưa đủ yêu thương để thấy mình là một phần của Sài Gòn, chưa đủ mở lòng để thấy Sài Gòn như một quê hương thì cũng có sao đâu, Sài Gòn không lấy đó làm điều…
Chỉ khi đã đi xa rồi, có người mới nhận ra rằng mình đã gửi lại thành phố một phần trái tim.
Sài Gòn Ồ Bỗng Ngon Ghê và Sài Gòn Chở Cơm Đi Ăn Phở – Ngữ Yên
Không ngoa khi nói rằng, khó có nơi nào có được sự phong phú, nhiều màu sắc ẩm thực như Sài Gòn. Bởi vì là mảnh đất hội tụ người dân tứ xứ nên khắp Sài Gòn, bao nhiêu món ăn ngon, đặc trưng các vùng miền đều có thể tìm thấy ở nơi phồn hoa này.
Với tình yêu và tâm huyết dành cho Sài Gòn, tác giả Ngữ Yên đã viết nên những câu chuyện về ẩm thực, về sự dịch chuyển của những món ăn truyền thống, về cách ăn, cách làm nên những món ăn truyền thống mang dư vị Sài Gòn.
Từ câu chuyện ẩm thực, tác giả tái hiện bức tranh về đời sống Sài Gòn trong mắt của những người dân nhập cư một cách sống động. Ẩn đằng sau món ăn là lịch sử, là ân tình, ký ức, sự chuyển dịch của tâm tính cộng đồng. Người đọc bắt gặp giọng điệu hài hước, thâm thúy xuyên suốt 2 tập sách át cái “mùi” khô khan của sử liệu, khiến chuyện của trăm, ngàn năm trước sống động, thơm lành và quen thuộc như một bữa cơm nhà.
Người Sài Gòn Bất Đắc Dĩ – Võ Đắc Danh
“Nói thật, không yêu Sài Gòn thì đã không có tập sách. Sài Gòn là một thành phố bao dung, nhân hậu, là một tính cách mà không phải nơi đâu cũng có được”.
Tác giả Võ Đắc Danh từng chia sẻ chưa bao giờ có ý định lên Sài Gòn cũng như nghĩ rằng mình sẽ trở thành người Sài Gòn cả. Ngay từ tựa đề cuốn sách, tác giả thừa nhận: Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ mình là người Sài Gòn bất đắc dĩ. Những câu chuyện của mình đậm mùi quê hương, đậm tình đậm nghĩa với người nông dân là chính. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành người Sài Gòn cho đến khi gặp một sự cố sức khỏe cùng một vài lý do khác. Cho nên tôi luôn nghĩ mình là người Sài Gòn bất đắc dĩ”.
Qua những câu chuyện trong Người Sài Gòn Bất Đắc Dĩ, đọc giả có thể bắt gặp hình ảnh của chính mình, của những người khách xa lạ bỗng trở nên thân thuộc và thân thương. Dưới góc nhìn của một người dành tình yêu, tình thương thiết tha cho mảnh đất này, bạn sẽ thấy một Sài Gòn vẫn luôn đẹp, vẫn ấm cúng và vẫn luôn bao dung.
Không Gian Gia Vị Sài Gòn – Trần Tiến Dũng
“Đô thị nơi ta sống, nơi thiếu không gian, thiếu tiếng chim, thiếu biển, thiếu núi nhưng may mắn thay, không bao giờ thiếu không gian gia vị sinh tồn”. Tác giả Trần Tiến Dũng đã viết giản dị như thế về Sài Gòn trong cuốn tạp Không Gian Gia Vị Sài Gòn.
Tác giả chịu khó nhặt nhạnh các ký ức reo vui của mình về các món ăn, nhặt nhạnh các cảm giác đung đưa trên đầu lưỡi mà gia vị mang lại để làm nên tập sách trong trẻo về các món ăn đường phố Sài Gòn…
Với 29 bài viết gồm những tựa đề mời gọi như: Cà phê cóc Sài Gòn, đầu nguồn thông tin ngày mới; Cung cách người Sài Gòn dùng trà; Sài Gòn có quán cà phê bẹp; Mì chỉ cá, món ngon chánh gốc Chợ Lớn; Hủ tiếu chay Sài Gòn; Cơm tấm đêm Sài Gòn…, bạn đọc được dẫn dắt đến với Sài Gòn, ngồi xuống các quán ăn ăm ắp hương vị và đong đầy kỉ niệm…
Nguồn hương gia vị từ các món ăn, thức uống sẽ mời bạn vào một cuộc hành trình cảm thụ trọn vẹn từng khoảnh khắc hiện hữu, ở chính nơi chốn đang sáng tạo từng món ngon với sự ân cần nêm nếm vào đó gia vị tình yêu, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc từ đời này qua đời khác trong không gian bếp Việt.
Thực hiện: Bảo Lam
Nguồn: Tổng hợp