“Sàn nhảy thời trang” ở Studio 54 – Nguồn cảm hứng bất tận cho diện mạo mùa lễ hội
Ngày đăng: 11/11/23
Quay ngược về quá khứ, vào những năm 70s, sàn nhảy tưng bừng quy tụ biết bao ngôi sao Hollywood đình đám – Studio 54 chắc chắn sẽ là nguồn tư liệu tham khảo đáng tin cậy, dành cho các tín đồ thời trang đang rục rịch hoàn thiện diện mạo mùa lễ hội sắp đến.
Rất lâu trước khi Met Gala trở thành bữa tiệc dành cho siêu sao độc nhất thế giới, hay đại sảnh thời trang xa xỉ bậc nhất lịch sử, ngôi vương đó đã từng thuộc về Studio 54 – một hộp đêm ăn chơi khét tiếng mà không biết bao nhiêu người nổi tiếng trên khắp thế giới thường xuyên lui.
Trước khi đóng cửa vào giữa những năm 1980, không chỉ là một nơi để vui chơi, nhảy nhót, Studio 54 được xem là một trong những “thánh địa thời trang” vào cuối những năm 70 và đầu những năm 80. Không bàn luận đến những vấn đề gây tranh cãi của hộp đêm, không ai có thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng sâu sắc và đặc biệt của Studio 54 đối với thời trang. Điều này đến nay vẫn còn minh chứng rõ nét trong triều đại sáng tạo ở Celine và Saint Laurent. Giống như những quy tắc dành cho khách mời mà Met Gala đặt ra, không phải ai cũng có thể đặt chân vào Studio 54, trừ khi bạn là Andy Warhol, Mick và Bianca Jagger, Grace Jones, Liza Minnelli, Elizabeth Taylor,… hay những biểu tượng trong văn hóa đại chúng lúc bấy giờ. Tuy nhiên, một khi đã vào được hộp đêm thì “ai cũng đều tự do làm điều mình thích bên trong.”
Studio 54 đã tạo ra một di sản vượt xa những mục đích kinh doanh ban đầu của nó và nói không ngoa, đến tận ngày nay không có một câu lạc bộ nào có được tầm ảnh hưởng của Studio 54. Tầm ảnh hưởng của hộp đêm huyền thoại này không chỉ dừng lại ở thế giới thời trang mà còn cả trong phim ảnh, nghệ thuật. Bởi lẽ, đã có khá nhiều phim tài liệu hay những bộ phim dài tập trên màn ảnh rộng thuật lại những sự thăng trầm của Studio 54.
Nguồn gốc của hộp đêm bắt nguồn từ năm 1927. Ban đầu, nó được mở ra với tên gọi là Nhà hát Opera Gallo bởi Kiến trúc sư người Mỹ gốc Ý Eugene De Rosa. Mặc dù Gallo ban đầu được thiết kế để trở thành phòng khiêu vũ để tổ chức các sự kiện hấp dẫn nhất nhưng đến đầu những năm 1930, tòa nhà đã được sử dụng làm hộp đêm, khi đó nó được gọi là Casino de Paree.
Vào những năm 1940, nơi này đã quay trở lại bản chất thực sự của nó, với hình thức là một sân khấu cho Nhà hát New Yorker. Tua nhanh đến năm 1976, khi một người mẫu Đức tên là Uva Harden xuất hiện và làm nên lịch sử. Với mong muốn thành lập một hộp đêm ở thành phố New York, Harden và đối tác kinh doanh Yoram Polany đã đồng ý tiếp quản CBS Studio, từ đó cái tên Studio 54 chính thức xuất hiện (vì vị trí của nó nằm trên đường 54 ở Midtown Manhattan).
Mục tiêu của Studio 54 là đem đến một trải nghiệm vui chơi mới mẻ, hứa hẹn mở ra một không gian thư giãn khác biệt. Không chỉ có sàn nhảy disco xập xình, dàn âm thanh hoành tráng, bể bơi đẹp đẽ, Studio 54 liên tục được cập nhật như các hệ thống tạo hiệu ứng đặc biệt khác như hoa giấy, sương mù, tuyết,… hay nhiều thiết kế không gia sáng tạo khác.
Studio 54 được mở ra vào đúng thời kỳ đỉnh cao của kỷ nguyên nhạc disco. Tầm ảnh hưởng của nó mạnh mẽ đến mức nhiều người đã cho rằng “Studio 54 chính là cụm từ dễ hiểu dành cho disco.” Từ người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng Uva Harden cho đến những người tiếp quản Steve Rubell và Ian Schrager, cùng những ngôi sao nổi tiếng tham dự, tất cả bọn họ đã mở ra một kỷ nguyên sáng tạo mới, một thời đại mới mà sự linh hoạt về giới tính được tự do thể hiện, một tuyên ngôn về chính trị xã hội và một sân khấu để tất cả mọi người có thể sống thật với chính mình, trở thành một ngôi sao thực thụ chỉ trong một đêm. Chính vì thế, ở thời điểm đó Studio 54 luôn là một nơi huyên náo khiến mọi ngôi sao nổi tiếng tò mò.
Trong những năm vàng son của Studio (từ 1977 đến 1981), hộp đêm đã thu hút hàng nghìn ngôi sao từ các người mẫu, diễn viên, ngôi sao nhạc rock, nghệ sĩ, nhà thiết kế thời trang, chính trị gia, cho đến một số vũ công ba lê nổi tiếng.
Trong những năm vàng son của Studio (từ 1977 đến 1981), hộp đêm đã thu hút hàng nghìn ngôi sao từ các người mẫu, diễn viên, ngôi sao nhạc rock, nghệ sĩ, nhà thiết kế thời trang, chính trị gia, cho đến một số vũ công ba lê nổi tiếng. Từ Diana Ross chủ trì gian hàng DJ cho đến Bianca Jagger cưỡi ngựa trắng đến; từ những lọn tóc xoăn bồng bềnh của Mick Jagger và Farrah Fawcett, đến những lọn tóc xoăn kiểu disco của Donna Summer, đến đôi lông mày hoang dã và tóc mai của Elton John; từ những chiếc mũ kỳ quái của Grace Jones cho đến giây phút Pat Cleveland xoay tròn trên sàn nhảy,… tất cả đều là những khoảnh khắc hằng sâu trong biết bao thế hệ, và để lại cột mốc vàng son trong lịch sự thời trang và nghệ thuật.
Mặc dù, Studio 54 đã đóng cửa, sàn nhảy disco đã chẳng còn, nhưng bối cảnh thời trang ở hộp đêm luôn là một huyền thoại, một nguồn tư liệu uy tín dành cho mọi buổi tiệc và cả mùa lễ hội. Nhiều thập kỷ sau, tác động lâu dài của thời trang thập niên 70 và ở Studio 54 vẫn còn hiện diện và tồn tại trong những tủ quần áo đương đại với quần jeans cạp cao và áo cổ yếm, chi tiết cổ áo chữ V khoét sâu, chất liệu sequin lấp lánh, hàng tỷ bộ bodysuit bằng nhung, những chiếc váy sa tanh mềm mại lộng lẫy với những đường xẻ cao đến mức khiến bạn chóng mặt, quần short siêu ngắn, lớp trang sức layering đặc sắc, giày cao gót platform táo bạo,…
Dù chỉ còn lưu giữ trong những bức ảng trắng đen hay phai màu, nhưng khung cảnh hoàng kim, và hoang dại ở Studio 54 vẫn khiến làng mốt khao khát có thể du hành về quá khứ để sống trong trong khoảnh khắc tưng bừng đó một lần trong đời.
Dù chỉ còn lưu giữ trong những bức ảng trắng đen hay phai màu, nhưng khung cảnh hoàng kim, và hoang dại ở Studio 54 vẫn khiến làng mốt khao khát có thể du hành về quá khứ để sống trong trong khoảnh khắc tưng bừng đó một lần trong đời. Mùa lễ hội sắp đến, “sàn nhảy thời trang” của Studio 54 chắc chắn là bảng moodboard uy tín dành cho tủ quần áo tiệc tùng sắp đến của bạn:
Thắp sáng sàn diễn bằng những bộ bodysuit nóng mắt
Vào thập niên 70, bodysuit từng là một trong những món “vũ khí” lợi hại của phụ nữ và nó chính là bộ đồng phục của “bữa tiệc thời trang” tại Studio 54. Từ những thiết kế trong suốt xuyên thấu da thịt, đính đầy đá pha lê lấp lánh, được làm bằng chất liệu thể thao, cho đến sequin lộng lẫy, hộp đêm Studio 54 đem đến hàng loạt kiểu dáng studio độc đáo, phù hợp với tiêu chuẩn trang phục cho mọi buổi tiệc ở thời đại đấy và cả hiện tại. Ngoài những bộ bodysuit kiểu dáng đồ bơi, phái đẹp còn có thể diện các thiết kế kín đáo hơn với phần tay áo và quần dài, vừa thời thượng vừa đủ an toàn để diện ở các hộp đêm.
Với các thiết kế bodysuit ngắn cũn cỡn các nàng có thể mix&match cùng blazer khoác ngoài hoặc mặc thêm quần tất bên trong để tự tin hơn. Phái đẹp có thể thử nghiệm ở các kiểu thiết kế có pha trộn nhiều loại chất liệu như lông vũ và lưới xuyên thấu như Cher, hay khoét ngực táo bạo như Grace Jones.
Thanh lịch nhưng vẫn đúng chuẩn “Queen of party” với suits
Ở những năm 70s, xã hội loạn lạc, thời đại xuất hiện nhiều nền văn hóa nhỏ cũng như nhiều cuộc cách mạng thay đổi các quy chuẩn lỗi thời, chẳng hạn như về giới và nữ quyền. Bên cạnh những chiếc váy quyến rũ đầy nữ tính, những bộ suits vốn dĩ chỉ dành cho nam thường xuyên được phụ nữ tự tin diện ở hộp đêm Studio 54 và cả mọi ngóc ngách trên đường phố.
Với chất liệu satin bóng, thoải mái, những bộ suit may đo chuẩn chỉnh không chỉ khiến người mặc trở nên thanh lịch hơn, mà còn thoải mái với mọi điệu nhảy. Cùng với đôi vai rộng, vuông, những bộ suits của nữ lúc bấy giờ còn được cách điệu với đường chiết eo mượt mà, cùng phần ống quần loe điệu đà. Trong các buổi tiệc tưng bừng, phụ nữ còn ưa chuộng diện suit với cách mặc áo phanh ngực để tạo chi tiết ngực áo chữ V gợi cảm, hoặc phom dáng rộng rãi oversized. Phái đẹp còn có thể thử thách với nhiều loại chất liệu phù hợp với tinh thần tiệc tùng như sequin, hoặc kết hợp với lông vũ,…
Trở thành điểm sáng duy nhất trong đám đông với đầm dạ hội
Những chiếc đầm cocktail ngắn, hở lưng luôn là gương mặt quen thuộc trong mỗi buổi tiệc tùng, đặc biệt là ở Studio 54. Tuy nhiên, bên cạnh những kiểu dáng vượt thời gian đó, sàn nhảy Studio 54 còn quy tụ những chiếc đầm dạ hội, dài quét đất và nổi bật với các chi tiết đầy “dramatic”.
Làng mốt ắt hẳn không thể quên được cách Bianca Jagger giành trọn spotlight (như mọi khi) với một chiếc đầm lệch vai sang một bên một cách trang nhã, ca ngợi ảnh hưởng phóng túng của thời đại; hay cách Cher biến những chiếc đầm dạ hội cut-out thành biểu tượng thời trang bất tận của mọi thời đại.
Đối với những cô nàng hướng nội nhưng muốn trở thành “nữ hoàn tiệc tùng”, những chiếc váy lụa dáng dài, màu sắc đơn giản cổ yếm hoặc hở lưng sẽ là một gợi ý lý tưởng. Ngược lại, nếu bạn là tín đồ thích vẻ ngoài “extra” thì những chiếc váy làm bằng sequin vẩy cá, kết hợp chi tiết lông vũ hoặc hiệu ứng metallic sẽ là các đáp án mà nàng đang tìm kiếm.
Sành điệu vượt thời gian với quần jeans
Những diện mạo ở Studio 54 của Cher luôn là một trong những điều chứng minh được vị thế biểu tượng thời trang của nữ ca sĩ lúc bấy giờ. Làng mốt ắt hẳn còn nhớ như in thời khắc nữ ngôi sao xuất hiện trên sàn nhảy với chiếc quần jean và giày cao gót buộc dây vào những năm 70s.
Không chỉ có Cher, những người được mời đến Studio 54 cũng luôn tỏa sáng với những chiếc quần jeans ống loe vừa cổ điển vừa đủ sành điệu dưới ánh đèn sân khấu và những giai điệu âm nhạc tưng bừng. Nếu ngày trước, phái đẹp yêu thích diện quần skinny jeans với áo sơ mi dáng ôm hoặc áo croptop cổ chữ V, thì diện mạo mùa lễ hội vào thời đại mới được đặc trưng với chiếc quần baggy jeans rộng thùng thình, mix&match với hàng loạt kiểu áo mới. Bikini tops, tube top, áo cổ yếm, váy ruffle dáng ngắn,… đều là những gợi ý hàng đầu. Các quý cô văn phòng còn có thể phối cùng áo khoác oversized bên ngoài để vừa phù hợp chốn văn phòng, vừa tham gia tiệc tùng sau giờ làm.
Thực hiện Dory
Theo Vogue, WWD, Marie Claire, The Fashion Tag