Nhìn lại SR Fashion Business Talk Ep.14: “Tại sao chúng ta vẫn cần tạp chí thời trang?”
Ngày đăng: 26/03/22
Vào thứ Bảy ngày 26.03.2022, SR Fashion Business Talk lần thứ 14 đã chính thức trở lại sau một năm nhiều biến động và được tổ chức trong không gian hoành tráng của Trung tâm C Space – “nơi kết nối toàn diện” dành riêng cho những người làm sáng tạo.
SR Fashion Business Talk Ep.14 là số đầu tiên của năm 2022 nhằm khai phá một chủ đề tưởng cũ nhưng lại rất mới trong thị trường thời trang, tưởng chừng như đang lỗi thời nhưng lại đang rất được giới trẻ quan tâm hiện nay: “Tại sao chúng ta vẫn cần tạp chí thời trang?”
Trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ và những nền tảng kỹ thuật số khiến người đọc thay đổi thói quen tiếp cận thông tin và tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đến tạp chí thời trang. Có những tác động tích cực, và cả những tác động tiêu cực mà qua đó, để lại những đánh giá sai lệch, chưa đúng đắn về vai trò của tạp chí trong ngành công nghiệp thời trang.
Với chủ đề vừa cũ vừa mới “Tại sao chúng ta vẫn cần Tạp chí thời trang?”, Style-Republik mong muốn mang lại góc nhìn thực tế và chính xác hơn về vị thế của tạp chí – loại ấn phẩm gắn liền với lịch sử của ngành thời trang qua vô vàn thăng trầm, cái nôi của thời trang cũng như bệ phóng của hàng loạt các tên tuổi, thương hiệu – giúp những người làm trong ngành sáng tạo và thời trang, những chủ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vai trò và tầm quan trọng của tạp chí thời trang trong thời đại số. Đồng thời, đây là cơ hội để bàn luận những chiến lược tương lai nhằm giữ vững vị thế của tạp chí trong ngành công nghiệp thời trang.
Độ nóng của chương trình lần này còn được tăng cao với dàn khách mời đình đám nhất ngành thời trang, đặc biệt là tạp chí thời trang. Đó chính là 3 giám đốc sáng tạo của ba tờ tạp chí có thể nói là nổi tiếng nhất Việt Nam – Dzũng Yoko, Creative Director tại Elle Vietnam, Hà Đỗ, Creative Director tại Đẹp Magazine, Alex Fox, Creative Director tại L’Officiel Vietnam.
Đây là lần đầu tiên họ sẽ cùng nhau ngồi lại đối thoại cùng một diễn đàn với một chủ đề vốn đã quen thuộc. Từ đó, có thể rút ra nhiều bài học bổ ích những ai yêu thích lĩnh vực sáng tạo và tạp chí thời trang. Đối với dàn khách mời, đây đồng thời là dịp để mọi người có thể truyền cảm hứng hoặc tạo cơ hội hợp tác với nhau trong tương lai.
Tạp chí thời trang – một thế giới lộng lẫy và niềm đam mê từ bé
Là một người bắt đầu hoạt động làm tạp chí thời trang sớm nhất, chị Hà Đỗ đã có một vài chia sẻ về khoảng thời gian đầu tiên bước vào nghề cũng như cơ duyên gặp được tạp chí Đẹp – một trong những tạp chí đầu tiên của Việt Nam và của người Việt tạo nên. Từ khi bé, chị đã có một niềm đam mê, một tình yêu lớn đối với tạp chí. Thời trước khi tạp chí thời trang ở Việt Nam vẫn chưa được phổ biến và chỉ đơn giản là những quyển tập giấy được in trắng đen thì những quyền tạp chí thời trang ở nước ngoài như Elle hay Vogue của người thân mang về đã là những món quà quý giá đối với chị. Lúc ấy, tạp chí thời trang được chị ví như một thế giới vô cùng lộng lẫy với những nhiều hình ảnh đẹp cũng như một mùi hương hấp dẫn. Không chỉ ấn tượng với người mẫu, quần áo hay mùi hương mà chị Hà Đỗ còn ngưỡng mộ tài năng, hơi thở sáng tạo riêng biệt, khả năng diễn tả hình ảnh và công sức của những người đứng sau các tấm ảnh kia. Từ đây bằng sự tò mò và niềm đam mê của mình, chị đã quyết định theo đuổi con đường làm tạp chí thời trang.
Con đường đấy là những lần đầu tiên tham dự show diễn thời trang, có cơ hội tiếp xúc, học hỏi với những bậc tiền bối trong ngành tạp chí ở Việt Nam hay những chuyến đi, trải nghiệm dưới vai trò là một thực tập sinh ở một tờ tạp chí nước bạn,… tất cả đã và đang tạo nên một người phụ nữ nổi tiếng, quyền lực trong ngành sáng tạo nói chung và tạp chí thời trang nói riêng.
Khi bắt đầu cơ duyên với tạp chí Đẹp, từ một người chỉ đứng đầu một mục báo nhỏ trong tạp chí đến một cương vị mới, đầy thách thức – Creative Director (Giasm đốc sáng tạo) thì chị cũng không thể tránh được những khó khăn trong môi trường mới như tạo dựng ekip riêng cho mình từ nhiếp ảnh, người mẫu đến makeup artist. Cơ duyên đấy còn đồng hành cùng những người bạn bè, thật tình cờ khi chị bắt đầu làm giám đốc sáng tạo cho Đẹp thì bạn bè cùng cũng nhau tham gia vào con đường sáng tạo tương tự, tạo nên cơ hội cạnh tranh, từ đó có thể học tập, trao dồi và tiếp thêm động lực cố gắng cho nhau.
Art Director và Creative Director
Cách đây hơn 10 năm trước, khi thị trường tạp chí thời trang ở Việt Nam bắt đầu “nở rộ” với nhiều tên tuổi nổi bật như tạp chí Mốt, Her World, Đẹp, Elle, Harper Bazaar, L’Officiel,…thời điểm này tạp chí cũng thu hút được nhiều độc giả, nhưng có hai khái niệm tồn tại trong ngành có thể gây ra nhiều nhầm lẫn như Art Director và Creative Director. Các vị khách mời đã có vài dòng chia sẻ về sự khác nhau cũng như vai trò của hai khái niệm.
Anh Dzung Yoko: Theo kinh nghiệm của anh, công việc của Art Director sẽ thiên về mặt sáng tạo nghệ thuật cho ấn phẩm nhiều hơn.
Anh Alex Fox: Nếu Art Director tập trung chủ yếu về hình ảnh nghệ thuật thì Creative Director sẽ bao hàm nhiều việc hơn, không chỉ về mặt layout hình ảnh, mà còn nội dung, nằm ngoài khuôn khổ sáng tạo cũng như kết hợp với những phương thức marketing.
Linh hồn của tạp chí thời trang
Người ta nói linh hồn của tạp chí thời trang là những bộ ảnh, và giám đốc sáng tạo là người làm nên linh hồn đó hay hiểu nôm na là giám đốc sáng tạo sẽ là linh hồn của tạp chí thời trang. Khẳng định này đúng hay sai?
Anh Alex Fox: Creative Director là linh hồn của tạp chí thời trang ắt hẳn là một khẳng định đúng nhưng chính xác hơn thì những con người sáng tạo nên được gọi là “nô lệ” thì đúng hơn vì giám đốc sáng tạo phải can thiệp vào rất nhiều việc chứ không đơn thuần là bộ ảnh, layout của từng ấn phẩm, bài viết,… cũng là những yếu tố cần được quan tâm.
Những bộ ảnh duy mỹ trên tạp chí
Quy trình làm ra một bộ hình trong tạp chí của các giám đốc sáng tạo?
Anh Dzung Yoko: Quy trình để làm ra một bộ hình gồm rất nhiều bước nhưng moodboard là yếu tố quan trọng nhất và đáng được đầu tư, bàn bạc cẩn thận, tỉ mỉ và kỹ lưỡng trước khi thực hiện bất kỳ dự án hay bộ hình nào. Bên cạnh đó sức mạnh tập thể, group work cũng nên được đề cao vì cách làm việc này chính là cơ hội để mọi người cùng đóng góp ý kiến về một vấn đề, giúp chúng ta có nhiều cơ hội để học hỏi và trau dồi kiến thức, kinh nghiệm. Với công việc sáng tạo, một khối óc của một người chắc chắn sẽ không thể nào sánh bằng sức mạnh của tập thể.
Bìa tạp chí luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm từ trước đến nay. Vậy các nhà giám đốc sáng tạo có thể chia sẻ thêm về những câu chuyện thú vị xung quanh bìa tạp chí?
Anh Alex Fox: Trang bìa của một tạp chí được xem là một bản tóm tắt tất cả những nội dung của một tờ tạp chí, một tiếng nói đại diện, thu hút người đọc trong những cái nhìn đầu tiên. Vì thế, việc chọn người lên bìa cũng phải được tính toán và dồn hết mọi tâm huyết. Ngoài ra, nó cũng phụ thuộc nhiều yếu tố khác như marketing, nội dung,… Trang bìa còn là mọi sự cố gắng, nỗ lực của tất cả ekip, niềm tự hào không chỉ của những người làm ra nó mà các ngôi sao cũng phải cảm thấy tự hào và trân trọng.
Chị Hà Đỗ: Trang bìa kết tinh tinh hoa, tinh thần, theme của một số báo trong một tháng. Khi sản xuất ra trang bìa cho Đẹp, mỗi tháng đều là một thử thách cho chị Hà Đỗ vì các khó khăn xung quanh câu chuyện logo, nảy sinh ra nhiều hạn chế trong bố cục, bộ ảnh,…Tấm ảnh được lên bìa là khoảnh khắc vô cùng ngẫu nhiên đem lại nhiều cảm giác đặc biệt, khó tả – nó có thể là một biểu cảm ngẫu nhiên, một sợi tóc vô tình bay ngang mặt,…
Anh Dzung Yoko: Qúa trình tạo ra một trang bìa cho ấn phẩm của tháng là một cảm giác vô cùng trọn vẹn, vui có buồn có cũng như mang để lại những cảm giác vấn vương, khó phai trong lòng của những người làm sáng tạo.
Định hướng sáng tạo của từng tạp chí thời trang và lối đi cũng những nhà giám đốc sáng tạo
Là ba tờ tạp chí khác nhau với sự sáng tạo, góc nhìn nghệ thuật từ ba người giám đốc sáng tạo tài năng khác nhau, vậy các khách mời có thể chia sẻ thêm về định hướng sáng tạo của tạp chí của mình?
Anh Alex Fox: Đối với L’Officiel thì định hướng sáng tạo có lẽ sẽ thiên về giới trẻ nhiều hơn, có một chút gì đó “ồn ào” hơn, “bold “hơn, hở hang hơn, chất sáng tạo cũng không thực tế thiên về những điều mơ hồ những luôn có sức hút khó cưỡng.
Chị Hà Đỗ: Nếu những tạp chí thời trang là những cô gái riêng biệt, cá tính, hoài bão khác nhau thì cô gái Đẹp sẽ là cô nàng đậm chất nội địa, đậm chất Việt, cô gái local vì không phụ thuộc vào bất kỳ “guideline” nào từ nước ngoài như các tạp chí như Elle hay L’Officiel, nên cô gái Đẹp là một cô nàng độc lập, phụ thuộc hoàn toàn vào các cộng sự cùng làm việc với mình. Cô gái Đẹp còn là một người con gái đằm thắm, có độ sâu sắc nhất định, mặn mòi qua thời gian được thể hiện qua chiều sâu của bài viết, hình ảnh cũng có một độ chín nhất định. Ngoài ra luôn thể hiện những vấn đề mang tính thời sự, họ không chỉ biết ăn diện đẹp đẽ mà còn biết quan tâm đến các vấn đề. Cũng có những số cô gái Đẹp cũng thể hiện được độ điên của mình. Tất cả đều xuất phát từ sự sáng tạo và chị rất mong chờ cho những đổi mới trong tương lai.
Anh Dzung Yoko: Elle vốn là tạp chí thuần dành cho phụ nữ. Cô gái của Elle là những cô nàng vô cùng sành điệu, thích thời trang, quan tâm thời trang, xã hội nhưng theo một hướng tích cực, lành mạnh, và có lối sống rất lành mạnh. Bản thân anh Dzung, bên trong luôn tồn tại hai khía cạnh khác biệt rõ ràng: Dark side – Bright side. Khi bắt đầu làm theo định hướng của Elle dường như chưa quen và gặp không ít khó khăn nhưng chính trải nghiệm đó anh đã rút được cho mình nhiều bài học quý giá. Không chỉ giúp mình thấu cảm được niềm vui mà còn nhận ra được – sáng tạo là một công việc chứ không đơn thuần là làm những gì mình thích – mà phải theo sát những “guideline” của công việc nhưng cũng không quên thêm chút “gia vị” của bản thân. Sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, mỗi tạp chí đều khác nhau và được thể hiện dưới nhiều góc độ nhưng chúng đều là những giá trị nghệ thuật vô giá không thể so sánh với bất cứ thứ gì cũng không thể cân, đo, đong đếm.
Tạp chí thời trang luôn được ví là một giấc mơ đẹp, giấc mơ hào nhoáng, ước mơ của nhiều người nhưng các nhà giám đốc sáng tạo đã “vẽ” chúng như thế nào để có thể thu hút được giới mộ điệu?
Anh Dzung Yoko: Từ một góc nhìn từ vấn đề thực tế, đậm chất đời nhưng qua khối óc sáng tạo thông điệp đó phải được thể hiện một cách vô cùng đặc biệt, dưới sự biến tấu của người sáng tạo – biến những điều bình thường thành phi thường. Không ai nghĩ những khung cảnh bình dị, yên ã, đồng quê của Việt Nam lại được thể hiện một cách mỹ miều, mang tính thời trang vô cùng cao.
Chị Hà Đỗ: Tạp chí Đẹp cũng được nhiều người biết đến với nhiều bộ hình được ví những bộ phim tài liệu ở nhiều vùng đất ở Việt Nam. Những lần trải nghiệm đến các vùng đất mới đấy đều là cơ hội để mở mang tầm mắt, có thể chạm được đến những vẻ đẹp tự nhiên thực tế để thể hiện nó dưới lăng kính nghệ thuật, thời trang. Thật đúng khi nói người sáng tạo không thể đứng yên, bạn phải đi thật nhiều để học thật nhiều và để hòa nhập vào cuộc sống để mới có thể tạo ra những giá trị sáng tạo vô giá. Mỗi khi bắt đầu bắt tay vào một dự án nào đó, giai đoạn phát ý tưởng (reproduction) là một giai đoạn thú vị nhất vì lúc này mình được học được nhiều thứ, tự mình tìm tòi để có thể làm ra sản phẩm tốt nhất.
Anh Alex Fox: Đối với bản thân anh, những điều có sẵn, tự nhiên được tạo ra không phải là những điều mà anh theo đuổi. Góc nhìn sáng tạo của anh có lẽ thiên về chủ nghĩa siêu thực, những vẻ đẹp mơ hồ nhân tạo. Quả núi nhọn qua lăng kính sáng tạo của anh sẽ có thể là một khối vuông vức. Và thế giới sáng tạo của Alex Fox sẽ là một bức tranh riêng tư của anh ấy và sẽ được chia sẻ với thế giới bên ngoài.
Màn tối sau ánh hào quang
Công việc tạp chí thời trang hay thời trang nói chung luôn là bức tranh hào nhoáng, hoa mỹ và vô cùng lộng lẫy, được tiếp xúc với nhiều người nổi tiếng cũng như tham gia nhiều sự kiện,… Vậy phía sau lớp lấp lánh đấy sẽ tồn tại những mặt tối nào?
Anh Alex Fox: Bắt đầu tham gia vào làng công việc tạp chí thời trang sau cùng, không được trải qua thời hoàng kim của tạp chí, nên cũng có thể chưa được trải qua nhiều khó khăn, căng thẳng. Công việc tạp chí thời trang cũng giống như nhiều công việc văn phòng bình thường cũng có nhiều khó khăn, thăng trầm khác nhau, nhưng điều khiến nó luôn “fancy” và hoàn mỹ chính là niềm đam mê bất tận của những con người làm việc bên trong
Chị Hà Đỗ: Những bức ảnh trên tạp chí thời trang không chỉ là thế giới lộng lẫy mà còn là một công việc kinh doanh như chị Mi từng chia sẻ “Fashion is Business”. Cái hay trong công việc thời trang là sự truyền giáo – đây cũng là điều chị Hà Đỗ thích thú đằng sau ngành tạp chí. Cũng giống như những câu chuyện duy trì hình ảnh, tên tuổi đằng sau của những thương hiệu trên thị trường, những giá trị trong tạp chí cũng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, học hỏi từ di sản quá khứ để có thể cải thiện trong tương lai.
Anh Dzung Yoko: Thời hoàng kim của tạp chí chắc chắn đã qua, những buổi chụp hình cho ấn phẩm tạp chí mới cũng không còn được thả nhiều bản tính, phong cách cá nhân nhiều vào nữa, sự tự do cũng bị hạn chế. Vì thế ngày nay chắc chắn sẽ áp lực hơn rất nhiều, tạp chí hiện nay cũng giống như một kênh bán hàng nhưng có một chút nghệ thuật và những câu chuyện truyền cảm hứng. Đây còn là một sự kết hợp hòa hợp giữa sáng tạo và thương mại. Tạp chí thời đại ngày nay không chỉ là ấn phẩm bản in mà còn tổng hợp từ nhiều kênh nhiều dạng thức như social platform, digital, hay video,… nên áp lực ngày càng nhiều. Lúc đầu làm cũng chưa thể thích nghi ngay lập tức nhưng sự áp lực và khó khăn đó chính là động lực và cho anh nhiều bài học.
Các nhà sáng tạo đã chịu những áp lực gì trong công việc?
Đối với anh Alex, áp lực từ lời khen, lời che hay dư luận xã hội đều là những là ý kiến của người khác nên bản thân cũng không muốn quan tâm quá nhiều. Quan trọng chính là cảm nhận của mình và team làm việc sau những giờ nỗ lực làm việc. Còn với chị Hà Đỗ, áp lực có lẽ là sự hạn chế trong ý tưởng và sáng tạo khi kết hợp với nhiều nhãn hàng cùng như những yêu cầu của họ.
Những giá trị mà không có bất kỳ nền tảng xã hội nào có thể vượt qua được tạp chí thời trang bản in
Trong suốt thời gian bùng nổ kỹ thuật số vừa qua, đặc biệt sau thời kỳ đại dịch, thói quen sử dụng mạng kỹ thuật số ngày càng phổ biến, tần suất tăng cao. Các nhãn hàng đều đang thay đổi cách truyền thông bằng việc tiến công vào thế giới metaverse, gaming, tiền ảo/NFTs để tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng thế hệ mới…Đối tượng độc giả, cảm nhận cũng không còn bị thu hút bởi tạp chí, thay vào đó là những nền tảng xã hội như Instagram, TikTok,… vì thế cách cảm nhận của họ ắt hẳn sẽ không “sâu” bằng các thế hệ trước. Các nhà giám đốc sáng tạo có nhận định gì và lời khuyên nào đối với cách cảm nhận nghệ thuật của thế trẻ ngày nay?
Theo anh Alex Fox, dòng chảy công nghệ này khó có ai có thể ngăn chặn được, cho nên mình phải thích nghi và học hỏi từ những gì đang xảy ra. Hiện nay, tạp chí giấy không còn là nơi để mọi người tiếp nhận thông tin nữa, đặc biệt đối với tạp chí L’Officiel, tạp chí bản in là nơi của những câu chuyện truyền cảm hứng từ nhiều nhân vật khác nhau. Khi cầm tờ tạp chí trên tay, mọi người sẽ có cơ hội sống “chậm” lại với những thông tin chính xác giữa dòng đời xô bồ, giữa luồng thông tin tràn ngập trên xã hội. Những tấm hình trên nền tảng xã hội thông qua màn hình vi tính sẽ không bao giờ thể hiện được những giá trị nghệ thuật như trên tờ in tạp chí thể hiện. Ngoài ra, tạp chí còn có có tính “decoration” rất cao, truyền cảm hứng mỗi khía cạnh trong cuộc sống của mình. Khi được một đội ngũ chuyên nghiệp chắt lọc từng nội dung, từng hình ảnh vô cùng tỉ mỉ thì tại sao các bạn trẻ lại không sở hữu cho mình những quyển tạp chí cho mình?
Còn đối với anh Dzung, chúng ta cũng không bao giờ thay đổi dòng chảy kỹ thuật hiện đại nhưng nếu khi chúng ta bị “nhấn chìm” quá sâu vào thế giới ảo đó thì nó sẽ mang lại cho ta nhiều nguồn năng lượng tiêu cực, ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần. Tạp chí thời trang sẽ là nơi chữa lành tinh thần của mọi người sau những cuộc căng thẳng từ công việc, cuộc sống và mạng xã hội với loạt câu chuyện thú vị, hình ảnh đẹp, một media platform bổ ích với kiến thức quý giá, chính thống, trung thực và lành mạnh.
SR Fashion Business Talk Ep.14: Tại sao chúng ta vẫn cần tạp chí thời trang? tạm khép lại. Cảm ơn các khách mời đã chia sẻ cùng chương trình. Cảm ơn nhà tài trợ C Space đã đồng hành cùng chúng tôi trong chương trình lần này. Chương trình còn có nhiều chia sẻ ngoài lề thú vị và những lời giải đáp hữu ích từ khách mời cho người nghe. Video chương trình SR Fashion Business Talk Ep.14 sẽ được cập nhật trên kênh Youtube của Style-Republik! Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình lần sau!
Thực hiện: Huỳnh Trân