Stella McCartney – “Chúng ta không có 20 năm để chờ đợi sự chuyển đổi bền vững của ngành thời trang”
Ngày đăng: 18/11/21
Đầu tuần vừa qua, Stella McCartney đã cùng ngồi thảo luận tại hội nghị Biến đổi khí hậu COP26 (United Nations Climate Change Conference 2021) cùng với Thái tử Charles và John Kerry – Đặc phái viên của tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu. Sau một ngày dài thảo luận về những khủng hoảng biến đổi khí hậu, Nhà thiết kế (NTK) đã không quá bất ngờ khi nhận thức được rằng ngay cả món steak quen thuộc cũng chính là một tác nhân góp phần gây biến đổi khí hậu. Bò chính là một nguồn đóng góp rất lớn đối với việc gia tăng khí thải nhà kính. Từ ngành công nghiệp thịt, mối quan tâm về ngành thời trang bền vững được liên đới chẳng xa xôi.
Stella McCartney – với sự nghiệp trải dài xuyên suốt 30 năm trong lĩnh vực thiết kế thời trang, đã luôn chối từ việc sử dụng da động vật trong các sáng tạo của mình, cũng như luôn đề cao việc cảnh tỉnh toàn ngành về những tai họa do biến đổi khí hậu mà thời trang chính là tác nhân trong nhiều thập kỉ, ngay cả trước khi nó trở thành một chủ đề được bàn luận nhiều như hiện tại.
Tại COP26, McCartney muốn các nhà lãnh đạo thế giới phải nhận diện được chính xác về mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của thời trang đối với mọi sự sống trên hành tinh. Chính NTK cũng không thực sự tin rằng các công ty, doanh nghiệp lớn sẽ tự nguyện sửa đổi, nên bằng việc tác động đến những chính trị gia từ khắp mọi nơi trên thế giới để cùng ban hành luật định đối với ngành công nghiệp thời trang, với giải pháp đưa ra án phạt nặng nề – vốn dĩ đã trở thành điều hiển nhiên đối với những nhóm ngành gây ô nhiễm môi trường khác như hàng không hay vận tải. NTK tin rằng điều này sẽ khiến cho ngành thời trang bị buộc phải thay đổi theo hướng tích cực.
Nhưng đối với tốc độ, lẫn sản lượng ô nhiễm mà ngành công nghiệp này đang gây ra, câu hỏi quan trọng nhất vẫn chính là liệu những cưỡng chế bắt buộc thay đổi sẽ được áp dụng nhanh chóng để kịp thời ngăn chặn những thảm họa khí hậu hay không?
Hành trình trở thành thương hiệu tiên phong vì môi trường của Stella McCartney
Ngành công nghiệp thời trang toàn cầu trị giá 2,5 nghìn tỷ đô la, sản xuất 80 tỷ sản phẩm may mặc mỗi năm – là một yếu tố đóng góp đáng kể vào biến đổi khí hậu. McKinsey ước tính ngành này chịu trách nhiệm cho 4% lượng khí thải nhà kính toàn cầu vào năm 2018, bằng sản lượng khí thải của Pháp, Đức và Anh cộng lại. Trong vài năm qua, các thương hiệu thời trang — từ Gucci đến Allbirds cho đến H&M — đã nói về việc hướng tới các hoạt động sản xuất bền vững hơn. Nhưng nhìn chung, thời trang không đi đúng hướng để đáp ứng các mục tiêu giảm thiểu khí thải cần thiết để kịp ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Nguyện ước khiến cho ngành công nghiệp thời trang trở nên bền vững hơn của Stella McCartney có khởi điểm từ sự quả quyết đấu tranh cho quyền lợi động vật của NTK. Bậc sinh thành của cô – Paul và Linda McCartney – vốn dĩ là những người mạnh mẽ ủng hộ việc ăn chay. NTK lớn lên và trở thành một người ăn chay trường đồng thời, cũng như rất tỏ tường về những mặt tối của ngành công nghiệp sản xuất thịt. Từ khi còn là một sinh viên thời trang vào thập niên 90, cho đến khi thiết lập nên thương hiệu của riêng mình vào năm 2001, McCartney đã từ chối sử dụng những sản phẩm từ động vật. Đây được xem là một quyết định liều lĩnh, khi lông thú và da động vật được xem là nguyên liệu của ngành hàng xa xỉ.
Trong suốt hai thập kỷ vừa qua, doanh nghiệp của McCartney trở thành tiếng nói quan trọng trong ngành trong việc theo đuổi tuyến tính bền vững. Các cửa hàng của cô được cung cấp năng lượng tái tạo và trang bị đồ nội thất mua tại các doanh nghiệp địa phương hoặc thông qua đấu giá. Cô thiết lập và công khai dữ liệu về lợi nhuận & lỗ lãi khi thực hành kinh doanh vì môi trường theo tiến trình thường niên. Tài khoản này kê khai các tác động tới môi trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng một cách minh bạch. Cô sử dụng vải cashmere tái chế, bông hữu cơ và vải viscose có nguồn gốc từ các khu rừng bền vững được chứng nhận ở Thụy Điển.
Đã đến lúc phải đặt ra luật lệ cho toàn ngành thời trang
Stella McCartney tin rằng có rất nhiều điều mà chính phủ có thể làm để hạn chế sự ô nhiễm của ngành. Một điều qua trọng nhất là đặt ra luật định để bắt buộc các công ty phải theo dõi sát sao những tác động đến môi trường của hoạt động kinh doanh, và phải minh bạch công khai những dữ liệu, báo cáo liên quan theo từng năm. Đây vốn dĩ là một điều bắt buộc đối với ngành hàng không. NTK nói rằng bản thân công ty của cô đã phải tìm ra phương cách để theo dõi hiệu quả những tác động đến môi trường từ những ý tưởng sơ khai ban đầu, và liên tục hợp tác với những chuyên gia trong ngành.
Điều xảy ra sẽ là mỗi thương hiệu sẽ có cách thức đo lường và hệ thống của riêng họ. “Nhưng trước khi có thể thay đổi bất cứ điều gì, thì bản thân mỗi doanh nghiệp cần phải đo lường được mức độ ảnh hưởng của chính mình,” NTK chia sẻ. “Hiện tại chỉ có rất ít những thương hiệu đang làm điều này, và không một ai có cùng cách thức hay hệ thống đo lường tương đồng.”
McCartney cũng tin rằng chính phủ hoàn toàn có thể ngăn chặn hành vi “greenwashing” – vốn dĩ được dùng để che đậy những hành vi sản xuất thiếu bền vững, hoặc dẫn dắt người tiêu dùng có nhận thức sai lệch về mục đích của thương hiệu khi theo đuổi tính bền vững. Hiển nhiên, vấn đề này đang ngày một gia tăng trong ngành thời trang, chẳng hạn như một thương hiệu tiếp thị sản phẩm của mình được làm từ polyester tái chế hay sợi bông hữu cơ, nhưng sự thật là chỉ có một sản lượng rất nhỏ những mẫu thiết kế được làm từ các chất liệu này.
Cũng giống như những luật định nghiêm cấm các doanh nghiệp đưa ra những lời tiếp thị sai lệch về công dụng hay nguồn gốc của sản phẩm, thì các doanh nghiệp thời trang – dưới sức ép của chính phủ cũng sẽ phải có trách nhiệm đối với những lời tuyên bố về tính môi trường mà họ đưa ra công chúng.
McCartney cũng tin rằng đánh thuế cũng sẽ là một giải pháp hữu ích. Chính phủ có thể đánh thuế cao hơn đối với việc nhập khẩu những sản phẩm được làm từ các nguồn nguyên liệu gây ô nhiễm môi trường, chẳng hạn như polyester hay da. Ngược lại, chính phủ cũng có thể tạo ra động lực về kinh tế cho các doanh nghiệp sử dụng các chất liệu tái tạo.
“Rất nhiều những NTK trẻ hay sinh viên của ngành kinh doanh du nhập vào ngành thời trang với nguyện vọng được làm việc trong một mô hình kinh doanh sạch,” Stelle McCartney chia sẻ. “Chúng ta phải khuyến khích thế hệ kế cận của ngành thời trang bằng cách tạo ra những khoảng trống về thuế nếu như họ đang làm những việc đúng đắn. Đó chính là cách để chúng ta tạo ra một tương lai của thời trang bền vững.”
Cần phải tăng tốc sự đổi mới trong ngành thời trang bền vững
Việc đề ra những luật định là điều quan trọng nhất, nhưng ngay cả khi Stella McCartney rất mong chờ vào điều này, cô cũng hiểu rằng sự thay đổi như vậy sẽ cần đến thời gian. Đây là lần đầu tiên cô được tham dự COP (Stella McCartney là đại diện duy nhất trong ngành thời trang), nhưng trước đó NTK đã tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 hay Davos, và đã mạnh bạo đưa ra những cuộc tranh luận về vấn đề thiết lập ra điều luật.
Cô tin rằng việc thiết lập luật sẽ chắc chắn xảy ra, nhưng trong khi đó, công nghệ cũng có thể trở thành một phần quan trọng của việc khiến cho điều này xảy ra nhanh chóng hơn. Trong vai trò là một nhà thiết kế, McCartney hiểu rõ tầm quan trọng cả những sáng kiến trong việc tạo ra những chất liệu bền vững, và đưa những chất liệu đổi mới này vào trong các bộ sưu tập của mình.
Khi mà COP26 đã thu hút rất nhiều những tổ chức kinh tế và các tỷ phú như Jeff Bezos và Bill Gates, cô cũng đánh tiếng ủng hộ việc những nhà lãnh đạo này bắt đầu đầu tư vào những công nghệ đang phát triển, mà nhờ đó việc mở rộng quy mô sẽ trở nên nhanh chóng hơn. “Nhưng tổ chức kinh tế sẽ có nguồn kinh tế dồi dào để đầu tư vào những công ty có mô hình kinh doanh “sạch” hơn chính phủ. Và họ giờ đây cũng không muốn đầu tư vào các mô hình kinh doanh gây tác động đến môi trường,” McCartney chia sẻ.
Đến với hội thảo quan trọng này, McCartney đã thiết lập nên triển lãm nghệ thuật mang tên “Future of Fashion” tại trung tâm trưng bày nghệ thuật Kelvingrove. Tại đây, cô đã dành không gian để giới thiệu các mẫu nguyên liệu và sáng kiến thân thiện với môi trường mới. Thương hiệu của cô là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc sử dụng chất liệu giả da được làm từ sợi nấm, và sử dụng chất liệu này cho các dòng túi xách và dòng sản phẩm giày đá bóng đầu-tiên-trên-thế-giới làm từ nó. Bộ sưu tập giày đá bóng này là sự hợp tác giữa thương hiệu của cô với Adidas. Buổi trưng bày còn giới thiệu nguyên liệu sợi bông tái chế, cũng như bao gồm luôn mục đích nâng cao nhận thức về rác thải nhựa – khi trưng bày những sản phẩm nylon thải ra sau quá trình tiêu dùng, lẫn rác thải gây ô nhiễm ở đại dương.
Cần phải làm rõ một điều rằng chất liệu tốt hơn, thân thiện với môi trường hơn sẽ không bao giờ là đủ để ngăn chặn biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của thời trang tới môi trường. Điều cần thiết vẫn sẽ là giảm thiểu lượng rác thải và hành vi sản xuất dư thừa của toàn ngành thời trang, cũng như việc đầu tư vào các mô hình kinh doanh xoay quay việc tái chế hay tái tiêu dùng.
“Tôi nhận thức rất rõ bản thân mình là một phần của ngành công nghiệp đang thúc đẩy hành vi tiêu dùng quá độ, và tôi luôn cố gắng để giảm thiểu tối đa những gì doanh nghiệp của mình sản xuất ra”, Stella McCartney nói. “Khi tôi còn bé, tôi không tiêu dùng sản phẩm thời trang. Tôi vẫn có thói quen mua những món đồ cũ hay đổi đồ với bạn bè mình. Bây giờ chúng đã trở thành những mô hình kinh doanh đáng mong đợi của tương lai.”
McCartney vẫn luôn ủng hộ thời trang bền vững trong suốt nhiều thập kỷ qua. Có những lúc bản thân NTK cảm thấy nặng lòng khi nhận thức rõ ràng về sự phát triển chậm rãi của ngành bền vững. Nhưng khi được tham dự COP26, và có cơ hội được đối thoại với John Kerry và AI Gore (cựu phó tổng thống Mỹ/ chính trị gia/ nhà hoạt động tích cực vì môi trường) – vốn là những thành viên đã tham dự rất nhiều hội thảo COP trước đây. McCartney cảm thấy vui và hứng khởi hơn bao giờ hết khi chứng kiến số lượng người đông đảo trên thế giới đang tích cực đấu tranh cho sự thay đổi để chống biến đổi khí hậu – vốn đang ở mức báo động. Điều này đã tiếp tục nuôi dưỡng hy vọng lẫn động lực cho chính Stella McCartney.
Chuyển ngữ bởi Fellini Rose
Nguồn: FastCompany