Các mảnh ghép của ngành thời trang xa xỉ cuối cùng cũng đã ăn khớp với nhau?
Ngày đăng: 20/09/24
Tựa như trường học, thế giới thời trang cũng nhộn nhịp và sôi động trên cuộc đua giám đốc sáng tạo vào những ngày đầu thu.
Khép lại mùa hè yên bình, thế giới thời trang chào đón một “năm học” náo nhiệt khi các thương hiệu xa xỉ liên tục thông báo về việc các tên tuổi lớn đã và đang lấp đầy các vị trí hàng đầu còn đang bỏ ngỏ kể từ đầu tháng 8 đến nay. Từ Chanel, Tom Ford, Givenchy cho đến các thương hiệu thời trang lớn nhỏ, từ bị bỏ trống cho đến được lấp đầy, lời đồn đoán đến thông báo xác nhận, tất cả đều trở nên hối hả và gấp rút hơn bao giờ hết, bởi 4 chữ “doanh số sụt giảm”.
Giới mộ điệu, khách hàng và chắc chắn là những cán bộ cấp cao của các thương hiệu cũng mong rằng tình trạng trì trệ sáng tạo hậu Covid dẫn đến sự bão hòa của các thiết kế thời trang trở nên kém hấp dẫn trên sàn diễn sắp kết thúc. Đó cũng chính là lý do, người ta luôn theo dõi sát sao những thông tin về các nhà cầm trượng mới của các ngôi nhà xa xỉ. Mặc dù, ở hiện tại, những lời đồn về việc nhà thiết kế nổi tiếng, lâu năm của thương hiệu này sẽ trở thành người dẫn dắt mới của nhà mốt xa xỉ kia, song, tin đồn vẫn chỉ dừng lại ở tin đồn, vì chưa biết chừng, cuộc chơi sẽ thay đổi bởi sự xuất hiện của những tài năng sáng tạo mới, các nhân vật được cho là sẽ đưa ngành công nghiệp tỷ đô phát triển theo hướng thú vị hơn.
Những vị trí đã được bảo toàn
Người hâm mộ Givenchy và con chiên yêu thích Tom Ford hẳn đã có phần nào yên lòng khi vị trí hàng đầu của 2 thương hiệu này đã gọi tên Sarah Burton và Haider Ackermann. Sau khi rời Alexander McQueen sau hơn 2 thập kỷ gắn bó, Sarah Burton trở thành người phụ nữ cầm trượng thứ 2 tại nhà mốt Givenchy, mặc dù trước đó, người ta cũng đã đồn đoán một cách chắc nịch rằng Sarah Burton chính xác là mảnh ghép vừa vặn với vị trí còn trống của Givenchy, song, vẫn có những ý kiến cho rằng, Givenchy nên để một người cho tầm nhìn xa dẫn dắt để củng cố vị trí của thương hiệu, chẳng hạn như Hedi Slimane.
Còn với Tom Ford và Haider Ackermann, sự kết hợp hoàn hảo dành cho những quý ông lịch lãm yêu thích sự sáng tạo. Giờ đây, chúng ta có thể mong đợi về những thiết kế đậm chất nghệ thuật cuộn chặt với tính xa xỉ.
Ngoài ra, những mảnh ghép thời trang khác cũng đã tìm được bến đỗ phù hợp cho bản thân giống như Clare Waight Keller trở thành giám đốc sáng tạo tại Uniqlo, Glenn Martens sẽ rời Y/Project sau 11 năm để tập trung phát triển cho thương hiệu của mình hoặc thử sức giới hạn sáng tạo với một nhà mốt nào khác. Cũng phải nói thêm rằng, sự kết hợp của Christopher Kane với Self Portrait khiến người ta không thể không suy nghĩ về một tương lai đồng hành cùng nhau để phát triển hơn nữa những ý tưởng tuyệt vời của nhà thiết kế dành cho trang phục nữ. Dường như, các mảnh ghép thời trang giờ đây đang dần tìm về với đúng vị trí mà họ, nó vốn thuộc về.
Hồi hộp chờ đợi lời hồi đáp từ vị trí được khát khao
Mảnh ghép được mong đợi nhất là Chanel – thương hiệu thời trang danh tiếng của Pháp, nơi mà mọi con tim sáng tạo đều hướng về và hồi hộp chờ đợi được gọi tên, vị trí giám đốc sáng tạo vẫn đang được bỏ ngỏ. Càng để trống lâu, càng nhiều ý kiến, giả thuyết trái chiều được đưa ra, chẳng hạn: Hedi Slimane là một ứng viên sáng giá, song, Chanel cần một người dẫn đầu không mang quá nhiều cá tính sáng tạo của mình hay sự thật là Chanel chưa vượt qua được “nỗi đau” khi Karl Lagerfeld vĩ đại đã ra đi, đó là lý do, giờ đây, người ta nhìn vào dấu ấn trong từng thiết kế của ông để nhận biết bộ mã sáng tạo của ngôi nhà xa xỉ nước Pháp,… và rất nhiều ý kiến khác.
Song, dường như Chanel đang ấp ủ để chuẩn bị cho một sự lột xác ngoạn mục. Một sự thay đổi cần rất nhiều thời gian và được dựa trên quyết định đúng đắn cuối cùng để quyết định, ai sẽ là người thiết lập vương triều mới cho nhà mốt hoa trà sau, một sự thay đổi đủ để xua tan đi những kỷ niệm mà Virginie Viard đã tạo nên trong 30 năm qua. Nhưng dù là cần làn gió mới hay một người có thể tiếp nối những gì mà các giám đốc sáng tạo trước để lại, thì điểm chung là Chanel cần tìm người gắn bó lâu dài.
Việc rời đi và lấp đầy hàng loạt không phải diễn ra một cách ngẫu nhiên, bởi xét về mặt tổng thể, ở thời điểm này, một thời điểm đặc biệt khó khăn với ngành thời trang xa xỉ, một thời điểm mà HSBC gọi nó là “mùa hè tàn khốc”, khi hầu hết các thương hiệu đều phải đang đối diện với việc những con số lao dốc không phanh. Trong báo cáo của HSBC, những con số tiềm năng mà các thương hiệu kỳ vọng sẽ tăng trưởng và mang lại kỳ tích cho thương hiệu của mình nói riêng và thị trường kinh doanh thời trang nói chung đã sụt giảm gần một nửa chỉ trong năm 2024, từ 5,5% xuống còn 2,8% – sau các báo cáo tài chính từ các thương hiệu bao gồm Burberry, Hermès, Kering, LVMH, Richemont, Swatch, thương hiệu Moncler và Prada. Báo cáo cho biết thị trường đang chứng kiến ”năm tồi tệ thứ sáu” trong 20 năm qua.
Có cảm giác như chúng ta đang lang thang trên một sa mạc sáng tạo, ở giai đoạn mà tất cả chúng ta, từ người yêu thích thời trang, khách hàng mua sản phẩm, nhà thiết kế, chủ thương hiệu và chủ doanh nghiệp tỷ đô đều đang cố gắng để thoát khỏi sự trì trệ trong sáng tạo, tìm thấy một làn gió xu hướng mới nhưng vẫn cân bằng, hòa hợp được giữa kinh doanh và sáng tạo.
Sự sụt giảm trong doanh số có vẻ là hồi chuông cảnh tỉnh lớn nhất, khiến nhiều thương hiệu phải đánh giá lại các chiến lược của họ và nhận ra rằng sức mạnh bắt nguồn từ định hướng sáng tạo, các giám đốc sáng tạo cần thời gian để hiện thực hóa tầm nhìn của họ cho những thương hiệu phù hợp. Đây được coi là thời điểm hoàn hảo để thời trang ổn định và lấy lại nguồn cảm hứng sáng tạo đã bị thả trôi. Đó cũng chính là lý do, giới mộ điệu luôn theo dõi sát sao về việc rời đi, ở lại và thay thế của các giám đốc sáng tạo trong ngành thời trang xa xỉ, bởi có hay không sự tăng trưởng về mặt doanh số và về những thiết kế thời thượng, thanh lịch trong thời gian tới đều phụ thuộc vào họ.
Thực hiện: Khánh Hòa