Sự trở lại của các nhà thiết kế tài năng: Hy vọng cứu rỗi thời trang xa xỉ?

Ngày đăng: 14/09/24

Sự quay trở lại của các nhà thiết kế có chuyên môn vững chắc như Sarah Burton tại Givenchy cho thấy xu hướng đề cao giá trị sáng tạo, tay nghề thủ công, và tính bền vững đang dần thay thế cho sự hào nhoáng thoáng qua của “fashiontainment”.

Trong một thông báo không quá bất ngờ từ Givenchy, thương hiệu thuộc tập đoàn LVMH đã xác nhận giám đốc sáng tạo mới sau một thời gian dài tìm kiếm. Việc bổ nhiệm Sarah Burton sau khi Matthew Williams từ giã nhà mốt đánh dấu một bước ngoặt không chỉ cho thương hiệu này mà còn cho toàn bộ ngành công nghiệp thời trang.

Givenchy needs creative revitalisation as new CEO takes helm
Givenchy SS24 với góc nhìn tinh tế của Matthew M. Williams.

Cuộc tìm kiếm kéo dài gần một năm cho vị trí này đã trở thành chủ đề được giới thời trang bàn tán sôi nổi. Việc Matthew Williams rời đi đã được dự đoán trước từ lâu, khi Givenchy gặp khó khăn trong việc duy trì vị thế của mình.

Màn thông báo vai trò mới của Sarah Burton, cùng với bộ sưu tập đầu tiên dự kiến ra mắt vào năm 2025 cho thấy đây không phải là một quyết định vội vàng. Quá trình tìm kiếm kỹ lưỡng, các cuộc đàm phán với Sarah Burton, kết hợp với việc tái cấu trúc quản lý tại LVMH và sự bổ nhiệm Alessandro Valenti làm CEO của Givenchy, đã kéo dài thời gian tìm kiếm.

Alessandro Valenti named new CEO of Givenchy - Inside Retail Australia
Alessandro Valenti – Tân CEO của Givenchy.

Quyết định bổ nhiệm Burton thể hiện xu hướng vĩ mô của ngành thời trang: sự trở lại của các nhà thiết kế thực thụ. Sau thời gian các stylist nổi tiếng và người ảnh hưởng trên mạng xã hội được ưu tiên vì khả năng tạo tiếng vang, ngành thời trang dường như đang chuyển hướng trở lại tôn vinh những cá nhân có nền tảng chuyên môn vững chắc. Điều này thể hiện rõ qua các cuộc bổ nhiệm gần đây như Pieter Mulier tại Alaïa và Chemena Kamali tại Chloé.

Sự trở lại của những nhà thiết kế tài năng

Clare Waight Keller Departs Givenchy | Vogue

Xu hướng này không chỉ diễn ra trong lĩnh vực haute couture (thời trang cao cấp). Ngay cả các thương hiệu thời trang nhanh như Uniqlo cũng nhận ra giá trị của tầm nhìn sáng tạo dài hạn khi bổ nhiệm Clare Waight Keller làm giám đốc sáng tạo đầu tiên. Điều này cho thấy tầm quan trọng của một tầm nhìn thống nhất được dẫn dắt bởi những nhà thiết kế có kinh nghiệm, có thể mang lại lợi ích cho toàn bộ thương hiệu.

Sự chuyển hướng này đang diễn ra vào thời điểm quan trọng. Thị trường Trung Quốc – nơi từng là động lực tăng trưởng cho các thương hiệu xa xỉ – đang có dấu hiệu chững lại. Người tiêu dùng Trung Quốc đang trở nên khắt khe hơn với các quyết định mua sắm xa xỉ. Họ không chỉ tìm kiếm những sản phẩm đẹp mắt mà còn mong muốn các giá trị bền vững, tính thủ công, và sự độc đáo trong từng thiết kế. Điều này đòi hỏi các nhà mốt phải thể hiện khả năng sáng tạo không chỉ ở mẫu mã mà còn ở chất lượng sản phẩm và câu chuyện thương hiệu đằng sau.

“Fashiontainment” và tay nghề thủ công: Hai chiến lược khác biệt

Hiện tại đang chứng kiến hai chiến lược trái ngược nhau nổi lên trong giới thời trang. Một bên là các thương hiệu theo xu hướng “fashiontainment” (thời trang kết hợp giải trí) như Louis Vuitton và Tommy Hilfiger, tập trung vào tính giải trí và tương tác trên mạng xã hội.

Tommy Hilfiger hợp tác Disney ra mắt bộ sưu tập mới kỷ niệm 100 năm thành lập hãng Disney | ACFC Blog
Tommy Hilfiger và màn hợp tác đầy thú vị mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Disney.

Ở phía ngược lại, các thương hiệu như Chloé và The Row tôn vinh tay nghề thủ công và tính ứng dụng.

Việc Givenchy lựa chọn Sarah Burton – một nhà thiết kế nổi tiếng với khả năng chuyên môn và tầm nhìn nghệ thuật tuyệt vời – cho thấy họ đặt cược vào chất lượng lâu dài thay vì những trào lưu thoáng qua.

Khi ngành công nghiệp thời trang đang phải đối mặt với những biến động thị trường toàn cầu phức tạp, chiến lược này có thể trở thành chìa khóa thành công trong tương lai.

Cuối cùng, thành công hay thất bại của chiến lược này không chỉ nằm ở việc tạo ra những bộ sưu tập đẹp mắt mà còn ở việc thương hiệu có thể tạo dựng lại niềm tin và kết nối cảm xúc với người tiêu dùng. Liệu sự trở lại của các giá trị thiết kế truyền thống có đủ sức giúp các thương hiệu như Givenchy tạo ra một làn sóng mới trong thế giới thời trang xa xỉ hay không, thời gian sẽ trả lời. Nhưng chắc chắn rằng, sự thay đổi này đang định hình lại bức tranh tổng thể của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu.

Chuyển ngữ: Thanh Mai

Theo Fashion United