Tại sao “Bùng nổ công nghệ sinh học” có tiềm năng thúc đẩy sự thay đổi thực sự trong ngành làm đẹp?

Ngày đăng: 19/11/23

Công nghệ sinh học ngày càng trở thành một thuật ngữ mới hào nhoáng để thu hút người mua sắm, đây cũng chính là giai đoạn tiếp theo của sự đổi mới và bền vững trong lĩnh vực làm đẹp. Ngay cả Nhà Trắng cũng đang đưa ra các sáng kiến ​​nhằm thúc đẩy công nghệ sinh học và sản xuất sinh học. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về công nghệ sinh học trong lĩnh vực làm đẹp, từ khoa học đằng sau những phát triển mới nhất cho đến cách các thương hiệu khai thác công nghệ này và tại sao nó lại quan trọng.

Công nghệ sinh học trong làm đẹp là gì?

Sẽ hơi mơ hồ về khái niệm cũng như ý tưởng về “công nghệ sinh học” nếu chúng ta không làm việc chuyên môn trong lĩnh vực này. Về cơ bản, bất kỳ công nghệ nào sử dụng các nguyên tắc sinh học đều được coi là công nghệ sinh học. Đối với ngành công nghiệp làm đẹp, các kỹ thuật như lên men, nuôi cấy mô, GMO, nuôi cấy tế bào và những thứ khác có thể được xem là sử dụng công nghệ này. 

Công nghệ sinh học kết hợp sinh học (sinh học) với hóa học (công nghệ) để tạo ra các thành phần chăm sóc da được trồng trong phòng thí nghiệm, nhưng quan trọng là giống hệt những gì có trong tự nhiên và ít tác động đến môi trường hơn. Nói một cách đơn giản, các nhà khoa học nuôi cấy tế bào thực vật đã được điều chỉnh để tạo ra một thành phần cụ thể trong đĩa petri gồm vi khuẩn, nấm men và tảo.

Ưu điểm chính của phương pháp này là vừa trồng trọt được nguyên liệu, vừa giảm lượng nước tiêu thụ và diện tích đất để canh tác. 

Công nghệ sinh học và tính bền vững

Con người là “bậc thầy” trong việc xác định các thành phần sinh học từ hành tinh có thể giúp cuộc sống dễ dàng hơn và thay vì cố gắng tái tạo những gì chúng ta nhìn thấy thì ta chiết xuất nó (ví dụ: chúng ta dùng sợi len để làm áo len thay vì xén lông cừu). Mặc dù điều  này đôi khi hữu ích nhưng việc tìm nguồn cung ứng từ động vật hoàn toàn không bền vững, như Jasmina Aganovic (kỹ sư hóa học và sinh học kiêm Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học làm đẹp Arcaea)  giải thích trong TedTalk “Công nghệ sinh học có thể phát minh ra tương lai bền vững cho ngành làm đẹp không?”. Đó là lý do tại sao ngành công nghiệp làm đẹp bắt đầu chuyển từ hình thức tìm nguồn cung ứng này sang các lựa chọn thay thế dựa trên thực vật hơn. 

Các sản phẩm làm đẹp “xanh” và “sạch” với nhiều thành phần tập trung vào thực vật đã ngày càng phổ biến trong vài năm qua— một cuộc thăm dò gần đây của NPD Group cho thấy 68% người tiêu dùng tìm kiếm các thương hiệu sử dụng thành phần “sạch”. Nhưng cuối cùng, chiến thuật này không phải là giải pháp cho vấn đề bền vững. Aganovic nói: “Sự thật là Trái đất không thể trồng đủ cây để duy trì ngành công nghiệp (làm đẹp)”, (ví dụ: phải mất khoảng 200.000 cánh hoa hồng để tạo ra vài mililit dầu hoa hồng). Đó cũng là lúc mà công nghệ sinh học phát huy tác dụng. 

Việc phát triển các thành phần tương đương trong môi trường phòng thí nghiệm, thay vì thu hoạch chúng từ Trái đất thường đòi hỏi một lượng lớn nước và đất cùng các nguồn tài nguyên sinh học khác, việc này có thể giúp ngăn chặn các loại thảm họa môi trường mà chuyên gia khí hậu đã cảnh báo chúng ta trong nhiều năm. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp dầu cọ, một thành phần được sử dụng rộng rãi và có thể tìm thấy từ chất hoạt động bề mặt (xà phòng và dầu gội đầu) đến chất nhũ hóa (duy trì kết cấu của một số loại lotion và kem). Tuy nhiên, việc thu hoạch dầu cọ lại liên quan đến nhiều vấn đề. Ví dụ, cây cọ chỉ mọc trong phạm vi 10 độ quanh xích đạo. Ngoài ra, sản xuất dầu cọ (cùng với thịt bò và đậu nành) là nguyên nhân gây ra hơn 60% nạn phá rừng ngày nay. 

Một số thương hiệu làm đẹp, như hãng chăm sóc da nổi tiếng của Iceland – Bioeffect, đang sử dụng công nghệ sinh học để trồng các loại cây biến đổi gen có thể tạo ra các thành phần bền vững hơn. Björn Örvar (Tiến sĩ, đồng sáng lập và giám đốc khoa học của Bioeffect) giải thích rằng nhà kính của thương hiệu bên ngoài Reykjavik chứa cây lúa mạch biến đổi gen tạo ra yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF)—một thành phần chăm sóc da hiệu quả thường có nguồn gốc từ động vật —sau đó được xử lý tại trụ sở chính của công ty chỉ cách đó nửa giờ lái xe. Để chứng minh vòng sản xuất khép kín giảm thiểu tác động đến môi trường của thương hiệu và EGF của cây lúa mạch có hiệu quả cao Bioeffect đã thực hiện một nghiên cứu kéo dài 2 tháng, cho thấy độ dày da của người tham gia tăng hơn 60% và mật độ da tăng hơn 30%.

Công nghệ sinh học và công thức an toàn hơn

Công nghệ sinh học mang lại cơ hội bào chế mà không cần sử dụng các thành phần ảnh hưởng đến sức khỏe. Chẳng hạn như Evolved by Nature (một thương hiệu công nghệ sinh học được Chanel hậu thuẫn đã huy động tài trợ 120 triệu USD vào tháng 6 năm 2022) đã phát triển công nghệ sinh học tơ hoạt tính được cho là sẽ thay thế 560.000 tấn axit acrylic (chất gây kích ứng da tiềm ẩn trong các sản phẩm vệ sinh) và 1.056.000 tấn natri laureth sulfat (chất hoạt động bề mặt được sử dụng trong nhiều sản phẩm chăm sóc cá nhân). Những thành phần này gần như không thể tránh khỏi trong một số lĩnh vực công nghiệp, đó là lý do tại sao các nhà đầu tư và thương hiệu làm đẹp truyền thống đang chú ý đến tiềm năng của công nghệ sinh học.

Big Beauty cũng đang tham gia 

Ngoài việc cung cấp các giải pháp sáng tạo cho những vấn đề trong ngành công nghiệp, các phân tử độc quyền cũng là một cách hấp dẫn để nổi bật trong một thị trường làm đẹp đang rất đông đúc, không chỉ với các thương hiệu lâu đời danh tiếng mà còn có cả các thương hiệu mới nổi. Điều này làm cho việc huy động hàng triệu đô la vốn vào năm 2023 trở nên dễ hiểu — ngành làm đẹp với những ứng dụng công nghệ sinh học đang trở thành một lĩnh vực kinh doanh lớn cho các nhà đầu tư, họ đặt cược vào sức hấp dẫn của các công thức ngày càng tinh tế để cuốn hút khách hàng mới.

Trong số nhiều thương hiệu mới và công ty phát triển đang khẳng định vị thế trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công ty Arcaea của Aganovic đã huy động 78 triệu đô la vào năm 2021 và sẽ tung ra dòng sản phẩm sử dụng các tính năng bảo vệ da khỏi tia UV từ các loài thực vật và động vật biển. Họ hiện đã có công nghệ ngăn mùi SccentARC. Không chỉ Arcaea, công ty chăm sóc da Seaspire cũng sử dụng thành phần biển sản xuất từ phòng thí nghiệm vào bộ ba sản phẩm sắp ra mắt dành cho phụ nữ da màu trong khi thương hiệu Ourself thì tạo ra các sản phẩm sử dụng peptide độc quyền và công nghệ Subtopical Firming để cung cấp hiệu quả cho da. Gần đây nhất, Givaudan, một ông lớn trong ngành hương thơm, đã mua danh mục thành phần mỹ phẩm từ công ty công nghệ sinh học Amyris. Amyris sử dụng lên men đường mía để tạo ra các phân tử tương tự thiên nhiên và sẽ sản xuất các thành phần này để Givaudan sử dụng trong mỹ phẩm. Điều này cho thấy ngay cả các thương hiệu truyền thống cũng quan tâm đến cơn sốt công nghệ sinh học.

Công nghệ sinh học và tương lai của ngành làm đẹp

Công nghệ sinh học không chỉ là một trào lưu tạm thời trong ngành làm đẹp, mà nó có thể coi là tương lai của bảo vệ môi trường, an toàn và đổi mới sản phẩm. Với một lĩnh vực từ lâu đã đánh giá cao những điều mới mẻ và đáng chú ý, những tiến bộ công nghệ sinh học dường như có dữ liệu để hỗ trợ cho sự phổ biến cũng như “cơn sốt” của nó, đặc biệt khi so sánh với một số xu hướng mơ hồ khác trong những năm qua, chẳng hạn như làn sóng “làm đẹp sạch”.

Nếu xem xét theo góc độ người tiêu dùng muốn sử dụng sản phẩm hiệu quả và thành phần có nguồn gốc tự nhiên thì công nghệ sinh học dường như là giải pháp để cung cấp những loại sản phẩm này mà không gây hại cho môi trường. Trong tương lai, công nghệ sinh học sẽ tiếp tục định hình cách chúng ta nhìn nhận vẻ đẹp và cách chăm sóc sức khỏe cá nhân của mình. Đây có thể coi là một bước tiến quan trọng để đảm bảo làm đẹp không chỉ là thẩm mỹ mà còn là một phần của cuộc sống lành mạnh và bền vững.

Gợi ý một số sản phẩm skincare sử dụng công nghệ sinh học

Serum Biossance Squalane + Vitamin C Dark Spot 

Thay vì sử dụng squalene từ gan cá mập hoặc ô liu, Biossance đã tạo ra squalane 100% từ thực vật bằng cách sử dụng mía tái tạo, sau đó được lên men sinh học bằng men. So với các loại dầu khác như jojoba, hướng dương hoặc dừa, sản phẩm này có khả năng thẩm thấu vào da tốt hơn gấp 10 lần.

Kem dưỡng Shiseido Benefiance Overnight Wrinkle Resisting

Đây là dòng kem dưỡng được thiết kế đặc biệt để giúp làm giảm nếp nhăn và cải thiện độ đàn hồi của da trong thời gian chúng ta ngủ, đặc biệt còn nhận được nhiều sự khen ngợi từ người sử dụng và các chuyên gia làm đẹp. (*Shiseido cũng là công ty đầu tiên tạo ra axit hyaluronic sinh học- một phiên bản axit hyaluronic được trồng trong phòng thí nghiệm thông qua quá trình lên men).

Kem dưỡng ẩm Ocean Beauty Replenishing Deep Sea

Sản phẩm kem dưỡng ẩm này chứa các vi sinh vật biển giàu chất dinh dưỡng, axit amin và khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe cho da. Để tránh làm gián đoạn hệ sinh thái đại dương, người sáng lập Marcella Cacci đã hợp tác với một phòng thí nghiệm công nghệ sinh học xanh để sản xuất các dòng tảo vô tính, bao gồm cả thành phần biển, có nguồn gốc từ một vi sinh vật chỉ tìm thấy ở Nam Cực.

Dầu xả Virtue Curl

Người sáng lập và Giám đốc điều hành Melisse Shaban cho biết: “Virtue bắt đầu công nghệ sinh học nhưng chưa bao giờ dự định sử dụng trong sản phẩm chăm sóc tóc”. Phân tử Alpha Keratin 60ku của nó là một loại protein keratin giống hệt của con người, được phát triển trong nghiên cứu tái tạo xương, mô và dây thần kinh để giúp đỡ những người lính quân đội bị thương nặng. Shaban nói: “Tình cờ thay, người ta cũng phát hiện ra loại protein này có lợi ích to lớn trong việc phục hồi tóc. “Không giống như các chất sừng khác, là sản phẩm phụ của động vật đã được xử lý kỹ lưỡng (thường là từ lông vũ hoặc lông cừu), protein của Virtue được tạo ra có kích thước và hình dạng chính xác như chất sừng có trong tóc người. Bởi vì về cơ bản nó giống như keratin trong tóc nên nó sẽ đi đến nơi cần thiết để sửa chữa và phục hồi các hư tổn.”

Thực hiện: Gia Uyên

Theo Byrdie, Vogue Scandinavia, marieclaire