Tại sao chủ đề Met Gala lại khiến internet phát cuồng?
Ngày đăng: 06/05/24
Đây là đêm tiệc lớn nhất của làng thời trang, và hàng năm sẽ có một “bồi thẩm đoàn” trực tuyến quyết định liệu các ngôi sao và nhà thiết kế có tuân thủ đúng quy định trang phục hay không.
Không có ngày nào khác trong lịch thời trang tạo ra nhiều cuộc bàn tán hay bình luận trực tuyến như Met Gala. Và chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất là gì ư? Đó là liệu các ngôi sao may mắn được mời có tuân thủ chủ đề đủ sát sao theo ý thích của internet hay không.
Những dịp Met Gala đáng nhớ nhất là nằm ở những khoảnh khắc gây sốt và “đúng chủ đề” nhất. Triển lãm năm ngoái với chủ đề ‘Karl Lagerfeld: A Line of Beauty’ và quy tắc trang phục In Honour of Karl, đã mang đến cho chúng ta hình ảnh Jared Leto hóa trang thành Choupette, chú mèo nổi tiếng của Lagerfeld. Chủ đề ‘Camp’ năm 2019 có Lady Gaga với không chỉ một, mà là bốn lần thay trang phục ngay trên bậc thềm Met. Năm trước đó, Rihanna đã hóa thân thành Giáo hoàng để tôn vinh ‘Heavenly Bodies: Fashion and the Catholic Imagination’.
Mỗi năm, người ta cũng dành thời gian bàn luận về những nhân vật xuất hiện lạc quẻ hoặc không tạo điểm nhấn, dường như họ không để tâm đến chủ đề hoặc không đáp ứng được kỳ vọng của internet. Nhưng cũng có khoảnh khắc khiến cả Twitter phát sốt với lần xuất hiện không thể “camp” hơn của Karlie Kloss. Nàng mẫu được ví như “nhìn trực diện vào camp” mà không chút sai lệch chủ đề”. Tất cả đều tạo ra không khí vui vẻ, nhưng khó có thể không cảm thấy điều này đã làm giảm sự tôn trọng và đánh giá chân chính về thời trang.
Sự ám ảnh với các chủ đề và việc các ngôi sao nhiệt tình tạo khoảnh khắc gây sốt đã biến bình luận về Met Gala thành một cỗ máy, nơi mọi người đều là nhà phê bình và ít có chỗ cho sự tinh tế. Các tạp chí và các trang như Vogue.com cũng “kinh doanh” trong việc thu hút loại bình luận này, chỉ khác là, không giống như internet, câu chuyện của họ tập trung nhiều hơn vào các ngôi sao, nhà thiết kế và câu chuyện đằng sau vẻ ngoài của họ.
Các quy định trang phục của Met Gala thường có vẻ huyền bí, có lẽ đó là lý do tại sao một số người tham dự hiểu sai chúng hoặc ‘làm sai’. Nhưng các quy định ấy cũng được coi là những lời nhắc nhở quan trọng và lãng mạn về thông điệp và ý nghĩa mà Met muốn tôn vinh. Sự kiện không chỉ là thời trang và công tác giám tuyển của nó, mà còn là một cuộc triển lãm hàng năm của Viện Trang phục.
Ý nghĩa về quy tắc trang phục là nó cho phép mỗi đêm trở nên khác biệt so với đêm trước, và cho phép Met Gala nổi bật so với bất kỳ thảm đỏ nào khác với sự phong phú về câu chuyện thông qua thời trang.
Tất cả những điều này nói lên rằng, chủ đề của Met Gala chưa bao giờ là bắt buộc, mà chỉ là một đề xuất cho khách mời và là cơ hội để họ xuất hiện và tỏa sáng.
Met Gala 101
Một bài học lịch sử nhanh: Met Gala bắt đầu vào năm 1948 khi nhà quan hệ công chúng Eleanor Lambert – người cũng đã thành lập Hội đồng Nhà thiết kế Thời trang Mỹ vào năm 1962 – tự mình tổ chức một bữa tiệc gây quỹ cho Viện Trang phục của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan tại một địa điểm riêng tư trong thành phố, không phải tại bảo tàng. Sau đó, cựu biên tập viên của Vogue, Diana Vreeland, đã tiếp quản vào năm 1971, làm mới Met Gala và biến nó thành một sự kiện lộng lẫy và hào nhoáng. Bà bắt đầu tổ chức nó tại bảo tàng, giới thiệu các chủ đề và mời các ngôi sao từ Cher đến Elizabeth Taylor và Elton John. Met Gala như chúng ta biết bắt đầu vào năm 1995 khi Anna Wintour, tổng biên tập của Vogue và giám đốc sáng tạo biên tập của Condé Nast, đảm nhận vai trò này. Mang tính chất chủ đề, lộng lẫy, vĩ đại, và diễn ra vào thứ Hai đầu tiên của tháng Năm hàng năm.
Mặc dù quy tắc trang phục được giới thiệu tại Met Gala từ nhiều năm trước, nhưng không phải cho đến gần đây khách mời mới thực sự tham gia theo dõi. “Tại sự kiện đó, mọi người dần dần xuất hiện với những phiên bản thu nhỏ của chủ đề lớn,” người mẫu Amber Valletta nói trong tập tuần trước của podcast ‘The Run-Through’ của Vogue, hồi tưởng về Met Gala ‘Dangerous Liaisons: Fashion and Furniture in the 18th Century’ năm 2004 – “và bỗng nhiên nó trở thành một buổi dạ hội hóa trang.” Valletta nhớ lại khi đó cô đang ở New York quay phim Hitch khi Wintour mời cô. “Bà ấy nói, ‘Tôi muốn bạn thử sức,’ và đội ngũ Vogue đã giúp tôi lên ý tưởng trang phục […] Nhưng tôi cụ thể nhớ đã nhận được vài bình luận mỉa mai, sắc sảo. Đó là sự thật rằng tôi đã đi quá xa và chưa ai làm điều đó.”
Không phải mọi chủ đề đều đòi hỏi một bộ trang phục hóa trang. Các ngôi sao và thương hiệu thiết kế mặc cho họ (mỗi nhà mốt mời các đại sứ, người mẫu, hoặc nàng thơ hiện thời để mặc và trả tiền cho một bàn tại gala) có thể chọn để phù hợp với bộ sưu tập mới nhất hoặc câu chuyện hiện tại của thương hiệu, như khi Louis Vuitton và Nicolas Ghesquière đã chuẩn bị trang phục cho một đoàn người mẫu của họ trong các thiết kế lưu trữ cho Met 2022. Những nhà mốt khác có thể đơn giản là muốn làm nổi bật tinh thần thương hiệu bằng sự hiện diện của người nổi tiếng với phong cách tương đồng cùng nhà mốt đó, giống như Kristen Stewart với trang phục nam tính của Chanel năm ngoái.
Năm nay, chủ đề “The Garden of Time” bao hàm cả yếu tố lưu trữ và thiên nhiên trong triển lãm, nhưng cũng là một câu chuyện ngắn cùng tên được viết vào năm 1962 bởi JG Ballard về một bá tước và vợ anh ta sống trong một biệt thự lý tưởng với tầm nhìn ra khu vườn. Nếu không phải ai cũng mặc một món đồ lưu trữ hoặc một bộ trang phục hoạt tiết hoa lá năm nay, thì liệu họ có bị cộng đồng mạng coi là sai lầm?
Internet – nơi diễn ra các cuộc bình luận
Mỗi năm, có những lời khen ngợi, chỉ trích, bình luận và suy nghĩ về sự xa hoa của đêm tiệc. Quy tắc trang phục là cách dễ nhất và rõ ràng nhất để đánh giá một bộ trang phục. Những phán quyết đúng hay sai này đòi hỏi ít kiến thức về thời trang, và điều đó làm cho nội dung dễ tạo ra và càng dễ tiêu thụ hơn. Đây là “cơn bão hoàn hảo” – một dịp hội tụ những yếu tố bất lợi và khó khăn, phản ánh khoảnh khắc cụ thể của bình luận văn hóa đại chúng.
Trước khi có Instagram và TikTok (cả hai đều đã tài trợ cho các Met Gala gần đây), những cư dân mạng đã bình luận về Met, nhưng các bài đăng không lan truyền theo cùng một cách trên Tumblr, hoặc bạn phải truy cập các blog vài ngày sau để có bản tóm tắt đầy đủ (nhớ Fashion Spot không?). Các bình luận cũng đơn giản không quá nghiêm túc – hơn nữa, bình luận thường bị thu hẹp, không được tạo ra với mục tiêu viral, và thường dựa trên những gì được tìm thấy trên mạng bởi các phương tiện truyền thông chứ không phải được tạo ra trước khi các bài báo truyền thông ấy được đăng tải.
Điều đó được thay đổi vào khoảng năm 2014 khi chủ đề ‘Punk’ tạo ra nhiều cuộc thảo luận hơn nhờ vào bộ trang phục trong suốt của Miley Cyrus. Và vào năm 2015, Rihanna trở thành khách mời Met Gala đầu tiên và được chế ảnh nhiều nhất, với chiếc áo choàng vàng Guo Pei nổi tiếng của cô ấy trải dài trên toàn bộ cầu thang Met.
Khi sự hiểu biết về thời trang khiến chúng ta quá cứng nhắc
Vấn đề với việc internet trở thành cảnh sát trang phục Met là việc không có chỗ cho những cách diễn giải tinh tế khiến thời trang trở nên thú vị khi xem. Điều làm cho Met Gala chủ đề ‘Camp’ hấp dẫn là chủ đề đó vẫn để lại không gian cho sự diễn giải vì nó dựa trên sự hiểu biết về một khái niệm hàn lâm và huyền bí, không cụ thể.
Nhưng bây giờ chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của “phương pháp diễn xuất” (method dressing), được Zendaya và nhà tạo mẫu Law Roach đưa ra để ám chỉ các bộ phim của cô ấy – từ Spiderman đến Dune và Challengers – trên thảm đỏ khi quảng bá chúng. Nó đạt đến đỉnh cao vào năm ngoái trong tour quảng bá phim Barbie của Margot Robbie.
Sự phổ biến trong cách diện trang phục của người nổi tiếng này là sự phản ánh trực tiếp về sự ám ảnh với quy định trang phục Met. Nó mang tính chủ đề, cụ thể, và dễ diễn giải: chiếc váy màu xanh lá cây có được coi là màu xanh lá cây của quần tennis không? Bộ trang phục đó có phải là phiên bản tái bản Barbie trực tiếp không? Chỉ vì Rihanna từng ăn mặc như Giáo hoàng một lần không có nghĩa là mọi người nên đến Met trong bộ trang phục hóa trang, phải không?
Thực tế là các sự kiện như Met hay Oscar cũng là những nỗ lực tiếp thị lớn của các thương hiệu. Nếu cần lựa chọn sản phẩm nào quảng bá cho bộ sưu tập mới nhất của thương hiệu, thì bạn có nên ưu tiên điều đó hơn là tuân thủ chặt chẽ theo chủ đề sự kiện không? Valentino đã tạo hình phong cách cho Sebastian Stan và Glenn Close trong Pink PP cho Met Gala 2022 để phù hợp với chiến dịch thương mại màu hồng của mình cho mùa thu 2022. Tuy nhiên, sẽ thú vị hơn nếu chúng ta được thấy nhãn hiệu biến tấu chủ đề Gilded Glamour trong khuôn khổ của chiến dịch của họ, nhưng chúng ta không thể trách họ vì phải trung thành với chiến dịch riêng của mình.
Một cách tiếp cận tiềm năng khác là việc Billie Eilish và Oscar de la Renta đã thực hiện vào năm trước, cô ca sĩ đã đồng ý mặc thương hiệu nhưng với điều kiện thương hiệu cam kết ngừng sử dụng lông thú. Bộ trang phục được cho là phù hợp với chủ đề và lấy cảm hứng từ Marilyn Monroe, một biểu tượng thời trang Mỹ.
Sự ám ảnh chung của chúng ta với chủ đề đôi khi là hai mặt. Mọi người thích tham gia vào cuộc trò chuyện bàn luận về “zeitgeist” (về những xu hướng văn hóa, nghệ thuật mang tính đương đại), và với thông tin về quy tắc trang phục tham dự Met Gala cho bất cứ ai những cơ hội để bước vào cuộc thảo luận. Nhưng sự thật là những người đam mê thời trang cũng mê mẩn phong cách mơ mộng, huyền ảo. Điều mà Met Gala làm là tạo một đêm sự kiện hoành tráng hiếm có như vậy trong năm để ta được tận hưởng thời trang ở mức đỉnh cao sáng tạo cũng như kỳ quái nhất.
Các bộ sưu tập, đặc biệt kể từ đại dịch, đã dần dần có xu hướng thực dụng và thương mại hơn. Ít nhà thiết kế ra mắt thiết kế quần áo vì mục đích “Thời Trang” thực sự, thay vào đó họ chọn sử dụng sản phẩm họ sẽ bán trong cửa hàng. Đó là cách ngành công nghiệp đã phát triển, nhưng chỉ trong một đêm Met Gala, chúng ta lại được phép được mơ mộng. Có lẽ cư dân mạng nên xem lại các kỳ vọng và thả lỏng để hòa vào giấc mơ đó.
Chuyển ngữ: L.J
Nguồn: Vogue Business