Tại sao Coco Chanel tạo ra Little Black Dress?
Ngày đăng: 19/08/21
Nhân dịp sinh nhật Coco Chanel (19/08/1883), người sáng lập ra thương hiệu couture hàng đầu của Pháp. Người đã viết nên những quyển sách về quy tắc ăn mặc với thương hiệu mang tên mình và là tâm điểm của những buổi tiệc trong giới thượng lưu thời bấy giờ. Hãy cùng Style-Republik tìm hiểu về Little Black Dress – chiếc váy đen kinh điển đã trở thành biểu tượng bất biến trong dòng chảy thời gian.
Tháng 10 năm 1926, thời đại nhạc Jazz bùng nổ, cũng chính là thời điểm mà hình ảnh chiếc “little black dress” của Coco Chanel lần đầu xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Vogue, đánh dấu bước đầu thống trị của một đế chế thời trang.
Trang bìa của tạp chí là hình vẽ một người phụ nữ đang tạo dáng điệu đà, chân mang giày cao gót, cổ đeo trang sức ngọc trai, trên mình mặc chiếc váy đen tuyền dài tay kèm theo chiếc dây lưng thắt hờ hững eo dưới. Tờ tạp chí đã mô tả bộ trang phục hết sức thanh lịch với cái tên “The Ford”, ám chỉ sự so sánh chiếc váy với mẫu xe ô tô cực kỳ nổi tiếng Model T lúc bấy giờ. Tình cờ là chiếc váy cũng có điểm giống chiếc Model T khi người ta nhớ lại lời của Henry Ford nói về chiếc ô tô của mình “phù hợp với mọi màu sắc… đó là màu đen”. Trong thời đại lúc bấy giờ, những bộ trang phục không đơn thuần là chỉ là vận dụng cho che chắn cho cơ thể, hơn thế chúng thường phù phiếm và màu mè. Do vậy chiếc “little black dress” (LBD) như Vogue mô tả, thật sự là một chân trời thời trang mới.
Chiếc “little black dress” (LBD) như Vogue mô tả, thật sự là một chân trời thời trang mới.
Thời kì Victoria và Edwardian trước đó, người ta coi những trang phục đơn giản màu đen chỉ dành cho dân bần tiện hay dành cho các dịp tang tóc, hơn là một món trang phục có tính cao cấp. Thực tế, việc mặc một chiếc váy đen tuyền nơi công cộng được coi là một hành động đi ngược lại truyền thống lúc bấy giờ. Nhưng giống như nhiều truyền thống khác của thế giới trước chiến tranh thế giới thứ nhất, các tư tưởng này đã được thay đổi tại thời kỳ của nhạc Jazz. Vào những năm thập niên 20, những sự thay đổi về trang phục mang tính “cách mạng” như sự ra đời của trang phục thể thao, nối tiếp những bộ đồ kiểu Mỹ, dẫn tới một loạt các thay đổi khác và sản sinh ra những phong cách ăn mặc phá cách và thoáng hơn, xuất hiện trên các trang bìa của tạp chí Vogue.
Gabrielle “Coco” Chanel là một trong những nguyên nhân dẫn đến những thay đổi đó. Năm 1926, việc thiết kế trang phục phản truyền thống (và ngược lại văn hoá Pháp) của bà đã giúp bà trở nên nổi tiếng (theo Anka Muhlstein trong The New York Review of Books). Bà đã sử dụng những loại vải khác biệt, tiêu biểu là vải jersey – loại vải ít được biết đến trong thời trang cao cấp lúc bấy giờ, những đường cắt may của bà thì cũng chẳng giống ai, đặc biệt có phần giống với cách may trang phục của nam giới. Nhưng nhờ vậy, bà trở nên nổi tiếng và trở thành nữ doanh nhân thành đạt với một cửa hàng trưng bày ngay tại thủ đô hoa lệ Paris.
“Mục đích ban đầu của bà lúc đó là mong muốn những bộ trang phục có thị trường rộng nhất có thể”, theo BBC. “Sự sáng tạo của bà là một cuộc cách mạng trong thời trang” – Chiếc LBD mang một thông điệp táo bạo lúc bấy giờ nhờ hai yếu tố – màu đen của trang phục và sự giản đơn của nó. Nhưng, dù cho Vogue đã so sánh chiếc LBD với chiếc Model T, Chanel vẫn mắt vài phiên bản khác của chiếc LBD và giúp Coco thậm chí nổi tiếng hơn cả chiếc xe do người Mỹ làm ra đang dậy sóng lúc bấy giờ.
“Sự sáng tạo của bà là một cuộc cách mạng trong thời trang” – Chiếc LBD mang một thông điệp táo bạo lúc bấy giờ nhờ hai yếu tố – màu đen của trang phục và sự giản đơn của nó.
Chanel dường như có được sự khéo léo đặc biệt trong việc biến những ý tưởng khó chấp nhận thành hiện thực, theo Colin Bisset viết trên Australian Broadcasting Corporation. “Màu đen dĩ nhiên là một màu sắc tang tóc và thường được mặc như trang phục hàng ngày của các góa phụ Pháp, đặc biệt là sau chiến tranh thế giới thứ nhất và trận đại dịch cúm từ Tây Ban Nha.”
Trong khi những nhà thiết kế khác có xu hướng sáng tạo trang phục trông có vẻ lộng lẫy, hào nhoáng với màu sắc tươi vui hơn, thì Chanel lại đi ngược lại, Colin Bisset viết, bà đã ra mắt những trang phục màu đen tuyền – “nhìn vừa đơn giản và nghiêm trang khi được mặc cùng với những món trang sức đặc trưng của bà – chuỗi dây chuyền ngọc trai giả, một bông hoa trà bằng vải và một chiếc mũ chuông đơn điệu.”
Giống như những chiếc ô tô của Ford, LBD trở thành biểu tượng và được tái hiện lại nhiều lần sau này. Mở màn cho thời kì thống trị của Chanel với đế chế thời trang toàn cầu.
Thực hiện: Blue
Theo Smithsonianmag