Tại sao thời trang bền vững còn “xa xỉ” với người Việt?
Ngày đăng: 04/04/25
Thời trang bền vững là xu thế tất yếu của xã hội. Tuy nhiên các thương hiệu thời trang bền vững Việt Nam, đặc biệt là những brand vừa và nhỏ ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc phổ biến thời trang bền vững đến khách hàng.
Trước sự kêu gọi của toàn thế giới về việc đưa ra các phương án bền vững hơn để chung tay bảo vệ môi trường, ngành thời trang, một trong những cái tên nổi bật trong danh sách “các ngành gây ô nhiễm nhất”, đã có những bước tiến đáng kể nhằm nâng cao tính bền vững.
Theo báo cáo của Coherent Market Insights vào năm 2024, thị trường thời trang bền vững toàn cầu đang tăng trưởng nhanh chóng và được dự đoán sẽ tăng lên 33,05 tỷ USD vào năm 2030.
Không khó để chúng ta bắt gặp các chiến dịch đến từ các hãng thời trang từ khắp nơi trên thế giới. Ví dụ như năm 2022, Muji cho ra mắt BST túi “Thiên Nhiên Giao Hòa” với mỗi chiếc túi tote trong BST bán ra tương ứng với một cây xanh được trồng tại miền Trung Việt Nam. Hoặc vào cuối năm 2016, Adidas cho ra mắt phiên bản giày thể thao giới hạn được làm từ rác thải đại dương. Phần trên giày làm từ nhựa nhặt ở vùng biển Maldives và lưới đánh cá giăng trái phép ngoài khơi và vải giày được Adidas-Parley đồng nghiên cứu tái chế từ nhựa.
Các thương hiệu thời trang Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua này. Một số local brand ra đời với sứ mệnh vì môi trường, như Dòng Dòng – một nhãn hàng bán túi tái chế từ những tấm bạt cũ, hay thương hiệu thủ công cao cấp Leinné với những chiếc túi làm từ cói.
Tuy nhiên, các thương hiệu bền vững Việt Nam được đánh vẫn còn khá “niche” đối với người tiêu dùng. Vậy nguyên nhân là gì? Việt Nam đang ở đâu so với nỗ lực bền vững của thế giới?
Thời trang bền vững thật sự là?
Không khó để tìm thấy định nghĩa về thời trang bền vững trên các nền tảng như Google hoặc thậm chí là Tik Tok.
Thời trang bền vững (sustainable fashion hoặc eco fashion) là việc sử dụng các chất liệu an toàn, có nguồn gốc từ thiên nhiên hoặc có thể tái chế được. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất cũng phải hạn chế việc tiêu thụ tài nguyên và đảm bảo các quyền lợi công bằng cho người lao động.
Khi nói đến thời trang, người ta sẽ nghĩ ngay đến sự thay đổi, hào nhoáng và hợp thời. Tuy nhiên, thời trang bền vững dường như không phù hợp với điều này vì nó tập trung vào các sản phẩm thời trang với các vật liệu không có hại cho môi trường và giải pháp “mua ít hơn”.

Người tiêu dùng toàn cầu ngày càng ý thức hơn về lượng rác thải do ngành thời trang tạo ra, từ khâu sản xuất đến thời trang nhanh chỉ được mặc vài lần rồi bỏ. Trước thực trạng đó, tính bền vững đang trở thành mối quan tâm lớn của các thương hiệu. Từ các nhà sản xuất hàng xa xỉ như Dior và Gucci đến các nhãn hiệu thời trang nhanh như Zara và H&M, ngành công nghiệp này đang nỗ lực để làm sạch các thông tin xác thực về tính bền vững của mình.
Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm bền vững có vật liệu tự nhiên hoặc vật liệu có thể tái chế có phải là giải pháp hợp lý nhất?
Tại sao thời trang bền vững không “thân thiện” với túi tiền?
Khi nhu cầu “xanh” của con người tăng, đồng nghĩa với việc nguồn cung nguyện vật liệu cũng tăng. Các sản phẩm thời trang bền vững chú trọng phần nguyên liệu như sợi cà phê, sợi dứa, sợi sen…
Theo Công ty Cổ phần Nghiên cứu Sản xuất và Phát triển Sợi Eco (Ecosoi), để sản xuất ra 1kg xơ thô thì phải sử dụng trung bình 55kg lá dứa tươi và chất liệu này được đánh giá cao về khả năng bảo vệ môi trường, có khả năng tự huỷ khi không dùng hoá chất.
Và để sản xuất ra sợi dứa phải qua quy trình gồm 7 bước bao gồm: thu hoạch lá dứa, chiết sợi, tách nước, tách sợi, làm sạch và sấy khô, kéo sợi và cuối cùng là dệt vải.
Dù được xem là giải pháp, các chế phẩm từ nông nghiệp chưa được “nhìn thấy” bởi các nhà cung cấp vải sợi trong nước. Lý do đây là thị trường ngách, chi phí sản xuất cao, nguồn cung nguyên liệu không có sẵn và hạn chế về thiết bị máy móc.
Vì những hạn chế kể trên, sản phẩm bền vững thường được bán với giá khá cao so với thị trường. Giá cả được coi là vấn đề then chốt giữa người tiêu dùng và các sản phẩm bền vững. Tại những thị trường như Việt Nam, nơi thu nhập bình quân đầu người thấp, sức mua sản phẩm thân thiện với môi trường khiêm tốn hơn nhiều. Hiện nay, giá thành các sản phẩm “xanh” cao đáng kể so với sản phẩm thông thường.
Ví dụ, một chiếc áo đến từ local brand bền vững như Môi Điên sẽ có giá khoảng 100 USD, tương đương với 2.563.000 VNĐ, một cái giá “khá chát” trong trung bình người tiêu dùng Việt Nam.
Điều chỉnh hành vi tiêu dùng chính là chìa khóa để hướng tới một lối sống bền vững. Một sản phẩm thời trang xanh sẽ mất đi ý nghĩa nếu không được sử dụng đúng cách. Người tiêu dùng nắm trong tay quyền quyết định tuổi thọ của sản phẩm, vì vậy, thay đổi thói quen mua sắm và sử dụng là điều cần thiết để thúc đẩy một ngành thời trang thực sự bền vững. Trách nhiệm này không chỉ thuộc về nhà sản xuất hay thương hiệu, mà còn nằm ở chính mỗi khách hàng.
Thời trang bền vững Việt Nam đang ở đâu?
Thời trang bền vững là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, sẽ có những khó khăn nhất định cho các thương hiệu thời trang Việt Nam hướng tới tính bền vững, khi so sánh với những thị trường khác như châu Âu và Bắc Mỹ.
Giá cả là yếu tố hàng đầu. Trong cùng một mức giá, ngành thời trang thông thường có nhiều lựa chọn với mẫu mã đa dạng, trong khi thời trang bền vững khó có thể làm được điều đó. Ở Việt Nam, người tiêu dùng có ít lựa chọn hơn vì số lượng thương hiệu thời trang bền vững có hạn.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về thời trang bền vững và tính bền vững nói chung ở Việt Nam còn hạn chế so với các thị trường như Mỹ hoặc châu Âu. Và hệ sinh thái hỗ trợ các thương hiệu bền vững còn hạn chế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chậm mà chắc, các thương hiệu “xanh” cần làm gì?
Thị trường thời trang bền vững Việt Nam tuy phát triển chậm nhưng lại có tiềm năng. Đây là vấn đề mang tính toàn cầu, chính vì thế sự chung tay của các ban ngành hoặc các tổ chức uy tín cũng là nguồn động lực to lớn cho các thương hiệu bền vững Việt Nam phát triển.
Thời trang bền vững là lĩnh vực khó, đòi hỏi nhiều sự đầu tư nghiên cứu và tài chính. Vì thế các thương hiệu thời trang trẻ dường như “cô độc” trên hành trình này với lựa chọn không vững về nhiều thứ như vốn đầu tư, tệp khách hàng cố định, thiết bị sản xuất và hiệu ứng truyền thông.

Các local brand Việt Nam cần đầu tư về việc định hướng khách hàng cách tiêu thu sản phẩm thông qua các chiến dịch truyền thông, các câu chuyện và giá trị mà brand muốn gửi gắm tới khách hàng.
Quan trọng hơn hết, sự thành thật giữa nhà sản xuất, thương hiệu và người tiêu dùng phải được đặt lên hàng đầu.
Brand chính là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, chính vì thế để đảm bảo các yếu tố bền vững, bản thân các thương hiệu thời trang phải kiểm soát trực tiếp quá trình đánh giá và tìm nguồn nguyên liệu cùng với việc tìm kiếm lực lượng lao động phù hợp. Khách hàng có thể dễ dàng quay lưng đi nếu thương hiệu không mang lại giá trị như ban đầu đã truyền tải.

Các thương hiệu không thể tự “gắn mác” mình là bền vững nếu như thực sự từ bên trong không hề bền vững.
Thời trang bền vững là một bài toán khó, và bài toán này cần có sự chung tay chặt chẽ giữa nhà sản xuất, thương hiệu, khách hàng và cả các bên có thẩm quyền. Hai yếu tố chính góp phần cải thiện tính bền vững trong thời trang là người tiêu dùng và các thương hiệu (bao gồm người bán và nhà sản xuất) – hai đầu của chuỗi cung ứng.
Thực hiện: Song Uyên