Tầm nhìn bền vững của Levi’s – Sự cải tiến qua từng thời kì của chiếc áo khoác Denim
Ngày đăng: 03/08/23
Trong vòng nhiều thế kỷ qua, có nhiều ví dụ về sự thay đổi khái niệm trong phong cách trang phục, rõ thấy nhất là workwear đã thoát khỏi bóng hình công nghiệp của nó và trở thành xu hướng thời trang đương đại nhờ thiết kế hữu ích và tiện dụng. “Denim” được mặc từ người dân lao động, dân hippies, đến các ngôi sao nhạc rock và rapper, lịch sử cũng như tầm ảnh hưởng của denim đã dần biến nó trở thành biểu tượng lịch sử của thời trang Mỹ – một biểu tượng tượng trưng cho sự thay đổi, độc lập và tự do.
Giống như cách những chiếc quần jeans có sự thay đổi trong kiểu dáng, sự tiến hoá của áo khoác denim đã đi lên song song, nhẹ nhàng, đơn giản nhưng mỗi bước tiến lại kết nối với văn hóa đại chúng một cách riêng biệt. Hãy cùng Style-Republik tìm hiểu xem trong suốt hơn một thế kỷ qua, tầm ảnh hưởng và sự tiến hoá của “phong cách Mỹ” đã mạnh mẽ như thế nào mà khiến đến cả những nhà mốt lớn cũng phải “sao chép” nó.
Type I – 1905
Ngọn nguồn của kiểu dáng Trucker, một trong những kiểu dáng áo denim phổ biến nhất có thể quay ngược lại truy tìm trong khoảng những năm 1905, khi Levi Strauss tạo Levi Blouse hay mẫu áo 506 với thiết kế đơn giản nhưng tiện dụng, phom dáng boxy crop để dễ dàng vận động với hai đường xếp ly chạy dọc theo phần trước. Vào thời điểm đó việc mua xắm quần áo mục đính chính chỉ để che chắn cơ thể, ít ai đủ điều kiện để chi trả cho nhiều kiểu dáng để thay đổi hàng ngày, vậy nên hai đường xếp ly chạy dọc phần thân trước đã được Levis sáng tạo nên nhằm giúp con người thời đó có thể mặc chiếc áo của họ lâu hơn, khi cơ thể trở nên to lớn hơn họ có thể cắt phần chỉ cố định đường xếp ly để áo được nới rộng và tiếp tục mặc nó mà không cần phải mua một chiếc áo mới.
Theo “Authentic Western Riding Wear” của Dude Ranch Duds, từ “Blouse” được sử dụng cho đến năm 1938, trước khi chuyển sang “Jacket”, mặc dù chiếc áo đã được gọi là Number One hay Type I trước đó hơn 20 năm, từ năm 1917. Tổng cộng sáu biến thể của Type I đã được sản xuất và ghi lại trong suốt hơn 40 năm, nhưng cho đến năm 1936, chiếc tab đỏ huyền thoại mới bắt đầu xuất hiện trên mép túi áo với định dạng “Big E”, có nghĩa là “LEVIS” chứ không phải “Levis” small “e” (cho những ai chưa biết thì tab “LEVIS” chỉ xuất hiện từ năm 1936 tới 1971 và sau đó tab “Levis” tồn tại trong tất cả các sản phẩm của Levis cho tới hiện tại).
Khi bước sang thập kỷ 1940, thiết kế một lần nữa được điều chỉnh lại, họ loại bỏ các chi tiết trang trí không cần thiết để hạn chế vật liệu trong thời kỳ Chiến tranh thế giới II, nhưng cũng vào thời điểm này, các ngôi sao và nhân vật nổi tiếng như Big Crosby hay Robert Mitchum đã bắt đầu mặc những chiếc áo khoác này, mang đến sự chú ý tới từ công chúng. Sự say mê của Crosby với Denim của Levi’s được củng cố bằng việc ông đã đặt làm một bộ đồ trang trọng bằng vải denim, được gọi với cái tên “Canadian Tuxedo”. Mọi người truyền tai rằng, Crosby đã làm bộ đồ này để “phản ứng” về việc năm 1951 ông bị từ chối làm thủ tục nhận phòng tại một khách sạn sang trọng tại Canada với lí do ông mặc một bộ đồ Denim và việc đó bị coi là mặc quần áo thiếu phù hợp.
Type II – 1953
Bước sang thập kỷ mới, 507XX, hay còn được gọi là Type II, được Levi’s ra mắt vào năm 1953. Denim dần được chấp thuận và hấp dẫn được những người trẻ thời đó, họ biến nó từ trang phục độc quyền của công nhân thành “đồng phục” đại diện cho hình ảnh các thanh thiếu niên nổi loạn từ khắp mọi nơi. Type II nhìn chung vẫn giữ lại hình dạng tổng thể của Type I, phom dáng dài hơn và được thêm một túi ngực thứ hai có nắp cài (lần này được gia cố bằng các đường may thay vì đinh tán “rivets”).
Sự thay đổi trong tinh thần văn hóa chủ đạo phần lớn nhờ vào sự bùng nổ của các nền văn hóa phụ thuộc vào giới trẻ và sự phát triển của phong trào âm nhạc Rock and Roll, đồng thời với sự ủng hộ của các siêu sao như Elvis Presley, kiểu áo này thu hút người hâm mộ không chỉ trong đất Mỹ mà còn lan rộng ra các nơi khác trên thế giới. “Hình ảnh” và “thái độ” của con người thời điểm đó đã được tóm gọn bởi nhân vật của Martin Sheen trong bộ phim nổi tiếng “Badlands” năm 1973, người diện áo Type II 507XX rách rưới kết hợp với chiếc quần jeans đồng bộ 501. Type II là một trong những mẫu áo nhận được nhiều sự quan tâm từ đại chúng đồng thời nó cũng nổi tiếng vì giai đoạn sản xuất tương đối ngắn; Levi’s ngưng sản xuất Type II vào năm 1962 chỉ sau chín năm, điều này đã làm tăng thêm tính kỉ niệm của nó sau này.
Không chỉ là một chiếc áo khoác denim hiếm, nó được các nhà sưu tập coi như một biểu tượng cho một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử của denim. Những chiếc áo gốc được gọi là “True Vintage” có thể được bán với giá hàng nghìn đô la trên các trang web đấu giá. Những khuôn mặt tiên phong trong thời trang đường phố như James Jebbia hay Nigo rất nổi tiếng với đam mê những món đồ “True Vintage” của Levi’s từ sớm, đặc biệt là những chiếc áo khoác, và Nigo thậm chí đã hợp tác với thương hiệu này để tái hiện phiên bản áo Type II của cá nhân của anh ấy. Sự tinh tế của người Nhật đối với Levi’s còn thể hiện rõ hơn qua số lượng các nhà sưu tập “đồ cổ”, nhiều người sở hữu các “hiện vật” của Levi Strauss mà ngay cả thương hiệu này cũng không còn có trong kho của họ.
Type III – 1962
Sau khi dừng sản xuất mẫu áo Type II, Levi’s không mất quá nhiều thời gian để tung ra một người kế vị mới. Type III, hay 557, được giới thiệu cùng năm đó, sau khi được vẽ tay bởi nhà thiết kế Jack Lucifer, con trai của Chris Lucifer, người sáng tạo ra Red Tab huyền thoại của Levi’s.
Jack Lucifer đã loại bỏ đi nhiều chi tiết đặc biệt là phần xếp ly đôi đã bị loại bỏ và thay thế bởi hai đường may V chạy từ túi đến phần gấu áo và tạo ra một thiết kế với dáng dài và thanh thoát. Hai túi áo được thay đổi để đặt lên cao hơn trên ngực, nhỏ hơn với nắp cúp hình nón. Thiết kế mới hoàn hảo phù hợp với trào lưu thời trang slim-fit của thời điểm đó và được đổi tên thành Lot Number 70505 vào năm 1967 và được giữ cho đến ngày nay. Hai túi ngang bên hông được thêm vào những năm 1980 và hoàn tất cho kiểu áo denim mang tính biểu tượng này. Các biến thể khác như phiên bản lót flannel và blanket được phát hành vào những năm 1990, và thương hiệu còn tung ra mẫu “Relaxed Trucker” với để theo kịp xu hướng baggy đang thống trị thời kỳ đó.
Mặc dù phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các thương hiệu denim khác, Levi’s vẫn luôn giữ vững vị thế bằng cách tiếp cận với các phong cách thời trang trẻ thịnh hành trong từng thời kỳ như Grunge và Britpop, hình các ngôi sao rock như Kurt Cobain và Liam Gallagher thường xuyên khoác lên mình chiếc áo Trucker có lẽ là hình ảnh truyền cảm hứng nhiều nhất. Vào giữa những năm 1990, nhận thấy tiềm năng của thị trường đồ cổ phát triển ở Đông Á, Levi’s đã giới thiệu dòng sản phẩm cao cấp mang tên Levis Vintage Clothing, với mong muốn tái hiện lại những trang phục biểu tượng với chi tiết tỉ mỉ dựa trên tiêu bản. Cả áo Type I và Type II đã được tái phát hành, lung linh trong vẻ đẹp của vải raw denim selvedge chất lượng cao.
Kể từ khi chiếc áo khoác denim trở lại thị trường vào giữa và cuối những năm 2000, sức hút của áo Trucker không hề giảm sút, và dần có những sự quan tâm đặc biệt mạnh mẽ đến các phiên bản gốc Big E cổ điển cũng như các sản phẩm tái phát hành LVC nhờ việc kết hợp với các siêu sao nhạc rap như Kanye West và Pharrell Williams. Thậm chí cả Virgil Abloh cũng thường xuyên mặc chúng, và thậm chí còn có một phiên bản áo Type III mang tên ông vào năm 2020.
Không thể nào phủ nhận được rằng mẫu áo Trucker là một trong những phong cách thời trang phổ biến bền vững nhất. Sự thật là mẫu áo này được các thương hiệu từ nhỏ tới lớn sao chép rất nhiều, điều này chứng tỏ tính đơn giản và tính linh hoạt tài tình của thiết kế. Dù là thay đổi chất liệu cho các lần hợp tác, tháo gỡ, làm lại các kiểu dáng, hoặc khai thác các bộ sưu tập cổ điển vô tận cho các dòng tái phát hành cao cấp, Levi’s luôn luôn thành công trong việc tái khám phá một trong những sản phẩm chủ lực của mình và giữ cho nó luôn hợp thời, khẳng định đúng câu ngạn ngữ cũ rằng chất lượng và thiết kế bền vững thật sự không bao giờ lỗi thời.
Thực hiện: Tuấn Hiệp