Tăng giá đã thúc đẩy cho doanh số Chanel bùng nổ?
Ngày đăng: 20/06/23
Theo báo cáo tài chính, doanh thu của Chanel đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái lên 17,2 tỷ USD, doanh thu của năm 2022 được đánh giá là cao kỷ lục. Việc tăng giá mạnh chiếm một nửa nguyên do tạo nên mức tăng trưởng doanh thu của Chanel vào năm 2022. Làm thế nào để chiến thuật này phù hợp với kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của ngôi nhà xa xỉ hàng đầu nước Pháp?
Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đã chiếm hơn một nửa doanh thu hàng năm của Chanel với doanh số bán hàng tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, khi người tiêu dùng Trung Quốc được giải phóng khỏi nhu cầu mua sắm bị dồn nén trong một thời gian. Hiện tượng này đã được nhìn thấy trong suốt thời gian qua trên toàn cầu.
Vào tháng 4 năm nay, chi tiêu của người Trung Quốc ở Pháp chỉ giảm 14% so với mức trước đại dịch vào năm 2019, cùng với các chuyến du lịch nước ngoài của người Trung Quốc tăng vọt.
Đầu năm nay, Hermès và LVMH cũng đều báo cáo rằng doanh thu tài chính năm 2022 của họ đã tăng 23% so với cùng kỳ.
Philippe Blondiaux, Giám đốc tài chính toàn cầu của công ty, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với WWD, điều thú vị là khoảng một nửa doanh thu tăng của Chanel vào năm 2022 là do tăng giá. Mặc dù công ty lý giải nguyên nhân chính của việc tăng giá bán sản phẩm là do lạm phát cùng với chi phí nguyên vật liệu tăng cao, tuy nhiên nhà mốt hàng trăm năm tuổi của Pháp đã trở nên nổi tiếng trong ngành vì chiến lược định giá mạnh mẽ của mình. Trong ba năm qua, những chiếc túi xách cổ điển của thương hiệu đã tăng giá 8 lần.
Vào năm 2019, giá của một chiếc túi Classic Flag Bag trung bình của Chanel là khoảng 6.000 USD. Tính đến tháng 4 năm nay, chiếc túi xách được làm từ da cừu với khoá kim loại mang tính biểu tượng của thương hiệu đã có giá bán lẻ 10.200 USD, ngang với giá của một chiếc túi Birkin (chiếc Birkin 25 có giá 10.400 USD). Mặc dù Hermès cũng thường xuyên điều chỉnh giá bán, tuy nhiên việc điều chỉnh liên tục Chanel vượt xa các đối thủ xa xỉ khác về mặt này.
Việc nhà sản xuất Chanel No.5 có thể tăng giá thường xuyên như vậy là minh chứng cho sức hút của thương hiệu. Bất chấp tỷ lệ lạm phát tăng cao – điều đã làm người Mỹ e dè trong việc chi tiêu thì dường như điều này không ảnh hưởng nhiều đến tầng lớp thượng lưu. Việc dịch chuyển sang thị trường cao cấp, tập trung vào giới khách hàng siêu giàu có không chỉ cho phép Chanel nhắm mục tiêu đến những khách hàng chịu chi, những người không bị ảnh hưởng gì mấy bởi bất ổn kinh tế, mà còn phục vụ cho nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi hơn mua sắm để đầu tư. Trên thực tế, giá trị của những chiếc túi Chanel cũ tăng khoảng 10-15% mỗi năm, theo Sotheby’s. Hơn nữa, tỷ suất lợi nhuận cao hơn cho phép công ty có sự đầu tư trở lại cho nhiều hoạt động hơn.
Năm nay, Chanel có kế hoạch tăng gấp đôi chi phí vốn lên 1,3 tỷ USD. Một phần trong số đó sẽ hướng tới việc xây dựng giá trị thương hiệu ở Trung Quốc, với việc mở một cửa hàng mới tại thành phố cấp một Trịnh Châu đồng thời thương hiệu cũng ra mắt bộ sưu tập Cruise 2024 tại Thâm Quyến.
Mặc dù Chanel được cho là vẫn chưa vượt qua Hermès về mức độ khan hiếm và giá trị bán lại, nhưng chắc chắn thương hiệu đang có những bước nhảy vọt lớn trong sứ mệnh mang đến trải nghiệm xa xỉ tuyệt đỉnh cho người tiêu dùng toàn cầu.
Thực hiện: K.
Theo Jing Daily