‘The Antwerp Six+1’ hay câu chuyện về nhóm NTK trẻ mang thời trang Bỉ ra thế giới
Ngày đăng: 22/04/19
Năm 1986, một nhóm sinh viên tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Hoàng Gia Antwerp (Antwerp Royal Academy of Fine Arts), Bỉ đã cùng nhau thực hiện chuyến du hành trên một chiếc van chất đầy trang phục – những mẫu thiết kế mới nhất trong collection cá nhân của mỗi người, hướng tới London, nơi sẽ diễn ra Fashion week.
Họ có chung một khao khát là giới thiệu tới thế giới những mẫu thiết kế thời trang mang tính tiên phong (avant garde) – một điều tưởng chừng quá đỗi ngông cuồng với những nhà thiết kế còn hết sức non trẻ và chẳng mấy tiếng tăm. Song chính khát vọng chinh phục đó lại làm nên một dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử thời trang mà cho tới tận ngày nay vẫn còn được nhắc đến.
Antwerp Six+1 là nhóm 6 NTK người Bỉ gồm Walter van Beirendonck, Ann Demeulemeester, Dries van Noten, Dirk Van Saene, Dirk Bikkembergs, Marina Yee, và thành viên ‘không chính thức’ – Martin Margiela.
Những buổi đầu gặp gỡ
Walter Van Beirendonck và Martin Margiela gặp nhau vào năm 1976 khi học năm nhất tại khoa Thời trang của Học viện Antwerp. Ngay lập tức, cả hai đã trở thành bạn bè, cùng chia sẻ đam mê tương đồng và tham vọng vươn ra quốc tế. Một năm sau, 5 thành viên khác cùng khoa gia nhập nhóm hai người. Họ thành lập một nhóm sinh viên thời trang làm việc chăm chỉ, nỗ lực để “vượt mặt” lẫn nhau và chính trong quá trình cạnh tranh lành mạnh đó. Chính trong quá trình cạnh tranh lành mạnh đó, họ củng cố động lực cũng như sự sáng tạo cho những người bạn của mình.
Walter Van Beirendonck và Martin Margiela gặp nhau vào năm 1976 khi học năm nhất tại khoa Thời trang của Học viện Antwerp.
“Làm hết sức mà chơi cũng hết mình” là tôn chỉ của nhóm Antwerp Six +1. Họ cùng chia sẻ niềm vui với thời trang, chẳng hạn như gặp nhau ở nơi làm việc của Dries van Noten và thảo luận về thời trang, tạo ra những chủ đề tranh luận và thực hành ngay tại chỗ: từ khung váy crinoline hào nhoáng của Marie Antoinette cho tới những bộ suit bằng da phong cách SM, bất cứ điều gì có thể nghĩ ra được.
Sự tương phản giữa các thành viên của nhóm Antwerp Six đem đến những trận tranh luận căng thẳng, nhưng chúng cũng khiến mỗi người thể hiện cái tôi một cách mạnh mẽ hơn. Ai cũng muốn thể hiện rằng anh ấy/cô ấy có thể làm được. Đó cũng là một trong những bí mật của nhóm Antwerp Six: chính bởi sự căng thẳng và đối nghịch mà họ có thể khai thác tiềm năng của bản thân một cách triệt để nhất.
Walter Van Beirendonck và Martin Margiela đều là những sinh viên thích sự thử nghiệm quyết liệt. Nếu như phong cách thiết kế của Walter hướng về tương lai thì Martin lại bận tâm tới việc khai thác thiết kế với cảm nhận về lịch sử và quá khứ.
Hai người phụ nữ của nhóm, Ann Demeulemeester và Marina Yee, cũng mang trong mình nguồn năng lượng trái ngược nhau: Marina Yee đắm mình trong thế giới nghệ thuật và là người phóng túng nhất trong nhóm, trong khi Ann Demeulemeester tìm thấy năng lượng sáng tạo trong âm nhạc và thơ ca, từ đó tạo ra những phom dáng và hình bóng mới.
Dries Van Noten thường bỏ học vì ông bận đi làm cho hơn năm công ty quần áo trong chính những năm ở Học viện.
Dirk Bikkprices đã phấn đấu để trở thành một nhà thiết kế thành công và thực tế là đã phát triển một thương hiệu giày cá nhân trong những năm còn đi học.
Dirk Van Saene thì theo đuổi con đường nghệ thuật. Sinh ra trong một gia đình họa sĩ, Van Saene không chỉ thể hiện bản thân trong thời trang, mà anh còn vẽ tranh và điêu khắc gốm nghệ thuật.
Ảnh hưởng bởi những dòng chảy âm nhạc và nghệ thuật giữa lòng Châu Âu
Thập niên 60 và 70, nền âm nhạc và nghệ thuật tại thành phố Antwerp, Bỉ đã phát triển cực thịnh. Những phòng trưng bày avant garde như Wide White Space đem lại sự chú ý cho các nghệ sĩ như Joseph Beuys, Marcel Broodthaers, and Panamarenko. Trong cả lĩnh vực thời trang và âm nhạc lúc bấy giờ đều xuất hiện những dòng chảy mới, những tên tuổi mới truyền cảm hứng cho các NTK trẻ ở Antwerp. Qua những chuyến đi của nhóm tới London và New York, họ khám phá ra sự chuyển dịch của xu hướng punk và New Romantic. Họ cùng nhau ghé thăm những CLB như ‘Antwerp OK Club’, ‘La Place’ ở Paris, ‘Taboo Club’ của Leigh Bowery ở London, và ‘Interview parties’ của Andy Warhol ở New York. Họ cùng tham gia những buổi concert tại quê nhà và ở nước ngoài, khám phá những phong cách âm nhạc khác nhau, từ rock, disco, glam tới punk.
Trong cả lĩnh vực thời trang và âm nhạc lúc bấy giờ đều xuất hiện những dòng chảy mới, những tên tuổi mới truyền cảm hứng cho các NTK trẻ ở Antwerp.
Mặc cho không khí nghệ thuật lan toả tại Antwerp, thành phố vẫn chưa có được một bản sắc nghệ thuật riêng. Điều này cũng diễn ra tương tự trong thế giới thời trang. Cho tới đầu những năm 80, một số thương hiệu thời trang nổi tiếng của Bỉ như Olivier Strelli, Bartsons, hay Cortina vẫn chọn những cái tên “ngoại lai”, những người có xu hướng che dấu hơn là nhấn mạnh gốc rễ Bỉ của các thương hiệu. Điều này đã thay đổi hoàn toàn sau khi nhóm 7 sinh viên tốt nghiệp từ khoa thời trang của Học viện Antwerp tạo nên một bước tiến lớn trong lịch sử thời trang của đất nước này.
Trong thập niên tám mươi, thời trang Bỉ có thêm động lực phát triển nhờ vào ‘Kế hoạch dệt may’ của Chính phủ Bỉ với mục đích đem lại luồng sinh khí mới cho ngành công nghiệp may mặc của đất nước. Thành công trong nước của từng thành viên trong Antwerp Six trong cuộc thi Golden Spindle (Gouden Spoel) và chiến dịch của ITCB (Institute for Textiles and Clothing Belgium) dưới sự chỉ đạo của Helena Ravijst đã thu hút sự chú ý của giới mộ điệu lẫn báo chí trong nước. Là một phần của cuộc thi Golden Spindle, các show diễn chuyên nghiệp đã được tổ chức, hai trong số đó diễn ra ở Nhật Bản. Những buổi trình diễn này là bước đệm quan trọng cho sự nghiệp cá nhân tương lai của các thành viên thuộc nhóm Antwerp Six +1, truyền cảm hứng và cho họ cơ hội để khám phá các thiết kế tiên phong của những NTK Nhật Bản như Rei Kawakubo hay Yohji Yamamoto.
Tự tạo ra cơ hội cho chính mình
Mong muốn trải nghiệm của những thanh niên trẻ này không bị kìm hãm bởi những nguyên tắc trong trường học. Sau khi tốt nghiệp, bảy người thử nghiệm các công việc thương mại khác nhau. Số tiền họ kiếm được ngay lập tức được đầu tư vào bộ sưu tập, với ước mơ thành lập thương hiệu cho riêng mình. Sự nhiệt huyết độc đáo của nhóm đã khiến họ trở thành thế hệ đầu tiên của học viện Antwerp tạo ra sự đột phá mang tính quốc tế.
Sự nhiệt huyết độc đáo của nhóm đã khiến họ trở thành thế hệ đầu tiên của học viện Antwerp tạo ra sự đột phá mang tính quốc tế.
Năm 1986, Dirk Bikkemberg bắt đầu giới thiệu BST giày nam theo phong cách avant-garde đầu tiên được bán ở cửa hàng của Eddy Michiels và Geert Bruloot, được đặt tên là Coccodrillo. Chính Geert Bruloot là người nảy ra ý tưởng tham gia hội trợ thời trang London, với mục đích bán những đôi giày thiết kế theo phong cách avant garde của Bikkemberg cho những cửa hàng giày đặc biệt ở thủ đô nước Anh. Họ cùng thuê một bốt ở tầng 4 – giữa khu vực đồ cưới tại British Designer Show.
Ngày đầu tiên, không có ai thèm ghé vào gian hàng của họ. Do vậy, cả nhóm quyết định sẽ tạo ra một tờ flyer thật bắt mắt để thu hút sự chú ý. Ngày kế tiếp, có một vài khách hàng quan trọng đã ghé thăm. Một trong số đó là fashion buyer của Barneys New York, người đã đặt mua thiết kế của cả 6 NTK. Bởi sự khó khăn trong việc phát âm những cái tên Bỉ, họ quyết định gọi nhóm là ‘Antwerp Six’.
Bước đột phá tại môi trường quốc tế của Antwerp Six là một ví dụ về tài năng lẫn may mắn, khi không có bất cứ một chiến lược thương mại hay nhà đầu tư đứng về phía họ. Trong vài ngày tới, họ đã nhận được đơn đặt hàng từ các fashion buyer quốc tế khác. Antwerp Six trở lại London vào mỗi mùa tiếp theo với nhiều mẫu thiết kế hơn trên giá. Trong buổi trình diễn của họ tại Tuần lễ thời trang Luân Đôn vào tháng 3 năm 1988, họ đã gây ấn tượng lớn với báo chí tiếng Anh và quốc tế, với sự cổ vũ của tờ i-D mà một số tạp chí hipster khác. Năm 1988, Antwerp Six chuyển sang Paris để giới thiệu bộ sưu tập của họ.
Sức ảnh hưởng của Antwerp Six+1
Không chỉ là một hiện tượng thời trang ở thời điểm thập niên 80, Antwerp Six còn tạo dựng danh tiếng cho một quốc gia châu Âu vốn chưa có một bản sắc cụ thể trong ngành công nghiệp thời trang vốn đang chịu ảnh hưởng từ những NTK từ Pháp, Italy hay Nhật Bản.
Sức ảnh hưởng và phong cách thẩm mỹ của nhóm đa dạng tới mức quả thật là một điều kỳ diệu khi tất cả đều cùng học ở một trường, trong cùng một giai đoạn. Đó là sự thanh lịch sâu sắc của Dries van Noten, bảng màu nặng nề tông đen của Ann Demeulemeester, sự lập dị trong màu sắc và hoạ tiết của Walter van Beirendonck, phong cách may đo phá vỡ tái cấu trúc của thành viên danh dự Martin Margiela.
Phong cách đa dạng và danh tiếng toàn cầu của nhóm đã giúp Học viện Nghệ thuật Antwerp thu hút được một lượng lớn học sinh trên toàn thế giới như Raf Simons, Haider Ackermann, Kris Van Assche và Demna Gvasalia trong những năm tiếp theo
Mặc dù mỗi người đều có một dấu ấn riêng, có con đường phát triển khác nhau, theo cả hướng sáng tạo lẫn thương mại, thì cái tên ‘Antwerp Six’ vẫn là một dấu son đặc biệt quan trọng với mỗi người cho đến ngày nay.
Thực hiện: Quỳnh Nga