Thế hệ Millennials và Thế hệ Gen Z là động lực của thị trường hàng xa xỉ
Ngày đăng: 23/07/23
Đến năm 2026, Thế hệ Millennials và Thế hệ Gen Z dự kiến sẽ chiếm 75% số lượng người mua hàng xa xỉ. Sự phát triển này đang định hình lại bối cảnh thị trường xa xỉ, điều hướng bởi những người tiêu dùng trẻ hơn, chi tiêu cao hơn và khó tính hơn. Nó cũng mang ra các xu hướng mới, chẳng hạn như bán lại và cho thuê các mặt hàng xa xỉ.
Theo báo cáo True-Luxury Global Consumer Insight 2023 của công ty tư vấn chiến lược Mỹ BCG và Quỹ Altagamma, Thế hệ Millennials và Thế hệ GenZ đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong ngành hàng xa xỉ. Đến năm 2022, họ đã chiếm gần 200 tỷ euro thị trường, gấp đôi con số năm 2016 và con số này được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2026. Hơn nữa, thế hệ trẻ chi tiêu nhiều hơn 15% so với các nhóm tuổi khác, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của ngành.
Sự gia tăng của việc bán lại và cho thuê
Thế hệ Millennials và Thế hệ GenZ cũng đang thúc đẩy một xu hướng mới nổi khác trên thị trường xa xỉ: bán lại và cho thuê hàng xa xỉ. Vào năm 2022, một phần ba người tiêu dùng được khảo sát mua hàng xa xỉ đã qua sử dụng, tăng 7 điểm so với năm 2020 và 22% chọn thuê đồ xa xỉ, tăng 4 điểm trong hai năm. Cả hai xu hướng đều đặc biệt phát triển đối với người tiêu dùng trẻ tuổi, với 35% Thế hệ Millennials và Thế hệ GenZ mua hàng xa xỉ đã qua sử dụng và 26% đã thuê hàng xa xỉ trong năm qua.
Người tiêu dùng sáng suốt trong việc tìm kiếm trải nghiệm được cá nhân hóa
Tuy nhu cầu ngày càng gia tăng đối với các mặt hàng xa xỉ, nhưng người mua sắm trẻ tuổi có thể trở nên rất kén chọn khi nói đến trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Mặc dù các thương hiệu xa xỉ đã có những nỗ lực đáng kể để cải thiện trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng, nhưng chưa đến 50% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ thực sự hài lòng với trải nghiệm và 11% thậm chí còn cảm thấy rất thất vọng.
Theo báo cáo, rất ít thương hiệu xa xỉ đã thành công trong việc tái tạo lại các yếu tố cảm xúc trên mạng như đã trải qua khi khách hàng mua sắm tại cửa hàng. ‘Sự mất kết nối kỹ thuật số’ này đặc biệt đáng chú ý ở Thế hệ Gen Z và ở Châu Âu, nơi cứ năm thanh niên thì có một người cho rằng trải nghiệm mua sắm trực tuyến của họ là đáng thất vọng, so với tỷ lệ một trong mười người thuộc thế hệ Millennials.
Những nhu cầu mới này đang khiến các thương hiệu xa xỉ phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận của họ để thu hút và giữ chân người tiêu dùng trẻ tuổi. Theo giám đốc điều hành của công ty tư vấn chiến lược Mỹ BCG và đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực xa xỉ – Joël Hazan, các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo AI và Web3 có thể cho phép các thương hiệu cung cấp trải nghiệm khách hàng siêu cá nhân hóa đầy thu hút. Những công cụ này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng mong đợi của nhiều đối tượng quen thuộc với kỹ thuật số. Đặc biệt, cách tiếp cận này đã đơm hoa kết trái ở Trung Quốc, nơi công nghệ trong lĩnh vực này phát triển và tiên tiến hơn. Trên thực tế, chỉ có 13% người mua hàng xa xỉ cho biết họ không hài lòng với trải nghiệm mua hàng trực tuyến của họ, trong khi khoảng một nửa (46%) giao dịch mua hàng trong nước này được thực hiện trực tuyến.
Thị trường hàng xa xỉ quốc tế đang cho thấy sự tăng trưởng vững chắc trên toàn thế giới. Nó dự kiến sẽ trị giá khoảng 1.300 tỷ euro vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 6% từ năm 2022 đến năm 2026.
*Báo cáo dựa trên mẫu 12.000 người từ 12 thị trường xa xỉ lớn trên thế giới (Mỹ, Anh, Ý, Pháp, Đức, Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi). Những người tiêu dùng được chọn chi tiêu trung bình 39.000 € một năm cho hàng xa xỉ (quần áo, phụ kiện, trang sức, đồng hồ, nước hoa, mỹ phẩm, khách sạn, nhà hàng, rượu vang, rượu mạnh, v.v.).
Thực hiện: S.
Theo Fashion United