Hà Nội một thời kim chỉ vá khâu, nghề may âu hoá và y phục lối mới kiểu Le Mur
Ngày đăng: 15/07/20
Hà Nội xưa là nơi phường nghề Kẻ Chợ. Từ phố tơ lụa Hàng Bông, Hàng Đào đến các hiệu may âu phục, nhà buôn – xưởng dệt ở Hàng Ngang, Hàng Trống, Hàng Quạt, Hàng Bồ… là nơi dân làng tứ xứ hội tụ về, mang theo bao tinh hoa kỹ nghệ dân gian, cùng trí tuệ canh tân và công nghệ tiên tiến học hỏi từ phương tây, để lập nghiệp kiếm sống, rạng danh làng nghề, phát triển đất nước. Trong nửa đầu thế kỷ XX, có thể nói thị trường Hà Nội đã hoạt động giao thương vô cùng sôi nổi, tận dụng vị thế thủ đô Đông Dương và tích cực theo đuổi tư duy kinh tế của thời đại mới.
Như nhiều ngành nghề khác, ngành thời trang thuở sơ khai cũng đã được hưởng lợi lớn trong dòng chảy lịch sử này. Vào những năm tháng xưa cũ 100 năm trước, ngay cả tầng lớp thượng lưu hay thị dân Kẻ Chợ, nếu muốn ăn mặc theo “mốt” kim thời thì phải nhờ vào những ông thợ may tài hoa, hay những người nghệ sỹ có đầu óc tân tiến ở Hà Nội – như Le Mur Nguyễn Cát Tường. Trong giai đoạn âu hóa và công nghiệp hóa mạnh mẽ, vào khoảng thập niên 30 – 40 của thế kỷ trước, giữa một nền kinh tế điều hành và khai thác bởi các nhà công nghiệp nước Pháp, đã có mặt các nhà tiên phong cải cách và thúc đẩy sự ra đời của các “thương hiệu Việt”.
Y phục cung đình và áo dài làng Trạch Xá
Làng Trạch Xá (xã Hoà Lâm, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây cũ) ngày nay được biết đến là cái nôi của nghề may y phục cung đình và áo dài truyền thống. Ngày nay, ở Ứng Hoà vẫn còn giữ được các di tích lịch sử thời nhà Đinh (924 -979), thờ vua Đinh Bộ Lĩnh và các vị tướng có công dẹp loạn 12 sứ quân. Đình Trạch Xá và đền thờ Tổ Nghề May ở xã Hoà Lâm thờ Tứ Phi Hoàng Hậu Nguyễn Thị Sen, tức Cổ Quốc Hoàng Hậu của vua Đinh Tiên Hoàng. Bà được hậu thế suy tôn là Thánh Tổ nghề may, lấy ngày 12/12 âm lịch là ngày giỗ tổ ngành may của cả nước. Tục truyền, sau khi vua Đinh Tiên Hoàng mất, bà Nguyễn Thị Sen đã quay về quê nhà ở làng Trạch Xá, truyền dạy kỹ nghệ may y phục cung đình cho dân làng.
Trải qua hơn một ngàn năm, người làng Trạch Xá truyền nghề hết thế hệ này đến thế hệ khác, hầu như chỉ có đàn ông mới được nắm giữ những kỹ thuật bí truyền. Các nghệ nhân của làng suốt bao đời đều may trang phục cho vua quan các triều đại phong kiến. Trong khoảng thập niên 30, nghệ nhân Tạ Văn Khuất ở làng Trạch Xá được vời vào kinh đô Huế để may áo dài cho Hoàng Hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại. Ngoài ông Khuất, người làng Trạch Xá còn nhắc đến việc Vua và Hoàng Hậu từng đến cửa hiệu ở số 16 Cầu Gỗ (Rue du Pont en bois) của ông Lê Văn Muối để đặt may áo dài, trong khoảng thập niên 40.
Theo lời cụ Nguyễn Văn Nhiên (sinh năm 1933) – con rể của ông Muối, và là người có tuổi nghề cao ở làng Trạch Xá, kể: “cửa hàng số 16 Cầu Gỗ được xem là lớn nhất miền Bắc. Chủ nhân của cửa hàng là cụ Lê Văn Muối – người giàu nhất nhì làng Trạch Xá (sau này là bố vợ của tôi). Trong cửa hàng có khoảng 60 thợ may làm việc ngày đêm” (Nguồn Vietnamnet, năm 2019)
Ảnh chụp Vua Bảo Đại mặc áo dài truyền thống, năm 1941 (Ảnh minh hoạ, không hẳn là áo dài may bởi cai thợ của làng Trạch Xá). Nguồn: britannica/Anonymous/AP/
Trong những năm dài chiến tranh và chế độ quân chủ nhà Nguyễn suy tàn dưới thời Pháp thuộc, nhiều thợ may ở làng Trạch Xá dắt díu gia đình ra Hà Nội mở hiệu may hành nghề kiếm sống. Trong số đó có một bác thợ phó mở hiệu may đầu tiên ở số 44 ngõ Phất Lộc. Đến giữa thập niên 50, bà Quyến – truyền nhân đời thứ 3 và là con gái của ông, kết duyên với ông Lê Thành Vinh, một đồng hương làng Trạch Xá, rồi cùng nhau mở hiệu may đầu tiên ở số 23 Lương Văn Can, đặt tên là Vinh Trạch. Giống như bà Quyến, nhiều truyền nhân của làng Trạch Xá cũng tỏa đi khắp Hà Nội, lập nghiệp trên các tuyến phố Khâm Thiên, Cầu Gỗ, phố Huế…
Ở thập niên 20 của thế kỷ hiện tại, trên con phố Lương Văn Can và một số nơi quanh Hà Nội, vẫn có thể tìm thấy các hiệu may gia truyền như Vinh Trạch, Đức Trạch, Nghĩa Trạch, Quế Trạch, Hưng Trạch, Phú Trạch… với chữ “Trạch” nhắc nhớ về vùng đất tổ nghiệp ở làng Trạch Xá.
Hiệu may gia truyền Vinh Trạch và Đức Trạch của người làng Trạch Xá, trên phố Lương Văn Can. Nguồn: thanglong.chinhphu.vn
Cho đến nay, làng Trạch Xá vẫn cố gắng gìn giữ nghề may áo dài truyền thống, kỹ nghệ khâu tay gia truyền của người làng Trạch Xá vẫn nổi tiếng tinh xảo. Hiệu may Vinh Trạch đã truyền nghề qua 4 đời, gia đình có một cơ sở 2 ở số 8 Lương Văn Can, vẫn thường xuyên được nhiều người hoài cổ tìm đến, cốt để nghe kể chuyện xưa và đặt may một tấm áo dài khâu tay lối cũ.
Nhà may Vinh Trạch nép mình trên phố Lương Văn Can, Hà Nội. Nguồn: hoatienquan.
Những “thợ may Tây” người làng Cựu
Làng Cựu (thuộc xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là làng nghề may comple, veston duy nhất trên cả nước. Các bậc cao niên trong làng lần theo gia phả cho biết làng Cựu đã có lịch sử hơn 500 năm, Thành Hoàng Làng là một vị tướng dạy hổ Trần Ninh Thuận. Đầu những năm 1930, làng Cựu cử hai người sang Pháp học nghề may âu phục, khi trở về quê hương thì truyền nghề lại cho người trong làng. Người làng Cựu từ đó lập nghiệp bằng nghề may âu phục, chuyên may comple cho các quý ông thành thị lúc bấy giờ.
Cuối thập niên 30, tay nghề của người làng Cựu nức tiếng gần xa. Nhiều người rời làng lên phố lập nghiệp, làm thợ hoặc tự mở ra nhiều nhà may âu phục ở Hà Nội và Sài Gòn. Trong khoảng những năm 1940 – 1950, từ làng Cựu đến Hà Nội và Sài Gòn, để biết nhà may nào xuất thân từ làng Cựu, người ta có thể nhìn vào biển hiệu có chữ “Phú” hoặc “Phúc”, như Phú Mỹ, Phú Long, Phú Cường, Phú Hải, Phúc Duyên, Phúc Thành… Đến thời nay, hiệu may Phú Cường ở số 10, phố Hàng Trống đã trải qua 4 đời nhưng vẫn còn giữ lại tên cũ nếp xưa.
Quảng cáo may âu phục của các hiệu may Phúc Duyên, Phú Long, Vạn Phúc. Hiệu Phúc Duyên ở 163, đường Catinat (Saigon) giới thiệu rằng “mấy ông mấy thầy sẽ được vui lòng đẹp ý vì những tay thợ đều là thợ đã lựa ở ngoài Bắc đem vô”. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Cửa hiệu quần áo trẻ em Đức Hạnh, ở số 21 Hàng Trống, ra đời từ năm 1950 và vẫn còn tồn tại đến ngày nay (chuyên kinh doanh đồng phục học sinh). Cạnh bên là hiệu may Phúc Hưng. Nguồn: Đức Hạnh 1950
Sau 1945, người làng Cựu vẫn giữ nghề may comple và tham gia công ty hợp doanh theo chủ trương của nhà nước. Nhiều thợ may người làng Cựu vào làm việc cho tổng công ty Bông Vải Sợi Hà Nội (1957) và là tiền thân của công ty cổ phần Vải Sợi May Mặc Miền Bắc – TEXTACO ngày nay.
Sau thập niên 60, nghề may của xã Vân Từ tập trung chủ lực về phía thôn Từ Thuận. Từ đây, người dân có sự chuyển đổi cơ cấu, đầu tư máy móc để đáp ứng nhu cầu thị trường thời đổi mới của thập niên 80. Hiện nay, thôn Từ Thuận, thôn Vực, thôn Thượng ở xã Vân Từ tập trung nhiều hộ sản xuất và công ty chuyên may gia công đồng phục công sở, comple đại trà cho thị trường trong nước.
Ảnh chụp sản phẩm veston của làng Cựu, thuộc đề án “Phát triển làng nghề may – du lịch tại làng Cựu” của nhóm nghiên cứu Mô Hình Làng Nghề – Du Lịch và Làng Di Sản – Du Lịch (đại học Xây Dựng Hà Nội), kết hợp cùng Khoa Kiến Trúc & Quy Hoạch (đại học Xây Dựng Hà Nội) và tổ chức Desk Italia, triển khai và thực hiện vào năm 2020. Nguồn: dulich.laodong.vn
Hợp tác xã may comple – veston Hùng Vương, một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của làng nghề may Từ Thuận, Vân Từ hiên nay. Nguồn: tuoitrethudo
Sự kích hoạt của y phục thể thao và kỹ nguyên dệt kim
Nguồn gốc của y phục thể thao (active-wear) gắn chặt với sự phát triển của các bộ môn thể thao, sự tiến bộ xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp dệt may. Nhu cầu đối với y phục thể thao đã xuất hiện trong thế kỷ XIX, như trang phục săn bắn, đua ngựa đối với nam giới hoặc đi bơi, đi xe đạp đối với phụ nữ, hay croquet, tennis…Cụ thể, người ta tất yếu cần các loại trang phục hiệu quả hơn, như quần bó hơn hoặc váy ngắn hơn, thông thoáng hơn và co giãn hơn, để dễ dàng di chuyển, chạy nhảy…
Gần như xuyên suốt sự phát triển của y phục thể thao được thúc đẩy bởi môi trường giáo dục đại học, nơi các sinh viên được khuyến khích vận động, vui chơi và luyện tập thể chất. Từ giữa thế kỷ XIX, bóng đá (football) được chấp nhận như một môn thể thao mới và rất được yêu thích ở Châu Âu, dẫn đến sự ra đời của “lightweight wool jersey”, hay cách gọi khác như pullovers hoặc sweatshirt – áo len/áo dệt kim chui đầu thể thao dành cho nam giới, vào khoảng cuối thế kỷ XIX
Đội hình của Sheffield FC – Câu lạc bộ bóng đá đầu tiên của thế giới và còn tồn tại đến ngày nay (thành lập từ 24/10/1857). Ảnh chụp vào năm 1876. Nguồn: wikiwand.com/en/Sheffield_F.C
Một phụ nữ mặc quần phồng (bloomers) cưỡi xe đáp – Khoảng 1900. Photographer unknownCard stock, American Photo. Collection of Lorne Shields. Nguồn: photowings.org
Trên thế giới, công cuộc cải cách y phục tennis đã bắt đầu diễn ra từ những thập niên cuối thời Victoria, song song với việc thiết lập câu lạc bộ tennis đầu tiên trên thế giới tại Anh (1872) và giải thi đấu tennis đầu tiên (1875) [*1]. Flannel, jersey và serge vẫn là các loại vải“thể thao” phổ biến trong thời kỳ đầu và kéo dài đến khi Thế Chiến I kết thúc. Chất liệu dệt kim đã xuất hiện từ rất sớm, nhưng mãi đến những năm 1920 mới có một sự chuyển đổi ngoạn mục. Người ta nhận ra rằng chúng không chỉ dùng mặc lót bên trong mà còn có thể giữ ấm khi mặc khoác bên ngoài với nhiều phong cách thời trang khác nhau.
Bước vào thập niên 20 tự do, trang phục tennis của nam và nữ đều có sự thay đổi đáng kể. Màu trắng đại diện cho tennis, đặc biệt là trang phục nữ. Áo len chui đầu, áo len cardigan, áo len cổ V… được sử dụng bởi cả nam lẫn nữ. Phụ nữ Châu Âu cởi bỏ corset, mặc váy linen hoặc quần culottes. áo len cardigan tay dài hoặc không tay, áo sơ mi lụa hoặc cotton; trong khi nam giới mặc quần linen trắng, quần short, áo sơ mi không cravat, flannel blazer hoặc polo shirt. Những năm cuối thập niên 20, chất liệu dệt kim, trang phục tennis và phong cách của Suzanne Lenglen [*2] là niềm cảm hứng của haute couture. Các nhà thiết kế như Jean Patou, Jeanne Lanvin, Elsa Schiaparelli, Coco Chanel đã biến những chiếc áo len chui đầu (pull’overs hay sweaters, chemisettes de tennis) trở thành những mode thời trang đáng khao khát của các quý bà quý cô Châu Âu.
Các tay vợt người Mỹ Vincent Richards, Bill Tilden (vô địch thế giới 1920 – 1925) và Bill Johnston (cựu vô địch quần vợt số 1 thế giới, 1919) tại Davis Cup, năm 1922. Nguồn: fr.m.wikipedia.org
Hai vận động viên quần vợt người Pháp Simonne Mathieu và Suzanne Lenglen, 1926. Nguồn: tennis-buzz.com
Đầu những năm 1920, hình bóng của áo len dệt kim trở nên đơn giản, mỏng, thu gọn, dáng dài và nam tính hơn so với hai thập niên trước đó. Tuy nhiên, về phong cách, từ kiểu dáng, màu sắc đến chi tiết trang trí đều phong phú và rất thu hút, truyền cảm hứng cho các mốt thời trang nữ nổi lên liên tục lúc bấy giờ.
Thời kỳ hoàng kim này vẫn kéo dài đến đầu những năm 1930, sau đó khiêm tốn hơn như trung tính, dáng ngắn, ít hoạ tiết và tập trung vào thiết kế kiểu dệt nhiều hơn để trở thành đặc trưng thanh lịch của thập niên 30. Trong giai đoạn thập niên 20 – 30, áo len dệt kim là một xu hướng thời trang thịnh hành của phụ nữ hiện đại Châu Âu. Ở một quốc gia thuộc địa đang trong quá trình phong hoá như Việt Nam, áo len dệt kim có thể xem là dấu hiệu nhận biết những người ủng hộ lối sống tân thời.
Quảng cáo áo pull’overs (áo len chui đầu) và chemisettes de tennis (áo sơ mi tennis) của hiệu Cự Lập (61 Hàng Đào) đăng trên tuần báo Phong Hóa, 19 tháng một 1934. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Hiệu Cự Vĩnh ở số 50 Hàng Bồ (Rue des Paniers) bán buôn và bán lẻ các loại áo len và áo thun cotton, đăng trên Hà Thành Ngọ Báo, số 2427, 13 tháng mười 1935. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Quảng cáo các mẫu đồ bơi mới nhất của hiệu Cự Chung, đăng trên báo Ngày Nay, 25 tháng bảy 1937. Và quảng cáo áo len kiểu mới của năm, đăng trên Ngày Nay, 9 tháng một 1938. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Vào thập niên 30 ở Hà Nội, những cửa hiệu trên phố Hàng Đào như Cự Chung, Cự Lập, Cự Hải… đã rất nhạy bén với thị trường, sớm nhập hàng và quảng bá áo len dệt kim. Đây là một loại âu phục khác thịnh hành và thực sự thích hợp cho thời tiết đông-xuân rét buốt của miền Bắc. Cái tên “Pull’overs” xuất hiện nhiều trên các tờ báo lớn thời bấy giờ và trở thành loại y phục mùa đông thiết yếu, phổ biến đối với nam giới và phụ nữ Việt Nam
Tháng 1/1934, hiệu dệt Cự Chung đăng một mục quảng cáo cũng như đính chính trên tờ Phong Hóa, 19 tháng một 1934, về việc Cự Chung mới chính người đem nghề dệt áo pull’over vào Đông Dương, có thiết kế vải Jacquard, dệt khăn choàng và dệt đan chéo bằng máy mua mới ở bên Đức. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Cửa hiệu Bonneterie Quang Trung ở nhà 78 Hàng Đào, đăng quảng cáo giới thiệu về kỹ nghệ dệt pull’over và cache-col bằng laine và sợi của nước ta, trên tờ Loa, số 98, 2 tháng một 1936. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Đăng trên tuần báo Ngày Nay, 9 tháng một 1938, hiệu Cự Hải quảng cáo “báo đảm áo len dệt nguyên chất” (garantie pure laine dệt) với cửa hàng chính ở 55 Hàng Đào (Hà Nội), nhà xưởng ở số 73 phố Thuốc Bắc (Rue Medicaments) và các chi nhánh ở Nam Định, Hải Phòng. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Nhãn hiệu CéCé của hiệu dệt Cự Chung bán buôn và bán lẻ các loại pull’over (áo len chui đầu), maillot (đồ bơi), chemisette (áo sơ mi)…, đăng trên Ngày Nay, 26 tháng chín 1937. Và nhãn hiệu áo len Cima của hiệu dệt Cự Thịnh, được giới thiệu trên tờ Tia Sáng, số 1457, 20 tháng mười hai 1952. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Các ông chủ xưởng dệt người làng Cự Đà
Từ những năm 1930, vài người trong làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ) sau một thời gian làm công ở các xưởng của người Pháp, người Hoa đã học được nghề dệt kim, tự lập nên các xưởng dệt để sản xuất áo pullover (áo len chui đầu), áo khoác len, tricots (một loại vải dệt kim sợi dọc, so giãn một chiều)…phân phối bán buôn trên cả nước và còn xuất khẩu ra nước ngoài. [*3]
Một trong những nhà sản xuất quần áo dệt kim lớn của Hà Nội vào đầu thế kỷ XX chính là hiệu Cự Gioanh (hay Cự Doanh). Ngoài ra, thị trường còn có mặt các hiệu “Cự” không kém tiếng tăm như Cự Chung, Cự Lập, Cự Hải, Cự Chân (do con gái của nhà Cự Doanh lập ra)…Những người con xa quê của làng Cự Đà, dù làm trong ngành nghề gì, cũng lấy chữ “Cự” làm tên hiệu đầu tiên để nhớ về nguồn gốc.
Một quảng cáo chiêu gọi khách buôn sỉ của hiệu dệt Cự Chung, đăng trên Tạp Chí Phong Hóa, 29 tháng mười hai, năm 1933. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Hãng dệt Cự Gioanh quảng cáo áo sơ mi ngắn tay và quần bơi nam mùa hè, năm 1937, đăng trên Ngày Nay, 18 tháng bảy 1937. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Ông chủ hiệu Cự Doanh là Trịnh Văn Mai (di tích nhà cổ của ông còn lại ở đầu xóm Đồng Nhân Cát, làng Cự Đà) được coi là một trong những người sáng lập ngành nghề dệt kim của nước nhà. Ông Trịnh Văn Mai xuất thân ở làng Cự Đà, lúc còn nhỏ theo học chữ Nho và học thêm chữ quốc ngữ từ năm 1903. Sau khi lấy vợ, ông Mai sớm rời làng ra Hà Đông lập nghiệp. Sau vài năm học được nghề dệt kim, ông lập xưởng dệt lấy hiệu Cự Gioanh ở Hà Đông.
Đến năm 1933, nhà Cự Gioanh dời xưởng dệt và sản xuất áo thun pullover đến số 68 – 70 Hàng Quạt (Rue des Eventails) [*4], với toàn bộ máy móc tối tân được nhập trực tiếp từ Anh và Pháp, trong đó có loại máy Zic-zắc của Pháp, sản xuất ra loại hàng khăn quàng cổ (Phula) rất được người dân vùng cao ưa chuộng. Thời cực thịnh những năm 1930 – 1940, nhà máy với tổng số nhân công lên đến 200 người, sản xuất hàng dệt kim bán buôn khắp Đông Dương và xuất khẩu tới tận Madagascar (Châu Phi).
Quảng cáo áo sơ mi bán buôn mùa hè 1938 của hãng Cự Gioanh, đăng trên Ngày Nay tuần báo, 9 tháng một 1938. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Quảng cáo hướng đến các khách hàng thương buôn của nhà Cự Gioanh, đăng trên Ngày Nay, 6 tháng một 1940. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Trong thập niên 40, Cự Gioanh ngừng hoạt động sản xuất hàng dệt kim và chuyển sang buôn bán tơ sợi [*5]. Người kế nghiệp của ông Trịnh Văn Mai là con trai thứ – Trịnh Văn Căn. Tháng 2/1959, theo đường lối chính sách hợp doanh của nhà nước, nhà máy sản xuất hàng dệt kim Cự Gioanh đổi thành Xí Nghiệp Dệt Cự Doanh và là tiền thân của công ty cổ phần Dệt Kim Haprosimex Thăng Long sau này [*6]. Ông Trịnh Văn Căn vẫn được giữ chức phó giám đốc xí nghiệp cho đến năm 1974 thì về hưu, mất năm 1994.
Cải cách y phục phụ nữ tân thời kiểu Le Mur
Trong khi cách ăn mặc của nam giới Việt Nam đã có sự phong hoá trực tiếp từ y phục truyền thống sang âu phục phương tây, như áo dài, khăn xếp, guốc mộc bị thay thế bởi comple, mũ dạ, giày tây, diễn ra khá sớm từ cuối thế kỷ XIX và gần như ‘hoàn tất’ trong những năm 1920; thì mãi đến thập niên 30 của thế kỷ XX, y phục phụ nữ Việt Nam mới bắt đầu một quá trình cải cách.
Một số yếu tố văn hóa sẽ biến mất hẳn như “răng đen đánh trắng”, tóc không còn vấn khăn, thân không còn mặc yếm, nón ba tầm không còn phổ dụng, guốc gỗ mũi thuyền thay thành giày cao gót kim thời…nhưng áo dài phụ nữ vẫn giữ được bản sắc của mình trong suốt “phong trào theo mới”. Bằng cách ứng dụng và kết hợp phương pháp cắt may, chi tiết trang trí của đầm váy phụ nữ phương tây vào y phục truyền thống, áo dài phụ nữ Hà Nội lúc bấy giờ được biến kiểu đa dạng, sao cho hợp thị hiếu tân thời mà vẫn thể hiện được sự khác biệt, tính đặc trưng của “phụ nữ Annam” trong xã hội Pháp thuộc.
Bà Lê Thu Hằng (Josephine Le) – thời nữ sinh trường Áo Tím (Huế), mặc áo dài do họa sĩ Le Mur vẽ kiểu, vào khoảng năm 1936 – 1939 tại Hà Nội. Nguồn: bộ ảnh gia đình ông Lê Văn Duy/V-Vintage Club
Mùa xuân năm 1934, phụ nữ Hà Thành lần đầu tiên bắt gặp một quan niệm mới về vẻ đẹp của phụ nữ hiện đại. Sự xuất hiện của hoạ sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường và các kiểu y phục lối mới được giới thiệu trên báo Phong Hoá, số Xuân (11/2/1934) – chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô”, đã thổi một luồng tư tưởng mới vào việc ăn diện của các quý bà quý cô đang khao khát hoà nhập lối sống tân thời.
Chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” đăng trên báo Phong Hoá, và quảng cáo khai trương vào tháng 7/1937 của “Hiệu may y phục phụ nữ tân thời to nhất Bắc Kỳ” của hoạ sĩ Le Mur, đăng trên báo Ngày Nay
Quảng cáo của hiệu may y phục phụ nữ Kiện Khanh, đăng trên Hà Thành Ngọ Báo, số 2066, 27 tháng bảy 1934. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Bắt đầu từ giữa những năm 1930 và kéo dài hơn một thập niên, áo dài phụ nữ đã chuyển hoá một cách chậm rãi nhưng gây nhiều chú ý, làm tốn không ít giấy mực của báo chí thời bấy giờ. Phong trào y phục lối mới kiểu Le Mur đã đẩy nên một làn sóng mạnh mẽ, không chỉ tác động đến tự duy tự do, hiện đại của phụ nữ Việt mà còn trở thành mối quan tâm của các bậc đàn ông gia trưởng thời bấy giờ, không chỉ bàn luận về cách ăn mặc mà còn là những câu chuyện đức hạnh, gia phong.
Dù vậy, thị trường thương mại không bỏ lỡ thời cơ cung-cầu này, từ các nhà may đến xưởng dệt, từ hiệu buôn tơ lụa đến các cửa hàng bán nữ trang, mỹ phẩm…đều chạy theo xu hướng y phục tân thời để đáp ứng niềm khao khát “thời trang” của các quý bà quý cô. Trên các trang báo Phong Hoá, Loa, Hà Thành Ngọ Báo…phụ nữ thời này có thể tìm thấy những địa chỉ cửa hiệu để tìm đến mua vải, may đo y phục lối mới lẫn lối cũ, và cả những chủ đề viết về việc son phấn, giữ vóc dáng, học nữ công…
Quảng cáo y phục phục nữ kiểu mới và các kiểu giày tân thời. Nguon V-Vintage Club
Quảng cáo âu phục kiểu mới năm 1939 – 1940, áo khoác mùa đông sang trọng Manteaux và Vestes dành cho quý bà quý cô của hiệu Ngọc Đinh ở số 70 Hàng Trống, đăng trên tuần báo Ngày Nay, 16 tháng mười hai 1939. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu
Kết
Lần theo sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử phát triển kỹ nghệ và thương mại dệt nhuộm may đo dưới thời Pháp thuộc, trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX tại Hà Nội, có thể nhận thức và hình dung được một ‘thị trường thời trang’ ban sơ của đất nước. Đó là một quá trình chuyển đổi không hề bộc phát tự nhiên hay chịu sự tác động liền mạch, mà còn đến từ rất nhiều nỗ lực, rất nhiều phương hướng, rất nhiều hình thái…và trải qua rất nhiều thăng trầm của thời cuộc, để tiến tới một thị trường thời trang nội địa như cách chúng ta trông thấy ngày nay. Có lẽ, khi giá trị bản địa và đặc trưng bản sắc văn hoá khẳng định được chỗ đứng của mình trong ‘tư duy thời trang’ của một thời đại, đó sẽ là kim chỉ nam để thiết lập ‘phong cách riêng’ thực thụ của thời trang Việt.
Chú thích
[*1] Bộ môn thể thao tennis vẫn được tin rằng có nguồn gốc từ Pháp vào thời của Louis X, thế kỷ XII – XII. Tuy nhiên, đến thế kỷ XVI, thuật ngữ “tennis” mới được sử dụng và bắt đầu được chơi phổ biến ở Anh từ thế kỷ XVIII. Ban đầu tennis chỉ chơi trong nhà, nhưng đã trở thành môn thể thao ngoài trời sau khi máy cắt cỏ đầu tiên được phát minh vào khoảng 1930.
[*2] Suzanne Lenglen: nữ vận động viên tennis người Pháp, là người tiên phong và truyền cảm hứng cho các nhà vô địch tennis ngày nay, đã từng giành được 31 danh hiệu vô địch lớn trong những năm 1914 – 1926. Jean Patou là nhà thiết kế trang phục thể thao cho Suzanne Lenglen, được mặc lần đầu tiên năm 1921 và trở thành cột mốc quan trọng của lịch sử quần vợt nữ. Bộ trang phục mặc khi chơi tennis của Suzanne Lenglen là một trong những biểu tượng của phong cách thời trang nữ thập niên 20 ở thế kỷ trước. Jean Patou cũng được xem là người phát minh của đồ bơi dệt kim và váy tennis.
[*3] Theo gia phả các dòng họ trong làng Cự Đà, cho thấy làng đã được hình thành từ khoảng 4 thế kỷ trước, do các hoàng thân trong gia tộc của chúa Trịnh khởi lập. Thế hệ nghề dệt kim đầu tiên của làng đã lập nên các cơ sở dệt ở Hà Nội, từ đó tạo công ăn việc làm cho các thế hệ con cháu trong làng về sau.
[*4] Vị trí này từng là khoảnh đất của Tuần Phủ Nghiêm Xuân Quảng được nhà Cự Gioanh mua lại, nay là trường THCS Nguyễn Du, số 44 – 46 Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
[*5] Từ năm 1936, đại tướng Văn Tiến Dũng, từng làm công nhân cho các xưởng dệt ở Hàng Đào và Hàng Bông, cũng là người lãnh đạo các tổ chức công nhân ở xưởng dệt Thanh Văn (phố Hàng Đào), xưởng dệt Đức Xương Long và xưởng dệt Cự Chung (phố Hàng Bông).
[*6] Xí Nghiệp Dệt Cự Doanh có trụ sở và dây chuyền sản xuất ở Hàng Quạt, một cơ sở khác đặt tại phố Trần Quý Cáp. Thời Kỳ từ tháng 7/1982 – 1986, Xí Nghiệp Dệt Cự Doanh hợp nhất với Xí Nghiệp May Mặc Hà Nội, trở thành công ty Dệt Kim Thăng Long. Đến năm 2009, công ty đổi tên thành công ty cổ phần Haprosimex Thăng Long (KNITEXIM.,JSC). Nguồn tổng hợp từ: Báo cáo thực tập tốt nghiệp của SV Nguyễn Thị Thu Quỳnh (KT68), GVHD Trịnh Thị Thu Nguyệt.
Thực hiện: Xu
Ảnh bìa
Gian hàng bán tranh Tết trên phố Hàng Bạc, Tết Kỷ Tỵ 1929
Nguồn: manhhai/flickr/Album “Tết ở Hà Nội & Hà Đông thập niên 1920”