Thời trang Bỉ đã thay đổi làng mốt mãi mãi như thế nào?
Ngày đăng: 26/08/23
Từ các huyền thoại như Martin Margiela, Dries Van Noten, Simons, cho đến các gương mặt dẫn đầu thế hệ sau như Pieter Mulier và Matthieu Blazy, hay những sinh viên nổi bật mới tốt nghiệp gần đây như Marine Serre, trong nhiều thập kỷ, Bỉ đã tiếp tục sản sinh ra những tài năng hàng đầu cho thế giới thời trang.
Cuối năm ngoái, nhà thiết kế người Bỉ đình đám – Raf Simons đã tuyên bố đóng cửa thương hiệu cùng tên của ông. Trong nhiều thập kỷ qua, thương hiệu này đã vô hình dung đồng nghĩa với văn hóa của giới trẻ, đồng thời, được xem như là một trong những “người tiên phong” của lãnh thổ thời trang avant-garde. Chưa đầy hai tuần sau, Ludovic de Saint Sernin, nhà thiết kế nổi tiếng ở Paris, được bổ nhiệm trở thành người lãnh đạo cho triều đại sáng tạo của Ann Demeulemeester – một thương hiệu nổi tiếng đến từ Bỉ. Những tin tức này như một hồi chuông thức tỉnh, khiến chúng ta, đặc biệt là người Bỉ, nhìn nhận lại bối cảnh thời trang của hiện tại và sự ảnh hưởng của quốc gia này đối với thế giới. Bỉ còn là một quốc gia châu Âu nhỏ bé tạo ra vô số đóng góp đáng kinh ngạc cho lịch sử thời trang và công cuộc sáng tạo?
Quay về cội nguồn với The Antwerp Six
Vào năm 1986, đã có một nhóm gồm sáu nhà thiết kế thời trang trẻ tuổi, người Bỉ, đã mang những thiết kế của mình cũng như tầm nhìn mới mẻ đến với hội chợ thời trang ở London. Đây cũng là lần đầu tiên họ giới thiệu tác phẩm của mình tới khán giả quốc tế và mang thời trang của Bỉ ra thế giới. Không muốn nhảy vào những gian hàng đắt tiền, lúc đó họ đặt gian hàng ở tầng hai của hội chợ, nằm giữa cửa hàng bán đồ cưới, và bên cạnh Vivienne Westwood, John Galliano. Không có tài chính nên không gian trưng bày của họ không thể hoành tráng, họ chỉ có một duy nhất ma-nơ-canh để làm mẫu. Và tất nhiên, ngày đầu tiên đã không thể thành công như họ mong đợi. Vào ngày thứ hai, họ làm những tờ rơi có in dòng chữ “Hãy đến xem sáu nhà thiết kế người Bỉ” và bắt đầu phát chúng ở lối vào hội chợ. Cách này bắt đầu có hiệu quả. Barneys – một cửa hàng bách hóa ở New York, đã đặt hàng của họ và rồi giới thiệu The Antwerp Six đến với thị trường Mỹ. Tên tuổi của họ bắt đầu “lọt” vào mắt xanh của giới truyền thông. Khi được các nhà báo hỏi “Các bạn đến từ đâu?”, một người trong nhóm đã trả lời: “Cứ gọi chúng tôi là Antwerp Six.”
Dù cái tên của sáu nhà thiết kế – Dries Van Noten, Ann Demeulemeester, Walter Van Beirendonck, Dirk Bikkembergs, Dirk Van Saene và Marina Yee – nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng sự xuất hiện này đã tạo nên hiện tượng mới trong thế giới thời trang.
Tin tức về The Antwerp Six và những thiết kế độc đáo của họ bắt đầu đến tai nhiều người hơn. Song song đó, The Antwerp Six vẫn còn là một ẩn số khiến nhiều người tò mò. Bởi lẽ, đối với con mắt của những người châu Âu hay quốc tế, Bỉ, dường như là một nước không quá phát triển về văn hóa. Dù cái tên của sáu nhà thiết kế – Dries Van Noten, Ann Demeulemeester, Walter Van Beirendonck, Dirk Bikkembergs, Dirk Van Saene và Marina Yee – nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng sự xuất hiện này đã tạo nên hiện tượng mới trong thế giới thời trang. Năng lượng trẻ trung, tinh thần cởi mở, tư duy sáng tạo mang tính đột phá, chính là “chất kết dính” tạo ra sự đoàn kết của nhóm sáu người thiết kế. Vào giữa những năm 1970, thời trang cao cấp là lãnh địa độc quyền của các thương hiệu đình đám và của người giàu. Nhưng sự nổi lên của Malcolm McLaren và Vivienne Westwood ở London, và sự xuất hiện của Pop Art ở Paris hay của Jean Paul Gaultier, Claude Montana và Thierry Mugler, chính là tín hiệu cho thấy thế giới thời trang đang dần thay đổi, bắt đầu đón nhận một kỷ nguyên mới.
Chính thành công của Yohji Yamamoto và COMME des GARÇONS đã mang lại nguồn cảm hứng cho sáu người họ. Hai nhà thiết kế người Nhật đấy đã cho mọi người thấy rằng thời trang không nhất thiết phải quyến rũ. Vào năm 1981, Yamamoto và CdG đã trình diễn bộ sưu tập đầu tiên của họ tại Paris trước sự hoan nghênh cũng như nghi ngờ từ các biên tập viên thời trang Paris. Họ không có bục phát biểu, họ trình làng thiết kế trên một sàn diễn trắng xóa cơ bản, họ cũng không có kinh phí lớn cho các buổi biểu diễn. Tuy nhiên, họ đã cho thế giới thấy rằng định nghĩa về thời trang đẳng cấp không nhất thiết phải đến từ Paris hay Milan. Bên cạnh đó, còn có nhiều yếu tố khác giúp The Antwerp Six dám thể hiện cái tôi sáng của mình với toàn thế giới. Đó là sức mạnh từ sự trỗi dậy của các nền văn hóa nhỏ, lẻ hay sự biến đổi thời trang mà giới trẻ đang hưởng ứng và ủng hộ. Trung tâm của sự thay đổi đó chính là ở London, và đó cũng là lý do tại sao sáu người lại đến thành phố của Anh quốc đầu tiên.
Nhưng tại sao họ lại tìm được nhau và The Antwerp Six được thành lập? Antwerp là một thành phố nhỏ của Bỉ, nơi mọi người dường như đều biết nhau, nhưng sức nặng của nó về văn hóa vượt xa hơn những gì chúng ta người. Bởi vì nó nằm ở vị trí trung tâm và giới trẻ ở đây có thể dễ dàng di chuyển đến London, Paris hoặc Amsterdam để học hỏi và khám phá nhiều điều mới. Hơn nữa, cuộc sống ở nơi đây khá thoải mái về mặt tinh thần và vật chất. Đó là lý do tại sao hầu hết các nhà thiết kế tại đây đều có xu hướng gắn bó lại với nhau thành một nhóm, để cùng nhau theo đuổi đam mê. Một yếu tố quan trọng khác, vì Bỉ không có một nền thời trang vững chắc như Pháp, Ý hay Anh, nên họ được tự do làm những gì họ muốn và theo cách họ muốn. Nhận thức được rằng ngành công nghiệp may mặc của quốc gia không phát triển như các nước láng giềng châu Âu, năm 1981, một hiệp hội dệt may của Bỉ đã ra đời, tổ chức này đã thiết lập một giải thưởng cho thời trang Bỉ mang tên Golden Spindle. Ann Demeulemeester đã giành chiến thắng trong cuộc thi đầu tiên.
Bất chấp tình yêu mà người Bỉ dành cho London, Hội đồng Thời trang Anh lúc đấy đã từ chối cấp sáu vị trí cho họ để biểu diễn trong tuần lễ thời trang. Từ đây, The Antwerp Six bắt đầu chuyển hướng sang Paris. Bikkembergs tổ chức buổi trình diễn đầu tiên ở Paris vào năm 1989; lần lượt là Van Noten và Demeulemeester vào năm 1991. Và rồi thành công cũng bắt đầu “mỉm cười” với họ. Điển hình, bộ sưu tập đồ dệt kim và giày nam của Bikkembergs đã trở thành tiêu chuẩn cho “địa phận” menswear lúc bất giờ. Thương hiệu trẻ và lập dị của Van Beirendonck cũng dần được ưa chuộng. Năm 1992, một cuộc khảo sát các chủ cửa hàng quốc tế đã công bố rằng Ann Demeulemeester là thương hiệu nổi tiếng thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Jean Paul Gaultier. Vào giữa những năm 90, The Antwerp Six đã tổ chức những buổi biểu diễn hấp dẫn nhất ở Paris, mở ra kỷ nguyên vàng cho thế hệ tiên phong – còn được biết là thời đại của “anti-fashion” Về sau, làng mốt còn gọi họ bằng một cái tên đầy sự kính trọng “những dị nhân của giới thời trang.”
Vào giữa những năm 90, The Antwerp Six đã tổ chức những buổi biểu diễn hấp dẫn nhất ở Paris, mở ra kỷ nguyên vàng cho thế hệ tiên phong – còn được biết là thời đại của “anti-fashion” Về sau, làng mốt còn gọi họ bằng một cái tên đầy sự kính trọng “những dị nhân của giới thời trang.”
Dấu ấn khó phai từ huyền thoại Maison Margiela
Một trong những nhà thiết kế tài năng mà nhiều người thường quên rằng ông ấy xuất thân từ Bỉ, đó chính là Martin Margiela. Mặc dù thường bị tưởng nhầm là một trong những thành viên của The Antwerp Six, nhưng nhà thiết kế đã tự mình theo đuổi con đường sáng tạo. Sau khi tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Hoàng gia vào năm 1980, không giống như The Antwerp Six, Margiela không chọn ở lại Bỉ. Vì ước mơ cả đời của ông là trở thành nhà thiết kế thời trang lừng danh ở Paris, sau khi nhìn thấy những sáng tạo mang tính tương lai của một nhà thiết kế người Pháp – André Courrèges trên TV khi còn nhỏ. Đến năm 1984, Margiela đã nhận được vị trí làm trợ lý thiết kế cho Jean Paul Gaultier – một nhân vật khủng khiếp mới nổi của thời trang Pháp, đã làm rung chuyển các sàn catwalk ở Paris bằng những thiết kế hoành tráng bậc nhất.
Trong suốt ba năm, song hành cùng việc hỗ trợ Gaultier, Margiela cũng đồng thời phát triển các thiết kế của riêng mình. Năm 1987, Margiela rời Gaultier và năm sau thành lập thương hiệu của riêng mình – Maison Martin Margiela cùng với đối tác kinh doanh Jenny Meirens, người sở hữu một cửa hàng ở Brussels. Vào mùa thu năm 1988, nhà mốt đã tổ chức buổi trình diễn đầu tiên của mình tại kinh đô Paris. Từ những mẫu quần áo mang đậm cá tính sáng tạo riêng biệt, cho đến đôi giày tabi huyền thoại, Margiela đã đem đến những thiết kế không giống bất cứ thứ gì mà làng mốt từng thấy trước đây trong thời trang chính thống.
Sự xuất hiện của Margiela như một lời tuyên bố mạnh mẽ cho rằng thời đại của nhà thiết kế siêu sao đã qua, giờ là lúc để các tài năng trẻ, các “viên ngọc thô” được tỏa sáng. Từ lúc vừa thành lập, Margiela luôn và vẫn muốn thương hiệu của mình chỉ tập trung vào quần áo chứ không phải về anh là nhà thiết kế như thế nào. Mặc dù trong tên thương hiệu có từ “Maison” – sự kính trọng dành cho các nhà mốt thời trang cao cấp mang tính biểu tượng của Paris, nhưng ông vẫn luôn khẳng định rằng những sáng tạo trong thương hiệu của ông luôn là sản phẩm của đội ngũ trẻ. Sự khiêm nhường này còn được thể hiện rõ trong cách ông tạo ra chiếc tag cho thương hiệu – một mảnh vải màu trắng được khâu lộ bốn đường chỉ cùng màu và không có bất kỳ thông tin hay logo. Với cách này, ông muốn rằng khách hàng của mình không quá để tâm vào chiếc tag đấy (hay logo của thương hiệu), thay vào đó là hãy tập trung hơn vào quần áo, vào từng đường may mũi chỉ nhỏ nhất. Từ đấy, Margiela đã đi tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu không có logo đang được nhiều nhà mốt theo đuổi hiện nay. Đồng thời, nỗi ám ảnh của ông về việc giải cấu trúc trên quần áo – phơi bày những yếu tố mà nghề may truyền thống che giấu, chẳng hạn như đường viền chưa hoàn thiện và đường may được lộ ra – đã trở thành một đặc điểm nổi bật tạo nên một thời đại thời trang mới, đang dần thay thế vẻ hào nhoáng đầy phô trương của thập kỷ trước.
Thế hệ thứ hai tiếp nối
Trong khi The Antwerp Six và Margiela đang “thống trị” trên các mặt báo thì Học viện Mỹ thuật Hoàng gia tại Antwerp vẫn tiếp tục đào tạo ra những tài năng đầy tiềm năng mới. Nhưng sự hoan nghênh của giới phê bình đối với thế hệ đầu tiên quá áp đảo đến nỗi nó bắt đầu trở thành áp lực đè nặng lên những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp. An Vandevorst và Filip Arickx của A.F.Vandevorst, Lieve Van Gorp, Patrick van Ommeslaeghe, Jurgi Persoons, Angelo Figus và Veronique Branquinho chỉ là một số trong số những nhà thiết kế người Bỉ đã tốt nghiệp vào cuối thập niên 80, cuối thập niên 90 và tiếp tục có sự nghiệp thành công về sau này. Điều kỳ lạ là, Raf Simons, một trong những cái tên không xuất hiện trong số đông đó, lại là người tạo nên cơn “địa chấn” sáng tạo mới cho thế hệ thứ hai, nhằm củng cố vị thế của Antwerp như một thủ đô thực sự của thời trang thế giới. Simons đến từ Genk, một thị trấn nhỏ ở Flemish, nơi ông tốt nghiệp ngành thiết kế nội thất. Ông chuyển đến Antwerp và hòa nhập với giới thời trang ở đó, ông cũng đã từng thực tập cho Van Beirendonck. Simons bị cuốn hút bởi tác phẩm sáng tạo không thể thay thế của Helmut Lang và Margiela nói riêng, và sau khi tham dự một trong những buổi trình diễn đầu tiên của Margiela, ông đã chính thức chuyển hướng sang theo đuổi thời trang một cách bài bản.
Simons đã đưa những thiết kế ban đầu của mình cho Linda Loppa – người đã thay thế Mary Prijot làm trưởng khoa thời trang của Học viện vào năm 1983. Ngay khi chiêm ngưỡng chúng, bà đã thích những gì mình nhìn thấy và khuyến khích Simons bắt đầu sản xuất dòng sản phẩm của riêng mình. Ông đã trình làng bộ sưu tập đầu tiên của mình vào năm 1995 và ngay lập tức nó đã mang lại thành công vượt ngoài mong đợi. Raf đã thay đổi người tiêu dùng thời trang lúc bấy giờ. Lần đầu tiên ở Antwerp, đã có nhiều thanh thiếu niên “cầu xin” cha mẹ của mình để có thể mua được quần áo của Raf. Simons không phải là nhà thiết kế đầu tiên thu hút giới trẻ, nhưng ông là người đầu tiên biến văn hóa giới trẻ trở thành mối quan tâm trọng tâm trong cách vận hành của một hương hiệu. Tiếp nối sự thành công của Simons là A.F.Vandevorst, Veronique Branquinho và những người khác, mặc dù thời trang Bỉ cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 đã “mờ nhạt” hơn so với thời gian trước.
Simons không phải là nhà thiết kế đầu tiên thu hút giới trẻ, nhưng ông là người đầu tiên biến văn hóa giới trẻ trở thành mối quan tâm trọng tâm trong cách vận hành của một hương hiệu.
Nhưng họ có thật sự được ủng hộ?
Mặc dù, tiếng vang thời trang Bỉ đã đến tận Tokyo, nhưng trớ trêu rằng người Bỉ lại không đánh giá cao những tác phẩm sáng tạo đến từ chính đất nước mình. Thậm chí họ còn “thờ ơ” những tài năng bùng nổ từ Antwerp. Ngay từ năm 1982, Jenny Meirens đã tổ chức một cuộc họp báo kêu gọi Bỉ hãy công nhận và ủng hộ các nhà thiết kế trẻ của quốc gia. Bà tuyên bố với báo chí Bỉ: “Tôi tin rằng ở Bỉ, nền công nghiệp thời trang sẽ uy tín và lớn mạnh như ở Paris, Milan, London hoặc bất kỳ nơi nào khác. Và giá như chính người Bỉ cũng có cùng niềm tin và hy vọng giống như tôi.” Năm 1986, Linda Loppa cũng từng thể hiện tâm tư: “Ở các nước khác, người ta quan tâm đến sinh viên tốt nghiệp từ Học viện Antwerp. Sinh viên thời trang của chúng ta đang thể hiện điều gì đó rất khác biệt với những gì bạn thấy trên nền thời trang hiện tại. Họ đem đến những giá trị sáng tạo khiến cả thế giới thời trang tò mò, và họ cũng không tuân theo bất kỳ quy tắc truyền thống nào. Ở Bỉ, họ bị chỉ trích vì điều đó, nhưng ở bên ngoài Bỉ, đó chính xác là điều mọi người đánh giá cao về họ.”.
Phải mất nhiều năm Bỉ mới nhận ra rằng thời trang của mình rất quan trọng và mang đến những tác động không hề nhỏ. Đến cuối thế kỷ 20, Antwerp đã được công nhận như một thủ đô thời trang chính thức. Viện Thời trang Flanders ra đời vào năm 1998, và toàn bộ tòa nhà, ModeNatie, nơi được đặt bảo tàng thời trang và trung tâm nghiên cứu mới. Chính hệ sinh thái con người và những địa điểm này đã cho phép Bỉ trở thành trung tâm của thời trang avant-garde. Bối cảnh rực rỡ này không thể phát triển nếu không có sự chỉ đạo của Loppa và Van Beirendonck tại bộ phận thời trang của Học viện, hoặc không có những buyer như Meirens và Bruloot – những người rất ấn tượng với bộ sưu tập đầu tiên của Ann Demeulemeester, cũng như những nhiếp ảnh gia, chuyên gia trang điểm, nghệ sĩ độ họa,…
The Antwerp Six đã chứng minh được rằng khoa thời trang tại Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Antwerp chính là một “vườn ươm” tài năng quốc tế. Học viện cũng dần thu hút sự quan tâm của các sinh viên trên toàn thế giới, từ Đức cho đến Nhật. Vào cuối những năm 80, tất cả các giáo trình giảng dạy tại khoa thời trang của Học viện đều được thay đổi bằng tiếng Anh để đáp ứng cho số lượng sinh viên quốc tế ngày càng tăng. Sinh viên tốt nghiệp học viện và thành công nhất hiện nay chính là Demna Gvasalia, giám đốc sáng tạo của Balenciaga, người đã đến Bỉ để học sau khi gia đình anh rời quê hương Georgia và định cư ở Đức. Bên cạnh Antwerp, La Cambre – một trường thời trang của Brussels, đã đào tạo ra những tài năng nổi bật như Olivier Theyskens, Anthony Vaccarello, Matthieu Blazy, Marine Serre, và nhiều hơn thế nữa.
Kết cục
Bỉ tạo được tiếng vang dữ dội trong thời trang, vì họ đã đưa ra những điều thực tế – điều mà các nhà thiết kế ở Paris và Milan không làm được. Họ từ chối chủ nghĩa Camp hay những ảo ảnh quyến rũ khó chạm đến của Mugler, Galliano hay Versace. Trang phục của họ đẹp một cách hài hòa, tinh tế, thực tế, khiêm tốn mà đầy tự tin và đặc sắc. Quần áo của họ được tạo ra để đi dạo trên phố, thay vì xuất hiện trên thảm đỏ lộng lẫy và khiến khách hàng “mơ hồ” vì không biết sẽ mặc chúng ra sao. Chất ngông và sự “coi thường” vẻ ngoài hào nhoáng, phi thực tế này là điều đã khiến người Bỉ giành được những người hâm mộ cuồng nhiệt và sự hoan nghênh của giới chuyên môn.
Tuy nhiên, trên con đường chạm đến hào quang rực rỡ đấy, đã không có ít khó khăn và thách thức. Trong khi avant-garde đang trỗi dậy và phát triển cực thịnh ở Antwerp thì ở Paris và Milan, hai ông trùm, Bernard Arnault và François Pinault, đang nhanh chóng xây dựng các đế chế thời trang vững mạnh, các tập đoàn uy tín. Ngân sách marketing khổng lồ mà LVMH và Kering bỏ ra đằng sau các thương hiệu của họ, bắt đầu bóp nghẹt các nhà thiết kế thời trang độc lập. Arnault, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của LVMH – người đã trở thành người giàu nhất thế giới vào tháng 12 năm 2022, đã thẳng thắn chia sẻ rằng càng có ít thương hiệu thì họ càng có nhiều quyền lực. Bên cạnh đó, sự trở lại của logomania vào đầu những năm 2000 và làn sóng thời trang nhanh chính là thế gọng kìm đè bẹp nhiều thương hiệu nhỏ, chưa có tên tuổi.
Trong số các thành viên của TheAntwerp Six, chỉ có Dries Van Noten vẫn giữ vững vị thế của mình cho đến ngày nay, ngoài ra còn có Raf Simons. Tuy nhiên, giữa bối cảnh đầy tiêu cực đó, chúng ta cũng có không ít tin vui đem đến nhiều hy vọng mới. Điển hình, Marine Serre là một trong những thương hiệu độc lập hiếm hoi tạo nên cơn “địa chấn” cho riên mình và là bằng chứng cho thấy, dù khó khăn đến mấy, các thương hiệu giống họ vẫn có thể tồn tại và được làng mốt đón nhận. Glenn Martens cũng vậy, người không chỉ có thể tạo ra ngôn ngữ thiết kế độc đáo tại Y/Project mà còn hiện đại hóa thành công Diesel.
Các trợ lý cũ của Simons là Matthieu Blazy và Pieter Mulier đều là những người giữ những vị trí ấn tượng, với tư cách là giám đốc sáng tạo tại Bottega Veneta và Alaïa. Vaccarello đứng đầu Saint Laurent, và Rushemy Botter, sinh viên tốt nghiệp học viện Antwerp, trở thành nhà thiết kế cho Nina Ricci cùng với cộng sự thiết kế Lisi Herrebrugh của ông. Gvasalia tiếp tục là “cậu bé vàng của thời trang”, bất chấp sai lầm gần đây của Balenciaga. Dù trải qua không ít khó khăn, nhưng với hệ sinh thái, vị thế và quá khứ độc đáo của mình, Bỉ vẫn sẽ tiếp tục là nơi sản sinh ra những tài năng thời trang hàng đầu trong những năm tới, xứng tầm với các kinh đô thời trang lừng danh.
Thực hiện Dory
Theo Highsnobiety