4 ngộ nhận phổ biến về thương mại điện tử mà thương hiệu hay mắc phải

Ngày đăng: 23/08/23

Ngày nay, những người kinh doanh thời trang ngày càng thấu hiểu về tầm quan trọng của thương mại điện tử. Tuy nhiên, lên chiến lược phù hợp lại là điều mà những nhà kinh doanh dù nhiều năm kinh nghiệm cũng không ngừng bận tâm.

Nhiều người cho rằng cứ cho sản phẩm “lên sàn” là đẩy nhanh được tiêu thụ sản phẩm, lại không cần lo lắng nhiều về chi phí quảng cáo. Nhưng sự thật không phải như vậy. Trong khi các thương hiệu ngày càng đông đúc trên các sàn thương mại điện tử, các thương hiệu càng phải thể hiện tiềm lực cạnh tranh để có thể nổi bật hơn so với đối thủ. Và rõ ràng, không dễ dàng gì để vừa thể hiện giá trị thương hiệu, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, vừa đảm bảo tính cạnh tranh về giá cả.

Làm sao để tối ưu hóa mọi yếu tố trong hoạt động tiếp thị? Làm sao để tăng cường trải nghiệm mua sắm của khách hàng? Làm sao có thể dự đoán được sự thay đổi về sức ảnh hưởng của các nền tảng trong thời gian tới? Hiểu rõ những gì nên làm khi gia nhập cuộc chơi mang tên “thương mại điện tử” là điều mà bạn chuẩn bị ngay từ bây giờ.

1. Thiếu hiểu biết về đối tượng mục tiêu

Trước khi bạn có thể phát triển một chiến lược bán hàng, bạn cần hiểu đầy đủ về đối tượng mua hàng của mình. Nếu không có sự nghiên cứu toàn diện về khách hàng, bạn sẽ không thể xây dựng các chiến dịch phù hợp với mong muốn và tìm thấy điểm chạm với các đối tượng mục tiêu trên các nền tảng thương mại điện tử.

Bạn càng biết nhiều về người mua của mình, bạn càng dễ dàng thu hút họ. Bắt đầu bằng cách tạo chân dung khách hàng thể hiện các đặc điểm chung của đối tượng bao gồm các yếu tố như tuổi tác, giới tính, thu nhập, sở thích… Bạn nên tận dụng các cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến và các hình thức khác để thu thập phản hồi trực tiếp từ khách truy cập và lượng người theo dõi của mình.

2. Kém tương tác với khách hàng

Nhiều người cho rằng việc đăng tải sản phẩm lên sàn sẽ giúp tiết kiệm thời gian, sức lực và nhân công trong quá trình bán sản phẩm. Điều này không đúng. Cũng tương tự như việc mở một cửa hàng cần có nhân viên trông coi, việc đăng bán các sản phẩm cũng cần bạn có người tư vấn nhanh chóng và phù hợp khi người mua có thắc mắc. Thông thường, việc phản hồi chậm dễ khiến khách hàng đổi ý và chọn cửa hàng khác. Song song đó, bạn cũng cần phản hồi nhanh với những đánh giá và khiếu nại của khách hàng cũng như giải quyết ngay các phản hồi tiêu cực để không ảnh hưởng xấu đến danh tiếng thương hiệu.

Theo bài viết “Xu hướng hành vi mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam” của ThS. Mai Hoàng Thịnh (Khoa Thương mại – Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp) đăng tải trên tapchicongthuong.vn: “Những năm trước, giá là yếu tố được cân nhắc đầu tiên khi ra quyết định mua hàng. Nhưng hiện tại, review là yếu tố có ảnh hưởng đầu tiên và nhiều nhất đến hành vi mua hàng của khách, vượt qua cả những yếu tố quan trọng khác như free shipping, brand, giá, ý kiến từ gia đình và bạn bè. Ngày nay, 99% người tiêu dùng sẽ đọc review trước khi mua sắm online, trong đó có 61% luôn luôn đọc review, và hơn 1/3 đọc review thường xuyên.”

3. Thiết kế trang web/ gian hàng không hấp dẫn

Trang web của bạn là trung tâm của sự hiện diện kỹ thuật số, vì vậy điều quan trọng là phải xây dựng một trang web mang lại cho khách truy cập ấn tượng tích cực về doanh nghiệp và sản phẩm của bạn.

Một số local brand muốn thể hiện “chất” riêng của mình, tuy nhiên việc không tối ưu hoá dữ liệu, khiến cho giao diện website trở nên rườm rà và phức tạp, dẫn đến việc khách hàng khó xem và chọn sản phẩm là sai lầm thường gặp. Điều này khiến cho một số thương hiệu có website nhưng lại không bán được trên trang riêng của mình mà phải lệ thuộc nhiều vào các sàn thương mại điện tử.

Một điều khác cần lưu ý là ngày nay người mua không chỉ mua cho bản thân mình mà còn có nhu cầu mua tặng người khác. Nên website bán hàng của bạn cần bảo mật thông tin thanh toán tốt, đồng thời có chức năng hỗ trợ tặng quà để “ghi điểm” trong lòng khách hàng.

4. Điểm yếu trong thực hiện kế hoạch

Một trong những sai lầm phổ biến nhất mà những người bán hàng thương mại điện tử mới mắc phải là cho rằng họ có thể đơn giản ứng biến các chiến thuật tiếp thị của mình. Sự thật là các chiến dịch kỹ thuật số cần được quản lý cẩn thận và thử nghiệm nhất quán. Phần lớn các doanh nghiệp thương mại điện tử mới thất bại trong vài tháng đầu tiên. Để thành công, bạn sẽ cần một chiến lược tổng thể giải thích cách bạn sẽ tìm thấy khách hàng mới và lôi kéo họ bắt đầu mua hàng từ thương hiệu của bạn.

Một kế hoạch tiếp thị kỹ thuật số mới bắt đầu với cách tiếp cận được xác định rõ ràng cũng như các mục tiêu hoặc tiêu chuẩn để thành công. Nếu không có những yếu tố đó, bạn sẽ gặp khó khăn khi tối ưu hóa các chiến lược của mình hoặc thậm chí không biết cách đánh giá hiệu suất đạt được.

Và thường những người kinh doanh mới mong muốn có ngay kết quả thu về trong thời gian một hai tháng đầu, tuy nhiên những kế hoạch cần thời gian để trả về kết quả cũng như sự điều chỉnh theo tình hình thực tế. Càng thử nghiệm bạn càng hiểu rõ hơn về đối tượng mục tiêu mà mình nhắm đến. Bởi thông thường, bạn phán đoán khách khách hàng sẽ thích gì và muốn gì là một chuyện, nhưng đôi khi sở thích và tâm lý của khách hàng và nhất là những gì họ sẵn sàng chi tiêu để có được lại hoàn toàn khác.

Các xu hướng tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử biến đổi không ngừng, vì thế với những ai kinh doanh, điều quan trọng là không ngừng theo dõi, nghiên cứu và đúc kết kinh nghiệm. Chúc cho bạn có những chiến lược kinh doanh phù hợp với thương hiệu mình.

Thực hiện: Hoàng Khôi

SR Fashion Business Talk Ep.17: “Chiến lược cạnh tranh cho các local brands trên sàn thương mại điện tử”

Style-Republik phối hợp cùng SR Fashion Business School đã đem SR Fashion Business Talk quay trở lại với Episode 17 cùng chủ đề: “Chiến lược cạnh tranh cho các Local Brands trên sàn thương mại điện tử” dành cho các chủ thương hiệu Việt, các bạn trẻ có ý định khởi nghiệp cũng như cộng đồng yêu thích và ủng hộ thời trang nội địa.

Thời gian: 16.09.2023 – 9:00 AM

Đăng ký tham dự: https://forms.gle/TwbDxv6aBzND7se16

Địa điểm: Khách sạn Le Meridien Sài Gòn – 3C Đ. Tôn Đức Thắng, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh