Thời trang nội địa ế ẩm vì COVID-19, local brand tìm đường “xuất ngoại”

Ngày đăng: 26/08/21

Thời trang nội địa ế ẩm, thậm chí phải đóng cửa vì COVID-19 nhưng vẫn có một số thương hiệu kiếm được doanh thu nhờ nguồn khách hàng nước ngoài thông qua xuất khẩu hoặc bán trên các trang thương mại điện tử nổi tiếng như Amazon, eBay, Etsy, Taobao…

Thời trang đã phải vật lộn với COVID-19 ròng rã hai năm qua. Dịch bệnh khiến công việc đình trệ, thu nhập giảm sút nên thời trang vốn không phải là một mặt hàng thiết yếu trở thành ưu tiên cuối cùng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn có một số lượng mua bán thời trang nhất định trong dịch, với doanh số chủ yếu đến từ các đơn đặt hàng online. Tưởng chừng sẽ cầm cự được đến hết dịch, các thương hiệu tiếp tục điêu đứng khi Chỉ thị 16, 16+ được ban hành cấm vận chuyển các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có quần áo. 

Nội địa hoàn toàn ngưng trệ, nhưng vẫn còn một thị trường nước ngoài tiềm năng chưa được khai phá. Thị trường Trung Quốc, Âu – Mỹ với dân số lớn, nhu cầu đa dạng và sức mua mạnh. Chỉ riêng thương trường Mỹ, số liệu từ Statista (10/2018) cho thấy doanh thu kinh doanh nhỏ lẻ trên thương mại điện tử đã đạt hơn 504 tỷ đô. Mức chi tiêu cho mua sắm online ước đạt ít nhất 2,144 USD/người. Đây là một mảnh đất vô cùng màu mỡ và mới mẻ dành cho các thương hiệu Việt có tham vọng vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Không ít thương hiệu Việt đã thành công ở thị trường nước ngoài

MaryCraft – một thương hiệu sản xuất và bán các sản phẩm thời trang, phụ kiện độc đáo với chất lượng cao từ Việt Nam ra thế giới, tăng doanh thu đến 150% thông qua sàn thương mại điện tử Amazon. 

Ecomstone thu về được hơn 3,2 tỉ đồng sau 6 tháng kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ trên Amazon. Chỉ sau một năm lên sàn, với sự hỗ trợ của chương trình Amazon Global Selling, doanh thu của Ecomstone đã tăng hơn 150%. Hiện tại, 90% doanh thu của Ecomstone đến từ kênh này.

Nhận thấy nước ngoài mới là thị trường thật sự của những sản phẩm thủ công “made in Vietnam”, Chiêu Hân – CEO thương hiệu Andre Gift Shop đã tập trung mở rộng bán hàng trên Amazon thay vì các trang thương mại điện tử trong nước. Hiện doanh số từ Amazon chiếm 50% trong bán hàng trực tuyến của thương hiệu.

Dạo quanh sàn TMĐT Taobao, nhiều thương hiệu thời trang local như LOBBSTER, L’espoir, Cici… cũng xuất hiện và hầu hết được một bên trung gian bán, tức thương hiệu bán số lượng lớn cho đại lý/nhà bán lẻ Trung Quốc và họ bán lại trên Taobao. 

Những ví dụ kể trên cho thấy tiềm năng “xuất ngoại” rất lớn dành cho các thương hiệu Việt. Tệp khách hàng nước ngoài có lợi thế thu nhập cao, chuộng những thiết kế độc đáo và đặc biệt hứng thú với bản sắc Việt Nam. Nếu chịu khó tìm hiểu, đầu tư, thương hiệu Việt có thể sẽ thoát cảnh bị động trong dịch bệnh như hiện tại đồng thời tạo được nhiều nguồn thu cũng như lan tỏa giá trị và hình ảnh thương hiệu xa hơn. 

Hãy chú ý đến những sàn thương mại điện tử quốc tế lớn!

Bên cạnh việc tìm được nhà mua hàng số lượng lớn và bán ra nước ngoài theo hình thức đặt hàng – xuất khẩu, thương hiệu có thể tự chủ bằng cách tự mình tìm đến khách hàng thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Những nền tảng bán hàng xuyên biên giới phổ biến hiện nay được giới thiệu sau đây sẽ là những gợi ý cho các thương hiệu Việt bắt đầu thử nghiệm!

Lưu ý: Những gợi ý bên dưới có thể sẽ không khả thi ở thời điểm hiện tại ở một số tỉnh thành nhưng sẽ là khoản đầu tư đáng cân nhắc cho thương hiệu về sau.

Amazon

Amazon phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt với người dùng Hoa Kỳ, Canada hay Mexico hệt như Shopee, Tiki đối với người Việt. Chủng loại hàng hóa đa dạng, chất lượng hàng đầu đi cùng dịch vụ chăm sóc khách hàng tuyệt vời, Amazon đã trở thành website thương mại điện tử lớn nhất thế giới với hàng triệu người mua sắm mỗi ngày.

Khi đăng ký một tài khoản quản lý bán hàng chung tại Bắc Mỹ, bạn sẽ chỉ cần trả một mức phí dịch vụ hàng tháng duy nhất là 39,99USD/tháng mà không cần phải trả thêm bất kỳ khoản phí dịch vụ hàng tháng nào để bán hàng tại Canada, Mexico. Ngoài ra, bạn còn được nhiều ưu đãi khác khi mở thêm nhiều tài khoản bán hàng trên các trang Amazon khác như Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Trung Đông, Singapore chỉ với mức phí 39,99 đô la mỗi tháng.

Nội địa ế ẩm vì COVID-19, local brand tìm cách “xuất ngoại”

Amazon cung cấp dịch vụ hậu cần và vận chuyển tuyệt vời thông qua dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (Fulfillment by Amazon, viết tắt: FBA) với mức chi phí cạnh tranh và khả năng vận chuyển hàng hóa rộng khắp. Nếu bạn sử dụng dịch vụ FBA thì Amazon sẽ ship hàng cho bạn. Khi đăng ký dịch vụ này, bạn sẽ gửi một số lượng hàng nhất định đến lưu kho tại Amazon và Amazon sẽ đảm nhận phần còn lại khi có phát sinh đơn hàng. Nếu không, bạn có thể gửi hàng từ chính kho của mình sau khi nhận được thông báo đơn hàng.

Tìm hiểu thêm về Amazon Global Selling

eBay

Là một đối thủ đáng gờm của Amazon trên thị trường quốc tế, eBay là một website mua hàng và đấu giá trực tuyến khổng lồ, với số lượng và ngành hàng đa dạng. So với các website thương mại điện tử khác, eBay độc đáo hơn ở chỗ, các hàng hóa không được bán với mức giá cố định mà thay vào đó người mua phải tham gia đấu giá. Ai trả giá cao nhất sẽ được sở hữu món hàng đó.

Về bán hàng, eBay giống Shopee ở chỗ ai cũng có thể mở cửa hàng trên eBay và tham gia bán hàng ngay một cách miễn phí. Nếu bán hàng trên Amazon các bạn cần phải cung cấp các giấy tờ cần thiết, làm một vài thủ tục thì Ebay lại tương đối dễ dàng hơn.

Tìm hiểu eBay Selling

Nội địa ế ẩm vì COVID-19, local brand tìm cách “xuất ngoại”

 

Etsy

Etsy là một cộng đồng người mua và người bán trực tuyến tương tự như eBay hay Amazon, điểm mạnh là nó tập trung vào hàng thủ công hoặc hàng cổ điển. Hầu hết các sản phẩm được bán trên Etsy thuộc danh mục đồ nghệ thuật, thủ công, đồ trang sức, hàng giấy, đồ gia dụng, hay thậm chí là đồ ăn. Có thể nói, Etsy là sàn thương mại dành cho các Artist! (nghệ sĩ)

Hiện tại Etsy đang đứng thứ 4 trên thế giới sau Amazon, Aliexpress, eBay. Năm 2020, Etsy có khoảng 3 triệu sellers, phục vụ cho trên 60 triệu buyers đến từ hơn 230 quốc gia (nhiều hơn số quốc gia mà Amazon phục vụ). Lượng hàng bán trên Etsy đạt 5 tỷ đô/năm và mỗi năm tăng trưởng trên 40%. Nếu Amazon bây giờ cạnh tranh khá khốc liệt thì Etsy là một lựa chọn tốt cho những người làm thủ công hay những seller nhỏ tiếp cận thị trường thế giới, đặc biệt là Mỹ, Anh, Úc, Canada, Nhật…

Chi phí bán hàng trên Etsy thấp hơn nhiều so với eBay. Trang này cũng có nhiều phương thức thanh toán, giúp bạn nhận tiền nhanh và dễ dàng hơn (so với eBay chỉ có thể rút qua PayPal). Vì Etsy là sàn chuyên bán các đồ handmade, nên họ đã hợp tác với các hãng vận chuyển chuyên giao nhận đồ phụ kiện nhỏ lẻ. Chính vì vậy, khi bán hàng trên Etsy, bạn có thể giao hàng với mức phí thấp nhất thị trường. Ngoài ra, khi người bán đăng tin sản phẩm lên trên Etsy, mặc định nền tảng này sẽ sử dụng quảng cáo danh sách sản phẩm của Google. Việc quảng cáo này được Etsy thực hiện hoàn toàn miễn phí, người bán không cần phải bỏ ra bất kỳ chi phí quảng cáo nào. Bên cạnh đó, thống kê bán hàng trên Etsy chi tiết, rõ ràng, nhiều công cụ hỗ trợ tăng doanh thu bán hàng cùng đội ngũ hỗ trợ nhiệt tình chính là những điểm cộng khi thương hiệu cân nhắc lựa chọn các sàn bán hàng.

Tìm hiểu thêm về Sell on Etsy

Nội địa ế ẩm vì COVID-19, local brand tìm cách “xuất ngoại”

Taobao

Bạn không thể mở cửa hàng trên Taobao nếu công ty bạn không phải ở Trung Quốc. Vì thế, hầu hết các thương hiệu đều bán hàng thông qua bên thứ ba, có thể gọi là đại lý. Họ đặt và nhập số lượng lớn các sản phẩm của bạn rồi bán lại trên Taobao. Vì thế, để tiếp cận khách hàng Trung Quốc qua Taobao, thương hiệu cần tìm và hợp tác với các đại lý sau đó đóng gói và xuất khẩu hàng đến họ. 

Nội địa ế ẩm vì COVID-19, local brand tìm cách “xuất ngoại”

Tmall Global

Tmall Global có cả 2 hình thức kinh doanh B2C và B2B. Do đó, tham gia sàn thương mại điện tử này, các thương hiệu Việt Nam có thể lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với nhu cầu của mình để thực hiện giao dịch với những đối tác trên toàn thế giới.

Thời gian đăng ký gian hàng B2C trên Tmall Global cần từ 7-12 tuần. Trong thời gian này, đội tư vấn của Tmall Global tại Hàng Châu (Trung Quốc) sẽ tư vấn trực tiếp và theo dõi quá trình đăng ký của thương hiệu và doanh nghiệp gồm trang trí cửa hàng, logistics, thanh toán, hậu mãi. 

Tmall là sàn TMĐT chủ yếu dành cho các thương hiệu trung và cao cấp vì thế yêu cầu sẽ khắt khe và phức tạp hơn.

Nội địa ế ẩm vì COVID-19, local brand tìm cách “xuất ngoại”

AliExpress

AliExpress là một nhánh nhỏ của tập đoàn Alibaba phát triển vào năm 2010. Đây được xem là nơi phân phối hàng hóa từ xưởng sản xuất, nhà cung cấp đến người tiêu dùng cá nhân (B2C) mà không cần thông qua bất cứ một khâu trung gian nào. Chính yếu tố này, giúp cho người tiêu dùng mua được hàng giá rẻ hơn nhiều so với thực tế.

AliExpress không chỉ giới hạn cho nhà cung cấp nội địa, mà cả những nhà cung cấp, xưởng sản xuất, thương hiệu sản phẩm lớn nhỏ ở nước ngoài vẫn có thể đăng ký gian hàng và phân phối trực tiếp trên trang TMĐT này. AliExpress chỉ cung cấp tài nguyên và môi trường hoạt động cho người bán hàng. Về phía người bán, bạn sẽ hoạt động với vai trò là người trực tiếp phân phối, mọi thông tin hàng hóa, giá cả, khuyến mãi của cửa hàng đều do bạn tự đưa ra.

Tìm hiểu AliExpress Global Selling

Nội địa ế ẩm vì COVID-19, local brand tìm cách “xuất ngoại”

Alibaba

Nếu thương hiệu của bạn là xưởng sản xuất hay có nguồn nhập hàng số lượng lớn, bạn nên bán hàng trên Alibaba bởi người mua hàng trên Alibaba đều là người mua sỉ số lượng lớn. Alibaba là cổng kết nối thương mại B2B lớn nhất thế giới. 

Alibaba là trang web bán hàng thích hợp cho các công ty thương mại xuất khẩu, là cách đơn giản để tìm kiếm được khách hàng và những đơn hàng lớn. Tuy nhiên, Alibaba không phù hợp cá nhân vì mở gian hàng mất phí.

Tìm hiểu Alibaba Global

Nội địa ế ẩm vì COVID-19, local brand tìm cách “xuất ngoại”

Shopee

Shopee đã không còn xa lạ gì với người tiêu dùng, thương hiệu Việt nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Chắc không ít lần chúng ta bắt gặp những cửa hàng gắn nhãn “Nước ngoài”, hầu hết là các sản phẩm bán từ Trung Quốc. Vậy làm sao để có thể bán ra nước ngoài như vậy?

Hiện nay Shopee đã triển khai chương trình bán hàng toàn cầu dành cho các nhà bán hàng trên Shopee để có thể tiếp cận đến khách hàng tại Singapore, Malaysia và Philippines với những ưu đãi hỗ trợ cho nhà bán hàng như quy trình xử lý đơn hàng không khác gì trong nước, không phát sinh phí vận chuyển quốc tế cùng đội ngũ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Khi tham gia chương trình này, thương hiệu đăng hàng bán trên nền tảng Shopee Việt Nam sẽ được tự động đồng bộ & hiển thị trên nền tảng Shopee nước ngoài.

Tìm hiểu thêm về Shopee Bán Hàng Toàn Cầu

Nội địa ế ẩm vì COVID-19, local brand tìm cách “xuất ngoại”

Lazada

Kênh bán Lazada ghi nhận khoảng 200 triệu lượt truy cập mỗi tháng chỉ riêng tại khu vực Đông Nam Á. Con số này vẫn tiếp tục tăng hàng ngày chứng tỏ Lazada là một nền tảng mà cơ hội sinh lợi là gần như vô hạn. Với tag ship quốc tế, bạn có thể bán sản phẩm của mình ra các quốc gia khác có sự xuất hiện của nền tảng Lazada như Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Khác với 2 trang bán lớn của Trung Quốc là Tmall Global và JD Worldwide, Lazada cho phép tham gia dễ dàng hơn và tạo điều kiện bán hàng tốt hơn cho người bán. Trang web bán hàng trực tuyến này cho phép người mua lựa chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt, điều mà Amazon không có. Điều này có ý nghĩa rất lớn với những người bán hàng mới tuy nhiên sẽ đối mặt với nguy cơ bị hủy đơn, bị từ chối nhận hàng cao hơn. 

Giống như Amazon, Lazada cung cấp Hệ thống FBL (Fulfillment by Lazada). Bạn không cần phải quản lý tồn kho, chuẩn bị đơn hàng và lo khâu vận chuyển, mà Lazada sẽ làm tất cả những công việc đó thay bạn. Phí sử dụng dịch vụ Fulfillment by Lazada có thể thay đổi tuỳ thuộc vào kích thước sản phẩm. Khi hàng hóa được chuyển đến kho fulfillment, hệ thống sẽ kiểm tra chất lượng, cập nhật lên hệ thống và bạn có thể bắt đầu bán sản phẩm của mình.

Với những điểm hấp dẫn trên, nếu bạn đang muốn phát triển việc kinh doanh của mình với quy mô lớn trên toàn khu vực Đông Nam Á, bán hàng trên Lazada sẽ là một hướng đi không tồi!

Tìm hiểu thêm về LazGlobal

Nội địa ế ẩm vì COVID-19, local brand tìm cách “xuất ngoại”

Hy vọng những thông tin trên sẽ phần nào giúp thương hiệu Việt có thêm những hướng đi mới trong tương lai, kịp thời xoay sở khi có những hoàn cảnh khó khăn tương tự xảy ra ở thị trường nội địa. 


Thực hiện: Mỹ Đỗ

Nguồn ảnh: Internet