Tiềm năng của thị trường dệt may Việt Nam
Ngày đăng: 27/02/24
Trong nhiều thập kỷ, Việt Nam là cơ sở sản xuất chính cho các thương hiệu lớn về may mặc và giày dép trên toàn cầu. Chỉ riêng Nike đã có hơn 100 nhà cung cấp tại Việt Nam, với 96 nhà máy tập trung ở khu vực phía Nam, theo Báo cáo Công nghiệp Sản xuất Giày dép Việt Nam năm 2022 của Research & Markets.
Việt Nam vốn đã là một trung tâm cung ứng quan trọng cho các công ty như Zara, H&M và Nike – và đây còn được xem như là một cách để các thương hiệu giảm tiếp xúc với Trung Quốc. Nhưng các chuyên gia chuỗi cung ứng cho rằng Việt Nam không còn hấp dẫn như trước nữa.
Chuyến thăm Việt Nam của Joe Biden vào tháng 9 được coi là sự chứng thực cho các công ty Mỹ đang muốn tăng cường đầu tư vốn. Địa chính trị và chuỗi cung ứng công nghệ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự này, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của các nhà sản xuất Việt Nam đối với ngành thời trang toàn cầu.
Steve Lamar, chủ tịch Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA), cho biết: “Khi chính sách đối ngoại và thương mại tìm kiếm sự đa dạng hóa từ Trung Quốc… chuyến thăm ngắn ngày của [Biden] đã thu hút sự chú ý đến Việt Nam”. Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, từ năm 2018 đến năm 2022, Việt Nam được xếp hạng là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai sang Mỹ sau Trung Quốc, với giá trị tăng 54,9% trong giai đoạn này.
Lamar cho biết thêm: “Các công ty tiếp tục khám phá các chiến lược phù hợp. Họ đặt ra những câu hỏi như liệu họ có nên mở rộng hoạt động hiện có tại Việt Nam hay không, và liệu họ có nên thêm Việt Nam vào danh sách nguồn cung ứng hay không”. Tuy nhiên, một số nhà máy địa phương đang phải vật lộn để theo kịp các đối thủ ngày càng cạnh tranh trên khắp châu Á. “Bangladesh có chi phí lao động rất thấp; mức lương trung bình là 80 USD [mỗi tháng] so với 130 USD đối với người Việt Nam” – ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết.
VITAS ước tính chi phí nhân công và thuê đất của doanh nghiệp Việt Nam chiếm 32% tổng giá thành sản phẩm dệt may, so với chỉ 12% ở Bangladesh và Campuchia.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngành này đã mất 1,3% thị phần tại Mỹ trong nửa đầu năm ngoái. Nước này cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về đơn đặt hàng từ các khu vực nhập khẩu chính như Mỹ và EU, do nhu cầu mua sắm đã giảm do những khó khăn kinh tế toàn cầu.
Nhà sản xuất giày dép Đài Loan Pouyuen – nhà sản xuất giày cho Adidas, Nike và Reebok – đã sa thải hơn 8.000 công nhân tại Việt Nam trong hai đợt do không đủ đơn đặt hàng vào năm ngoái. Trong khi đó, theo nguồn tin địa phương, Tổng công ty May Sài Gòn có khoảng 4.000 công nhân vào năm 2019 đã sa thải hàng nghìn người.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Thành Công, cho biết trong báo cáo thường niên 2022 của công ty: “Hầu hết các công ty trong ngành đều thiếu đơn hàng hoặc phải chấp nhận đơn hàng giá thấp hơn để duy trì sản xuất và giữ chân công nhân” – một khách hàng của công ty xuất khẩu chia sẻ.
Trong nhiều thập kỷ, Việt Nam là cơ sở sản xuất chính cho các thương hiệu lớn về may mặc và giày dép trên toàn cầu. Chỉ riêng Nike đã có hơn 100 nhà cung cấp tại Việt Nam, với 96 nhà máy tập trung ở khu vực phía Nam, theo Báo cáo Công nghiệp Sản xuất Giày dép Việt Nam năm 2022 của Research & Markets.
Leif Schneider, cố vấn pháp lý tại Công ty tư vấn Luther Việt Nam và Phó Chủ tịch Ủy ban Lĩnh vực Pháp lý của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam đã trải qua một trong những giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất về năng lực sản xuất và chế biến trên thế giới kể từ đầu những năm 2000”.
Nhìn chung, cả nước có khoảng 6.000 công ty sản xuất dệt may, sử dụng 2,5 triệu lao động, với các thị trường xuất khẩu hàng đầu là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2022, xuất khẩu đạt 37,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Việt Nam.
Chiến lược “China Plus One”
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã phải chứng kiến sự gia tăng các công ty thời trang kết hợp với các cơ sở sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chris Rogers, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chuỗi cung ứng của S&P Global Market Intelligence, khẳng định: “Nguyên nhân chính khiến cho các công ty tìm nguồn cung ứng ở Việt Nam là do họ muốn giảm chi phí và rủi ro chính trị tại Trung Quốc”.
Chiến lược China Plus On, một chiến lược kinh doanh mà các thương hiệu sử dụng để không chỉ tập trung vào Trung Quốc mà còn tìm kiếm các tùy chọn sản xuất và cung ứng khác. Họ muốn giảm bớt tác động của những rủi ro như biến động giá, thách thức về nguồn nhân công, và rủi ro địa chính trị,… Và chiến lược này giúp doanh nghiệp đảm bảo tính linh hoạt và đa dạng trong hoạt động kinh doanh.
Nhiều công ty muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và họ ‘kết bạn’ với Việt Nam như một cách để theo đuổi chiến lược ‘China Plus One’ (C+1). Thậm chí trước đó, các công ty đã tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế ở Việt Nam do chi phí lao động ở Trung Quốc tăng cao.
Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), có hiệu lực từ tháng 8/2020, đã thúc đẩy làn sóng đầu tư từ các công ty châu Âu vào Việt Nam. Ông nói thêm: “[Thỏa thuận] đã mở đường cho việc gia tăng thương mại giữa EU và Việt Nam và nhằm mục đích loại bỏ gần 99% thuế hải quan hiện có giữa các quốc gia thành viên”.
Một năm sau khi EVFTA được phê chuẩn, nhà sản xuất quần áo thể thao ngoài trời Spectre của Đan Mạch đã bắt đầu xây dựng nhà máy thứ ba tại tỉnh An Giang với khoản đầu tư khoảng 17 triệu USD, tạo ra khoảng 2500 việc làm tại địa phương. Năm 2022, thương hiệu trang sức Đan Mạch Pandora tuyên bố họ đang đầu tư 100 triệu USD vào một cơ sở mới ở miền Nam Việt Nam – cơ sở sản xuất đầu tiên của công ty bên ngoài Thái Lan.
Theo CBI, Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu từ các nước đang phát triển, Việt Nam được xếp hạng là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ năm sang EU vào năm ngoái sau Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, với giá trị xuất khẩu là 4,4 tỷ euro (4,7 tỷ USD).
Sự leo thang gần đây của căng thẳng địa chính trị Trung-Mỹ và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra đã khiến một số công ty để ý đến Việt Nam.
Nhà sản xuất TAL Apparel có trụ sở tại Hồng Kông, hiện đang là nhà sản xuất của Brooks Brothers, Hugo Boss, Michael Kors, JC Penney và LL Bean, đã mở rộng thị trường sang Việt Nam cách đây 20 năm. Nhưng vào năm 2015, khi công ty mở nhà máy thứ hai tại Việt Nam, Việt Nam đã trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất của TAL.
“Chúng tôi có một phần ba sản lượng được sản xuất ở Trung Quốc, một phần ba ở Malaysia và một phần ba ở Thái Lan và Indonesia. Nhưng những quốc gia này lại tốn chi phí khá cao” – theo Roger Lee, Giám đốc điều hành của TAL Apparel cho biết – “Vì vậy, chúng tôi cần nghĩ xem lĩnh vực tiếp theo mà chúng tôi có thể hướng tới sẽ có chi phí lao động thấp hơn để chúng tôi tăng khả năng cạnh tranh”.
Lợi thế chi phí đáng kể cho phép các công ty phân bổ nhiều ngân sách hơn cho các ưu tiên khác như nghiên cứu và phát triển.
Điều này giúp giải thích tại sao các công ty thời trang từ các nước châu Á khác cũng đang tăng cường đầu tư vào nước này. Theo Nikkei Asia, kể từ năm 2022, các công ty Nhật Bản, bao gồm Adastria, Aoyama Trading và Matsuoka Corporation đã tăng cường sản xuất tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Năm ngoái Nhật Bản vượt EU trở thành thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch khoảng 3 tỷ USD.
Mặc dù Việt Nam chưa đạt đến mức độ tinh vi như Trung Quốc về công nghệ và cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng, nhưng Việt Nam lại có lợi thế tương đối ở những mặt khác. Rogers cho biết: “Mặc dù Việt Nam không còn là một thị trường mới nhưng vẫn có những lợi ích khi bây giờ mới đầu tư vào đây: các công ty khác đã trả chi phí phát triển nhân sự và đầu tư doanh nghiệp”. Nhưng môi trường chính trị và kinh tế ổn định của Việt Nam cũng góp phần tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
“Việt Nam có tầm nhìn dài hạn về nơi họ muốn đưa nền kinh tế đến. Họ kiểm soát tỷ lệ lạm phát và hệ thống lương cho nhân viên rất tốt. Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam sẽ xem xét những gì Trung Quốc làm và cố gắng học hỏi những điều tốt” – Lee nói.
Mặc dù tăng trưởng GDP ở Việt Nam giảm xuống còn 5,05% trong năm nay so với mức 8,02% của năm ngoái, do xuất khẩu giảm và đầu tư công yếu trong bối cảnh chống tham nhũng đang được tăng cường. Nhưng Capital Economics đã dự đoán tăng trưởng trong năm tới sẽ quay trở lại mức 6,05%.
Những rủi ro và thách thức hoạt động tiềm ẩn
Là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu bông từ Trung Quốc để duy trì sản xuất, điều này tạo ra rủi ro đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chuỗi cung ứng địa phương đã phải đối mặt với sự gián đoạn đáng kể kể từ khi Đạo luật ngăn chặn ‘cưỡng bức lao động’ tại Tân Cương (UFLPA) có hiệu lực ở Mỹ vào năm 2022, hạn chế sử dụng bông được sản xuất ở khu vực này của Trung Quốc do lo ngại về nhân quyền.
Ngoài ra, còn có các yếu tố khác có nguy cơ làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Những thay đổi gần đây trong chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của quốc gia này có thể làm giảm phần nào hoạt động sản xuất trong nước. Hai ưu đãi chính – ưu đãi thuế và thuế suất ưu đãi – đã giảm bớt gánh nặng thuế cho doanh nghiệp nhưng Quốc hội Việt Nam đã công bố vào cuối năm ngoái rằng họ sẽ áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) là 15% kể từ đầu năm nay.
Điều đó cho thấy, các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam về đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu vực từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia cũng đã đồng ý áp dụng GMT.
Danh tiếng của Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa kinh doanh phức tạp cũng khiến một số công ty nước ngoài không muốn đặt trụ sở. Mặc dù đã hội nhập gần như hoàn toàn vào hệ thống tư bản toàn cầu, Việt Nam vẫn là một quốc gia có nền kinh tế thị trường theo xã hội chủ nghĩa.
Schneider cho biết: “Tương tự như các thị trường đang phát triển khác ở Đông Nam Á, Việt Nam tiềm ẩn một số rủi ro nhất định liên quan đến khung pháp lý tương đối mơ hồ dành cho nhiều nỗ lực đầu tư nước ngoài. Các thủ tục gia nhập thị trường thông thường có thể kéo dài và gặp phải những trở ngại không lường trước được.”
Ông kết luận: “Để duy trì danh tiếng là điểm đến thuận lợi cho các hoạt động sản xuất trong khu vực và toàn cầu, Việt Nam nên tiếp tục cải thiện khung pháp lý cho đầu tư nước ngoài và mặt hành chính”.
Sống xanh – mục tiêu bền vững của những công ty sản xuất
Các chuyên gia đã tư vấn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cải thiện tính bền vững của dây chuyền sản xuất để tiếp tục xuất khẩu sang các thị trường phương Tây như châu Âu. Quy định về thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) của EU, đặt ra các tiêu chuẩn thiết kế tối thiểu cho sản phẩm về khả năng tái chế, độ bền, khả năng tái sử dụng, khả năng sửa chữa và sử dụng các chất độc hại, sẽ có hiệu lực đầy đủ vào năm tới.
Christina Dean, một người ủng hộ thời trang bền vững, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Redress có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết: “Các nhà tái chế đang chuyển sang Việt Nam vì có nguồn nguyên liệu thô dồi dào. Nhưng những gì bạn cần để có một chuỗi giá trị tái chế phù hợp: bạn không chỉ cần những người tái chế mà còn cần những người sản xuất sợi để tạo ra nguyên liệu tái chế thành sản phẩm mới. Trung Quốc với ngành dệt may và thời trang phát triển hơn nhiều nên có công nghệ kéo sợi tiên tiến hơn nhưng Việt Nam hiện vẫn chưa có”.
Theo ông Giang, khoảng 80% doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Việt Nam đang gặp khó khăn khi chính phủ Hoa Kỳ thực hiện các tiêu chuẩn xanh gần đây. Tuy nhiên, vẫn có một số nhà máy đã chuyển đổi sang sản xuất dệt may thân thiện với môi trường hơn khi triển khai các sáng kiến nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu.
Tập đoàn Hansae của Hàn Quốc, đơn vị sản xuất của Gap, H&M, Zara, có kế hoạch mở một nhà máy sản xuất sợi bông tái chế mới với nhà sản xuất sợi tròn Recover ở miền Nam Việt Nam. Tập đoàn đã ký thỏa thuận với công ty con của Tập đoàn Dệt May Việt Nam để phát triển mạng lưới phân phối toàn diện từ sợi đến dệt, nhuộm và may, hoàn toàn dành cho hàng tái chế.
Saitex, nhà sản xuất vải denim có trụ sở tại Việt Nam, sở hữu khá nhiều các chứng chỉ về tính bền vững. Mặc dù được đánh giá là có thành tích tương đối cao so với một số chỉ số nhất định, Saitex vẫn gặp khó khăn trong việc xây dựng danh tiếng của mình. Năm ngoái, khoảng 300 công nhân đã đình công sau khi bị phạt vì những sai sót trong sản phẩm.
Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 22 lên vị trí cao nhất thứ 15 về chỉ số phúc lợi của người lao động trong khoảng thời gian từ Quý 4 năm 2022 đến Quý 4 năm 2023. Trong khi đó, Indonesia xếp thứ 30 và Mỹ thứ 130 trong Quý 4 năm 2024. Theo một nghiên cứu về ngành may mặc của Việt Nam, chúng ta có thể biết rằng 6% công nhân tham gia có khả năng rơi vào tình trạng lao động cưỡng bức. Nhưng mỗi thị trường tìm nguồn cung ứng đều có những thách thức, rào cản và nhược điểm riêng, Rogers gợi ý. Ông nói: “Các quốc gia khác nhau có những rủi ro khác nhau”.
Rogers cho biết sản xuất tại Việt Nam có thể sẽ tiếp tục mở rộng trong 5 năm tới, nhưng những thách thức mới có thể xuất hiện khi chi phí tăng và lợi thế của nước này so với các nước đối thủ cạnh tranh bị giảm đi. Lamar cho biết: “Giống như tất cả các nguồn cung ứng khác, Việt Nam cần liên tục đánh giá lợi thế cạnh tranh của mình là gì. Họ cũng cần tăng cường các hoạt động bền vững, chẳng hạn như sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo từ mặt trời và gió”.
“Áp lực cạnh tranh này sẽ chỉ gia tăng khi các thương hiệu và nhà bán lẻ đang tìm cách đầu tư vào nguồn cung ứng mới trên khắp Châu Á, Châu Phi và Tây Bán cầu. Mặc dù động lực đó sẽ không ảnh hưởng đến Việt Nam trong ngắn hạn nhưng nó có thể đặt ra những thách thức cạnh tranh đáng kể trong trung và dài hạn” – Lamar kết luận.
Chuyển ngữ từ bài viết Should Fashion Invest More in Vietnamese Manufacturing? trên Business of Fashion
Thực hiện: Mỹ Tâm