Triển lãm “Otherwise – Mặt Khác”: Mặt Phố – Mặt Chùa – Mặt Chợ – Phố cổ Hà Nội một Mặt Khác

Ngày đăng: 18/09/24

Ngắm nhìn “Mặt khác” – Lời tri ân của những đứa con thủ đô. 

Là dự án sáng tạo bởi ba nghệ sĩ gạo cội của Hà Nội trong các lĩnh vực hội hoạ, văn học và điêu khắc, gồm họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, triển lãm “Mặt Khác – Otherwise” gây chú ý khi trưng bày hơn 150 mặt nạ điêu khắc được làm từ chất liệu gốm và giấy bồi, được trưng bày tại Hội Quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm từ ngày ngày 13/9 tới ngày 10/11.

Hơn cả lời tri ân của ba nghệ sĩ với Thủ đô, triển lãm “Otherwise – Mặt Khác” còn là nỗ lực chia sẻ khó khăn, mất mát của đồng bào sau bão Yagi, với toàn bộ doanh thu triển lãm được quyên góp vào Quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của Báo An ninh Thủ đô.

Triển lãm sẽ trưng bày hơn 150 mặt nạ điêu khắc được tạo hình dựa trên khuôn mặt của ba nghệ sĩ bởi nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, sử dụng các chất liệu truyền thống như gốm và giấy bồi hay cả vàng, được trang trí bởi các hoa văn truyền thống và tên những con phố, tên chợ Hà Nội, hay các câu văn, câu kinh Phật. Đây là những kĩ thuật quen thuộc để truyền tải những thông điệp mới, tôn vinh những giá trị xưa cũ của thành phố, đồng thời hòa trộn ngôn ngữ nghệ thuật chung của cả ba nghệ sĩ. Nói cách khác, tại Mặt khác, ba nghệ sĩ không cố gắng đưa ra những ý tưởng quá mới mẻ, mà tạo ra sự khác biệt bằng chính những hình thức, chủ đề và đối tượng nghệ thuật truyền thống. 

Ba nghệ sĩ với ba cách thể hiện khác nhau đã tạo ra ba chủ đề chính cho triển lãm: Mặt Phố, Mặt Chùa, Mặt Chợ. Dù theo đuổi những con đường nghệ thuật riêng, cả ba đều chia sẻ chung một tình yêu sâu sắc với Hà Nội. Đó là điều đã gắn kết họ trong suốt ba thập kỷ qua.

Nguyễn Việt Hà chọn Mặt Phố, từ chính tình yêu dành cho những ngõ phố Hà Nội, nơi khơi nguồn cảm hứng bất tận của anh trong văn học. Với anh, các mặt nạ được khắc họa không chỉ là những khuôn mặt mà còn là những mảnh ghép của cuộc sống nơi phố phường Hà Nội. Đối với Lê Thiết Cương, Mặt Chùa là lựa chọn tự nhiên từ sự gần gũi với Phật giáo, đức tin đã ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách nghệ thuật và con người của anh, với những tác phẩm mang đậm triết lí Phật giáo cũng như sự tĩnh lặng giữa dòng đời xô bồ. Còn Đinh Công Đạt, người lớn lên giữa những khu chợ Hà Nội, mang vào tác phẩm của mình sự lộn xộn và nhộn nhịp của những khu chợ xưa, đã chọn Mặt Chợ, như cách để gợi nhớ lại bầu không khí thân quen và hỗn loạn của phố cổ.

Triển lãm “Otherwise – Mặt Khác” không cố gắng tạo ra những ý tưởng nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ mà thay vào đó, các nghệ sĩ đã sử dụng lại những yếu tố truyền thống để truyền tải thông điệp của mình. Nguyễn Việt Hà đã viết lại những câu văn kinh điển từ sách của mình lên mặt nạ, trong khi đó Lê Thiết Cương dùng những câu kinh Phật, còn Đinh Công Đạt sử dụng tên những con phố, khu chợ, món ăn quen thuộc của Hà Nội.triển lãm mặt khác

Sự khác biệt ở đây chính nằm tại người xem, được cảm nhận thông qua tổng hòa những cách làm, thông điệp truyền thống, nơi ba nghệ sĩ đã tạo ra một triển lãm mà mỗi tác phẩm đều tôn vinh giá trị xưa cũ của Hà Nội. Với họ, Hà Nội không chỉ là một thành phố vật chất mà còn là một di sản văn hóa phi vật thể, nơi chứa đựng những giá trị không thể phai mờ theo thời gian.

Dù theo đuổi những con đường khác nhau trong lĩnh vực hội họa, điêu khắc và văn học, mối liên kết sâu sắc với thành phố đã truyền cảm hứng để họ cùng  nhau thực hiện dự án. Qua những tác phẩm này, các nghệ sĩ mong muốn tái  hiện linh hồn của những con phố cổ, ngôi chùa và khu chợ Hà Nội – nơi đã hình thành nên cuộc sống và hành trình nghệ thuật của họ. Từ đó, ba nghệ sĩ mong muốn đem đến những góc nhìn nghệ thuật về Thủ đô thân thiện, mộc mạc và  gần gũi hơn tới giới trẻ.

triển lãm mặt khác

Đây không chỉ là một triển lãm nghệ thuật tôn vinh tình bạn giữa ba nghệ sĩ mà còn là một minh chứng sống động cho di sản văn hóa của Hà Nội và sự ảnh  hưởng sâu sắc của thành phố đối với con người. triển lãm mặt khác

triển lãm mặt khác

Thực hiện: Khánh Hòa